Giải pháp hoàn thiện quy định của pháp luật

Một phần của tài liệu Luận văn ths luật quyền sửa bản án sơ thẩm của tòa án phúc thẩm theo bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (Trang 68)

Quy định về thẩm quyền sửa bản án sơ thẩm của Tòa án cấp phúc thẩm theo Khoản 1 Điều 249 BLTTHS hiện hành theo chúng tôi là chưa đầy đủ và chưa có sự thống nhất trong cách hiểu. Do đó để nâng cao hiệu quả trong áp dụng quy định sửa bản án sơ thẩm, thì giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là phải hoàn thiện quy định Điều 249 BLTTHS. Quá trình hoàn thiện phải được dựa trên các nguyên tắc là thực hiện đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, lợi ích của xã hội, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Mặt khác, những nội dung hoàn thiện phải được đúc kết từ thực tiễn thi hành, và phải phù hợp với các nguyên tắc chung

62

của pháp luật hình sự và TTHS, nhằm phát huy hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm trong thời kì mới. Căn cứ vào các nguyên tắc trên, chúng tôi đề xuất sửa đổi hoàn thiện Điều 249 BLTTHS năm 2003 như sau:

Theo cách hiểu chung thì quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 249 BLTTHS khi sửa hình phạt cho bị cáo chuyển từ hình phạt tù giam sang hình phạt tù cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm bắt buộc phải “giữ nguyên mức hình phạt tù” đối với bị cáo. Như đã phân tích tại Chương 2, quy định này nếu đúng vậy là cứng nhắc, không cần thiết và không phù hợp với thực tiễn thi hành. Theo cách hiểu hiện nay thì căn cứ vào Điểm c Khoản 1 và Khoản 3 Điều 249 BLTTHS Tòa án cấp phúc thẩm có thể tăng hoặc giảm hình phạt cho bị cáo, còn việc có cho bị cáo được hưởng án treo hay không lại phải căn cứ vào Điều 60 BLHS, vì vậy thực tiễn rất nhiều Tòa án cấp phúc thẩm đã giảm, thậm chí tăng mức hình phạt tù sau đó quyết định cho bị cáo được hưởng án treo. Để phù hợp với thực tiễn xét xử, chúng tôi đề xuất sửa đổi Điểm đ Khoản 1 Điều 249 theo hướng linh hoạt hơn là không buộc Tòa án cấp phúc thẩm phải giữ nguyên mức hình phạt tù khi cho bị cáo được hưởng án treo nữa.

Cụ thể: “đ) Chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn hoặc cho bị cáo hưởng án treo”

Đối với những nội dung của bản án sơ thẩm mà Tòa án cấp phúc thẩm được sửa theo quy định tại Khoản 1 Điều 249 vẫn còn thiếu. Ngoài việc quyết định tội danh, hình phạt chính, trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với bị cáo thì tại bản án sơ thẩm còn quyết định các vấn đề khác như: hình phạt bổ sung, các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự, xử lý án phí, các điều luật áp dụng đối với bị cáo, thời gian thử thách của án treo… Mặc dù chưa quy định nhưng các nội dung này có sai sót trong thực tế vẫn được sửa tại Tòa án cấp phúc thẩm ngay cả khi không có kháng cáo kháng nghị

63

Trường hợp khác, theo quy định tại Điều 231 BLTTHS “Người được Tòa án tuyên là không có tội có quyền kháng cáo phần lý do bản án sơ thẩm đã tuyên họ không có tội”, nếu họ thấy lý do Tòa án đưa ra đối với sự vô tội của họ không đúng với thực tế khách quan, ảnh hưởng tới danh dự của họ. Xét thấy kháng cáo là có căn cứ thì đây cũng là một trong những nội dung của bản án sơ thẩm mà Tòa án cấp phúc thẩm phải sửa chữa để bảo đảm quyền lợi cho người được tuyên là vô tội. Do đó, Điều 249 BLTTHS không quy định về sửa nội dung phần nhận định lý do người đó được tuyên là không có tội là thiếu, không phù hợp với các quy định khác, ảnh hưởng tới quyền lợi của người kháng cáo. Từ các phân tích trên, khi hoàn thiện quy định về quyền sửa bản án sơ thẩm thì cần bổ sung thêm một Điểm vào Khoản 1 Điều 249, cụ thể:

“e) Các sai sót khác của bản án sơ thẩm và lý do bản án sơ thẩm tuyên một người là vô tội”.

