Đánh giá kết quả trúng thầu

Một phần của tài liệu Khảo sát hoạt động đấu thầu thuốc tại thành phố đà nẵng năm 2013 (Trang 61)

Đánh giá nhà thầu

Số lượng nhà thầu tham gia dự thầu trong năm 2013 dù đã tăng hơn so với năm 2012 nhưng vẫn khá thấp. Số lượng, tỷ lệ nhà thầu trúng thầu cũng thấp hơn nhiều so với các tỉnh thành khác có tổ chức đấu thầu theo thông tư 01. SYT Đà Nẵng chỉ có 6 nhà thầu trúng thầu trên cả 3 gói thầu. Trong khi đó theo báo cáo kết quả đấu thầu của một số tỉnh thành tính đến tháng 4 năm 2014, số lượng và tỷ lệ nhà thầu trúng thầu khá cao: SYT Nghệ An có 124 nhà thầu trúng thầu, SYT Bình Phước có 115 nhà thầu trúng thầu, SYT Cần Thơ có 131 nhà thầu trúng thầu,...[38]. Điều này cho thấy việc thông báo mời thầu và việc thu hút các nhà thầu tham dự của SYT Đà Nẵng chưa hiệu quả. Mặt khác, trong năm 2013, SYT Đà Nẵng lền đầu tiên triển khai thông tư 01 vào hoạt động đấu thầu thuốc. Theo hướng dẫn của thông tư này, các nhà thầu trúng thầu ngoài việc phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm, tài chính, thì giá trúng thầu phải là giá thấp nhất không vượt quá giá trần, nên tính cạnh tranh giữa các nhà thầu cao hơn, làm giảm tỷ lệ nhà thầu trúng thầu.

Trong 6 nhà thầu trúng thầu, chỉ có 1 nhà thầu chính cung cấp hơn 90% nhu cầu thuốc kế hoạch đó là công ty cổ phần Dược-Thiết bị y tế Đà Nẵng Dapharco. Đây là công ty dược tuyến tỉnh, đã có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong việc

cung ứng thuốc cho các bệnh viện trong thành phố Đà Nẵng, có lợi thế về mặt địa lý nên giảm bớt chi phí trong quá trình vận chuyển thuốc và giảm được giá dự thầu, nắm bắt được nhu cầu sử dụng thuốc cũng như mô hình bệnh tật của người dân trong địa bàn nên có nhiều loại thuốc phù hợp với danh mục mời thầu. Ngoài ra công ty còn được hưởng chính sách bảo hộ doanh nghiệp địa phương của UBND.

Việc chỉ có một nhà thầu chính sẽ tạo ra mối quan hệ khăng khít giữa nhà thầu với các CSYT, thuận lợi cho việc thương thảo, ký kết và thực hiện hợp đồng, thỏa thuận khi có sự thay đổi trong hợp đồng. Tuy nhiên, chỉ có 1 nhà thầu chính cung ứng 1 lượng lớn thuốc cho toàn bộ các CSYT trong địa bàn có thể dẫn đến nguy cơ không đủ thuốc để cung ứng, và nếu nhà thầu gặp rủi ro sẽ ảnh hưởng mạnh đến cung ứng thuốc cho toàn thành phố.

Đánh giá danh mục thuốc trúng thầu

Tỷ lệ thuốc có nhà thầu tham dự thầu khá cao (85,68% tổng số thuốc mời thầu). Vẫn còn 222 thuốc (chiếm 13,32%) không có nhà thầu dự thầu. Đây đa phần là các thuốc có số lượng dự kiến sử dụng ít và/hoặc giá áp thầu thấp. Vì khi tham gia đấu thầu, nhà thầu phải mất nhiều thời gian, công sức, chi phí để chuẩn bị các nội dung yêu cầu. Mà thực tế, bệnh viện có thể không sử dụng hoặc sử dụng với số lượng rất nhỏ, nên nhà thầu khó có lãi, thậm chí bị lỗ khi dự thầu các thuốc này.

