Nghệ thuật ẩn dụ về mùa xuân trong thơ Thiền Lý – Trần

Một phần của tài liệu Mùa xuân trong thơ thiền Lý - Trần Luận văn ThS. Văn học (Trang 96)

6. Cấu trúc luận văn

3.3. Nghệ thuật ẩn dụ về mùa xuân trong thơ Thiền Lý – Trần

Ẩn dụ là một biện pháp tu từ quen thuộc trong văn học nói chung. Biện pháp tu từ này nhấn mạnh đến việc “chuyển đặc tính của đối tượng (sự vật hiện tượng này sang cho đối tượng khác, theo nguyên tắc có sự tương đồng hoặc tương phản về một mặt nào đó giữa chúng” [19; 70]. Trong thơ ca phương Đông, ẩn dụ được sử dụng phổ biến, và thâu nhận trở thành thi liệu văn chương. Đối với thẩm mĩ Á Đông đòi hỏi sự hàm súc, lời hết ý nhiều trong ngôn ngữ, ẩn dụ chứa đựng và mở ra khả năng liên tưởng vô hạn.

Trong thơ Thiền, ẩn dụ cũng là một biện pháp tu từ được thiền gia sử dụng đa dạng và linh hoạt, đem lại hiệu quả cao trong việc khơi gợi cho người đọc. Ẩn dụ trong thơ Thiền mang những nét đặc sắc riêng, gắn với nội dung Thiền học. Biện pháp này tu sức cho việc thể hiện tính chất ám dụ nhiều tầng bậc của thơ Thiền. Người tu học phải thực hiện giác ngộ thông qua nỗ lực thâm nhập kiến giải các triết lí ẩn tàng trong những ẩn dụ ngôn từ đó.

Trong Thiền, bừng ngộ là một hành động tức thời, được thể hiện dưới những hình ảnh thiên nhiên mà thiền sư nắm bắt được trong khoảnh khắc ngộ đạo. Mỗi thiền gia nhận thấy ở những hình ảnh của thiên nhiên những đạo lí khác nhau. Do đó, ẩn dụ mang tính hiện tượng, chỉ mang giá trị trong một vài trạng huống nhất định.

Hình ảnh mùa xuân trong thơ Thiền Lý – Trần được dùng để ẩn dụ cho nhiều triết lí Thiền. Đôi khi, một triết lí được biểu trưng bằng nhiều ẩn dụ

khác nhau. Do ẩn dụ thơ Thiền có tính chất đơn lẻ, chúng tôi tạm phân chia tìm hiểu theo phạm vi triết lí được ẩn dụ thể hiện.

3.3.1. Ẩn dụ cho “bản thể chân như”

Vạn pháp luôn biến chuyển, hiện hữu với muôn hình vạn trạng, song chỉ là biểu hiện khác nhau của bản thể duy nhất. Trong các bài thuyết giảng về Thiền học, bản thể chân như được bàn đến với sự bất diệt, trường tồn, khác với biến dịch của vạn pháp. Người tu học trong con đường ngộ đạo đều cố gắng kiến giải minh triết về bản thể chân như bất diệt. Bản thể chân như được thể hiện bằng nhiều hình ảnh ẩn dụ khác nhau, nhất là hình ảnh của thiên nhiên mùa xuân.

Mùa xuân bất diệt qua hình ảnh hoa mai là bản thể chân như của vạn pháp: Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai

(Đừng cho rằng xuân tàn thì hoa rụng hết Đêm qua một nhành mai đã nở trước sân)

(Cáo tật thị chúng) [79; 299]

Cành mai trong buổi xuân tàn là hình ảnh ẩn dụ có giá trị biểu trưng cao độ cho sự trường tồn bất diệt của chân như. Cành mai trong hoàn cảnh cụ thể này ẩn dụ bản tính chân như đã ngộ đạo của thiền gia.

