6. Cấu trúc luận văn
2.2.2. Thanh âm mùa xuân
Thiền tông phủ nhận việc chấp nê vào ngôn ngữ, coi đó như là thứ “giả tướng” cản trở người tu hành tri kiến được Phật tính trong mình. Chủ trương
“bất lập văn tự”, coi giáo pháp của mình là “vô ngôn chi giáo”. Ngôn từ chỉ là “ngón tay chỉ trăng”, phương tiện để đạt được thành quả, không phải là mục đích cuối cùng. Để thức nhận được bản tính chân như trong mình từ “trực chỉ nhân tâm”, cần có sự thức nhận của nội lực siêu việt, “tự thức bản tâm, tự kiến bản tính”. Âm thanh được xem như một phương pháp bừng ngộ chân như. Một trong những phương pháp của thiền là dùng âm thanh để đạt ngộ cho đệ tử. “Lâm Tế xuất thế, chỉ dùng phương pháp đánh gậy và quát tháo để dạy học trò” (Niêm tụng kệ). Một âm thanh vang vọng, đột ngột có tác dụng thức tỉnh người tu học tâm còn u minh, chưa tỏ chân tính. Trong mật tông, bản thể của vũ trụ được biểu đạt qua âm thanh mật chú. Âm thanh của chính giác có thể làm cho niết bàn và luân hồi hợp nhất.
Vai trò của âm thanh đối với hành giả được thể hiện ở nhiều dạng thể khác nhau trong Thiền tông. Tiếng chuông là một dạng âm thanh quan trọng, giá trị biểu trưng cho sự thức tỉnh tâm mê. Chuông vốn được xem là một trong những pháp khí quan trọng của chùa. Tiếng chuông không chỉ được coi như hiệu lệnh của chùa chiền trong Phật giáo, nhắc nhở thời gian tu luyện mà còn mang ý nghĩa đối với sự thức tỉnh tâm thiền người tu học. Âm thanh tiếng chuông có tác dụng nhắc nhở con người về sự vô thường của cuộc đời và việc cần trấn chỉnh tu hành: “Kinh tỉnh thế gian danh lợi khách, hoán hồi khổ hải mộng mê nhân” (Khiến con người thế gian chạy theo danh lợi bừng tỉnh, kêu gọi mọi người mau thoát khỏi bể khổ mênh mông). Trong âm thanh ấy chứa đựng cả những ý vị thâm trầm sâu xa của đạo Thiền. Tiếng chuông chùa có khả năng làm bừng vỡ, thức tỉnh tâm hồn những điều tốt đẹp, xua đuổi điều xấu: “Mỗi khi tiếng chuông chùa ngân vang thì những hình phạt trong ác đạo được tạm thời ngừng nghỉ, chúng sinh chịu hình phạt được tạm thời an vui” [Phật ở trong lòng, HT Thích Thiện Siêu, nxb Tôn giáo, 2003; 339].Với những ý nghĩa thâm sâu của âm thanh vang vọng, tiếng chuông vang ngân xuất hiện trong thơ Thiền phá tan không gian tĩnh lặng để có được tâm thức
ngộ: “Thấp vân như mộng viễn chung thanh” (Mây ướt giăng như mộng, tiếng chuông xa vẳng) (Vũ lâm thu vãn)
Bởi tiếng chuông mang ý nghĩa của sự an vui, tốt lành, nên được dùng để ví tiếng sấm mùa xuân báo hiệu sức sống cho muôn vật.
Thượng đế liên sầm tịch Thái thanh thì nhất chung (Thượng đế thương hiu quạnh
Thỉnh thoảng điểm một tiếng chuông giữa tầng biếc) (Động Thiên hồ thượng) [80; 455]
Âm thanh trong tu thiền có giá trị thức tỉnh tâm hành giả, giải thoát tâm khỏi thể xác hư rỗng, giả tướng, nhìn thấy chân như bất diệt. Không Lộ thiền sư với “Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư” (Ngôn hoài) làm rung động cả không gian cô tịch. Đó là tiếng thét cho sự giải thoát bản thể khỏi xác thân, hòa nhập với vũ trụ không cùng. Chỉ với “nhất thanh” ấy đã xáo động cả thái hư vĩnh hằng, chứng tỏ bản lĩnh, tâm thế của người đạt đạo.
