Con người mùa xuân

Một phần của tài liệu Mùa xuân trong thơ thiền Lý - Trần Luận văn ThS. Văn học (Trang 49)

6. Cấu trúc luận văn

2.1.2. Con người mùa xuân

Trong thơ Thiền, con người được thể hiện qua những quang ảnh khác nhau về cuộc sống, mà đặc sắc hơn cả là những bức tranh thiên nhiên mùa xuân đa sắc với một cành mai nở sớm, một không gian thoang thoảng hương thông,… Văn chương Thiền không ca ngợi con người nhân sinh với những khát vọng riêng, trăn trở về thân phận, lẽ đời như văn học trung đại (con người trong thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, …) mà hướng đến nhận diện con người với sức mạnh trí huệ trong khát vọng tu cầu giải thoát. Con người thơ Thiền mùa xuân hiển lộ với những phong cách riêng: tinh thần sám hối trong thơ Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông nhập cuộc với tinh thần "cư

trần lạc đạo", con người phóng cuồng trong thơ Trần Tung… Nhưng đều là những con người gần gũi với cuộc sống trần thế, không ngừng truy tìm con đường giải thoát, với tinh thần phá chấp triệt để, vô ngã, vô ý…

Trước hết đó là con người tự do phá chấp triệt để với mục tiêu đạt đến cái tâm trống không “ưng vô sở trụ”. Các thiền giả hướng đến phá bỏ sự câu chấp thường tình của người đời, phá bỏ cái nhìn nhị nguyên phân biệt các sự vật, hiện tượng như: sinh – tử, hữu – vô, phàm – thánh, mê – ngộ… Đó chỉ là “cảnh tự tâm sinh”, sự đối lập giả tạo, do ý chủ quan của con người tạo nên. Cái nhìn nhị nguyên là “vọng kiến”, vòng dây trói buộc con người trong sự đau khổ. Bởi thế, Trần Tung khuyên người tu học không cần “trì giới nhẫn nhục” vì “Trì giới và nhẫn nhục/ Chuốc tội chẳng chuốc phúc” (Trì giới và nhẫn nhục) [tập 2; 291]

Con người muốn tự do với tinh thần phá chấp cần buông bỏ hết mọi sự phụ thuộc vào những giáo điều, kể cả chấp nê vào giáo lí kinh điển của nhà Phật, tự tạo cho mình một cách sống, một đường hướng riêng đạt ngộ với tinh thần tự chủ, tự tại. Trần Tung ngạo nghễ, phóng túng với tinh thần phá chấp khi không câu nệ vào kinh kệ Phật học, như cách ông nói về pháp thân thanh tịnh: “Ra vào trong nước đái trâu, chui rúc giữa đống phân ngựa” (Đối cơ). Trần Nhân Tông hướng vào phá chấp hữu – vô bởi đó đều là vô minh, do tâm định kiến sai lầm mà thành. Tranh cãi về hữu vô, hay phi hữu vô đều là những ngả đường sai lầm, cũng như “Chấp chỉ vong nguyệt” (Chỉ “chấp” ngón tay mà quên vầng trăng), hay “Lạp tuyết hài hoa” (Chóng tan như tuyết làm nón, như hoa mai làm hài) (Hữu cú vô cú) [tập 2; 487]. Chỉ có buông bỏ định kiến về hữu – vô mới có thể đi đến chân lí.

Khi tâm không còn vướng mắc, lệ thuộc vào bất cứ điều gì, thì những chuyện thịnh suy, sống chết của đời người… không vướng lụy. Con người với tâm “như gương sáng vốn không đài”, an nhiên trước mọi sự đổi thay của tạo hóa. Đó là lúc hiển lộ con người “vô úy”, tự chủ, ung dung tự tại. Vạn Hạnh thiền sư thản nhiên đón nhận mọi lẽ thịnh suy:

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy Thịnh suy như lộ thảo đầu phô

(Mặc cho vận đời dù thịnh hay suy đừng sợ hãi

Vì sự thịnh suy (cũng mong manh) như giọt sương đầu ngọn cỏ) (Thị đệ tử) [79; 218]

Tinh thần “vô úy” của con người đã phá chấp triệt để, đạt đến tâm không. Sự thịnh suy vốn làm con người vướng bận, sợ hãi. Với hành giả đã phá chấp, tâm thanh tịnh, lẽ thịnh suy dời đổi của vũ trụ thu về nơi giọt sương mong manh đầu ngọn cỏ.

