Thiên nhiên mùa xuân

Một phần của tài liệu Mùa xuân trong thơ thiền Lý - Trần Luận văn ThS. Văn học (Trang 44)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.1. Thiên nhiên mùa xuân

Thiên nhiên luôn là một chủ đề lớn trong văn học Việt Nam. Trong mĩ cảm phương Đông, con người là một phần của đại vũ trụ, bởi thế con người luôn có mối tâm giao sâu nặng với thiên nhiên. Cách thức tiếp cận của Đạo gia, Nho gia và Thiền gia đều có những đặc sắc riêng. Thiền gia không nương nhờ vào thiên nhiên để cầu sự yên tĩnh như Đạo gia, coi sự tương thông cảm ứng giữa thế giới và con người làm trọng như Nho gia, mà coi thiên nhiên như một công cụ để ngoại hóa triết lí, nguồn cảm hứng để ngộ đạo.

Thơ Thiền thường mượn những hình ảnh thế giới vật chất để thể hiện thiền lý. Đó là hình ảnh ngoại giới các thiền sư bất ngờ nắm bắt được trong khoảnh khắc bừng ngộ. Thiên nhiên là một trong các hình ảnh ngoại giới có vai trò quan trọng trong truyền đạo và ngộ đạo của các thiền gia. Hình ảnh thiên nhiên nổi bật là cảnh sắc luân chuyển bốn mùa, trong đó xuân ẩn chứa nhiều ý vị Thiền.

Thiên nhiên mùa xuân là sự kết đọng của nhiều ý vị Thiền, mà trước hết là mùa xuân chuyên chở triết lí. Mùa xuân chỉ là vỏ bề ngoài, là sắc tướng để bao chứa những ẩn ý thiền đạo, là “ngón tay chỉ trăng”, có ý nghĩa tượng trưng hơn là hiện thực. Những triết lí của Thiền về vô thường, sắc không,… đều được mã hóa bằng các hình ảnh về mùa xuân.

Cặp xuân – thu là diễn trình về quy luật sinh trưởng và lụi tàn của muôn vật. Mùa xuân mang tính dương, là bắt đầu hưng thịnh, nhưng chưa ở giai đoạn viên mãn. Mùa thu lại là thời gian của quá trình tàn lụi, cho thấy sự chóng tàn và ngắn ngủi của vạn vật. Thơ Thiền nhận thấy ở đó triết lí về sự vô

thường, cái “không” đối lập với cái “có”. Bởi vậy, thiên nhiên biến dịch xuân thu trong thơ Thiền được dùng để biểu hiện quy luật tạo sinh và thành diệt tất yếu của tạo hóa.

Ly hạ trùng dương cúc Chi đầu thục khí oanh

(Trùng dương đến cúc vàng dưới dậu Xuân ấm về, oanh náu đầu cành)

(Tham đồ hiển quyết) [79; 274] Xuân hoa sắc đóa đóa hồng tiêu Thu nguyệt ảnh đoàn đoàn viên diệu (Sắc hoa xuân đóa đóa tươi hồng Bóng trăng thu tròn đầy viên diệu)

(Trữ từ tự cảnh văn) [80; 296]

Trong các câu trả lời đệ tử (Đáp đệ tử diệu đạo chi vấn) hoặc đối đáp giữa sư và tăng (Tham đồ hiển quyết), hoặc vua và sư (Ngữ lục vấn đáp môn hạ) thiên nhiên xuân thu, hoặc mùa xuân với những trạng hình cụ thể được khái quát từ mùa xuân tự nhiên biểu thị cho một ý niệm thiền học. Hình tượng mùa xuân mang tính chất biểu trưng, là lớp nền thứ nhất cho sự biểu đạt của một mục đích cao hơn: chứa đựng triết lý.

Sự biến chuyển tuần hoàn của thiên nhiên trong thơ Thiền dung chứa ý nghĩa về đạo. Thiền tông quan niệm Phật tính có trong mỗi con người, và mỗi người đều cần “Tự thức bản tâm, tự kiến bản tính” để thức nhận chân lí nội tại. “Kiến tính thành Phật” cũng như quy luật của tự nhiên, xuân đến hoa nở.

