Một trong những mục tiêu của mô hình xây dựng nông thôn mới là tăng cường sự tham gia của người dân và cộng đồng, đóng vai trò quan trọng, để việc xây dựng mô hình nông thôn mới đi đúng trọng tâm, trọng điểm; giải quyết tốt những khó khăn, bức xúc của người dân trong sản xuất, phát triển kinh tế nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của người dân, góp phần rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, hướng tới sự phát triển nông thôn bền vững. Mục tiêu cụ thể của mô hình bao gồm:
Một là, mô hình xây dựng cho cộng đồng nông thôn một diễn đàn, nơi họ có cơ hội tham gia sinh hoạt, thảo luận, phát huy được quyền dân chủ trong các hoạt động phát triển của mình, đồng thời khơi dậy các ý tưởng phát triển thôn bản thông qua việc tham gia xây dựng mô hình nông thôn mới của cộng đồng người dân tại địa phương.
Hai là, mô hình nâng cao năng lực cho người dân, sao cho người dân trong cộng đồng có đủ năng lực chủ động trong tổ chức sản xuất kinh doanh, tự xây dựng kế hoạch và ra quyết định tùy thuộc và điều kiện và thế mạnh của địa phương cho các hoạt động phát triển thôn bản.
Ba là, mô hình hỗ trợ trực tiếp các hộ dân nông thôn về kiến thức, kỹ năng xây dựng kế hoạch, bố trí sản xuất – dịch vụ hợp lý, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào tổ chức sản xuất và kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ cung cấp giống, vốn cho hoạt động sản xuất có tính mùa vụ để tăng thu nhập bền vững.
Bốn là, mô hình hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu gắn liền với sự tham gia đóng góp vật chất, công sức hay tiền của người dân vào chương trình xây dựng nông thôn mới, sự tham gia của họ phải được thực hiện ngay từ việc lựa chọn những vấn đề, những công trình được cộng đồng cho là bức xúc nhất liên quan đến sản xuất và đời sống. Sự lựa chọn này thường rất chính xác vì chỉ có người dân hàng ngày đối mặt với những vấn đề bức xúc thực tế của cuộc sống và sản xuất, họ sẽ xác định đúng những vấn đề
cần thiết nhất để đầu tư xây dựng, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng công trình và duy trì sự bền vững của công trình. Tạo thói quen tự chủ trong các hoạt động đầu tư, tiếp nhận nguồn vốn đầu tư và sử dụng nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài cho cộng đồng, do đó không còn tư tưởng lệ thuộc, ỷ lại vào Nhà nước của người dân.
Năm là, mô hình còn tìm kiếm các phương pháp, các nguồn lực từ bên ngoài hỗ trợ cho quá trình phát triển như việc thu hút hỗ trợ đầu tư về tài chính và kỹ thuật từ các chương trình, dự án và các nguồn vốn hợp pháp khác trên đại bàn để thực hiện các mô hình. Thông qua mô hình cộng đồng hưởng lợi tập hợp tất cả các nguồn lực lồng ghép có tổ chức, phát huy vai trò của mình trong việc sử dụng các nguồn lực.