Khoản 2 Điều 249 quy định việc xem xét sửa bản án theo hướng có lợi cho cả những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo kháng nghị, nhưng chỉ xem xét với 4 hình thức là: Giảm hình phạt, áp dụng điều khoản BLHS về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo. Trong vụ án đồng phạm, nếu bị cáo đầu vụ được miễn trách nhiệm hình sự do sự chuyển biến của tình hình làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, thì cũng cần xem xét miễn trách nhiệm hình sự cho cả các bị cáo đồng phạm khác. Trường hợp miễn hình phạt cũng tương tự như vậy. Do đó, theo chúng tôi cần sửa đổi Khoản 2 Điều 249 như sau:

“Nếu có căn cứ, Tòa án cấp phúc thẩm có thể miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt hoặc áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn; cho

64

hưởng án treo cho cả những bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng

cáo, kháng nghị”

Nghiên cứu Khoản 3 Điều 249 BLTTHS thấy rằng điều luật còn quy định thiếu những chủ thể có quyền kháng cáo theo hướng không có lợi cho bị cáo. Theo nội dung của điều luật thì người có quyền kháng cáo tăng nặng hình phạt cho bị cáo là “người bị hại”, người có quyền kháng cáo tăng mức bồi thường thiệt hại chỉ là “người bị hại” và “nguyên đơn dân sự”. Trong khi đó Điều 231 BLTTHS quy định “Bị cáo, người bị hại, người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo bản án hoặc quyết định sơ thẩm”, và “Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định liên quan đến việc bồi thường thiệt hại”.

Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP ngày 08/12/2005 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần thứ tư “xét xử phúc thẩm” của Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định chủ thể kháng cáo và phạm vi kháng cáo bao gồm: Người bị hại, người đại diện hợp pháp (đại diện theo pháp luật) của người bị hại trong trường hợp người bị hại chết hoặc trong trường hợp người bị hại là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất có quyền kháng cáo toàn bộ bản án hoặc quyết định sơ thẩm theo hướng có lợi cho bị cáo hoặc theo hướng làm xấu hơn tình trạng của bị cáo; Nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ (đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền) có quyền kháng cáo phần bản án hoặc quyết định sơ thẩm có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại. Như vậy, rõ ràng các chủ thể được quy định có quyền kháng cáo bản án theo hướng không có lợi cho bị cáo được quy định tại Khoản 2 Điều 249 BLTTHS chưa đầy đủ.

Bên cạnh đó, như đã phân tích tại Chương 2, Khoản 3 Điều 249 BLTTHS chưa quy định trường hợp “chuyển sang hình phạt khác thuộc loại

65

nặng hơn” khi có kháng cáo của người bị hại hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát. Theo chúng tôi cần bổ sung các vấn đề trên vào Khoản 3 Điều 249 BLTTHS như sau:

“3. Trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc người bị hại,

người đại diện hợp pháp của người bị hại kháng cáo yêu cầu thì Tòa án cấp phúc thẩm có thể tăng hình phạt, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn, áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn; tăng mức bồi

thường thiệt hại, nếu có kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc kháng cáo của

người bị hại, nguyên đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ; nếu có

căn cứ, Tòa án vẫn có thể giảm hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự

về tội nhẹ hơn, chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, cho hưởng án treo, giảm mức bồi thường thiệt hại”.

BLTTHS năm 2003 không quy định trường hợp bản án cấp sơ thẩm tuyên miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo thì Tòa án cấp phúc thẩm được quyền sửa án theo hướng buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc phải chịu hình phạt. Theo chúng tôi bản chất của việc sửa bản án sơ thẩm là những nội dung gì tại bản án sơ thẩm đã tuyên nhưng chưa đúng thì thay đổi lại cho đúng, nếu chưa tuyên thì không thể sửa, bởi không thể sửa cái chưa có. Vì vậy trong trường hợp này nếu Tòa án cấp phúc thẩm xét thấy việc bản án sơ thẩm tuyên miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt cho bị cáo là không thỏa đáng thì phải xử y án sơ thẩm, sau đó thực hiện các thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại.

Một phần của tài liệu Luận văn ths luật quyền sửa bản án sơ thẩm của tòa án phúc thẩm theo bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (Trang 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)