II – Một số vấn đề cần chú ý khi áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
2. Thuộc trường hợp ít nghiêm trọng
Thuộc trường hợp ít nghiêm trọng là trường hợp tội phạm mà người phạm tội thực hiện gây nguy hại không lớn cho xã hội. Ví dụ: Trộm cắp tài sản có giá trị từ 500.000 đồng đến dưới 50 triệu đồng nhưng không gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, trước hết thuộc trường hợp tội phạm mà người phạm tội thực hiện là tội ít nghiêm trọng quy định ở khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Bộ luật hình sự thì tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù. Ví dụ: Tội giết con mới đẻ (Điều 94); tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 95; tội xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; tội ở lại nước ngoài hoặc ở Việt Nam trái phép (Điều 274)... Do cấu tạo của Bộ luật hình sự nên có tội phạm điều luật chỉ quy định một khung hình phạt. Ví dụ: Tội giết con mới đẻ quy định tại Điều 94 Bộ luật hình sự chỉ có một khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Nhưng đa số tội phạm điều luật quy định nhiều khung hình phạt mỗi khung hình phạt tương ứng với một khoản của điều luật. Ví dụ: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự có tới 4 khung hình phạt tương ứng với 4 khoản (trừ khoản 5 quy định hình phạt bổ sung). Trong đó, khoản 1 có khung hình phạt từ cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm; khoản 2 có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù; khoản 3 có khung hình phạt từ năm năm đến mười lăm năm tù và khoản 4 có khung hình phạt từ mười năm đến hai mươi năm tù hoặc tù chung thân. Có thể nói tội có ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của người khác là tội phạm được cấu tạo bao gồm đầy đủ cả bốn loại tội: Khoản 1 là tội phạm ít nghiêm trọng, khoản 2 là tội phạm nghiêm trọng, khoản 3 là tội phạm rất nghiêm trọng, khoản 4 là tội phạm đắc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên không phải tội phạm nào cũng được cấu tạo như tội có ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của người khác mà tuỳ thuộc vào tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà nhà làm luật quy định là loại tội phạm nào. Có tội phạm luôn luôn là tội ít nghiêm trọng. Ví dụ: tội có ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng quy định tại Điều 106 Bộ luật hình sự, cả khoản 1 và khoản 2 đều là tội phạm ít nghiêm trọng; có tội phạm luôn luôn là tội đặc biệt nghiêm trọng. Ví dụ: Tội phá hoại hoà bình, gây chiến tranh xâm lược quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự, tội chống loài người quy định tại Điều 342 Bộ luật hình sự, tội phạm chiến tranh quy định tại Điều 343 Bộ luật hình sự; có tội phạm vừa tội ít nghiêm trọng
vừa là tội nghiêm trọng hoặc vừa là tội nghiêm trọng vừa là tội rất nghiêm trọng hoặc vừa là tội rất nghiêm trọng vừa là tội đặc biệt nghiêm trọng... Vì vậy, khi cần xác định tội phạm nào là tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng phải căn cứ vào khung hình phạt đối với tội ấy.
Trước hết, căn cứ để xác định tội phạm ít nghiêm trọng là hành vi phạm tội gây nguy hại cho xã hội không lớn. Đại lượng không lớn mà nhà làm luật quy định có thể được xác định ngay trong điều luật. Ví dụ: gây thương tích cho người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30 % ( khoản 1 Điều 104) hoặc trộm cắp tài sản từ 2.000.000 đến 50.000.000 đồng (khoản 1 Điều 138). Nhưng cũng có thể do các cơ quan tiến hành tố tụng xác định. Ví dụ: hành vi dùng vũ lực hoặc có hành vi nghiêm trọng khác cản trở phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội (Điều 130) phải có sự đánh giá thế nào là hành vi nghiêm trọng khác hoặc nếu xác định hành vi phạm tội chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì chưa phải là tội phạm nghiêm trọng mà vẫn là tội phạm ít nghiêm trọng. Ví dụ: Một người trộm cắp từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 nếu chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì vẫn thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự là tội phạm ít nghiêm trọng, nhưng nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì thuộc trường hợp quy định tại điểm g khoản 2 Điều 138 Bộ luật hình sự là tội phạm nghiêm trọng. Như vậy, nhà làm luật chỉ đưa ra tiêu chí để phân biệt tội phạm và trong nhiều trường hợp tiêu chí đó đã được quy định ngay trong điều khoản của Bộ luật hình sự, nhưng cũng không ít trường hợp việc xác định tội phạm ít nghiêm trọng lại do chính các cơ quan tiến hành tố tụng.