Số lượng thuốc mời thầu của từng gói thầu có sự chênh lệch khá lớn. Trong đó, gói thầu số 2 Thuốc theo tên generic chiếm đến 85,96% tổng số thuốc mời thầu, gấp 10 lần số thuốc của gói thầu số 1 thuốc biệt dược và tương đương điều trị, gấp 16 lần số thuốc của gói thầu thuốc đông y và thuốc từ dược liệu. Theo hướng dẫn của thông tư 01, gói thầu thuốc theo tên biệt dược chỉ gốm 2 loại: các biệt dược gốc hoặc thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm do Bộ Y tế ban hành. Còn đối với gói thầu thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, thông tư 01 không chỉ rõ cách thức xây dựng gói thầu. Mặt khác, trong thực tế điều trị, nhu cầu sử dụng các loại thuốc này tại các bệnh viện là rất ít. Riêng đối với gói thầu thuốc theo tên generic, thông tư 01 đã chia cụ thể thành 5 nhóm: nhóm thuốc sản xuất tại các nước tham gia EMC, ICH, PIC/S; nhóm thuốc sản xuất tại các cơ sở sản xuất thuốc đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn

GMP – WHO theo khuyến cáo của WHO được Bộ Y tế Việt Nam cấp giấy chứng nhựng; nhóm thuốc không thuộc 2 nhóm trên; nhóm thuốc sản xuất nhượng quyền tại Việt Nam; nhóm thuốc có chứng minh tương đương sinh học do Bộ Y tế công bố. Nhờ đó, SYT Đà Nẵng có cơ sở để xây dựng danh mục thuốc theo tên generic với số lượng hạng mục lớn.

Hạn chế về việc xây dựng danh mục thuốc mời thầu đã được khắc phục một phần trong thông tư 36 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính. Cách thức xây dựng gói thầu thuốc đông y, thuốc từ dược liệu được bổ sung với 2 nhóm: Nhóm thuốc được sản xuất tại cơ sở đạt tiêu chuẩn WHO – GMP do BYT Việt Nam cấp giấy chứng nhận và nhóm thuốc được sản xuất tại cơ sở chưa được BYT Việt Nam cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn WHO – GMP. Đối với gói thầu thuốc theo tên generic, nhóm 1 và nhóm 2 đều được chia thành 2 phân nhóm nhỏ hơn có sự khác biệt về tiêu chí kỹ thuật và tiêu chuẩn công nghệ.

Theo một nghiên cứu về hoạt động đấu thầu thuốc những năm gần đây, trong số các tỉnh áp dụng hình thức đấu thầu tập trung, có đến 77,5% số tỉnh đạt tỷ lệ thuốc trúng thầu so với số lượng thuốc mời thầu từ 80% trở lên [19]. Như vậy, con số 64,51% của SYT Đà Nẵng trong năm 2013 là tương đối thấp, mặc dù đây là kết quả của cả 2 đợt đấu thầu. Nguyên nhân là do: việc xây dựng giá kế hoạch của SYT chưa hợp lý, các nhà thầu không dự thầu hoặc chào giá cao hơn giá kế hoạch; nhiều hạng mục có số lượng sử dụng dự kiến quá thấp.

Tỷ lệ thuốc trong nước rúng thầu thấp hơn thuốc nhập khẩu, nhưng tỷ lệ chênh lệch nhỏ (5,60%). Kết quả này khá phù hợp với số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, theo đó 50% trị giá thuốc tiêu dùng trong nước được nhập khẩu từ nước ngoài. Điều này cũng cho thấy những chính sách của BYT trong việc khuyến khích sử dụng thuốc trong nước đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, tỷ lệ này khác nhau giữa các gói thầu. Trong đó, gói thầu thuốc đông y, thuốc từ dược liệu có đến 85,71% thuốc sản xuất trong nước. Có được kết quả này không chỉ nhờ truyền thống lâu đời về thuốc đông y, thuốc từ dược liệu mà còn là kết quả các chính sách phát triển y dược học cổ truyền và công nghiệp dược của Đảng và Nhà nước [6], [21]. Trái

ngược với thuốc đông y, thuốc từ dược liệu, toàn bộ thuốc biệt dược phục vụ cho điều trị vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Có thể lý giải như sau: trong hác bệnh viện hạng 1, 2, 3 thuộc hệ thống CSYT trực thuộc SYT, chỉ có bệnh viện Đà Nẵng là bệnh viện đa khoa, còn lại là các bệnh viện chuyên khoa; nên nhu cầu sử dụng thuốc chuyên khoa, thuốc biệt dược sẽ lớn. Năng lực sản xuất thuốc trong nước còn hạn chế nên các thuốc chuyên khoa, thuốc biệt dược chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài. Kết quả này cũng phản ánh phần nào năng lực của nền sản xuất dược phẩm nước ta: công nghiệp dược Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn là công nghiệp bào chế đơn giản, hàm lượng kỹ thuật thấp [16], chất lượng thuốc còn thấp, mang nặng tính chất thương mại hơn là phục vụ.

