6. Cấu trúc của luận văn
2.3.3. Độc thoại
Độc thoại là hoạt động tư duy. Theo 150 Thuật ngữ văn học độc thoại là:
- “Phát ngôn dài dòng, không dự tính có một lời đáp nào xuất hiện tức khắc, hoặc hoàn toàn không nhằm nói với ai cả” [3, tr. 126];
- “Một dòng lời nói liên tục, dày đặc, không hề bị ngắt quãng bởi những lời nói của người khác, tuôn chảy độc lập với phản xạ của người tiếp nhận” [3, tr. 129].
Độc thoại là một dạng đặc biệt của ngôn ngữ nhân vật, là hình thức nói với chính mình. Độc thoại có dạng nói thành lời gọi là nói một mình, nhưng phổ biến hơn là dạng ý nghĩ - tư duy bằng ngôn ngữ thầm. Ngôn ngữ thầm không bộc lộ ra nên người khác không thể biết hoặc khó lòng biết được. Nhưng nó tác động tới chính bản thân chủ thể dòng độc thoại, nhiều khi trở thành động lực có tính chất quyết định đối với cử chỉ, thái độ, lời nói, việc làm... biểu hiện ra bên ngoài. Do đó, nó có một nội lực rất lớn, đồng thời cũng là một bí ẩn kỳ diệu của con người
Độc thoại là “phát ngôn của nhân vật nói với bản thân mình, trực tiếp phản ánh quá trình tâm lý bên trong, kiểu độc thoại thầm (hoặc lẩm bẩm) mô phỏng hoạt động suy nghĩ, xúc cảm của con người trong dòng chảy trực tiếp của nó” [3, tr. 126].
Độc thoại là một thủ pháp nghệ thuật độc đáo giúp nhà văn thể hiện một cách chính xác những màu sắc tinh tế nhất của đời sống tâm hồn, bởi đây là ngôn ngữ nhân vật tự nói với mình một cách thầm kín, chân thực. Thủ pháp này được sử dụng rộng rãi trong văn học, sân khấu. Là phương thức truyền đạt tư tưởng và tình cảm, độc thoại được sử dụng ngay từ văn học cổ đại Hy Lạp và La Mã. Tới kịch của Shakespeare, độc thoại đặc biệt được thấy trong những hoạt cảnh nhân vật còn lại một mình hoặc hướng về
phía xa nào đó, tự mình nói với mình. Nhưng sang đến L.Tolstoy thì độc thoại được truyền đạt gần như không có sự can thiệp của tác giả, phản ánh được cả ý thức lẫn vô thức của nhân vật. Là một tác giả thành công rực rỡ ở thể loại tự sự, L.Tolstoy thừa nhận rằng quả là ông có đưa vào kịch nhiều độc thoại. Điều đó tạo nên một nét riêng rất độc đáo trong những kịch phẩm của ông.
Trong vở Quyền lực bóng tối nhân vật Anixia tự nói với mình và còn nói với người vắng mặt:
Anixia: Anh ấy bảo em hãy đến dự đám cưới anh. Chả biết các cụ
nghĩ ra cái trò gì? Cưới vợ cho anh ấy chăng? Liệu đấy Nikita ạ nếu đấy là mưu đồ của anh thì em sẽ... Mình không thể sống thiếu anh ấy được. Mình sẽ không buông tha anh ấy. [7, tr. 13].
Đây là dạng độc thoại mang tính truyền thống. Song nó thể hiện rõ cá tính sáng tạo độc đáo của L.Tolstoy. Nhà văn đã đưa vào thủ pháp độc thoại truyền thống những hình thức mới lạ và sinh động: nhân vật nói chuyện với người vắng mặt: Liệu đấy Nikita ạ nếu đấy là mưu đồ của anh thì em sẽ... và nhân vật tự phân thân đối thoại với chính mình trong tâm tưởng: Mình không thể sống thiếu anh ấy được. Mình sẽ không buông tha anh ấy.
Độc thoại giúp độc giả hiểu rõ hơn về nhân vật. Nhân vật tự bộc lộ quan điểm , nhân cách và cách nhìn nhận của mình về mọi vấn đề trong cuộc sống một cách tự nhiên:
Nikita: Lạ chưa, họ cứ bám lấy mình đòi: nói đi, nói đi, anh đã dạo
chơi với bọn con gái như thế nào. Những chuyện này kể lại thì dài lắm. Ông cụ bảo mình: hãy cưới nó đi. Nếu lấy tất cả thì mình để đâu cho hết vợ! Mình cần lấy vợ làm quái gì và mình sống cũng chả kém gì một anh có vợ, mọi người ghen tỵ với mình ấy chứ. Và y như có ai đẩy mình đến làm dấu trước tượng thánh. Thế là chấm dứt ngay câu chuyện dài lê thê này.