Trần Nhân Tông thể hiện tâm trong sáng, an nhiên tự tại, đã dẹp bỏ được vô minh để bản tính thanh tịnh hiện ra.

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn (Niềm thị phi rụng theo hoa buổi sớm Lòng danh lợi lạnh theo trận mưa đêm

Hoa rụng hết, mưa đã tạnh, núi non tịch mịch Một tiếng chim kêu, lại cảnh xuân tàn)

(Sơn phòng mạn hứng 2) [80; 469]

Con người mang tâm an nhiên hư rỗng buông bỏ mọi thị phi của trần thế vào thiên nhiên mùa xuân “hoa buổi sớm”, “trận mưa đêm”. Lắng đọng sau sự diệt bỏ vọng niệm chỉ còn lại sự tĩnh mịch của núi non, sự thâm trầm của cảnh xuân tàn, cũng là tâm an tĩnh, nguyên sơ của con người. Với tâm thế mới, không vọng niệm, con người ấy sẵn sàng đón đợi cho một chu trình, một vòng luân hồi mới đang khởi phát.

Trong thơ Thiền mùa xuân còn xuất hiện hình tượng của con người vô ngã. Ngã là một trở ngại lớn trên con đường tu học. Chỉ có “vật ngã câu

vong”, quên cả ta và vật mới có thể hòa làm một với vũ trụ vĩnh hằng, xóa đi khoảng cách chủ thể - khách thể, mới có được Niết bàn nơi thế gian này. Đây cũng là một khía cạnh của tinh thần phá chấp, là cái chấp khó từ bỏ nhất của con người trong muôn vàn cái chấp khác nhau. Con người luôn ôm giữ lấy cái tôi với những sai lầm nhị kiến, không chịu từ bỏ những u mê, lầm lạc. Thơ Huyền Quang với những sự “quên” thường được dẫn dụ để nói về tinh thần vô ngã: quên ngày tháng và ở mức cao độ là quên đi sự tồn tại của bản thân: “vong thân, vong thế, dĩ đô vong” (Quên mình, quên đời, quên hết tất cả)

(Cúc hoa 3).

Hình ảnh con người vô ngã trong những bài thơ Thiền mùa xuân hiện hữu qua những chủ thể hòa nhập tuyệt đối vào thiên nhiên, vũ trụ vô biên. Trong Nhị nguyệt thập nhất nhật dạ hay Đăng Bảo Đài sơn của Trần Nhân Tông đều xuất hiện những con người với bản tâm xóa nhòa, tan biến cùng bao la của vũ trụ vĩnh hằng.

Nhất thiên như thủy, nguyệt như trú Hoa ảnh mãn song, xuân mộng trường

(Trời trong như nước, trăng sáng như ban ngày

Bóng hoa tràn ngập cửa sổ, giấc mộng đêm xuân triền miên) (Nhị nguyệt thập nhất nhật dạ) [80; 460]

Trong đêm xuân, khung cảnh thiên nhiên vô tận vô biên với trời trong, trăng sáng, bóng hoa ngập tràn. Lòng người thanh tịnh, khinh an tan hòa trong sự thanh khiết, tĩnh lặng của xuân, trong giấc mộng dài. Con người quên đi mọi lẽ đổi thay của đời để nhập hòa tuyệt đối cùng thiên nhiên sáng trong, vi diệu.

