Đặc điểm sinh trưởng và phát dục của lợn

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sử dụng chế phẩm Ferrum B12 để kích thích sinh trưởng và phòng bệnh tiêu chảy cho lợn con F2 giai đoạn từ sơ sinh đến 60 ngày tuổi tại trại lợn xã Yên Mỹ - huyện Yên Mô - tỉnh Ninh Bình. (Trang 29)

a. Khái niệm về sinh trưởng và phát dục

Theo Chavez E.R.(1985) [27], sinh trưởng là quá trình sinh lý sinh hoá phức tạp duy trì từ phôi thai được hình thành đến khi con vật thành thục về thể vóc. Như vậy, ngay từ khi còn là phôi thai, quá trình sinh trưởng đã được khởi động.

Johanson.L (1972) [28] đã đưa ra khái niệm: Về mặt sinh học, sinh trưởng được xem như là quá trình tổng hợp protein, cho nên người ta lấy việc tăng khối lượng làm chỉ tiêu đánh giá sự sinh trưởng. Tuy nhiên, cũng có khi tăng khối lượng không phải là sinh trưởng (ví dụ như có trường hợp tăng khối lượng chủ yếu là tăng mỡ và nước chứ không phải sự phát triển của mô cơ). Sinh trưởng thực sự là sự tăng lên về khối lượng, chất lượng và các chiều của tế bào mô cơ. Ông cho rằng, cường độ phát triển qua giai đoạn bào thai và giai đoạn sau khi sinh có ảnh hưởng đến sự phát triển của con vật.

Theo Trần Đình Miên và cs (2004) [10], sinh trưởng là quá trình tích lũy các chất hữu cơ do đồng hóa và dị hóa, sự tăng chiều cao, bề dài, bề ngang, khối lượng của các bộ phận cơ thể của con vật trên cơ sở tính di truyền có từ đời trước. Sinh trưởng là sự tích lũy dần các chất chủ yếu là protein mà tốc độ và khối lượng các chất do tốc độ hoạt động của các gen điều khiển sự sinh trưởng.

Khi nghiên cứu về sinh trưởng, không thể không đề cập đến quá trình phát dục. Đây là quá trình thay đổi về chất, tức là tăng thêm, hoàn thiện thêm về tính chất, chức năng của các bộ phận cơ thể.

Phát dục diễn ra trong quá trình thay đổi về cấu tạo, chức năng, hình thái, kích thước các bộ phận cơ thể. Phát dục của cơ thể con vật là quá trình phức tạp trải qua nhiều giai đoạn từ khi trứng rụng tới khi trưởng thành, khi con vật trưởng thành quá trình sinh trưởng chậm lại, sự tăng sinh các tế bào ở các cơ quan, tổ chức không nhiều lắm, cơ thể to ra, béo thêm nhưng chủ yếu là tích luỹ mỡ, còn tích luỹ cơ thể xem như ở trạng thái ổn định.

b. Đặc điểm sinh trưởng, phát dục của lợn con

Lợn con trong gian đoạn bú sữa có khả năng sinh trưởng, phát dục nhanh. So với những loài gia súc khác thì tốc độ sinh trưởng của lợn con là cao nhất. Khối lượng cai sữa của lợn con khi 2 tháng tuổi gấp 12 - 16 lần so với khối lượng sơ sinh, trong khi đó bê nghé chỉ tăng 3 - 5 lần.

Qua thực tế sản xuất và nghiên cứu của nhiều tác giả đã chứng minh giai đoạn lợn con theo mẹ có khả năng sinh trưởng rất nhanh.

Theo Vũ Đình Tôn, Trần Thị Thuận (2006) [23], lợn con ở 7 - 10 ngày tuổi đã gấp 2 lần khối lượng sơ sinh, lúc 21 ngày tuổi gấp 4 lần, lúc 30 ngày tuổi gấp 5 lần và đến 60 ngày tuổi gấp 10 - 15 lần khối lượng sơ sinh.

Lợn con sinh trưởng, phát dục nhanh nên khả năng tích luỹ các chất dinh dưỡng rất mạnh. Lợn con 3 tuần tuổi mỗi ngày tích luỹ được 9 - 14 g protein/kg khối lượng cơ thể. Trong khi lợn trưởng thành chỉ tích luỹ được 0,3 - 0,4 g protein/kg khối lượng cơ thể.

Lợn con bú sữa sinh trưởng, phát dục nhanh, nhưng không đồng đều qua các giai đoạn. Sinh trưởng nhanh trong 21 ngày tuổi đầu, sau đó giảm. Sự giảm này do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do lượng sữa mẹ bắt đầu giảm dần và hàm lượng hemoglobin trong máu của lợn con giảm. Thời gian giảm sinh trưởng thường kéo dài khoảng 2 tuần tuổi, còn gọi là giai đoạn khủng hoảng của lợn con. Chúng ta có thể hạn chế sự khủng hoảng này bằng cách tập cho lợn con tập ăn sớm (Trần Văn Phùng và cs, 2004)[12].

Khả năng miễn dịch của lợn con trong giai đoạn cũng có những đặc điểm đặc biệt. Lợn con mới đẻ, trong máu không cóγ - globulin nhưng sau 24 giờ bú sữa

đầu, hàm lượngγ - globulin trong máu đạt tới 20,3mg/100ml máu. Do đó, lợn con

cần được bú sữa đầu càng sớm càng tốt. Nếu lợn con không được bú sữa đầu thì từ 20 - 25 ngày tuổi mới có khả năng tự tổng hợp kháng thể (Trần Cừ, 1972)[2].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu sử dụng chế phẩm Ferrum B12 để kích thích sinh trưởng và phòng bệnh tiêu chảy cho lợn con F2 giai đoạn từ sơ sinh đến 60 ngày tuổi tại trại lợn xã Yên Mỹ - huyện Yên Mô - tỉnh Ninh Bình. (Trang 29)