Quyền chuyển hình phạt

Một phần của tài liệu Luận văn ths luật quyền sửa bản án sơ thẩm của tòa án phúc thẩm theo bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (Trang 46)

2.2.4.1. Quyền chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn

Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn là việc Tòa án cấp phúc thẩm chuyển từ áp dụng loại hình phạt có mức độ nghiêm khắc cao hơn sang áp dụng loại hình phạt có mức độ nghiêm khắc ít hơn đối với bị cáo. Ví dụ: chuyển từ hình phạt tử hình sang tù chung thân, từ tù chung thân sang tù có thời hạn, hoặc từ tù có thời hạn sang cải tạo không giam giữ. Đây là trường hợp mới so với quy định của BLTTHS năm 1988. Mức độ nghiêm khắc cao hơn hay ít hơn của hình phạt được áp dụng đối với bị cáo thể hiện thông qua việc bị cáo sẽ phải chịu những tổn thất cao hay thấp về các phương diện quyền, lợi ích, tự do, thậm chí là tính mạng.

Trong hệ thống hình phạt quy định tại Điều 28 BLHS 2003, các nhà làm luật đã sắp xếp thứ tự các hình phạt chính theo mức độ từ nhẹ đến nặng. Tuy nhiên đối với các hình phạt bổ sung thì không thể căn cứ vào trật tự sắp xếp để xác định hình phạt nào nhẹ hơn hình phạt nào, và kể cả trong tư duy chủ quan cũng không thể xác định được loại nào nhẹ hơn loại nào. Chính vì vậy trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm sửa án theo hướng chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn chỉ áp dụng đối với các hình phạt chính, không áp dụng đối với hình phạt bổ sung. Tòa án cấp phúc thẩm không nhất thiết phải chuyển sang áp dụng hình phạt khác nhẹ hơn theo đúng thứ tự các hình phạt được quy định tại Điều 28 BLHS, ví dụ: Bị cáo bị kết án về tội “Đánh

40

bạc” theo Điều 248 BLHS, Tòa án sơ thẩm phạt bị cáo 06 tháng tù giam, xét thấy có căn cứ Tòa án cấp phúc thẩm có thể sửa án, áp dụng hình phạt tiền, phạt bị cáo 30.000.000đ, không buộc phải giảm hình phạt xuống hình phạt nhẹ hơn liền kề là cải tạo không giam giữ.

Riêng hình phạt trục xuất: hiện nay có hai quan điểm khác nhau về mức độ nặng nhẹ của hình phạt này so với các loại hình phạt khác. Quan điểm thứ nhất cho rằng tuy trục xuất là hình phạt áp dụng đối với người nước ngoài, nhưng được sắp xếp tại quy định về hình phạt chính thì phải coi hình phạt trục xuất nhẹ hơn hình phạt tù có thời hạn và nặng hơn cải tạo không giam giữ. Quan điểm thứ hai cho rằng: không thể coi trục xuất là hình phạt nặng hơn cải tạo không giam giữ hoặc nhẹ hơn hình phạt tù có thời hạn. Chúng tôi ủng hộ quan điểm thứ hai vì các lý do sau đây:

Xét về nhân thân thì người phạm tội luôn thuộc một trong ba đối tượng: hoặc là người Việt Nam, hoặc là người có quốc tịch nước ngoài, hoặc là người không có quốc tịch (thường trú hoặc không thường trú ở Việt Nam). Điều 32 BLHS quy định rõ hình phạt trục xuất được áp dụng đối với “người nước ngoài bị kết án” và người đó phải cư trú ở Việt Nam. Theo Điều 3 Luật quốc tịch nước ta năm 2008 thì “người nước ngoài cư trú ở Việt nam là công dân nước ngoài và người không quốc tịch thường trú hoặc tạm trú ở Việt Nam”. Tuy nhiên, bản chất của trục xuất là buộc người bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam, và khi rời khỏi lãnh thổ Việt Nam thì phải có điểm đến, tức là người bị kết án phải có nước tiếp nhận khi bị buộc rời khỏi Việt Nam. Đối với người không có quốc tịch thường trú hoặc tạm trú ở Việt Nam không phải là công dân của quốc gia nào nên sẽ không có nước tiếp nhận, thì sẽ không áp dụng hình phạt trục xuất, và như vậy có thể hiểu hình phạt trục xuất được áp dụng đối với công dân nước ngoài. Với tính chất riêng biệt về đối tượng áp dụng như vậy nên nếu xét trục xuất trong hệ thống

41

các hình phạt chính thì không thể coi trục xuất là hình phạt nặng hơn hay nhẹ hơn hình phạt nào.

Trong vụ án có đồng phạm, Tòa án cấp phúc thẩm có thể chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn cho cả bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo kháng nghị.

2.2.4.2. Quyền chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn

Khoản 3 Điều 249 BLTTHS không quy định Tòa án cấp phúc thẩm được sửa hình phạt theo hướng chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn, tuy nhiên trong thực tiễn các Tòa án cấp phúc thẩm vẫn sửa án theo hướng này như: Sửa hình phạt từ cải tạo không giam giữ sang tù giam, sửa từ hình phạt tù giam sang tù chung thân hay tù chung thân sang tử hình. Thông thường các trường hợp quyết định chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn thường đi kèm với việc áp dụng điều luật của BLHS về tội nặng hơn.

Ví dụ: Vụ án Lý Minh Luối (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau) phạm tội “Giết người”. Tại bản án hình sự sơ thẩm số 28/2008/HSST ngày 14-4-2008, TAND tỉnh Cà Mau áp dụng Khoản 2 Điều 93; Điểm p Khoản 1 và Khoản 2 Điều 46 BLHS, xử phạt Lý Minh Luối 09 năm tù về tội “Giết người”. Tại bản án hình sự phúc thẩm số 647/2008/HSPT ngày 20-6-2008, Tòa phúc thẩm TANDTC tại thành phố Hồ Chí Minh sửa bản án sơ thẩm áp dụng Điểm n Khoản 1 Điều 93 BLHS, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn, xử phạt Lý Minh Luối tù chung thân về tội “Giết người" [44].

Nguyên nhân của thực trạng trên là do các tội phạm tại BLHS thường quy định có nhiều loại hình phạt được lựa chọn để áp dụng đối với người phạm tội. Ví dụ như: Khoản 1 Điều 202 BLHS quy định người phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù đến ba năm. Mặt khác TANDTC chưa có giải

42

thích rõ “tăng hình phạt” cho bị cáo là chỉ được tăng trong phạm vi cùng loại hình phạt mà Tòa án sơ thẩm đã tuyên, nên đã dẫn đến cách hiểu và áp dụng không đúng là được chuyển từ áp dụng loại hình phạt nhẹ sang áp dụng loại hình phạt nặng hơn, vì điều khoản về tội danh áp dụng với bị cáo có quy định loại hình phạt nặng hơn được lựa chọn áp dụng.

Như vậy, quá trình nghiên cứu hoàn thiện BLTTHS cũng cần có sự sửa đổi bổ sung thêm quy định cho phép Tòa án cấp phúc thẩm được sửa bản án sơ thẩm “chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn” khi có kháng cáo, hoặc kháng nghị có yêu cầu.

Một phần của tài liệu Luận văn ths luật quyền sửa bản án sơ thẩm của tòa án phúc thẩm theo bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (Trang 46)