Vang vọng trong không gian tĩnh lặng, dưới những dạng thức khác nhau, âm thanh mang giá trị đồng đẳng đánh thức tâm mê của hành giả.
Nhập môn tiên át dục hà hành? Dẫn đắc nhi tôn túy lý tinh Bất thị xuân lôi thanh nhất chấn Tranh giao hàm giáp tận khai manh? (Đến nhà là quát cớ sao đây?
Vì muốn con cháu tỉnh lại ngay Có phải sấm xuân rền một tiếng Thì muôn hạt giống nảy mầm cây?)
Tiếng sấm rền mùa xuân làm hạt giống nảy mầm cây. Âm thanh của tiếng sấm trong thiên nhiên xuân cũng như tiếng quát của thiền sư đối với đệ tử, có tác dụng khai ngộ tâm mê. Thức tỉnh của Phật tính vốn có trong mỗi
người, cần có sự chấn động, dồn ép mới phát lộ. Triết lý của đạo về Phật tính và phương pháp ngộ đạo được hiển lộ qua sự trực diện của âm thanh vang vọng.
Âm thanh vang trong không gian xuân là sự nhận thức, thức ngộ những quy luật của muôn vật, để tâm thiền an định, an nhiên đón nhận đổi thay vô thường:
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn
(Hoa rụng hết, mưa đã tạnh, núi non tịch mịch Một tiếng chim kêu, lại cảnh xuân tàn)
(Sơn phòng mạn hứng 2) [80; 469]
Cảnh xuân chìm trong trạng thái hư không, tĩnh mịch, lòng người dẹp bỏ thị phi, trút bày vào thiên nhiên. Lòng thiền an định, thiên nhiên u tịch. Tất cả không gian nội tâm và ngoại cảnh đều chìm trong trạng thái của sự tĩnh lặng, trầm lắng. Tiến trình tàn lụi của cảnh xuân đã hoàn thành. Một tiếng chim kêu “nhất thanh đề điểu” làm xáo động không gian tĩnh mịch, làm thức tỉnh tâm thiền tĩnh lặng, báo hiệu một chu trình mới của vũ trụ. Âm thanh mang giá trị thức tỉnh ấy đem đến cho người thiền một tâm thế an nhiên đón nhận quy luật vô thường tạo vật.
Như vậy, âm thanh có một vai trò không nhỏ đối với việc tu thiền của người học đạo. Dưới những dạng thức khác nhau: âm thanh tiếng chuông, tiếng sấm mùa xuân, tiếng chim kêu, trong những trạng huống riêng đem đến sự thức cảm mang đậm ý vị thiền. Đó là sự giải thoát bừng ngộ của tâm thiền đạt đạo, báo hiệu cho niềm vui an lạc hay sự nhận thức quy luật tự nhiên, để người tu học đón nhận với tâm an định.
2.2.3. Các hình tượng khác
Mùa xuân không chỉ được nhận diện qua hình tượng hoa xuân mà còn được hiện hữu qua sự giao quyện của trời xuân, núi xuân, trăng xuân, gió
xuân, tạo nên một bức tranh thiên nhiên tươi đẹp mà thấm đậm ý vị thiền. Trong quan niệm của Thiền tông, con người và thiên nhiên cũng chỉ là sự biến hóa của một pháp chân duy nhất. Từ thiên nhiên, nhà tu hành thức nhận được chân lí của đạo, tìm thấy Phật tính ở tiếng suối reo hay nơi sắc núi. Tô Đông Pha nhà thơ Trung Quốc đời Tống tìm thấy Phật ở thiên nhiên như vậy: “Khê thanh tiện thị quảng trường thiệt/ Sơn sắc khởi phi thanh tịnh thân” (Tiếng suối chính là Phật diệu âm/ Màu non hiện thì pháp thân tịnh) (Tặng Đông Lâm trưởng lão). Những hình tượng thiên nhiên mùa xuân không chỉ là đối tượng thẩm mĩ trực tiếp thức gợi ở thi nhân – thiền gia xúc cảm, mà còn tri nhận triết lí của đạo.