Khô mộc phùng xuân hoa cạnh phát Phong xuy thiên lý phức thần hương (Hoa rợp cành khô lúc tiết xuân Gió đưa nghìn dặm nức hương thần)

Xuân lai tự thị xuân hoa tiếu Thu đáo vô phi thu thủy ngâm (Mùa xuân tới hoa xuân cười

Mùa thu về không chỗ nào là nước thu không sâu) (Phật tâm ca) [80; 271]

Những hình tướng bên ngoài chỉ là sắc, hư ảo, mong manh, con người cần gạt bỏ tâm vọng niệm về chúng để tìm chân như của vạn pháp, chân tính trong sự nở tàn của quy luật:

Xuân lai xuân khứ nghi xuân tận Hoa lạc, hoa khai chỉ thị xuân (Xuân qua lại ngỡ xuân tàn

Hoa dù rụng nở, vẫn hoàn tiết xuân)

(Đáp đệ tử diệu đạo chi vấn) [79; 301] Hồng đào thụ thượng chân thời tiết

Hoàng cúc li biên bất thị xuân (Trên cây đào thắm đúng kì

Cúc vàng bên dậu chắc gì đã xuân) (Đối cơ) [80; 315]

Người học đạo không nên chấp nê vào khái niệm khô cứng, gạt bỏ vẻ bề ngoài giả tướng để nhìn sâu vào nội tâm siêu việt, tìm thấy chân như. Thiên nhiên tạo vật nở tàn là sự thức nhận về quy luật, cái "không" lại hàm chứa cái "có" (Đáp đệ tử diệu đạo chi vấn), cái "có" ẩn tàng cái "không" (Đối cơ).

Được quang chiếu bởi tâm thiền an định, thiên nhiên mùa xuân là thiên nhiên hư tĩnh. Sự hư tĩnh, lặng trầm của thiên nhiên mùa xuân kết đọng trong từng ý thơ. Mùa xuân thiên nhiên như được họa trong một khoảnh khắc ngắn ngủi mà chứa đựng cả mênh mông của vũ trụ, ngưng tụ vĩnh hằng của thời gian.

Cảnh xuân trong Đăng Bảo đài sơn được họa sơ giản, ít đường nét và màu sắc. Mọi tạp âm, chuyển động dư thừa đều bị lược bỏ, chỉ còn lại một bức tranh xuân bình đạm, nhưng đủ cảm nghiệm hết khí xuân trong trẻo, qua cái nhìn trầm mặc của hành giả:

Địa tịch đài du cổ Thời lai xuân vị thâm Vân sơn tương viễn cận Hoa kính bán tình âm

(Đất hẻo lánh đài thêm cổ kính Theo thời tiết, mùa xuân về chưa lâu Núi mây như xa như gần

Ngõ hoa nửa rợp nửa nắng) [80; 456]

Cảnh vật nằm trong trạng thái nửa hư nửa thực, núi mây như xa lại như gần, ngõ hoa nửa rợp, nửa nắng, lại thêm đền đài cổ tịch, thanh u. Bức tranh không có một âm thanh hay chuyển động, chỉ thấy những đường nét phác họa về núi, đài, ngõ hoa, sơ lược, hư ảo tăng thêm sự tĩnh mịch của cảnh xuân, nhưng lại cho người đọc thẩm nhận một mùa xuân mang ý vị thiền, trầm mặc, u huyền.

Đề Gia lâm tự là bức tranh mang đủ âm thanh, màu sắc nhưng vẫn là cảnh vật trong trạng thái tĩnh:

Xuân vãn hoa dung bạc Lâm u thiền vận trường

(Xuân muộn, dáng hoa mỏng mảnh Rừng sâu, tiếng ve ngắn dài)

[80; 614]

Bức tranh xuân có tiếng ve kêu song chỉ làm tăng thêm cảnh u tịch của khung cảnh. Mùa xuân trong sáng, sinh động, đa hình, đa thanh vẫn kết đọng

ý niệm về sự an định của tâm, vô ngã vô ý, loại bỏ vọng niệm, hòa nhập vào thiên nhiên vĩnh hằng, cảm hết cái đẹp của tạo hóa trong sự vô thường.