Giọt sương trong buổi sớm trong Thị đệ tử lại có giá trị biểu trưng cho tinh thần “vô úy” của đạo:

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

(Vì sự thịnh suy (cũng mong manh) như giọt sương đầu ngọn cỏ) (Thị đệ tử) [79; 218]

Với thủ pháp ẩn dụ, so sánh thiền sư thu về trong giọt sương sớm nơi đầu ngọn cỏ (lộ thảo đầu phô) một tư tưởng. Trong giọt sương nhỏ bé mong manh hàm chứa cả vũ trụ vĩnh hằng, bởi ẩn tàng tinh thần vô úy của con người lĩnh hội được lẽ tất yếu của vạn vật.

Thiền tông quan niệm mọi vật đều là biểu hiện khác nhau của cùng một bản thể duy nhất. Các hình thức khác nhau chỉ là hiện hữu bên ngoài với những sắc thái riêng biệt, cần tìm bản thể chân như trong những biểu hiện bề ngoài đó, không cần truy ở đâu xa:

Thúy trúc, hoàng hoa phi ngoại cảnh Bạch vân, minh nguyệt lộ toàn chân

(Trúc biếc, hoa vàng chẳng phải là cảnh bên ngoài Mây trắng, trăng trong lộ rõ cái chân toàn vẹn)

(Nhật nguyệt) [79; 239]

“Thúy trúc, hoàng hoa” là biểu tượng cho hiện tượng sắc tướng của chân như. Người tu học cần nhận chân và thấu đạt bản thể ngay từ hiện tượng đơn lẻ biến hình muôn trạng của vạn pháp.

“Hoa điệp” trong Tham đồ hiển quyết cũng ẩn dụ cho các sắc tướng khác nhau của bản thể:

Xuân hoa dữ hồ điệp Cơ luyến cơ tương vi

(Hãy xem bướm giỡn hoa xuân

Mấy phần quyến luyến, mấy phần lìa xa)

Hình ảnh ẩn dụ “hoa điệp” được dùng trong đối đáp câu nói của tăng về ngọc Mani (Mani cùng mọi sắc màu/ Khác nhau không khác gần nhau chẳng gần). Tương ứng với ngọc mani vốn tượng trưng cho bản tâm trong sáng của con người, sự quyến luyến rời xa của hoa điệp cũng chỉ là những biểu hiện khác nhau cho cùng một bản thể duy nhất.

Như thế, một ý niệm về biểu hiện vô cùng của bản thể được thể hiện bằng ẩn dụ qua những hình ảnh khác nhau của mùa xuân. Những cách biểu hiện như vậy cho thấy sự phong phú, đa dạng và sinh động của triết lí Thiền. Với những hình ảnh thiên nhiên xuân, triết lí Thiền vốn trừu tượng được ẩn dụ biểu hiện bằng sự hình dung mới, đem lại sự sắc bén và sáng rõ. Bản chất

đa nghĩa của ẩn dụ tạo nên tính ngụ ý và những hình dung mới cho triết lí Thiền học, tạo nên trường liên tưởng ở hành giả.

Cùng một ý niệm về các hiện tượng của bản thể, Nguyễn Giác Hải lại nhấn mạnh đến việc bỏ qua sắc tướng để nhận chân bản thể:

Xuân lai hoa điệp thiện tri thì Hoa điệp ưng tu cộng ứng kì Hoa điệp bản lai giai thị huyễn Mạc tu hoa điệp hướng tâm trì

(Xuân sang hoa và bướm khéo quen với thời tiết

Hoa bướm đều cần phải thích ứng với kì hạn của chúng Nhưng hoa với bướm vốn dĩ đều là hư ảo

Chớ nên bận tâm về hoa với bướm) (Hoa điệp) [79; 444]

Hình ảnh “hoa điệp” (hoa bướm) với bản chất về sự mong manh, dễ biến đổi, ẩn dụ cho sắc tướng huyễn ảo của sự vật. Từ một ý niệm về các hiện tượng khác nhau của bản thể, có nhiều thuyết giảng liên quan, có thể nhấn mạnh đến việc tìm thấy nguồn gốc của các hiện tượng – bản thể (Nhật nguyệt), hoặc phủ định biểu hiện bên ngoài – sắc tướng hư huyễn (Hoa điệp). Những lí giải dù khác nhau nhưng đều chung một mục đích cuối cùng là hướng về bản thể chân như bất diệt, bỏ qua biểu hiện của sắc tướng.