Thiên nhiên mùa xuân trong thơ Thiền được hiện hữu trong không gian khoáng đạt, rộng lớn. Trời xuân được mở rộng đến vô cùng bởi trạng thái hòa nhập tuyệt đối vào vũ trụ vĩnh hằng của tâm thiền đạt đạo. Hình ảnh xuất hiện trong thơ Thiền là bầu trời cao rộng, mang vẻ đẹp thanh khiết của mùa xuân. Trần Nhân Tông đối diện với cảnh bằng trạng thái vô ngôn “bất vấn nhân gian sự” để đắm mình vào khung cảnh mùa xuân hiển lộ trong sắc xanh mờ của chân trời xa: “Cộng ỷ lan can khán thúy vi” (Cùng đứng tựa lan can ngắm màu xanh mờ mịt ở chân trời) (Xuân cảnh). Hiện hữu trong bức tranh xuân của Trần Quang Triều cũng là một bầu trời xuân xanh trong, bao la và tĩnh lặng: “Vũ thu thiên nhất bích” (Mưa tạnh, trời xanh biếc một màu) (Đề Gia Lâm tự). Trời xuân còn gắn với đêm xuân, cộng hưởng cùng ánh trăng chan hòa. Trăng càng tăng thêm vẻ cao xa của trời, quyện hòa cho đêm trăng xuân tĩnh mịch và một không gian mở rộng đến vô cùng. Đó là đêm trăng sáng trong Nhị nguyệt thập nhất nhật dạ cùng: “Nhất thiên như thủy, nguyệt như trú” (Trời trong như nước, trăng sáng như ban ngày), hay sự tĩnh lặng đến vô cùng của đêm trăng thanh sau mưa với bầu trời quang mây trong Thiên Trường phủ: “Tễ vân thôn vũ thổ hoa tiêu” (Mây quang, mưa tạnh ngấn bùn đất cũng mất sạch). Trời xuân trong thơ thiền được tạc hình trong sự rộng lớn
về chiều kích, khoáng đạt về không gian và tĩnh tại đến vô cùng. Không gian xuân được tạc nên từ bầu trời xuân một màu xanh thẳm, hay cao rộng, sáng trong với ánh trăng vời vợi, chìm trong sự tĩnh lặng đến tuyệt đối. Trời xuân được quang chiếu qua đôi mắt thiền, mang sự thanh u, bình lặng và vẻ trầm mặc của Thiền đạo.
Núi xuân cũng là một hình ảnh xuất hiện thường trực trong những bức tranh thiên nhiên mùa xuân. Núi xuân trong thế tương hợp với những hình ảnh về hoa, trời, nước, mây… tạo nên bức tranh xuân hài hòa, với ý vị Thiền riêng. Núi mang ý nghĩa riêng đối với Thiền tông. Núi là nơi yên tĩnh, nơi có thể trông thấu và bao quát mọi sự, biểu tượng cho sự hiện hữu và tĩnh lặng vĩnh cửu. Bởi thế, núi được chọn là nơi để tầm đạo, nuôi dưỡng chân tính, có ý nghĩa quan trọng đối với tu tập trong Thiền. Hình ảnh núi trong thơ Thiền do đó vừa là cái nhìn về thiên nhiên cảnh sắc vừa kí thác ý niệm đạo học. Núi xuân trong khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp thấm đẫm ý vị Thiền mang vẻ hư thực, như có như không: “Vân sơn tương viễn cận/ Hoa kính bán tình âm” (Núi mây như xa như gần/Ngõ hoa nửa rợp nửa nắng) (Đăng Bảo Đài sơn). Hình ảnh của núi trong thơ Thiền thường mang vẻ cô tịch, tĩnh mịch, xa xôi. Trong Sơn phòng mạn hứng là cảnh núi xuân tịch lặng, thấm đẫm ý vị thiền:
“Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch/Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn” (Hoa rụng hết, mưa đã tạnh, núi non tịch mịch/Một tiếng chim kêu, lại cảnh xuân tàn). Tâm thiền đã an định cùng với sự trút bỏ thị phi cùng thiên nhiên xuân, chỉ còn lại sự tĩnh mịch của núi. Mọi cảnh vật đều trong trạng thái của sự hoàn kết. Và đọng lại ở không gian yên tĩnh của núi non. Và tiếng chim kêu phá vỡ cảnh yên tĩnh đó là sự thức tỉnh đối với tâm thiền, để bắt đầu một vòng mới của quy luật sinh diệt với tâm thế an nhiên. Núi xuân trong bức tranh mùa xuân hòa quyện cùng các hình ảnh khác tạo nên một sự hài hòa và hơn hết là sự cô tịch, thấm đẫm ý vị của đạo. Hình ảnh núi non cô tịch thức gợi về mùa xuân thiền thanh vắng và một tâm thiền an định của thi nhân – thiền gia.
