Quyền miễn trách nhiệm hình sự

Một phần của tài liệu Luận văn ths luật quyền sửa bản án sơ thẩm của tòa án phúc thẩm theo bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (Trang 30)

Theo TS. Trịnh Tiến Việt, dưới góc độ khoa học pháp lý thì:

Miễn trách nhiệm hình sự là không buộc một người đáp ứng những điều kiện nhất định phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi do việc người đó đã thực hiện hành vi phạm tội, mà vẫn bảo đảm yêu cầu đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, cũng như công tác giáo dục, cải tạo người phạm tội [39, tr. 97].

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã có đủ dấu hiệu cấu thành một tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS, lẽ ra họ phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng do có những sự kiện nhất định họ không bị buộc phải chịu trách nhiệm hình sự nữa, và việc không buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự vẫn bảo đảm được các yêu cầu của đấu tranh phòng ngừa tội phạm cũng như răn đe người khác phạm tội. Theo quy định của BLHS hiện hành, khi bản án sơ thẩm tuyên bị cáo có tội, phải chịu hoặc không phải chịu hình phạt, xét thấy việc buộc bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự là chưa đúng, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

2.1.1.1. Miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 BLHS

Khi tiến hành xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm có thể miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo nếu do sự chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Sự chuyển biến của tình hình được hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/NQ-HĐTP

24

ngày 05/01/1986, tuy nhiên đây là hướng dẫn thi hành BLHS năm 1985, đó là sự chuyển biến về “chính trị, kinh tế, xã hội”. Việc miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo trong trường hợp này không phụ thuộc vào các yếu tố chủ quan, tức là không phụ thuộc vào việc bị cáo có những hành động làm cho hành vi của mình hoặc bản thân mình không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, mà cơ sở của trường hợp này là do các yếu tố khách quan (sự chuyển biến của tình hình) làm cho chính hành vi của bị cáo hoặc chính bản thân bị cáo không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Do sự chuyển biến của tình hình mà hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, tức là: vào thời điểm một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội thì hành vi đó bị coi là tội phạm, nhưng sau khi khởi tố điều tra, truy tố hoặc xét xử, tình hình xã hội thay đổi và nếu đặt hành vi cũ vào hoàn cảnh mới thì hành vi đó không còn nguy hiểm nữa. Khi hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, người thực hiện hành vi có thể phải chịu các hình thức xử lý khác (phạt tiền, kỷ luật, cảnh cáo…) mà không phải chịu trách nhiệm hình sự. Cơ sở xác định sự chuyển biến tình hình chính là sự thay đổi về chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Ví dụ: Người có hành vi trộm cắp tài sản trị giá 1.500.000đ theo BLHS năm 1999 bị coi là tội phạm và phải chịu trách nhiệm hình sự, nhưng tại thời điểm xét xử BLHS năm 1999 đã được sửa đổi bổ sung năm 2009 có hiệu lực thì hành vi đó không bị coi là tội phạm và bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự, do BLHS sửa đổi năm 2009 đã nâng giá trị tài sản trộm cắp được nâng lên 2.000.000đ.

Do sự chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, tức là trước khi có sự chuyển biến của tình hình người đó là phần tử nguy hiểm cho xã hội, đáng phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mình đã thực hiện. Tuy nhiên tại thời điểm bị điều tra, truy tố hoặc xét xử, cùng với sự chuyển biến của tình hình thì người này không

25

còn là phần tử nguy hiểm cho xã hội nữa, không cần thiết phải xử lý trách nhiệm hình sự đối với họ. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự do các yếu tố khách quan tác động dẫn đến bản thân người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, không còn khả năng thực hiện tội phạm nữa, chứ không phải là do các yếu tố chủ quan của người phạm tội (như họ bị bệnh rất nặng hoặc có thành tích đặc biệt trong chiến đấu hoặc sản xuất…) Ví dụ: Một người sau khi phạm tội bị tai nạn liệt toàn thân hoặc phải sống cuộc sống thực vật, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự [39, tr. 137].

