Giải pháp hướng dẫn áp dụng pháp luật, tổng kết công tác xét xử,

Một phần của tài liệu Luận văn ths luật quyền sửa bản án sơ thẩm của tòa án phúc thẩm theo bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (Trang 72)

xử, xây dựng và công bố án lệ

3.2.2.1. Giải pháp hướng dẫn áp dụng pháp luật

Thực tiễn thi hành cho thấy có những nội dung của Điều 249 được hiểu với nhiều cách khác nhau, nên đã xảy ra tình trạng là: tại các địa phương khác

66

nhau với những vụ án có tình tiết giống nhau, bản án sơ thẩm xét xử tương tự nhau về trách nhiệm hình sự và dân sự, nhưng tại Tòa án cấp phúc thẩm lại sửa bản án theo những hướng khác nhau. Thực trạng này đã phần nào ảnh hưởng tới quyền lợi của bị cáo và đương sự, vi phạm nguyên tắc công bằng bình đẳng trước pháp luật. Để hạn chế những sự khác nhau đó thì cần có sự hướng dẫn thống nhất trong cách hiểu và áp dụng pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự.

Hiện nay, Luật tổ chức TAND năm 2014 đã được Quốc hộinước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01/6/2015, trong đó quy định rõ TANDTC có nhiệm vụ hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Cụ thể: tại Khoản 3 Điều 20 quy định TANDTC có nhiệm vụ và quyền hạn “Tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”; Tại khoản 2 Điều 22 cũng quy định Hội đồng thẩm phán TANDTC có nhiệm vụ và quyền hạn “Ban hành nghị quyết hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật”. Trong phạm vi nghiên cứu, chúng tôi không đề cập tới những nội dung cần hướng dẫn về BLHS, BLTTHS đã được các tác giả khác nêu trong những công trình nghiên cứu của mình, chúng tôi chỉ đề xuất TANDTC có hướng dẫn áp dụng pháp luật đối với những phần có liên quan trực tiếp tới việc thi hành Điều 249 BLTTHS.

Trước hết, TANDTC cần ban hành hướng dẫn áp dụng quy định về miễn trách nhiệm hình sự và miễn hình phạt, theo đó cần có giải thích mới về khái niệm như thế nào là “sự chuyển biến của tình hình” dẫn đến hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Như đã phân tích tại Chương 2, “sự chuyển biến của tình hình” được hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/NQ- HĐTP ngày 05/01/1986 là sự chuyển biến về “chính trị, kinh tế, xã hội”. Đây là hướng dẫn của BLHS năm 1985 đã hết hiệu lực thi hành, ngày nay còn

67

nhiều sự chuyển biến trong các lĩnh vực khác cũng có thể dẫn đến việc hành vi của bị cáo không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Với quy định về miễn hình phạt, TANDTC cần ban hành hướng dẫn giải thích khái niệm như thế nào là “đáng được khoan hồng đặc biệt”. Theo chúng tôi để xây dựng khái niệm này cần dựa trên các yếu tố chính là loại tội phạm bị cáo đã thực hiện, hậu quả trên thực tế do hành vi phạm tội đã gây ra, nhân thân của bị cáo và những thành tích của bị cáo đối với đất nước hoặc với công tác điều tra phát hiện tội phạm.

Đối với quy định tại Điều 249 BLTTHS, cần ban hành hướng dẫn giải thích để thống nhất trong cách hiểu các nội dung: Giảm nhẹ hình phạt, tăng nặng hình phạt. Cần giải thích rõ khi áp dụng, Tòa án cấp phúc thẩm chỉ được giảm nhẹ hoặc tăng nặng trong phạm vi một loại hình phạt, để tránh nhầm lẫn với khái niệm chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn và chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nặng hơn. Ngày nay, do nhận thức pháp luật của một bộ phận quần chúng nhân dân còn hạn chế, nên trong nhiều trường hợp người bị hại kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử chuyển sang hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn, hoặc nặng hơn đối với bị cáo, nhưng lại không hiểu rõ nên chỉ ghi là đơn kháng cáo giảm nhẹ hoặc tăng nặng hình phạt.

