Ảnh hưởng của giao dịch tư lợi trong hoạt động kinh doanh

Một phần của tài liệu Pháp luật về kiểm soát giao dịch tư lợi trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam (Trang 29)

6. Kết cấu của luận văn

1.1.4. Ảnh hưởng của giao dịch tư lợi trong hoạt động kinh doanh

các ngân hàng thương mại

Ngân hàng thương mại về bản chất cũng là một doanh nghiệp nhưng hoạt động trong lĩnh vực đặc thù đó là lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Giao dịch tư lợi dù nảy sinh trong ngân hàng thương mại hay trong doanh nghiệp thông thường cũng mang đầy đủ các đặc điểm như đã phân tích ở trên. Tuy nhiên, hậu quả mà nó gây ra cho các ngân hàng thương mại lại có nhiều điểm tương đối khác biệt so với hậu quả gây ra cho các doanh nghiệp thông thường khác.

1.1.4.1. Ảnh hưởng tới hoạt động của các ngân hàng thương mại

Giao dịch tư lợi trong ngân hàng, về bản chất cũng là sự chuyển dịch ngầm một phần lợi ích của ngân hàng cho cá nhân hoặc một nhóm người. Chính vì thế, ngân hàng là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên và trực diện. Sự xâm phạm đến lợi ích ngân hàng thể hiện rõ nhất bản chất tiêu cực của các giao dịch loại này. Những lợi ích bị xâm phạm có thể là những lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất.

Là công cụ để hợp pháp hóa một phần lợi ích chung thành lợi ích của người quản lý, giao dịch tư lợi trước hết gây ra những thiệt hại về tài sản cho ngân hàng. Tài sản ngân hàng rơi dần vào tay của người trục lợi khiến cho nguồn vốn đầu tư bị thất thoát. Số lượng các giao dịch tư lợi càng nhiều đẩy ngân hàng vào tình trạng không đủ vốn để tái đầu tư. Điều này không những làm cho ngân hàng mất đi một nguồn tài chính để trang trải chi phí hoạt động mà còn làm mất đi những cơ hội kinh doanh quý báu của ngân hàng. Do đó, trong nhiều trường hợp, thiệt hại tính được bằng tiền mà ngân hàng phải gánh chịu lớn hơn rất nhiều so với số tài sản mà người có ý đồ trục lợi tư túi được.

Thứ hai, dưới con mắt các nhà đầu tư, sự thất thoát tài sản là dấu hiệu

của sự yếu kém về mặt quản lý. Có học giả cho rằng, ngân hàng kinh doanh chủ yếu bằng uy tín. Nếu không có niềm tin vào uy tín của ngân hàng, người

23

gửi tiền sẽ chọn hình thức tích lũy khác thay vì gửi tiền vào nhà băng. Nhà đầu tư sẽ chọn hình thức đầu tư khác thay vì góp vốn vào ngân hàng. Chính vì vậy, giao dịch tư lợi khiến cho uy tín của ngân hàng bị giảm sút. Điều này kéo theo một loạt các hệ lụy như người gửi tiền đồng loạt rút tiền ồ ạt, ngân hàng gặp khó khăn trong việc huy động thêm vốn nhàn rỗi trong dân để mở rộng đầu tư… Khi niềm tin bị suy giảm, các nhà đầu tư hiện tại và các nhà đầu tư đang mong muốn đầu tư vào ngân hàng cũng ngần ngại trong việc bỏ vốn đầu tư. Họ lo ngại đồng vốn họ bỏ ra bị chảy sang túi lợi ích của riêng người quản lý, sử dụng đồng vốn. Đồng thời, đồng vốn bỏ ra không được tối đa hóa lợi nhuận.

Hơn nữa, nếu giao dịch tư lợi được thực hiện một lần thì nó sẽ có xu hướng được tái diễn. Chủ thể của hành vi tư lợi sẽ tìm đến chính đối tác đã thực hiện giao dịch tư lợi với mình để thực hiện phi vụ tiếp theo. Đây là một nguyên nhân làm thu hẹp kênh đầu tư của ngân hàng, khiến ngân hàng không thể tiếp cận những đối tác thích hợp và có lợi nhất với nó.

1.1.4.2. Ảnh hưởng tới người chủ sở hữu ngân hàng

Cũng giống như các công ty khác, ngân hàng được thành lập vì mục đích tối đa hóa lợi nhuận của các nhà đầu tư. Nhà đầu tư mong muốn rằng, thông qua ngân hàng, họ có thể sử dụng đồng vốn của mình một cách hiệu quả nhất và thu về lợi ích lớn nhất. Tuy nhiên, các giao dịch tư lợi trong ngân hàng lại ngăn cản mong muốn chính đáng này của họ. Chính sự di chuyển ngầm một lượng lợi ích của ngân hàng vào túi riêng một cá nhân hay nhóm lợi ích đã khiến hoạt động kinh doanh của ngân hàng bị giảm sút. Điều này làm cho nguồn vốn chẳng những không sinh lời mà còn bị hao hụt. Hành vi tư lợi khiến cơ hội kinh doanh của nhà đầu tư trở nên lãng phí. Thay vì đầu tư vào ngân hàng, nhà đầu tư có thể bỏ vốn vào một tổ chức khác có cơ chế quản lý đồng vốn tốt hơn. Hơn nữa, nếu ngân hàng rơi vào tình trạng phải đóng cửa, nhà đầu tư có thể không nhận được đầy đủ số vốn đầu tư ban đầu chứ chưa nói đến các khoản lợi nhuận khác.

