Tỷ giá hối đoái có tác động lên giá cả của hầu hết giá cả của các sản phẩm có trên thị trường nhất là thị trường xuất nhập khẩu. Vì vậy tỷ giá hối đoái có thể xem là một loại giá có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thương mại quốc tế. Nền kinh tế nói chung và hoạt động ngoại thương nói riêng sẽ bị ảnh hưởng xấu nếu đánh giá quá cao giá trị đồng nội tệ. Cụ thể là:
+ Nếu các điều kiện khác không đổi mà chính sách tỷ giá duy trì giá trị đồng nội tệ quá cao sẽ làm cho doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp xuất khẩu giảm đi tương đối so với kinh doanh nội địa. Điều này sẽ trực tiếp kìm hãm hoạt động xuất khẩu và nhanh chóng dẫn đến tình trạng thiếu ngoại tệ trên toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Muốn khắc phục tình trạng này, cần phải phá giá đồng nội tệ ở mức độ hợp lý để làm tăng lợi nhuận cho các đơn vị sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu.
+ Mặt khác, chính sách tỷ giá quy định giá trị đồng nội tệ cao thì cùng một loại hàng hóa nhưng có chi phí nhập khẩu thấp hơn tương đối so với sản xuất nội địa, dẫn đến kết quả là kinh doanh hàng nhập khẩu sẽ có lợi hơn hàng
nội địa. Điều này sẽ kích thích nhập khẩu, gây khó khăn, trở ngại lớn cho nền sản xuất trong nước. Mặc dù chính sách bảo hộ mậu dịch có khả năng làm giảm cách biệt giữa giá cả hàng nhập khẩu và nội địa nhưng về lâu dài biện pháp này sẽ dẫn đến việc sử dụng các nguồn lực kinh tế quốc gia kém hiệu quả, năng lực cạnh tranh của hàng nội địa ngày càng suy giảm.
Kinh nghiệm của các nước NICs là duy trì chính sách tỷ giá ổn định ở mức cân bằng hợp lý sau nhiều lần giảm giá trị đồng nội tệ. Đài Loan là một ví dụ điển hình về việc điều chỉnh hoạt động ngoại thương bằng tỷ giá hối đoái, Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu trong giai đoạn đầu quá trình tăng trưởng của nước này là: gạo, đường, dứa và một vài loại nông sản khác với giá trị không đáng kể. Trong những năm đầu thập niên 50, gạo và đường chiếm 80% kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan. Thế nhưng việc xuất khẩu đường rất khó mở rộng vì phải tuân thủ hiệp định quốc tế đa phương ấn định thị phần cho mỗi quốc gia xuất khẩu đường, còn gạo thì chỉ xuất khẩu cho Nhật với hạn ngạch và giá cả cũng được cố định theo hiệp định song phương ký kết hàng năm giữa hai chính phủ. Chính vì vậy mà hai sản phẩm này có độ co dãn của nhu cầu xuất khẩu bằng không ứng với tỷ giá hối đoái. Điều đó khiến cho các nhà kinh tế của Đài Loan lúc bấy giờ cho rằng biện pháp phá giá đồng tiền chỉ làm xấu đi điều kiện thương mại, tăng giá nội địa của hàng nhập khẩu và làm tăng thêm tỷ lệ lạm phát. Tuy nhiên, sự tăng trưởng kinh tế Đài Loan cho ra đời hàng nghìn sản phẩm khác sử dụng nguồn lao động rẻ trong nước và sẵn sàng xuất khẩu cho các nước kham hiếm lao động. Những sản phẩm mới này có độ co dãn nhu cầu lớn hơn giá cả và buộc Chính phủ nước này phải áp dụng chính sách giảm giá đồng tiền của họ để mở đường cho việc khuếch trương xuất khẩu. Chính nhờ giải pháp đúng đắn này đã làm cho xuất khẩu của Đài Loan tăng rất nhanh, đến năm 1980 xuất khẩu tăng hơn 200 lần so với năm 1954.
Qua kinh nghiệm trên của Đài Loan và lý luận về tác động của chính sách tỷ giá hối đoái đối với việc tăng trưởng kinh tế, chúng ta có thể khẳng định rằng nếu Chính phủ áp dụng cơ chế quản lý tỷ giá hối đoái duy trì đồng nội tệ thường xuyên cao hơn giá trị thực của nó thì tất yếu sẽ dẫn đến thâm hụt tài khoản vãng lai. Sự thâm hụt này thường được bù đắp bằng nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, và một khi nguồn này giảm sút thì nguy cơ khủng hoảng nền kinh tế của quốc gia sẽ bọc lộ rõ nét. Như vậy, điều quan trọng khi áp dụng chiến lược kinh tế phát triển hướng xuất khẩu là Chính phủ phải chú trọng điều chỉnh tỷ giá hối đoái đúng những lúc cần thiết sao cho giá trị đồng nội tệ không quá cao so với các ngoại tệ mạnh, nếu không làm như vậy thì những chính sách định hướng phát triển xuất khẩu sẽ bị phá sản ngay từ lúc đầu.