2.1.1.2. Miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 BLHS

Bị cáo có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi đáp ứng đủ các điều kiện:

Thứ nhất, trước khi hành vi phạm tội bị phát giác, bị cáo đã tự thú. Khi áp dụng quy định này chúng ta cần phân biệt để tránh nhầm lẫn giữa hai khái niệm “tự thú” và “đầu thú”. “Tự thú” được hiểu là sau khi thực hiện hành vi phạm tội mặc dù chưa có cá nhân tổ chức nào phát hiện nhưng bị cáo không trốn tránh và đã chủ động khai báo về hành vi phạm tội mình đã gây ra. Ngược lại, “Đầu thú” là trường hợp hành vi phạm tội của bị cáo đã bị phát giác, bị cáo biết mình không thể trốn tránh được nên chủ động ra trình diện.

Thứ hai, khi tự thú bị cáo phải khai rõ sự việc phạm tội, không che giấu bất kỳ tình tiết nào. Những thông tin bị cáo cung cấp giúp ích cho cơ quan điều tra trong việc nhanh chóng làm sáng tỏ tội phạm. Khi áp dụng điều kiện này Tòa án cấp phúc thẩm thường có sự nhầm lẫn với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điểm q Khoản 1 Điều 46 BLHS là “Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm”. Cả hai tình tiết trên đều xét tới các hành động tích cực của người phạm tội như: người phạm tội đã khai rõ sự việc, hoặc cung cấp các thông tin, về đồng phạm, tang vật, cung cấp tài liệu, bằng chứng… v.v.. những hành động đó có

26

ý nghĩa tích cực giúp cơ quan chức năng nhanh chóng phát hiện điều tra tội phạm. Nhưng các hành động trên nếu đi kèm yếu tố “tự thú” thì bị cáo sẽ được xét miễn trách nhiệm hình sự, và nếu không có yếu tố “tự thú” thì đây chỉ là tình tiết để xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Thứ ba, cùng với việc tự thú thì bị cáo đã chủ động cố gắng hạn chế tới mức thấp nhất hậu quả của tội phạm, và kết quả là thiệt hại đã không xảy ra hoặc đã xảy ra nhưng không đáng kể.

Có thể nhận thấy, bị cáo được miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp này hoàn toàn do những hành vi chủ quan tích cực của bị cáo. Đây là sự thể hiện chính sách nhân đạo trong xử lý hình sự, Nhà nước ta hướng người phạm tội thực hiện các hành vi tích cực để được hưởng sự khoan hồng.

2.1.1.3. Miễn trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 3 Điều 25 BLHS

Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi có quyết định đại xá. Theo từ điển Luật học thì “đại xá” là việc miễn trách nhiệm hình sự hoặc hình phạt, hoặc thay hình phạt đã tuyên bằng một hình phạt nhẹ hơn đối với một loại phạm nhân nhất định. Thẩm quyền ban hành quyết định đại xá thuộc về Quốc hội, cơ sở để ban hành quyết định đại xá là trong dịp có sự kiện lịch sử đặc biệt quan trọng của đất nước. Quyết định đại xá có đối tượng áp dụng là hành vi phạm tội, có hiệu lực đối với những hành vi được nêu trong quyết định và xảy ra trước khi ban hành quyết định đại xá. Nếu hành vi đã bị khởi tố, truy tố hoặc xét xử thì phải đình chỉ, nếu đã chấp hành xong hình phạt thì không được coi là có án tích.

Khi miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội trong trường hợp này cần lưu ý với khái niệm “đặc xá”, “đặc xá” là miễn toàn bộ hay một phần hình phạt hoặc giảm nhẹ hình phạt, kể cả miễn trách nhiệm hình sự hoặc xóa án đối với một hay một số người nhất định. Chủ tịch nước có nhiệm vụ và quyền hạn quyết định đặc xá. Quyết định đặc xá có đối tượng áp dụng là các phạm nhân bị

27

kết án tù có thời hạn, hoặc tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước. Người được đặc xá vẫn bị coi là có án tích [27, tr.146-147].

