Các thời kỳ quan trọng của lợn con

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sử dụng chế phẩm Ferrum B12 để kích thích sinh trưởng và phòng bệnh tiêu chảy cho lợn con F2 giai đoạn từ sơ sinh đến 60 ngày tuổi tại trại lợn xã Yên Mỹ - huyện Yên Mô - tỉnh Ninh Bình. (Trang 38)

Đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về đặc điểm sinh học của lợn con, các nhà khoa học đều đi đến kêt luận rằng lợn con ngay từ khi sinh ra đến khi trưởng thành đều trải qua 3 thời kỳ khủng khoảng và các thời kỳ khủng khoảng đó đều do điều kiện sống mang lại.

a. Thời kỳ sơ sinh đến 1 tuần tuổi

Đó là thời kỳ khủng khoảng đầu tiên của lợn con do sự thay đổi hoàn toàn môi trường sống ổn định trong cơ thể mẹ sang điều kiện tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài. Do đó nếu không chăm sóc nuôi dưỡng tốt lợn sẽ còi cọc, chậm lớn và dễ mắc bệnh, tỷ lệ nuôi sống thấp.

Phan Đình Thắm (1995) [19] đã khuyến cáo rằng, nhất thiết lợn con sơ sinh phải được bú sữa đầu nó sẽ giúp cho lợn con có sức đề kháng để chống bệnh. Trong sữa đầu có chứa Albumin và γ - Globulin cao hơn sữa bình thường. Đây là chất chủ yếu giúp cho lợn con có chất đề kháng. Vì thế cần chú ý cho lợn con sơ sinh bú sữa đầu trong 3 ngày đầu, đảm bảo toàn bộ số con trong ổ được bú hết sữa đầu của lợn mẹ.

b. Thời kỳ 3 tuần tuổi

Đó là thời kỳ khủng khoảng thứ 2 của lợn con, do quy luật tiết sữa của lợn mẹ gây nên. Sản lượng sữa của lợn mẹ tăng dần từ khi đẻ và đạt cao nhất trong lúc 3 tuần tuổi, sau đó sản lượng sữa của lợn mẹ giảm nhanh cả về số lượng và chất lượng, trong khi đó nhu cầu dinh dưỡng của lợn con lại tăng cao do nhu cầu sinh trưởng và phát dục nhanh. Đây là mâu thuẫn giữa cung và cầu. Để giải quyết mâu thuẫn này cần cho lợn con tập ăn sớm.

Theo Từ Quang Hiển và cs (2001) [6], khả năng tiết sữa của lợn mẹ giảm rõ rệt sau 3 tuần tiết sữa nuôi con. Đồng thời, hàm lượng các chất khoáng đặc biệt là sắt và canxi còn rất ít, không đủ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của lợn con. Lúc này mâu thuẫn giữa khả năng cung cấp sữa của lợn mẹ và nhu cầu dinh dưỡng của lợn con nảy sinh. Đó cũng là lúc ta cần bổ sung thức ăn sớm cho lợn con.

Theo Đoàn Thị Dung, Lê Thị Tài (2000) [6], tập ăn lợn con ăn sớm tạo điều kiện giảm khoảng cách giữa khả năng cho sữa của lợn mẹ với sự tăng trưởng của lợn con, là biện pháp giúp lợn mẹ bớt hao mòn cơ thể do bú nhiều, đảm bảo các lứa đẻ sau đều đặn và không bị loại thải sớm.

c.Thời kỳ ngay sau cai sữa

Là thời kỳ khủng khoảng thứ 3 của lợn con do môi trường sống thay đổi hoàn toàn, do yếu tố cai sữa gây nên. Lợn con đang sống bên lợn mẹ, thức ăn chủ yếu là sữa mẹ, khi chuyển sang môi trường sống không có mẹ và thức ăn do con người cung cấp hoàn toàn, lợn con chịu stress nặng. Chính vì vậy giai đoạn này cần chăm sóc và nuôi dưỡng chu đáo, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ cho lợn, nếu giai đoạn này không làm tốt sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển sau này, lợn dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa và hô hấp.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sử dụng chế phẩm Ferrum B12 để kích thích sinh trưởng và phòng bệnh tiêu chảy cho lợn con F2 giai đoạn từ sơ sinh đến 60 ngày tuổi tại trại lợn xã Yên Mỹ - huyện Yên Mô - tỉnh Ninh Bình. (Trang 38)