Mùa xuân với trăm hoa đua nở thường được dùng ẩn dụ về sự đạt thành của đạo Thiền. Hoa reo trong mùa xuân biểu hiện sự hưng thịnh, sinh sôi của muôn vật. Do đó, hoa trong mùa xuân và ngộ đạo có những tính chất tương đồng. Có thể thấy nhiều hình ảnh hoa xuân thể hiện cho sự kiến giải đạo Thiền:

Xuân chức hoa như cẩm Thu lai diệp tự hoàng

(Xuân dệt muôn hoa như gấm thêu Thu sang ngàn lá tựa vàng gieo)

Tự đắc nhất triêu phong giải đống Bách hoa nhưng cựu lệ xuân đài (Một sớm gió đông thổi tan băng giá Trăm hoa như cũ gieo trước gió xuân)

(Nhập trần) [80; 247]

Hoa reo trong gió xuân đối lập với hình ảnh héo úa của muôn vật trong mùa đông cũng như người còn chấp mê và con người trong khoảnh khắc ngộ đạo.

Như vậy có thể thấy việc trình bày thuyết giảng cho bản thể chân như bất diệt – vốn là mục đích người tu học cần khai ngộ, được ẩn dụ bằng nhiều hình ảnh mùa xuân khác nhau. Một ý niệm triết lí có thể được lí giải với nhiều góc độ và bằng những hình ảnh ẩn dụ khác nhau. Triết lí Thiền học như vậy được thể hiện một cách biểu cảm, sinh động, đem lại trường liên tưởng, sức gợi mở lớn cho người tu học.

3.3.2. Ẩn dụ cho con đường ngộ đạo

Thiền tông chủ ý ngộ đạo trong tiếp cận Thiền lý. Đó là sự bừng ngộ trong một khoảnh khắc của người tu học. Sự ngộ đạo không thể dựa vào tha lực mà cần nỗ lực dùng đến nội tâm siêu việt bên trong “tự thức bản tâm, tự kiến bản tính”. Trong một số trường hợp cần có tác động của bên ngoài như tiếng thét, quát của thiền sư, làm bừng ngộ tâm thức của người học đạo nhưng đó chỉ là “ngón tay chỉ trăng”, chủ yếu vẫn nhấn mạnh đến sự tự ý thức và tinh thần tự chủ.

Con đường ngộ đạo là thức tỉnh, bừng ngộ trong một khoảnh khắc, khi người học trực tiếp thấu đạt lẽ đạo bằng tâm thức. Tâm thức được bừng tỉnh không nhờ đến sự chấp nê thái quá vào những khái niệm khô cứng sách vở, gạt bỏ đi vọng niệm để tập trung vào nội tâm, tìm thấy bản tính tự nhiên của mình, nhờ nỗ lực và cơ duyên. Quan niệm Phật tính có trong mỗi người, nếu có cơ duyên sẽ giác ngộ:

Khô mộc phùng xuân hoa cạnh phát Phong xuy thiên lí phức thần hương (Hoa rợp cành khô lúc tiết xuân Gió đưa nghìn dặm nức hương thần)

(Tham đồ hiển quyết) [79; 278]

Hình ảnh hoa rợp cành khô ẩn dụ cho Phật tính được phát lộ, với tự lực và cơ duyên. "Kiến tính thành Phật", con người tìm thấy bản tính chân như của chính mình cũng là ngộ được chân ý của Phật pháp.

Hàm ý thức ngộ chân tính, khai mở được đạo pháp của Thiền học cũng được ẩn dụ qua hình ảnh của hạt giống nảy mầm cây:

Bất thị xuân lôi thanh nhất chấn Tranh giao hàm giáp tận khai manh (Có phải sấm xuân rền một tiếng Thì muôn hạt giống nảy mầm cây?)