2.1.1.4. Miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo trong trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội theo quy định tại Điều 19 BLHS

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là “tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản”. Khi tội phạm mới được thực hiện nửa chừng thì bị cáo đã chấm dứt không thực hiện đến cùng. Việc bị cáo chấm dứt thực hiện hành vi phạm tội là hoàn toàn tự nguyện, do bản thân bị cáo quyết định, không bị điều gì ngăn cản hay bị ai thúc ép, dứt khoát chấm dứt không thực hiện tội phạm đến cùng.

Quá trình áp dụng quy định này cần lưu ý về ý chí chủ quan của bị cáo là phải chấm đứt thực hiện tội phạm đến cùng, chứ không phải chấm dứt để chờ thời cơ thực hiện tội phạm khác, hay chấm dứt để chuẩn bị công cụ phương tiện tiếp tục phạm tội khi đủ điều kiện thuận lợi.

2.1.1.5. Miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo là người chưa thành niên phạm tội theo quy định tại Khoản 2 Điều 69 BLHS

Đối với bị cáo là người chưa thành niên có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau:

Thứ nhất, hành vi của bị cáo thuộc trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn. Khoản 2 Điều 69 BLHS quy định không rõ ràng nên dẫn đến một số hiểu nhầm là bị cáo chưa thành niên phạm một trong hai loại tội là “tội ít nghiêm trọng” và “tội nghiêm trọng, gây hại không lớn”. Thực tế không có loại tội phạm nào là “tội nghiêm trọng” nhưng lại “gây hại không lớn”, và việc sử dụng cụm từ “gây hại không lớn” cũng không thống nhất với cụm từ “gây thiệt hại không lớn” được sử dụng tại một số điều luật khác. Quá trình nghiên cứu BLHS cần sửa đổi quy định này sao cho đồng nhất và tránh gây hiểu nhầm.

28

Thứ hai, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, được hiểu là có từ hai tình tiết trở lên. Khoản 2 Điều 69 BLHS không quy định rõ ràng nên các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Khoản 1, 2 Điều 46 BLHS đều được tính.

Thứ ba, bị cáo được gia đình hoặc cơ quan, tổ chức nhận giám sát, giáo dục. Đây là điều kiện đảm bảo khả năng người phạm tội là người chưa thành niên được giám sát, giáo dục, trở thành công dân tốt cho xã hội.

2.1.1.6. Miễn trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp khác

Ngoài ra Tòa án cấp phúc thẩm có thể miễn trách nhiệm hình sự đối với một số loại tội phạm khi có các điều kiện cụ thể như:

Tội gián điệp (Khoản 3 Điều 80 BLHS): Người đã nhận làm gián điệp nhưng không thực hiện nhiệm vụ được giao và tự thú, thành khẩn khai báo. Tức là người phạm tội đã nhận nhiệm vụ thực hiện một trong số các hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 80 BLHS cho nước ngoài, nhưng đã không thực hiện và ra tự thú, thành khẩn khai báo mọi tình tiết.

Tội đưa hối lộ (Khoản 6 Điều 289 BLHS): Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác. Tức là người phạm tội sau khi thực hiện hành vi đưa hối lộ đã tự nguyện, tự giác khai nhận hành vi phạm tội của mình với cơ quan chức năng, mặc dù hành vi chưa bị phát giác và cũng không bị ai ép buộc về việc khai báo.

Tội môi giới hối lộ (Khoản 6 Điều 290 BLHS): Người môi giới hối lộ chủ động khai báo trước khi bị phát giác. Tương tự như người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ được miễn trách nhiệm hình sự nếu sau khi phạm tội họ đã chủ động đến khai báo về hành vi của mình mặc dù hành vi chưa bị phát giác.

Tội không tố giác tội phạm (Khoản 3 Điều 314 BLHS): Người không tố giác tội phạm đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm. Người không tố giác tội phạm phải có hành động khuyên

29

bảo, ngăn cản người phạm tội, hoặc kịp thời có biện pháp xử lý để hạn chế tác hại của tội phạm.

Một phần của tài liệu Luận văn ths luật quyền sửa bản án sơ thẩm của tòa án phúc thẩm theo bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 (Trang 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(91 trang)