Trăng xuân là hình ảnh mang giá trị biểu trưng và biểu cảm lớn trong thơ Thiền. Trăng vốn mang tính âm, thường tượng trưng cho ánh sáng tâm linh. Ánh trăng biểu trưng cho trí huệ bát nhã, cho sự viên giác. Cũng như các hình ảnh khác, trăng trong thơ Thiền mang ý nghĩa biểu thị trực tiếp và ý nghĩa chuyển tải triết lí Thiền. Trăng được xem như chân như của vạn pháp, là cái còn trong cái mất: “Thủy lưu nguyên tại hải/ Nguyệt lạc bất li thiên” (Nước trôi ắt về biển/ Trăng lặn chẳng lìa trời) (Niêm tụng kệ), hoặc là hình ảnh của cái “có” trong cái “không”: “Vô vân sinh lĩnh thượng/ Hữu nguyệt lạc ba tâm” (Mây “không” sinh đỉnh núi/ Trăng “có” rơi đáy sông) (Niêm tụng kệ). Hình ảnh của trăng trong nước biểu trưng cho sự giác ngộ. Mặt trăng trong nước nhưng không thể phá vỡ mặt nước, là cái hiện hữu nhưng không thể nắm bắt: “Thu nguyệt ảnh đoàn đoàn viên diệu” (Ánh trăng thu tròn đầy viên diệu) (Trữ từ tự cảnh văn) là chính giác viên mãn của người đạt đạo.
Hình ảnh trăng xuân trong thơ Thiền Lý – Trần thường xuất hiện trong một khoảng vô tận, không giới hạn, trong sự tĩnh mịch vô biên. Trăng làm tăng thêm sự thanh tịch cho cảnh xuân. Đó là những đêm xuân ánh trăng chiếu sáng vô ngần, tạo nên sự giao hòa quyến luyến của cảnh vật trong Nhị nguyệt thập nhất nhật dạ: “Nhất thiên như thủy, nguyệt như trú/ Hoa ảnh mãn song, xuân mộng trường” (Trời trong như nước, trăng sáng như ban ngày/ Bóng hoa tràn ngập cửa sổ, giấc mộng đêm xuân triền miên), hay ánh trăng sáng thêm vẻ cô tịch cho đêm xuân tâm thiền đã tịnh của Thiên Trường phủ: “Trai đường giảng hậu tăng quy viện/ Giang quán canh sơ nguyệt thượng kiều” (Trên trai đường, giảng kinh xong các sư về viện/ Quán bên sông, mới canh đầu trăng đã lên cầu). Đăng Bảo Đài sơn lại cho thấy một tâm thiền “đối cảnh vô tâm”, giao hòa tuyệt đối cùng thiên nhiên vũ trụ vĩnh hằng:
Ỷ lan hoành ngọc địch
Minh nguyệt mãn hung khâm
Tựa lan can nâng ngang chiếc sáo ngọc Ánh trăng sáng chan hòa trước ngực)
Thi nhân – thiền gia nâng ngang chiếc sáo ngọc, hòa mình vào thiên nhiên dưới ánh trăng sáng chan hòa. Đó là sự hòa mình một cách tuyệt đối trong trạng thái vô ngôn của Thiền. Ánh trăng sáng bao la giữa trời gợi cảm nhận về chân lí duy nhất, tuyệt đối, thường hằng, bừng ngộ triết lí đạo. Trăng mùa xuân trong thơ Thiền là ánh trăng của đạo, là biểu trưng cho Phật tính, chân tâm, cũng là xúc cảm của thi nhân – thiền gia trước thiên nhiên xuân.
