Bệnh tiêu chảy lợn con

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sử dụng chế phẩm Ferrum B12 để kích thích sinh trưởng và phòng bệnh tiêu chảy cho lợn con F2 giai đoạn từ sơ sinh đến 60 ngày tuổi tại trại lợn xã Yên Mỹ - huyện Yên Mô - tỉnh Ninh Bình. (Trang 35)

Theo Lê Văn Tạo (2006) [18], tiêu chảy là một biểu hiện lâm sàng của hội chứng bệnh lý đặc thù của đường tiêu hóa hay là triệu chứng của một số bệnh truyền nhiễm như: Phó thương hàn, viêm dạ dày ruột truyền nhiễm. Khi mắc bệnh tiêu chảy, lợn sinh trưởng và phát triển kém, gây thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi. Tại nước ta bệnh này xảy ra quanh năm, đặc biệt là vào vụ Đông Xuân khi thời tiết thay đổi đột ngột và vào những giai đoạn chuyển mùa trong năm.

a. Nguyên nhân:

Do chăm sóc nuôi dưỡng kém, do virus gây ỉa chảy, do vi khuẩn

(E.coli, clostridium perfringens,...), do ký sinh trùng, do thức ăn, gây rối loạn

trao đổi chất, rối loạn gây tiêu chảy.

Theo Lê Thị Tài và cs (2004) [17], rối loạn tiêu hóa là một hội chứng rất phổ biến ở gia súc non. Rối loạn tiêu hóa do nhiều nguyên nhân gây ra, có thể do gia súc non chức năng tiêu hóa chưa hòan chỉnh, do chế độ ăn uống không hợp lý, do ăn nhiều chất đạm, mỡ hoặc hiện tượng stress ảnh hưởng trực tiếp đến gia súc.

Nguyễn Quang Tuyên và cs (2007) [26] cho rằng, lợn ỉa chảy là do rối loạn quá trình tiết dịch ruột. Dịch tiết tăng cao, khi bị viêm nhiễm nó tăng lên gấp 8 lần. Nguyên nhân do ruột bị kích thích bởi yếu tố cơ học, hóa học, nhiệt độ, vi sinh vật và tiết dịch nhiều làm cho viêm ruột, loét ruột.

Trương Lăng và Giao Xuân (2002) [8] thì cho rằng, thay đổi thức ăn đột ngột là nguyên nhân chính. Thức ăn giàu đạm và chất béo làm cho bộ máy tiêu hóa của lợn chưa thích ứng và chuyển hóa thức ăn ngay được. Thức ăn kém vệ sinh nhiều tạp chất, tạp khuẩn, nhiều nấm mốc thì sẽ sinh nhiều độc tố aflatoxin gây rối loạn chức năng tiêu hóa.

Phạm Hữu Doanh và Lưu Kỷ (2005)[4] cho rằng, nguyên nhân gây tiêu chảy cho lợn con là: Gió mùa, chuồng lạnh không đủ ấm, nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm cao, nuôi dưỡng kém và do sát trùng chuồng nuôi giữa hai lứa kém. Ngoài ra cơ năng tiêu hóa của lợn con còn yếu, cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, sức chống đỡ bệnh tật của cơ thể lợn kém.

Nguyễn Xuân Bình (2000) [1] cho biết, lợn bị tiêu chảy là do các nguyên nhân sau:

+ Do thiếu các nguyên tố vi lượng như sắt, đồng, coban vì trong thực tế lợn cần phát triển bình thường 1 ngày cần cung cấp 7 - 10 mg Fe. Nhưng sữa mẹ chỉ cung cấp được 1 mg Fe trong 1 ngày.

+ Do lợn con bị nhiễm virus viêm dạ dày, ruột gây tiêu chảy cấp tính như nước.

+ Do lợn mẹ bị một số bệnh khác như viêm tử cung, viêm vú, sữa bị nhiễm độc và nhiễm trùng kế phát, lợn con bú phải sữa đó sẽ bị ỉa chảy.

+ Do lợn bị nhiễm trùng cuống rốn, vi trùng xâm nhập lên ruột gây viêm ruột ỉa chảy.

b. Cơ chế sinh bệnh:

Bệnh tiêu chảy lợn con do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có do độc tố Enterotoxin của vi khuẩn đường ruột gây nên.