(Niêm tụng kệ) [80; 127]

Nhưng trong sự giác ngộ này, đề cập đến yếu tố bên ngoài, tha lực – "xuân lôi", tác động làm bừng ngộ ở người tu học. Hình ảnh "xuân lôi" khẳng định sự khai thị khoảnh khắc đạt ngộ trong Thiền học. Khoảnh khắc khai ngộ bằng âm thanh bên ngoài cũng được ẩn dụ qua tiếng chim kêu trong Sơn phòng mạn hứng:

Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn

(Hoa rụng hết, mưa đã tạnh, núi non tịch mịch Một tiếng chim kêu, lại cảnh xuân tàn)

[79; 469]

Ẩn dụ tiếng chim kêu là sự thức nhận cho thiền giả về sự kết thúc của một chu trình tạo hóa và khởi phát cho một chu trình mới. Thiền giả được bừng tỉnh trong một khoảnh khắc khai ngộ về ý vị thiền lắng sâu trong cảnh xuân tàn.

Trên con đường tu đạo nhấn mạnh đến tự chủ, nội lực của bản thân của hành giả. Sự khác biệt trong con đường đạt đến ngộ giải các chân lý Thiền được đề cập như một điều chính yếu:

Xuân vũ vô cao hạ

Hoa chi hữu đoản trường (Mưa xuân không cao thấp Cành hoa có ngắn dài)

(Ngữ lục vấn đáp môn hạ) [80; 103]

Cành hoa ngắn dài là hình ảnh ẩn dụ cho sự khác nhau của con đường tu học. Hoa cùng được hưởng chung một làn mưa xuân nhưng dài ngắn khác nhau. Đó là sự khác biệt từ nội lực, bản thân, và cách lĩnh hội của người tu học. Vì thế sự giác ngộ không thể dựa vào bên ngoài mà cần chú trọng đến khai mở nội tâm trí huệ bên trong.

Con người đạt ngộ nhờ sự chú tâm đến nội lực, không còn chấp nê vào ngoại cảnh cũng như nội tâm. Khoảnh khắc đạt đạo của người tu học là lẽ hiển nhiên, tất yếu, khi khóa chặt được nội tâm trước ngoại giới:

Thế số nhất sách mạc Thời tình lưỡng hải ngân Ma cung hồn quản thậm Phật quốc bất thăng xuân (Số đời hoàn toàn mờ mịt

Tình người đổi thay qua đôi mắt Khi cung ma bị quản chặt

Thì cõi Phật tràn ngập màu xuân)

(Đề Cổ Châu hương thôn tự) [80; 454]

Con đường đạt ngộ cho người tu học phong phú và linh hoạt, vừa phụ thuộc vào nội lực, vừa có cơ duyên, đôi khi là sự tác động của bên ngoài (mang tính chất hỗ trợ). Những con đường tu học khác nhau được thể hiện

thông qua những hình ảnh ẩn dụ đặc sắc, gợi liên tưởng cho người tu đạo. Đốn ngộ trong khoảnh khắc của Thiền được thể hiện một cách sâu sắc, đầy ẩn ý.

Tiểu kết:

Tóm lại, với các biện pháp nghệ thuật miêu tả, tượng trưng, ẩn dụ, mùa xuân trong thơ Thiền Lý – Trần trở thành các phương tiện truyền tải Thiền lý với nhiều tầng ý thâm sâu, gợi mở trường liên tưởng, vừa tạo nên được những bức tranh xuân chan chứa ý vị thiền. Nghệ thuật miêu tả với bút pháp khái quát và chấm phá tạo dựng hình ảnh xuân với ý nghĩa biểu trưng và ý nghĩa trực tiếp phong phú sinh động, lắng sâu ý vị Thiền. Bức họa xuân qua thơ Thiền bình đạm sơ giản song khoáng đạt, thanh thoát thâm trầm của sắc cảnh thiền. Nghệ thuật tượng trưng, ẩn dụ biểu đạt triết lí Thiền một cách sinh động, biến những luận lí khô khan gần gũi trở nên gần gũi, biểu cảm và có tính gợi mở. Các biện pháp nghệ thuật có nguồn chung trong văn học trung đại nhưng thể hiện trong thơ Thiền với những đặc sắc riêng đem lại hiệu quả biểu đạt lớn lao.