TANDTC cũng cần ban hành hướng dẫn giải thích thế nào là “áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn” và “áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn”. Quy định “áp dụng quy định Bộ luật hình sự về tội nhẹ hơn” được hiểu và áp dụng trong thực tiễn bao gồm: chuyển từ khung hình phạt nặng sang khung hình phạt nhẹ hơn trong cùng một điều luật, chuyển từ tội danh nặng sang tội danh nhẹ hơn. Nhưng “áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn” lại chưa được hiểu thống nhất về việc Tòa án cấp phúc thẩm có được phép chuyển từ tội danh nhẹ sang tội danh nặng hơn

68

hay không. Hiện nay một số quan điểm cho rằng Tòa án cấp phúc thẩm không được chuyển sang tội danh nặng hơn, bởi như vậy là bị cáo bị xét xử về một tội danh mới, vi phạm nguyên tắc hai cấp xét xử đối với một tội phạm.

Tại Chương 2 chúng tôi đã giải thích rõ là Tòa án cấp phúc thẩm vẫn được phép chuyển từ tội danh nhẹ sang tội danh nặng hơn trong giới hạn truy tố của Viện kiểm sát, điều đó không vi phạm quy định về giới hạn xét xử tại Điều 196 BLTTHS. Mặt khác, tại giai đoạn sơ thẩm bị cáo đã biết mình bị truy tố về tội nặng hơn nên việc sửa bản án sơ thẩm về tội nặng hơn cũng không vi phạm nguyên tắc hai cấp xét xử đối với một tội phạm.

Đối với trường hợp chuyển từ tù giam sang án treo và ngược lại, theo Điều 249 BLTTHS hiện hành chỉ quy định Tòa án cấp phúc thẩm được phép chuyển từ tù giam sang án treo với điều kiện giữ nguyên mức hình phạt tù. Như giải pháp hoàn thiện pháp luật đã nêu thì theo chúng tôi khi sửa bản án có lợi cho bị cáo không cần thiết phải “giữ nguyên mức hình phạt tù” trước khi cho bị cáo được hưởng án treo. Đối với trường hợp ngược lại, khi sửa bản án theo hướng bất lợi hơn cho bị cáo theo chúng tôi TANDTC cần ban hành hướng dẫn cho phép Tòa án phúc thẩm được phép chuyển từ án treo sang tù giam.

Ngoài ra, cần ban hành quy định mới hướng dẫn trường hợp sửa án theo hướng tăng hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn dẫn đến thay đổi về thẩm quyền xét xử sơ thẩm. Trước khi có BLTTHS 2003, tại thông tư liên ngành số 01/TTLT ngày 08/12/1988 hướng dẫn về trường hợp này có quy định:

Nếu kháng cáo hoặc kháng nghị yêu cầu áp dụng khung hình phạt khác nặng hơn hoặc tội danh khác nặng hơn, những vẫn thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án quân sự khu vực, thì Tòa án cấp phúc thẩm có quyền áp dụng khung hình phạt hoặc tội danh nặng hơn đó để xét xử bị cáo.

69

Nhưng nếu khung hình phạt nặng hơn hoặc tội danh nặng hơn đó thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Tòa án quân sự cấp quân khu, thì Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc Tòa án quân sự khu vực rồi chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát cùng cấp để Viện kiểm sát làm lại cáo trạng và Tòa án cấp tỉnh xét xử sơ thẩm lại cho đúng thẩm quyền [32].

Thực tiễn xét xử hiện nay khi có sự thay đổi thẩm quyền xét xử thì Tòa án cấp phúc thẩm vẫn hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án lên Viện kiểm sát cùng cấp để làm lại cáo trạng. Tuy nhiên đó là văn bản hướng dẫn BLTTHS 1988 đã hết hiệu lực thi hành, vì vậy cần ban hành hướng dẫn mới để thống nhất áp dụng.

3.2.2.2. Giải pháp tổng kết công tác xét xử

Tổng kết công tác xét xử hàng năm là việc làm rất quan trọng, đó là dịp để nhìn lại những ưu nhược điểm của công tác xét xử, rút kinh nghiệm qua những việc đã đạt được và chưa đạt được, qua những sai lầm và mâu thuẫn trong xét xử, kiến nghị sửa chữa quy định của pháp luật cho phù hợp. Qua công tác tổng kết xét xử hàng năm, TANDTC đều có những kết luận hướng dẫn áp dụng pháp luật, cũng như hướng dẫn một trình tự chung cho việc giải quyết vụ án. Với tầm quan trọng như vậy, tổng kết công tác xét xử cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, trên cơ sở nhìn thẳng vào thực tế.