Con người vô ngã có khi là con người trong trạng thái “không” tuyệt đối, quên đi tất cả, vô vi, hòa trong thiên nhiên với bản tâm tĩnh lặng:

Vân sơn tương viễn cận Hoa kính bán tình âm

Vạn sự thủy lưu thủy Bách niên tâm ngữ tâm Ỷ lan hoành ngọc địch

Minh nguyệt mãn hung khâm (Núi mây như xa như gần Ngõ hoa nửa rợp nửa nắng Muôn việc như nước tuôn nước Trăm năm lòng lại nhủ lòng

Tựa lan can nâng ngang chiếc sáo ngọc Ánh trăng sáng chan hòa trước ngực)

(Đăng Bảo Đài sơn) [80; 456]

Trong cảnh xuân nửa hư nửa thực, con người bỏ qua những sự thị phi của trần thế, “thủy lưu thủy” để tuyệt đối tĩnh lặng trong khoảng thinh không của vũ trụ, hòa mình vào thiên nhiên với “ánh trăng sáng chan hòa trước ngực”. Khoảng cách giữa chủ thể - con người và khách thể - tự nhiên đã bị xóa bỏ, chỉ còn một tan biến trong thái không vĩnh hằng của xuân đang sang.

Vô ngã không phải là sự phủ định, xóa bỏ con người, mà là sự giải phóng con người ở mức độ tuyệt đối, khỏi ngoại cảnh và cả bản thân. Con người với tinh thần vô ngã vượt qua giới hạn của đời người để trường tồn cùng vô hạn của đại vũ trụ.

Trong thơ Thiền mùa xuân còn có một con người khác là con người vô ngôn. Thiền tông chủ trương “bất lập văn tự”, với phương thức tu đạo “dĩ tâm truyền tâm”, “trực chỉ nhân tâm” đã xem khinh suy luận lý trí và ngôn ngữ. Bởi ngôn ngữ là hữu hạn trước chân lí vô cùng. Thiền học đề cao sự trực cảm thông qua suy luận của lí trí, khẳng định con đường tự chứng nghiệm của bản thân mới là con đường đạt đến chân lí. Đức Phật khai ngộ cho Ca Diếp chỉ bằng cành hoa mà không dùng một lời. Những câu nói ngắn gọn, hành động của các thiền sư khi hướng dẫn học đạo chỉ xem như “ngón tay chỉ trăng” –

phương tiện dẫn giải người tu học. Như vậy, hình tượng con người vô ngôn, xuất hiện với nhiều dạng thức trong thơ Thiền mùa xuân có căn nguyên từ triết thuyết “vô ngôn” của Thiền học.

Im lặng là trạng thái ngộ được vô hạn của chân lí. Trong thơ Thiền hiện hữu những khoảnh khắc con người lặng im không nói. Thi nhân đứng trước cảnh xuân mang tâm thế giao hòa trong cảnh huống vô ngôn của thiền. Trần Nhân Tông đắm say trước thiên nhiên, không triết lí về cuộc đời “vạn sự thủy lưu thủy” mà chỉ: “Ỷ lan hoành ngọc địch/ Minh nguyệt mãn hung khâm” (Tựa lan can nâng ngang chiếc sáo ngọc/ Ánh trăng sáng chan hòa trước ngực) trong Đăng Bảo Đài sơn. Thiền gia cũng hòa bản thể vào vũ trụ vĩnh hằng, trong trạng thái vô tâm vô ý trong Xuân cảnh:

Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi Khách lai bất vấn nhân gian sự Cộng ỷ lan can khán thúy vi

(Trong khóm hoa dương liễu rậm, chim hót chậm rãi Dưới bóng thềm ngôi nhà chạm vẽ, mây chiều lướt bay Khách đến chơi không hỏi việc đời

Cùng đứng tựa lan can ngắm màu xanh mờ mịt ở chân trời) [80; 460]

Trước khung cảnh xuân tươi đẹp, chim hót chậm rãi trong khóm hoa, mây lướt bay trên bầu trời cao vợi, người khách đến chơi không hỏi việc đời, chỉ duy nhất phút giây lặng im. Đây là khoảnh khắc thiên nhiên mùa xuân đang hiển lộ vẻ đẹp tự nhiên và ban sơ, còn lòng người thanh tịnh, hòa điệu cùng trời đất. Khoảnh khắc tương giao tuyệt diệu này không thể nói thành lời. Chủ và khách kết nối với nhau không phải bằng ngữ ngôn hữu hạn mà bằng tâm đạo vô cùng. Im lặng mà ý tứ không cùng.