Bộ luật hình sự quy định tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà không quy định gây thiệt hại không lớn cho xã hội. Do đó, cần phải hiểu rằng nguy hại cho xã hội và thiệt hại cho xã hội không phải là một, có trường hợp chưa gây thiệt hại nhưng đã gây nguy hại lớn cho xã hội. Ví dụ: Hành vi hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân mặc dù chưa gây thiệt hại (chưa lật đổ được chính quyền nhân dân) vẫn bị coi là hành vi gây nguy hại rát lớn hoặc đặc biệt lớn cho xã hội (Điều 78 Bộ luật hình sự). Ngược lại, có hành vi gây thiệt hại lớn cho
xã hội nhưng lại chưa bị coi là gây nguy hại lớn cho xã hội. Ví dụ: Hành vi cản trở giao thông đường bộ gây thiệt nghiêm trọng đến sức khoẻ, tài sản nhưng chỉ bị coi là hành vi gây nguy hại không lớn cho xã hội, nên hành vi này cũng chỉ là hành vi phạm tội ít nghiêm trọng ( khoản 1 Điều 203 Bộ luật hình sự).
Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội là tiêu chí cơ bản đẻ xác định tội phạm ít nghiêm trọng nhưng nếu chỉ căn cứ vào tiêu chí này thì cũng chưa thể xác định tội phạm đó là tội phạm ít nghiêm trọng hay nghiêm trọng mà phải căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy. Mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội phạm ít nghiêm trọng là đến ba năm tù. Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là đến ba năm tù không có nghĩa là tội phạm đó có mức cao nhất của khung hình phạt nhất thiết là ba năm tù mà có thể dưới ba năm tù, thậm chí không có hình phạt tù. Ví dụ: Tội vi phạm chế đọ một vợ một chồng quy định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật hình sự có mức cao nhất của khung hình phạt là một năm tù; tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác quy định tại khoản 1 Điều 125 Bộ luật hình sự có mức cao nhất của khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến một năm ... Các tội phạm này mức cao nhất của khung hình phạt không phải là ba năm tù, thậm chí không phải là hình phạt tù.
Ngoài những tội ít nghiêm trọng, người phạm tội lần đầu đối với các tội nghiêm trọng, nhưng do có các tình tiết đặc biệt của vụ án làm cho trường hợp phạm tội cụ thể đó thành ít nghiêm trọng thì cũng thuộc tình tiết giảm nhẹ này. Tuy nhiên chỉ coi là trường hợp ít nghiêm trọng, nếu khung hình phạt đối với tội ấy có mức thấp nhất từ 3 năm tù trở xuống và khi quyết định hình phạt, Toà án cũng chỉ xử phạt bị cáo không quá 3 năm tù. Ví dụ: Khoản 1 Điều 97 về tội Làm chết người trong khi thi hành công vụ có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù là tội nghiêm trọng. Nhưng người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, Toà án chỉ xử phạt bị cáo với hình phạt từ 3 năm tù trở xuống thì vẫn coi đây là trường hợp ít nghiêm trọng.
Thực tiễn áp dụng tình tiết giảm nhẹ này, có Toà án chỉ xác định “bị cáo phạm tội lần đầu” mà không xác định xem bị cáo phạm tội có thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hay không nhưng vẫn áp dụng điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự; có Toà án cũng biết là bị cáo phạm tội không phải là lần đầu mà chỉ thuộc trường hợp lần đầu bị “đưa ra xét xử” nhưng cũng áp dụng điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Ngược lại có Toà án cho rằng bị cáo có nhiều hành vi phạm tội cùng một tội, nhưng nếu tách riêng từng hành vi ra thì chưa cấu thành tội phạm và tội phạm đó là tội phạm ít nghiêm trọng nhưng Toà án lại cho rằng bị cáo phạm tội nhiều lần chứ không phải là phạm tội lần đầu. Ví dụ: Ngày 03-4-2008, Phạm Quốc T trộm cắp tài sản trị giá 800.000 đồng, ngày 13-4-2008 T lại trộm cắp tài sản trị giá 1.200.000 đồng và ngày 31-5-2008 T lại trộm cắp tài sản có giá trị 300.000 đồng thì bị bắt và bị truy tố về tội trộm cắp tài sản theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự. Trong trường hợp này, nếu tách từng hành vi của Phạm Quốc T thì chưa có lần nào cấu thành tội trộm cắp, nhưng nếu tính cả 3 lần trộm cắp thì hành vi của Phạm Quốc T mới cầu thành tội trộm cắp tài sản và thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự có mức cao nhất của khung hình phạt là ba năm tù và là tội phạm ít nghiêm trọng, nên hành vi của Phạm Quốc T được coi là phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng.