Hiện nay, ngành Tòa án nhân dân vẫn tiến hành tổng kết từ Tòa án địa phương tới Tòa án tối cao, công tác tổng kết được thực hiện hàng năm và thực hiện theo yêu cầu đột xuất của TANDTC. Thực tiễn cho thấy, các giải pháp trên về rút kinh nghiệm công tác xét xử có tác dụng tích cực, hạn chế các sai sót trong quá trình giải quyết, xét xử các loại vụ án và trình độ về chuyên môn nghiệp vụ của Thẩm phán, Hội thẩm Tòa án nhân dân cũng được nâng cao.

70

Tuy nhiên, báo cáo tổng kết của một số đơn vị vẫn chủ yếu dựa trên việc báo cáo con số, thành tích xét xử, mà chưa thực sự tự nhận những sai sót, chưa chỉ ra và phân tích rõ ràng nguyên nhân. Hơn nữa, các kết luận hướng dẫn áp dụng pháp luật của TANDTC đa số chưa được ban hành chính thức dưới dạng văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến khó khăn trong việc đưa vào áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án.

Để nâng cao chất lượng công tác xét xử vụ án hình sự nói chung và nâng cao hiệu quả sửa bản án sơ thẩm nói riêng, thì vấn đề đặt ra trong tổng kết công tác xét xử là cần phải đổi mới phương pháp tổng kết. Về mặt hình thức, để công tác tổng kết diễn ra nhanh chóng và tiết kiệm thì cần phải ứng dụng công nghệ thông tin, không nhất thiết phải diễn ra các cuộc gặp gỡ tổng kết nhiều ngày. Về mặt nội dung, Tòa án cấp phúc thẩm cần nhìn thẳng vào những sai sót trong quá trình xét xử nói chung, phân tích được các nguyên nhân chủ quan và khách quan để từ đó đi đến một giải pháp thiết thực.

3.2.2.3. Giải pháp xây dựng và công bố án lệ

Án lệ được hiểu là các phán quyết của Tòa án cấp trên được Tòa án cấp dưới sử dụng như một cơ sở pháp lý cho việc giải quyết vụ án. Trong hệ thống luật TTHS của nước ta hiện nay không công nhận việc xét xử theo án lệ. Tuy nhiên có thể thấy rằng thực tế các TAND địa phương thường tham khảo phán quyết tại bản án của Tòa án cấp trên, bởi họ không muốn bản án của mình bị sửa, hủy. Mặt khác, hiện nay các quyết định giám đốc thẩm của TANDTC đã được công bố rộng rãi bằng bản in và trên cổng thông tin điện tử của TANDTC có tính chất như một nguồn tài liệu để TAND địa phương tham khảo trong xét xử các vụ án có tình tiết tương tự và nhờ đó đã mang lại những thành công ban đầu trong việc nâng cao chất lượng xét xử. Do đó, theo chúng tôi việc TANDTC xây dựng và công bố án lệ là rất cần thiết, giúp bổ sung những thiếu sót của luật thành văn, các vụ việc sẽ được giải quyết nhanh chóng hơn khi chưa có quy phạm pháp luật điều chỉnh.

71

Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ chính trị về chiến lược

cải cách tư pháp đến năm 2020 đã nêu rõ “Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm” [2]. Ngày 31/10/2012,

TANDTC đã ban hành quyết định số 74/QĐ-TANDTC phê duyệt đề án phát triển án lệ của TANDTC, đề án đã nêu rất rõ định hướng phát triển án lệ và chỉ ra những giải pháp cho việc phát triển án lệ như: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý cho việc phát triển án lệ; thành lập bộ phận chuyên trách tuyển tập án lệ; cải tiến cách viết và thông qua các bản án, quyết định của Tòa án; xây dựng cơ chế viện dẫn áp dụng án lệ khi xét xử; xây dựng cơ chế giám sát việc viện dẫn sử dụng án lệ; khuyến khích phân tích và bình luận án lệ…

Luật tổ chức TAND năm 2014 được Quốc hội chính thức thông qua ngày 24/11/2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2015, Điểm c Khoản 2 Điều 22 nêu rõ Hội đồng thẩm phán TANDTC có nhiệm vụ và quyền hạn

“Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử” [43]. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng

và TANDTC cần sớm triển khai việc xây dựng công bố án lệ, thực hiện tốt những giải pháp đề ra để góp phần đảm bảo việc áp dụng pháp luật thống nhất, đảm bảo sự bình đẳng đối với mọi tổ chức cá nhân trước pháp luật.

Một phần của tài liệu Luận văn ths luật quyền sửa bản án sơ thẩm của tòa án phúc thẩm theo bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (Trang 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)