Trần Quang Triều cũng mang đến một mùa xuân trong trẻo và một trạng thái vô ngôn của Thiền trong Đề Gia Lâm tự:

Vũ thu thiên nhất bích Trì tịnh nguyệt phân lương Khách khứ tăng vô ngữ Tùng hoa mãn địa hương

(Mưa tạnh, trời xanh biếc một màu Ao trong, trăng mát dịu tỏa xuống Khách ra về, sư chẳng nói

Mặt đất thơm ngát mùi hoa thông) [80; 614]

Con người đứng trước cảnh xuân thanh khiết, sáng trong như được thanh tẩy bụi trần, ưu tư, muộn phiền, để đắm chìm trong cảnh. Khách ra về sư chẳng nói, chỉ còn thoang thoảng mùi hoa thông vương trên đất. Không khí lặng im không lời là phút giây con người, trời và đất cùng hòa điệu, tương giao. Bài thơ chỉ tả cảnh, sự việc, không hề có một lời bình luận hay từ ngữ biểu đạt xúc cảm nhưng dư ba trong lòng người là vô hạn.

Trong thơ Thiền, con người vô ngôn đối diện với cảnh bằng tâm bản thể hư rỗng. Bỏ quên việc đời với những lẽ suy vi, biến đổi khôn lường, con người chìm trong sự im lặng “bất vấn nhân gian sự”, nhưng là sự thấu suốt của tâm hòa nhập tuyệt đối vào chân như bất diệt của pháp. Chủ thể hòa nhập khách thể thiên nhiên xuân bằng tâm thế “đối cảnh vô tâm”, dùng bản thể cảm và hòa với cái vi diệu của đất trời.

Như vậy, con người mùa xuân trong thơ Thiền là con người với tinh thần phá chấp triệt để, con người vô ngã và con người vô ngôn. Đây cũng là những hình tượng con người nói chung trong thơ Thiền Lý – Trần. Song con người trong cảnh sắc mùa xuân được thể hiện với những đặc sắc riêng, vượt khỏi giới hạn và mang tinh thần tự chủ trên con đường tu học.

2.2. Hình tƣợng mùa xuân

2.2.1. Hoa

Hoa có ý nghĩa chung “là biểu tượng của bản thể thụ động” [5; 426], tiếp nhận tinh túy của đất trời mà sinh tồn. Trong Phật giáo, hoa mang tính biểu tượng cao và ẩn tàng ý nghĩa đối với việc tu đạo. Hình tượng “hoa vàng” trong Mật tông là “biểu tượng của sự đắc đạo: sự nở hoa là kết quả của cuộc luyện đan bên trong, của sự thống hợp giữa tinh thần (tinh) và hơi thở (khí), giữa nước và lửa” [5; 427]. Các kinh điển nhà Phật nhắc tới điển “niêm hoa vi tiếu” nói về việc Đức Phật Thích Ca truyền pháp cho ngài Ca Diếp, ẩn ngụ phương pháp “dĩ tâm truyền tâm” trong Thiền tông. Hoa mang một ý nghĩa quan trọng đối với truyền đạo và ý nghĩa biểu trưng riêng trong đạo Thiền.