Thuốc nước ngoài trúng thầu vào SYT Đà Nẵng trong năm 2013 có nguồn gốc xuất xứ rất đa dạng (từ 42 quốc gia). Trong đó, thuốc sản xuất tại Ấn Độ chiếm tỷ trọng cao nhất về số lượng thuốc (11,6% tổng lượng thuốc trúng thầu tương đương với 22,0% tổng lượng thuốc nước ngoài trúng thầu), sau đó là Hàn Quốc. Dù trong thời gian vừa qua thuốc của Ấn Độ và Hàn Quốc đã nhiều lần bị thu hồi do chất lượng không đảm bảo. Tổng hợp các công văn thu hồi thuốc của Cục Quản lý dược – Bộ Y tế thu được kết quả như sau: tính riêng năm 2013, trong tổng số 35 thuốc bị thu hồi có 19 thuốc sản xuất tại Ấn Độ và 4 thuốc sản xuất tại Hàn Quốc [10]. Trên thực tế, thuốc sản xuất tại Ấn Độ, Hàn Quốc có giá thuốc thấp nên thường thắng thế khi đấu thầu, đặc biệt là khi triển khai thông tư 01 vào đấu thầu thuốc. Theo nội dung của thông tư 01, thang điểm chấm thầu không có các tiêu chí để phân loại chất lượng thuốc, các nhà thầu chỉ cần vượt qua mức điểm 70 sẽ được xem xét giá dự thầu. Với tiêu chuẩn xét giá trúng thầu là giá thấp nhất và không vượt quá giá trần, thì chắc chắn các loại thuốc rẻ như của Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc ... sẽ được lựa chọn. Như vậy, hoạt động đấu thầu năm 2013 của SYT Đà Nẵng theo thông tư 01 đã tạo điều kiện cho các thuốc kém chất lượng trúng thầu.

Dù tỷ lệ giữa thuốc trong nước và thuốc nước ngoài trúng thầu là xấp xỉ nhau, nhưng giá trị tiền thuốc của thuốc trong nước chỉ bằng 1/3 thuốc nước ngoài.

Điều này cho thấy nếu tăng tỷ trọng thuốc sản xuất trong nước trong danh mục thuốc trúng thầu có thể làm giảm chi phí mua thuốc tại các CSYT.

Khi phân tích cơ cấu thuốc trúng thầu, nhóm thuốc điều trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn chiếm đến ¼ số lượng thuốc trúng thầu và gần một nửa tổng giá trị tiền thuốc. Số lượng thuốc của nhóm này gấp đôi nhóm đứng thứ 2 là nhóm thuốc tim mạch. Nhóm thuốc điều trị ung thư và điều hòa miễn dịch tuy có số lượng thuốc ít nhất trong 7 nhóm thuốc chính (chiếm 5% tổng danh mục trúng thầu) nhưng giá trị tiền thuốc đứng thứ 2 chỉ sau nhóm thuốc điều trị ký sinh trùng, chống nhiễm khuẩn. Nhu cầu sử dụng thuốc đã phản ánh mô hình bệnh tật của thành phố Đà Nẵng cũng tương đồng với mô hình bệnh tật chung của cả nước đó là đang trong giai đoạn chuyển đổi phức tạp từ các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh mãn tính, gia tăng nhanh chóng các bệnh không lây như tim mạch, ung thư,...tuy nhiên, các bệnh truyền nhiễm vẫn là các bệnh phổ biến nhất.

Đánh giá giá thuốc trúng thầu

Theo kết quả của các nghiên cứu trước đây về hoạt động đấu thầu thuốc theo thông tư 10 tại các CSYT và các bệnh viện, giá thuốc trúng thầu thường có xu hướng tăng lên theo từng năm. Tuy nhiên, trong kết quả đấu thầu thuốc năm 2013 của SYT Đà Nẵng thì đa số các thuốc được khảo sát có giá trúng thầu giảm (88,69% tổng lượng thuốc trúng thầu giống nhau giữa năm 2012 và năm 2013). Đây là một kết quả khác biệt thể hiện ưu điểm lớn nhất của thông tư 01 đó là tiết kiệm đáng kể giá trị tiền thuốc tại các CSYT, đồng thời giảm chi phí thuốc phải thanh toán của cơ quan bảo hiểm y tế.