Về “Trường hợp ít nghiêm trọng”, thực tiễn xét xử hầu hết các Toà án chỉ áp dụng đối với tội ít nghiêm trọng tức là tội mà họ bị truy tố, xét xử có mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù, rất ít trường hợp Toà án áp dụng đối với những tội nghiêm trọng, chưa có trường hợp nào Toà án áp dụng đối với tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.
Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử có ý kiến cho rằng, Bộ luật hình sự có quy định “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” ở một số điều luật cụ thể nên người phạm tội chỉ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ này nếu họ phạm tội lần đầu và tội phạm đó Bộ luật hình sự có quy định là “thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”. Ví dụ: Huỳnh Thị C lần đầu phạm tội gián điệp thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 80 Bộ luật hình sự thì mới được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm
trọng” vì khoản 2 Điều 80 Bộ luật hình sự quy định “phạm tội trong trường hợp ít nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”.
Theo quan điểm trên, thì tình tiết “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” chỉ được áp dụng đối với rất ít trường hợp, vì Bộ luật hình sự chỉ có một số tội phạm nhà làm luật quy định “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” như: tội giấn điệp (khoản 2 Điều 80); tội phá hoại cơ sở vật chất-kỹ thuật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khoản 2 Điều 85); tội phá hoại chính sách đoàn kết (khoản 2 Điều 86); tội phá hoại chính sách đoàn kết (khoản 2 Điều 87) và tội chống phá trại giam (khoản 2 Điều 90). Ngoài các tội phạm trên, thì không còn tội phạm nào nhà làm luật quy định “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng”.
Đúng là Bộ luật hình sự có một số điều luật nhà làm luật quy định “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” và cũng chỉ đối với một số tội xâm phạm an ninh quốc gia nhưng không vì thế mà cho rằng các tội phạm khác không có trường hợp ít nghiêm trọng. Mặt khác, các tội phạm quy định tại các Điều 80, 85, 86, 87 và 90 là các tội xâm phạm an ninh quốc gia đều là các tội đặc biệt nghiêm trọng, trường hợp ít nghiêm trọng đối với các tội phạm này mà nhà làm luật quy định cũng là tội phạm nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng, không có trường hợp nào là tội phạm ít nghiêm trọng. Hơn nữa, tình tiết “phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” quy định tại khoản 2 các Điều 80, 85, 86, 87 và 90 đã là tình tiết định khung hình phạt nên nó cũng không còn là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự nữa. Vì vậy, tình tiết “phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng” chỉ áp dụng đối với các tội phạm mà nhà làm luật không quy định là tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt.
Về ảnh hưởng của các tình tiết giảm nhẹ trong việc quyết định hình phạt
Điều 45 Bộ luật hình sự (BLHS) Việt Nam năm 1999 quy định: “Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự”.
Như vậy, luật quy định các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự là một trong những căn cứ cần thiết để Tòa án xem xét khi quyết định hình phạt. Do đó, việc nghiên cứu khái niệm, đặc điểm và vai trò của các tình tiết giảm nhẹ đến việc quyết định hình phạt có ý nghĩa lý luận – thực tiễn và pháp lý rất quan trọng trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự để giải quyết đúng đắn vụ án hình sự và vấn đề trách nhiệm hình sự và hình phạt của người phạm tội, cũng như thể hiện rõ nội dung của phương châm “nghiêm trị kết hợp với khoan hồng”, “trừng trị kết hợp với giáo dục” trong chính sách hình sự của Nhà nước ta.