Theo tác giả Lê Văn Năm và cs (1999) [11], sau khi mầm bệnh được xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, chúng sẽ xâm nhập qua niêm mạc ruột và phát triển nhanh chóng trên tế bào biểu mô ruột. Tại đó chúng sẽ tiết nội và ngoại tố gây viêm, sưng phù các tế bào, ngăn cản sự hấp thu các chất dinh dưỡng ở ruột non của lợn, dẫn đến hiện tượng tiêu chảy do tăng lượng dịch thẩm thấu ngược vào ruột làm cho lợn con sinh trưởng và phát triển kém, còi cọc chậm lớn. Bệnh nặng con vật có thể chết.

c. Đường truyền bệnh:

Đường lây bệnh chủ yếu qua thức ăn, nước uống và phân của những con bị bệnh. Khi bị bệnh, vi khuẩn phát triển nhanh chóng trong đường ruột, chúng giải phóng ra các độc tố gây hoại tử, rối loạn tiêu hóa, mất nước, không hấp thu được chất dinh dưỡng dẫn đến rử vong.

d. Triệu chứng:

Những ngày đầu mới nhiễm bệnh, lợn con ỉa phân trắng ngà hay vàng nhạt, lợn bị bệnh kém ăn, đi lại không nhanh nhẹn, da nhợt nhạt, hậu môn dính phân bê bết, da nhăn do khô và mất nước, lông xù dựng ngược, lợn mệt mỏi... Lợn con mắc bệnh sau khi điều trị khỏi, chúng sinh trưởng phát triển kém, còi cọc chậm lớn.

e. Bệnh tích:

Mổ lợn thấy ruột non bị viêm kèm xuất huyết. Dạ dày và niêm mạc ruột non bị sưng, có lớp dịch nhầy, chất chứa trong ruột non có màu vàng.

f. Phòng và trị bệnh:

- Phòng bệnh: Tăng cường chăm sóc và vệ sinh, thức ăn cho lợn phải đảm bảo vệ sinh, không ôi thiu, nấm mốc, nước uống sạch không mang mầm bệnh, chuồng trại phải được sát trùng định kỳ. Cần cho lợn con tập ăn sớm, bổ sung diện giải cho lợn.

- Trị bệnh:

+ Cho lợn con uống lá chát 5 - 10 ml/lợn, trong 3 - 4 ngày.

Có thể dùng 1 số loại thuốc như: Kanamycin, Colistin, Nor - Coli, Gentamox... với liều 1ml/10kg thể trọng và 1 số thuốc trợ lực như: Gluco K- C, Bcomplex...

g. Đặc điểm về khă năng miễn dịch của lợn con

Lợn con mới sinh ra trong cơ thể hầu như chưa có kháng thể, lượng kháng thể tăng rất nhanh sau khi lợn con được bú sữa đầu của lợn mẹ. Do đó khả năng miễn dịch của lợn con là thụ động, phụ thuộc vào kháng thể hấp thu được nhiều hay ít từ sữa đầu của lợn mẹ. Trong sữa đầu của lợn nái có hàm lượng protein rất cao. Những ngày đầu sau đẻ hàm lượng protein trong sữa đầu chiếm tới 18 - 19%, trong đó có tới 30 - 35% γ - Globulin có tác dụng tạo sức đề kháng cho lợn con. Phân tử γ - Globulin có khả năng thấm qua thành

ruột ở mức độ cao và nhanh chóng trong vòng 24 giờ đầu và có thể được hấp thu một cách nguyên vẹn vào trong cơ thể lợn con. Cho nên trong vòng 24 giờ đầu sau khi được bú, hàm lượng γ - Globulin trong máu có thể đạt đến 20,3 mg/100ml máu, nhưng sau 24 giờ thì khả năng đó giảm dàn đi. Như vậy kháng thể mà lợn con có được là do chúng được bú sữa đầu của lợn mẹ, càng về sau lượng kháng thể trong sữa mẹ càng giảm, khả năng hấp thu của lợn con cũng giảm. Vì vậy, chúng ta cần tiêm phòng cho lợn con để tạo miễn dịch, kết hợp với việc chăm sóc nuôi dưỡng tốt để đảm bảo cho lợn con sinh trưởng, phát triển tốt. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sử dụng chế phẩm Ferrum B12 để kích thích sinh trưởng và phòng bệnh tiêu chảy cho lợn con F2 giai đoạn từ sơ sinh đến 60 ngày tuổi tại trại lợn xã Yên Mỹ - huyện Yên Mô - tỉnh Ninh Bình. (Trang 35)