Khoản 3 Điều 249 BLTTHS quy định khi Viện kiểm sát kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu thì Tòa án cấp phúc thẩm có quyền sửa hình phạt nặng hơn bằng cách tăng hình phạt. Tăng hình phạt đối với bị cáo là việc Tòa án cấp phúc thẩm quyết định một mức hình phạt nặng hơn so với mức hình phạt mà Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo trong cùng một loại hình phạt. Ví dụ: Tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo 02 năm tù giam, Tòa án cấp phúc thẩm xem xét quyết định tăng hình phạt, phạt bị cáo 03 năm tù giam.
Muốn tăng hình phạt cho bị cáo thì bản án sơ thẩm phải tuyên phạt bị cáo một hình phạt nhất định rồi (chứ không phải chưa tuyên hình phạt, hoặc tuyên miễn hình phạt) thì Tòa án cấp phúc thẩm mới có thể xem xét tăng hình phạt. Theo thạc sĩ Đinh Văn Quế đã viết:
Tòa án cấp phúc thẩm không có quyền biến không thành có, tức là Tòa án cấp sơ thẩm chưa quyết định hình phạt đối với bị cáo thì dù có kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc kháng cáo của người bị hại thì Tòa án cấp phúc thẩm cũng không được áp dụng hình phạt đối với bị cáo, vì như vậy không phải là tăng hình phạt mà là quyết định hình phạt đối với bị cáo [20, tr.330].
Toà án cấp phúc thẩm có thể tăng cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung nhưng chỉ được tăng mức hình phạt trong phạm vi loại hình phạt và trong phạm vi điều khoản bị cáo bị áp dụng.Ví dụ: Toà án cấp sơ thẩm phạt bị cáo 01 năm cải tạo không giam giữ về tội “Trộm cắp tài sản” theo Khoản 1 Điều 138 BLHS, xét thấy việc áp dụng Khoản 1 Điều 138 đối với bị cáo là đúng nhưng mức phạt cải tạo không giam giữ chưa đủ tính răn đe, Toà án cấp phúc thẩm có thể sửa án tăng hình phạt cải tạo không giam giữ lên trên 01 năm. Đồng thời không được tăng vượt quá 03 năm vì Khoản 1 Điều 138 quy định bị cáo có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
38
Cũng giống như giảm hình phạt cho bị cáo, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ có thể tăng hình phạt cho bị cáo khi loại hình phạt Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đối với bị cáo thuộc loại có thể xác định được mức tối thiểu và tối đa. Khi áp dụng quy định này Tòa án cấp phúc thẩm cần lưu ý tới phạm vi tối đa của từng loại hình phạt như sau:
Với hình phạt là phạt tiền, không được tăng quá mức phạt tiền tối đa được quy định đối với từng loại tội phạm được áp dụng hình phạt này.
Điều 31 BLHS quy định: Mức hình phạt cải tạo không giam giữ đa là ba năm.
Điều 33, 50 BLHS quy định: Mức phạt tù có thời hạn đối với người phạm một tội có thời gian tối đa là hai mươi năm; đối với người bị xét xử nhiều tội cùng một lần thì tổng hợp hình phạt tù có thời hạn không quá ba mươi năm.
Điều 36 BLHS quy định: Thời gian cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định có thời gian tối đa là năm năm.
Điều 37 BLHS quy định: Thời hạn cấm cư trú tối đa là năm năm. Điều 38 BLHS quy định: Thời gian quản chế tối đa là năm năm.
Điều 39 BLHS quy định: Thời hạn tước một số quyền công dân tối đa là năm năm.
Thực tế hiện nay các Tòa án phúc thẩm khi sửa bản án sơ thẩm đã thực hiện chuyển từ án treo sang tù giam cùng với việc giảm hoặc tăng nặng hình phạt tù cho bị cáo, trong khi Điều 249 không có chỗ nào quy định chuyển từ án treo sang tù giam. Nguyên nhân của thực trạng này là do TANDTC chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến các Tòa án cấp phúc thẩm vẫn hiểu rằng việc sửa bản án sơ thẩm tăng hay giảm hình phạt cho bị cáo là thực hiện theo Điều 249 BLTTHS, còn việc cho bị cáo hưởng án treo lại là áp dụng Điều 60 BLHS. Theo chúng tôi, cách hiểu và thực hiện như vậy là không đúng.
39
Nguyên tắc bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong TTHS là nguyên tắc cơ bản được quy định đầu tiên, có tính chất bắt buộc đối với mọi hoạt động TTHS của cơ quan tiến hành tố tụng, là nguyên tắc xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự nên các cơ quan tiến hành tố tụng cần tuyệt đối tuân thủ. Do vậy, khi BLTTHS không quy định Tòa án cấp phúc thẩm được chuyển từ án treo sang tù giam [20, tr.331].