24

Không chỉ làm mất đi niềm tin của chủ sở hữu ngân hàng, giao dịch tư lợi còn tác động vào quyết định đầu tư của chủ sở hữu hiện tại. Ngân hàng phải đối mặt với tình trạng một số chủ sở hữu ban đầu thoái vốn để bảo toàn vốn. Ngoài ra, khi cần có thêm vốn chủ để tăng sức mạnh và tiềm lực ngân hàng, việc huy động thêm vốn từ những bên ngoài đã khó, huy động vốn từ các chủ sở hữu hiện tại còn khó khăn hơn. Họ không muốn bỏ thêm vốn vì lo sợ đồng vốn sẽ từ từ chảy vào túi riêng của cá nhân hay nhóm cá nhân có tham muốn tư lợi trong ngân hàng. Vì vậy, cơ chế kiểm soát đồng vốn tốt không chỉ là phương thuốc bảo vệ sức khỏe của ngân hàng mà thực chất là bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu ngân hàng.

1.1.4.3. Ảnh hưởng tới chủ nợ của ngân hàng

Cũng như rất nhiều chủ thể kinh doanh khác trong nền kinh tế, ngoài số vốn ban đầu, ngân hàng cũng cần vay vốn để thực hiện các dự án kinh doanh. Một trong những hoạt động kinh doanh chính và nguyên thủy của các ngân hàng là đi vay để cho vay. Do đó, không thể không nhắc tới người gửi tiền- chủ nợ chính của các ngân hàng. Như đã nói, giao dịch tư lợi làm thất thoát tài sản ngân hàng, gây ảnh hưởng tới tình hình tài chính của ngân hàng. Đặc biệt trong những trường hợp số tiền tư lợi lên đến hàng tỷ đồng thì ngân hàng khó có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh có hiệu quả. Điều này có nghĩa là ngân hàng dùng số tiền đi vay để đầu tư nhưng không có lãi hoặc bị lỗ. Vì thế, ngân hàng gặp khó khăn trong việc trả lãi cho người gửi tiền. Quyền lợi của người gửi tiền vì thế khó có thể được đảm bảo tốt nhất.

Ngoài ra, trong trường hợp ngân hàng kinh doanh không hiệu quả phải đóng cửa, các giao dịch tư lợi có thể khiến ngân hàng không có đủ tài sản để trả cho các chủ nợ của nó. Một trong nhiều chủ nợ của các ngân hàng chính là các ngân hàng. Trong hoạt động kinh doanh của mình, ngân hàng cũng phải vay vốn từ các ngân hàng bạn. Do đó, việc không có tài sản để trả nợ cho ngân hàng bạn cũng khiến ngân hàng bạn phải đối mặt với những ảnh hưởng tương tự như đối với ngân hàng đi vay. Nếu ngân hàng đi vay là con nợ của

25

nhiều ngân hàng khác thì việc không trả được nợ có thể tác động xấu tới an toàn của cả hệ thống ngân hàng.

1.1.4.4. Ảnh hưởng tới an toàn của hệ thống ngân hàng

Các ngân hàng là những chuỗi mắt xích không thể thiếu trong hệ thống ngân hàng. Vì vậy, bất cứ dấu hiệu khác thường nào của một ngân hàng cũng có thể gây ra những ảnh hưởng tới toàn bộ hệ thống. Thực tế đã chứng minh sự mất an toàn của một ngân hàng có thể gây ra sự mất an toàn cho cả hệ thống. Bởi vì như đã phân tích ở trên, giữa các ngân hàng luôn tồn tại đồng thời nhiều mối quan hệ với nhau, khi là đối tác, khi là chủ nợ… Ở mối quan hệ nào, sự suy yếu của một bên cũng tất yếu gây ra những rủi ro cho bên còn lại. Khác với rủi ro của các doanh nghiệp thông thường, rủi ro trong ngân hàng thường mang tính dây chuyền và hệ thống. Chính vì vậy, ngân hàng hoạt động không lành mạnh, kém hiệu quả có thể dẫn đến sự yếu kém của toàn bộ hệ thống ngân hàng. Để cho hệ thống được ổn định, cần tăng cường sức mạnh của từng thành viên trong hệ thống. Kiểm soát và ngăn chặn các giao dịch tư lợi là biện pháp để bảo vệ sức mạnh của các ngân hàng.

Một phần của tài liệu Pháp luật về kiểm soát giao dịch tư lợi trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại ở Việt Nam (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)