Thiên nhiên mùa xuân trong thơ Thiền còn là thiên nhiên mang vẻ đẹp tự tính. Thiên nhiên mùa xuân tàn nở theo chu trình sinh diệt của tạo hóa. Hành giả với tâm thiền đạt ngộ nhận diện vẻ đẹp thiên nhiên mùa xuân trong sự nở tàn vô thường ấy.

Hình ảnh thiên nhiên mùa xuân của sự vô thường trong thơ Thiền mang cảm thức về cái đẹp bản nguyên, khác với nỗi niềm bi cảm trước cái đẹp lụi tàn của thơ haiku. Cành hoa mai trong thơ của Trần Nhân Tông là cành mai của quy luật vô thường:

Cá tam đông bạch chi tiền diện Tá nhất biện hương xuân thượng đầu Cam lộ lưu phương si điệp tỉnh Dạ quang như thủy khát cầm sầu

(Cánh hoa trắng xóa suốt trong ba tháng đông

Sang đầu xuân chỉ còn loáng thoáng một vài cánh thơm nhẹ Móc ngọt chảy mùi thơm làm chú bướm si ngây tỉnh giấc Ánh sáng ban đêm như nước khiến con chim khát buồn rầu)

(Tảo mai 1) [80; 470]

Hoa mai trong tiết xuân vừa sang chỉ còn “vài cánh thơm nhẹ”. Trước công năng phá hủy của thời gian, hoa nở và tàn theo quy luật, nhưng hương hoa vẫn có sức gắn bó tác sinh cho muôn loài. Trong hương hoa thơm nhẹ, muôn vật cựa mình trong mối tương giao vi diệu, giọt sương sớm ngọt lành đánh thức chú bướm nhỏ, ánh sáng ban đêm trong lành đủ làm chú chim khát buồn rầu. Cảm xúc về mai tàn bởi thế không hàm ý bi thương mà mang ấn tượng tinh khôi, thanh khiết. Hoa đẹp trong sự tàn nở vô thường của chính nó.

Cũng mang cảm khái về thiên nhiên trong quy luật, trong Xuân vãn, thiền gia cho thấy sự an nhiên của con người trước lẽ dời đổi của tạo vật:

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không Nhất xuân tâm tại bách hoa trung Như kim kham phá đông hoàng diện Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng

(Thuở trẻ chưa từng hiểu rõ sắc với không Mỗi khi xuân đến vẫn gửi lòng trong trăm hoa Ngày nay đã khám phá được bộ mặt chúa xuân

Ngồi trên nệm cỏ giữa tấm phản nhà chùa ngắm cánh hoa rụng) [80; 463]

Với tâm thiền đã thấu đạt lẽ sắc không, thiền gia không chỉ gửi mình nơi trăm hoa đua nở trong tiết xuân sang, mà an nhiên trước sự lụi tàn của hoa trong cảnh xuân tàn. Thiên nhiên hiển lộ cái đẹp trong sự nở tàn tự nhiên, trong bản tính nguyên sơ của tạo vật.

Như vậy, thiên nhiên xuân được quang chiếu qua đôi mắt của một tâm thiền an tịnh là thiên nhiên chuyên chở thiền lý, thiên nhiên hư tĩnh và thiên nhiên mang vẻ đẹp tự tính. Mùa xuân vừa mang ý nghĩa ẩn tàng triết lí thiền, vừa mang vẻ đẹp của sự giao hòa, trong sáng, ban sơ, thấm đẫm sự mặc trầm của ý vị Thiền.

Một phần của tài liệu Mùa xuân trong thơ thiền Lý - Trần Luận văn ThS. Văn học (Trang 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)