Hoa xuân trong thơ Thiền không nằm ngoài những ý nghĩa chung của biểu tượng hoa trong Thiền tông, là biểu trưng cho bản chất và quy luật vận động của vũ trụ, nở tàn theo quy luật của tạo hóa. Dưới ánh nhìn của tâm thiền, hoa trong sự sinh diệt là con đường thức nhận đến chân như, bến viên giác của đạo. Hoa xuân xuất hiện với tần số cao trong các bài thơ Thiền, trở thành một dấu hiệu của mùa xuân, với các chu trình đối cực của sự sống: hoa khai – hoa lạc, với các dạng thức khác nhau: hoa ảnh, hoa dung, các loài hoa xuân: mai, đào hồng, lý bạch… Những bức tranh mùa xuân với muôn vàn dạng thể, trạng thức không chỉ đơn thuần là xúc cảm của thi nhân trước thiên nhiên mà còn là sự gửi gắm của giáo lý Thiền học, mượn hoa để nói về đạo.

Hoa đẹp nhưng chóng tàn trước tác động của ngoại cảnh và sức công phá của thời gian. Do đó, trong thơ nói chung, hoa biểu trưng cho cái đẹp mong manh. Cảm thức về hoa là ngợi ca cảnh sắc, cái đẹp, sự nuối tiếc cho cái đẹp mong manh, hay mượn hoa để nói về phù du cuộc đời. Hoa trong thơ Thiền cũng mang tính chất chung ấy song chứa đựng đặc trưng riêng. Thông qua hình tượng hoa, hành giả biểu đạt sự hư ảo, mong manh, phần "sắc" giả tướng của bản thể. Trong Xuân vãn, Trần Nhân Tông cho thấy hình ảnh hoa

dưới ánh nhìn của tâm thế con người đã đắc đạo, thấu suốt lẽ chân như, bản lai diện mục.

Niên thiếu hà tằng liễu sắc không Nhất xuân tâm tại bách hoa trung Như kim kham phá đông hoàng diện Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng

(Thuở trẻ chưa từng hiểu rõ "sắc" với "không" Mỗi khi xuân đến vẫn gửi lòng trong trăm hoa Ngày nay đã khám phá được bộ mặt chúa xuân

Ngồi trên nệm cỏ giữa tấm phản nhà chùa ngắm cánh hoa rụng) [80; 463]

Bằng sự nghiệm suy của cuộc đời, hành giả đã thấu triệt về sắc tướng, nhận chân bản thể của vạn pháp, để hòa mình vào thiên nhiên trong tư thế an tịnh của Thiền. Khi đã thức nhận được “bộ mặt chúa xuân” thì cái đẹp trong sự sinh hay trong tàn lụi không còn vướng bận với người tu đạo. Sự mong manh và hư ảo của hoa cuối xuân bởi thế không mang cái nhìn bi quan mà là sự an nhiên tự tại, trước lẽ dời đổi của tạo vật, trước quy luật của tự nhiên, bình thản đón nhận lẽ sinh tử.

Hoa đôi khi xuất hiện chỉ dưới dạng “hoa ảnh”, “hoa dung” gợi lên sự mong manh, hư ảo. Nhị nguyệt thập nhất nhật dạ là một đêm trăng tĩnh mịch, nhuốm một màn sương mờ, hư hư thực thực. Hư ảo của bóng hoa xuân trùm lên hư ảo của mộng xuân. Cảnh xuân đem đến một sự u tịch, tĩnh tại của không gian, ngừng lại của thời gian, được bao phủ bởi ý vị thiền:

Nhất thiên như thủy, nguyệt như trú Hoa ảnh mãn song, xuân mộng trường

(Trời trong như nước, trăng sáng như ban ngày

Sơn phòng mạn hứng 2 có sự tịch lặng của thiên nhiên, có sự tàn lụi của cảnh xuân. con người trước cảnh xuân ấy, thả trôi tất cả vướng bận thị phi, lợi danh của bụi trần theo hoa buổi sớm, theo trận mưa đêm.

Thị phi niệm trục triêu hoa lạc Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn (Niềm thị phi rụng theo hoa buổi sớm Lòng danh lợi lạnh theo trận mưa đêm

Hoa rụng hết, mưa đã tạnh, núi non tịch mịch Một tiếng chim kêu, lại cảnh xuân tàn)

Một phần của tài liệu Mùa xuân trong thơ thiền Lý - Trần Luận văn ThS. Văn học (Trang 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)