Gió cũng như những yếu tố thiên nhiên khác: núi, trăng, mưa,… tạo thành bức tranh về mùa xuân có sự giao hòa tinh tế của muôn vật. Đây là một trong bốn yếu tố cơ bản cấu thành của muôn vật (địa, thủy, hỏa, phong). Gió mang tính động, luân chuyển, mang đặc tính về sự vô hình, chỉ có thể cảm mà không thể nắm bắt. Bởi vậy, gió được quan niệm như một biểu hiện của giả tướng bên ngoài, phi thực. Trong thơ Thiền, hình tượng gió xuân mang nhiều ý niệm thâm áo. Trả lời cho câu hỏi về gia phong của Phật Thích Ca: “Như hà thị hiện tại Phật gia phong ?”, gió xuân được dùng để biểu ý cho sự đổi thay, tương giao của muôn vật: “Bạch thủy gia phong mê hiểu yến/ Hồng đào tiên uyển túy xuân phong” (Nước trắng thêm gió vào làm mê chim én sáng/ Đào hồng trong vườn tiên làm say gió xuân) (Sư đệ vấn đáp). Gió xuân là dấu hiệu đầu tiên của mùa xuân, đem đến sự đổi thay cho muôn vật. Trong Tảo mai 2
của Trần Nhân Tông, gió xuân đem đến sự đổi thay diệu kì. Bắt đầu từ làn gió xuân thổi đến “Đông phong tiên dĩ đáo cô côn” (Mà gió xuân đã sớm đến với gốc cây cô đơn) đã làm muôn vật đổi thay “Ảnh hoành thủy diện băng sơ bạn/ Hoa áp chi đầu noãn vị phân” (Bóng ngả trên mặt nước, băng giá bắt đầu tan/ Hoa trĩu nặng đầu cành, hơi ấm chưa định rõ). Ngọn đông phong thổi làm tan chảy băng giá của mùa đông, hoa bắt đầu trĩu trên cành. Cảnh xuân vừa sang, tiết ấm chưa rõ hẳn, ngọn gió xuân đã đem đến bao tươi mới cho cảnh vật.
Gió xuân còn là biểu trưng cho yếu tố đem đến sự đạt ngộ. Từ đặc tính về sự đổi thay trong sắc khí mùa, mang lại sự sinh sôi cho vạn vật, gió được xem như yếu tố quan trọng cho sự tạo sinh. Xuất phát từ sự đổi thay ấy,
khung cảnh mùa xuân với hoa nở trong gió trở thành hình ảnh biểu trưng cho bừng nở của đạo. Trong Nhập trần, gió xuân là yếu tố biểu trưng cho sự đạt đạo: “Tự đắc nhất triêu phong giải đống/ Bách hoa nhưng cựu lệ xuân đài” (Một sớm gió đông thổi tan băng giá/Trăm hoa như cũ reo trước gió xuân). Hoa cùng gió xuân tương tác trong mối quan hệ nhân quả, hòa hợp. Gió xuân thanh tẩy những vọng niệm tâm tục của con người để đạt đến sự giải thoát, như trăm hoa nở trong gió xuân.
Gió tuy có thể cảm được nhưng không thể thâu tóm một cách cụ thể, hữu hình nhưng lại vô hình như “gió cành thông lòng sông trăng sáng” (Tầm hưởng, Minh Trí). Gió được Trần Tung ví với tâm hư rỗng, có mà không trong Vạn sự quy như: “Tâm nhược thanh phong tính nhược bồng” (Tâm như gió mát, tính như cỏ bồng). Sự vô hình và hữu hình, tính chất khó nắm bắt cụ thể của gió được thể hiện yếu tố siêu thoát của tâm thiền. Đối với sự miêu tả về cảnh sắc, gió xuân không nắm bắt được bằng thị giác song có thể thẩm nhận bằng xúc giác, tâm cảm. Gió xuân mang đến sự đổi thay cho cảnh sắc, gắn với những giá trị biểu trưng trong những trạng huống cụ thể.
Như vậy, sự hòa quyện giữa các hình tượng trời, núi, trăng, gió xuân