KẾT LUẬN

Trong ba chương của luận văn, chúng tôi tập trung giải quyết các vấn đề sau:

1. Khái lược quan niệm chung về mùa xuân, mùa xuân đối với Thiền tông và mùa xuân trong cội nguồn thi ca phương Đông. Có thể thấy, trong mĩ cảm phương Đông, con người là một phần của vũ trụ, nên thiên nhiên bốn mùa có ý nghĩa quan trọng. Trong đó, mùa xuân mang ý niệm về sự khởi đầu hưng thịnh, in dấu ấn đậm nét đối với văn hóa Á Đông, đặc biệt ở các học thuyết lớn. Trong Thiền tông, mùa xuân là nền tảng khái quát nên các tư tưởng triết lí về sự đổi thay tất yếu của tạo hóa, cũng như biểu tượng cho chân như bất diệt. Với những ý nghĩa như vậy, mùa xuân, một cách tự nhiên, trở thành đề tài không thể thiếu trong thơ ca phương Đông. Trong dòng chảy đó, chúng tôi đề cập đến đề tài mùa xuân trong thơ Đường Trung Quốc, thơ haiku Nhật Bản – những nền thơ ca có nhiều nét chung đối với thơ Thiền Lý – Trần của Việt Nam cả về mĩ cảm chi phối và nghệ thuật thể hiện, nhận diện thiên nhiên bốn mùa và mùa xuân như một đề tài chính yếu được thể hiện cùng những đặc sắc riêng của nền văn học. Văn học trung đại Việt Nam, vốn nằm trên trục mĩ cảm văn hóa và văn học phương Đông, thể hiện mùa xuân mang cảm thức của tâm hồn Việt. Mùa xuân được hiện hữu như một dòng chảy không thể thiếu, trải dài theo tiến trình văn học (với các tác giả tiêu biểu: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến,…), ẩn chứa trong bức tranh phong cảnh thiên nhiên những kí thác về thân phận, lẽ đời của thi nhân.

2. Thơ Thiền Lý – Trần nằm trong mạch chảy của văn học trung đại Việt Nam, nhưng đề tài mùa xuân được thể hiện mang những đặc sắc riêng do sự chi phối của tinh thần Thiền học. Các khía cạnh đặc sắc của khu biệt thơ Thiền mùa xuân trong mạch chảy chung là chủ đề, hình tượng và các triết lí thiền học được ẩn tàng. Chủ đề được nhận diện qua hai dòng mạch chính là thiên nhiên và con người thấu triệt đạo Thiền. Thiên nhiên mùa xuân được

quang chiếu dưới đôi mắt nhìn thiền quán luôn mang thấm đẫm ý vị thiền. Đó là thiên nhiên hư tĩnh, phát lộ vẻ đẹp tự tính và thiên nhiên mang giá trị biểu trưng chuyên chở triết lí. Hiện hữu trong khung cảnh thiên nhiên ấy là con người của tâm thiền đạt đạo với tinh thần phá chấp triệt để, vô ngã, vô ngôn, tự do tuyệt đối, vượt khỏi những giới hạn thông thường. Về các hình tượng mùa xuân, chủ yếu nhận diện qua các hình tượng tiêu biểu là hoa xuân, trời, núi, trăng, gió xuân và các thanh âm mùa xuân. Đây là những hình ảnh xuất hiện với tần xuất lớn và mang giá trị biểu trưng cao, là "công cụ ngoại hóa" cho triết lí đạo Thiền. Đặc biệt, thơ Thiền với mục đích chính là truyền đạo và đạt đạo, xem khinh vỏ ngôn từ, thì việc gửi gắm triết lí mới là thiết yếu. Các triết lí Thiền học được thể hiện phong phú: vô thường, sắc không, cho thấy những tư tưởng và ý vị thâm áo trong cái nhìn về vũ trụ và nhân thế.

3. Về nghệ thuật thể hiện mùa xuân trong thơ Thiền Lý – Trần, chủ yếu

Một phần của tài liệu Mùa xuân trong thơ thiền Lý - Trần Luận văn ThS. Văn học (Trang 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)