Tiến hành so sánh giá trúng thầu của một số thuốc có số lượng sử dụng và tổng giá trị trúng thầu lớn của SYT Đà Nẵng với các tỉnh thành có điều kiện tự nhiên- xã hội tương tự, ta thu được kết quả như sau:

Giá thuốc trúng thầu của SYT Đà Nẵng có sự chênh lệch rất ít so với các tỉnh thành khác, một số thuốc gần như không có sự khác nhau. Ví dụ: Meronem (AstraZeneca – Ý) trúng thầu với giá 803.710 đồng/1 đv ở Đà Nẵng, Nghệ An, Bình Định; Natacyn (Alcon – Ý) đều có giá trúng thầu là 910.999 đồng/1đv ở Đà Nẵng,

Nghệ An, Bình Định, Khánh Hòa... Như vậy, việc thực hiện thông tư 01 đã làm giảm khoảng giá thuốc chênh lệch giữa các hội đồng thầu khác nhau, góp phần bình ổn thị trường dược phẩm trong nước.

Tuy nhiên, cũng có một số thuốc có giá trúng thầu ở Đà Nẵng chênh lệch khá nhiều so với các tỉnh khác. Thuốc Tienam (Merck Sharp & Dohme Corp – Liên doanh Mỹ/Úc) trúng thầu ở Đà Nẵng với giá 336.300 đồng/lọ, thấp hơn 4,07% so với Thanh Hóa (350.000 đồng/lọ), thấp hơn 10,10% so với Nghệ An (370.260 đồng/lọ); Calcium Hasan (Hasan – Việt Nam) có giá trúng thầu ở Đà Nẵng là 1.680 đồng/1viên, cao hơn 6,25% so với Khánh Hòa và Bình Định (cùng có giá 1.575 đồng/viên)... Cá biệt có những thuốc chênh lệch trên 20% như Octride 100 (Sun Pharma - Ấn Độ) trúng thầu ở Đà Nẵng với giá 175.995 đồng/ống, cao hơn 20,45% so với Thanh Hóa và Nghệ An (140.000 đồng/ống) và hơn 18,21% so với Bình Định (143.955 đồng/ống)

KẾT LUẬN 1. Quy trình đấu thầu thuốc

Năm 2013, Sở Y tế thành phố Đà Nẵng tổ chức đấu thầu mua thuốc theo hình thức đấu thầu tập trung. Việc đấu thầu thuốc tuân theo đúng các quy định hiện hành nhưng vẫn còn nhiều khó khăn và bất cập.

Qui trình đấu thầu tiến hành đầy đủ các bước cơ bản của một quy trình đấu thầu.

Kế hoạch được xây dựng sớm. Tuy nhiên, thời gian thực hiện kéo dài do nhiều vấn đề phát sinh trong lần đầu tiên triển khai thông tư 01.

Danh mục thuốc xây dựng thiếu các căn cứ xác đáng, chủ yếu dựa trên nhu cầu thuốc của năm trước. Việc xác định giá thuốc kế hoạch còn chưa sát với tình hình thực tế, do chưa có một nguồn dữ liệu đầy đủ, đáng tin cậy và cập nhật về giá thuốc hiện nay.

Các gói thầu trong HSMT được phân chia thành 3 gói theo đúng quy định của thông tư 01. Tuy nhiên, gói thầu thuốc biệt dược và gói thầu thuốc đông y, thuốc từ dược liệu chưa có các tiêu chí để phân nhóm.

Các bước chấm thầu được thực hiện đầy đủ, khoa học và minh bạch. Các tiêu chí chấm thầu tương đối đầy đủ bao gồm tiêu chuẩn về kinh nghiệm, năng lực nhà thầu, tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm, tiêu chuẩn xét giá trúng thầu. Nhưng vấn đề về chất lượng sản phẩm (như nguồn nguyên liệu, kết quả thử tương đương sinh học,...) chưa có tiêu chí đánh giá phù hợp.

Các giai đoạn đấu thầu đều tiến hành thủ công, hoặc ứng dụng rất ít công nghệ tin học, làm tốn nhiều thời gian, nhân lực và vật lực.

Một phần của tài liệu Khảo sát hoạt động đấu thầu thuốc tại thành phố đà nẵng năm 2013 (Trang 61)