Người ta bảo thề láo là đáng sợ. Toàn chuyện ngớ ngẩn cả. Mỗi một lời nói hão thôi mà, có gì đâu. Rất đơn giản. [7, tr. 25].
Nikita có thói mê gái, thích hưởng lạc. Quyến rũ Maria, chơi bời chán rồi bỏ rơi cô gái mồ côi tội nghiệp, gian díu với vợ ông chủ và đồng thời lại tằng tịu với con riêng của ông chủ. Anh ta coi tất cả những chuyện này là trò vui, không có gì là nghiêm túc: Ông cụ bảo mình: hãy cưới nó đi. Nếu lấy tất cả thì mình để đâu cho hết vợ! Mình cần lấy vợ làm quái gì và mình sống cũng chả kém gì một anh có vợ, mọi người ghen tỵ với mình ấy chứ. Sống buông thả, dễ dãi, Nikita còn dám thề láo trước tượng chúa để che giấu tội lỗi của mình.
Nhưng ngay sau đó Nikita đã nhận thấy rằng:
Nikita: Đúng là bát nháo loạn xạ. Mình thích các ả này như thích đường, nhưng nếu trót phạm tội với họ thì thật tai vạ! [7, tr. 29].
Có nhiều độc thoại nhưng Quyền lực bóng tối vẫn được chạm khắc dựa trên xung đột ngày càng tăng:
Đầu hồi hai, Anixia nói một mình:
Lão ấy lại làu bàu cái gì ấy rồi. chắc đã bò ở trên bếp lò xuống. [7, tr. 30]. Rồi nàng trăn trở với những ý nghĩ không biết tiền lão chồng của mình giấu ở đâu:
Lão ấy đày đọa mình. Lão ấy chẳng lộ cho mình biết tiền để ở đâu cả. Hôm nọ lão ấy ở trong buồng hiên , chắc lão ấy giấu ở đó. bây giờ chính mình không biết tiền để ở đâu. Cũng may lão ấy sợ phải rời tiền ra. Tiền lúc nào cũng chỉ ở nội trong cái nhà này thôi. Miễn sao tìm được. Hôm qua không thấy lão giắt tiền ở người. Bây giờ mình cũng chẳng biết tiền để đâu. Lão đã đày đọa mình. [7, tr. 31].
Ma lực của đồng tiền đẩy xung đột lên cao dựa trên việc giành giật lẫn nhau. Chưa lấy được tiền trong tay, Anixia điên đảo:
Mình không đi thì lão ấy sẽ chửi cho mà đi thì lão ấy sẽ trao tiền cho em gái. Thế thì mọi công lao của mình thành công cốc. Phải làm gì bây giờ, chính mình cũng không biết nữa. Đầu mình cứ như muốn vỡ ra. [7, tr. 32].
Độc thoại đưa đến sự phát triển của cốt truyện và còn bộc lộ tính cách và tâm lý nhân vật:
“Matrena: Cô ta nổi giận đùng đùng, đúng như một mụ đàn bà. Kể ra thì cô ấy cũng cực nhục thật, nhưng thôi, đội ơn chúa, rồi ta cũng sẽ che giấu được việc này, bịt hết đầu mối. Ta sẽ tống cổ con bé đi không tội vạ gì. Con trai ta sẽ được sống bình an. Không có Matrena này thì liệu chúng sẽ ra làm sao? Chắc chúng chả nghĩ được ra cái gì đâu. [7, tr. 75].
Độc thoại không chỉ là tiếng nói thầm kín bên trong tâm hồn nhân vật, đấy còn là lời tự nhủ thầm hoặc nhân vật tự nói to lên với chính mình:
Marina: Có vào cũng chả sao nhưng mình không thích vì từ thời anh
ấy ruồng rẫy, mình có gặp anh ấy đâu. Đến hai năm nay rồi còn gì. Giá mình gó được một tý xem anh ấy sống với con mụ Anixia của anh ấy ra sao. Nghe người ta nói vợ chồng anh ta không hòa thuận. Mụ này thô lỗ đáo để. Chắc anh ấy đã nhiều lần nhớ đến mình. Anh ấy thèm khát muốn được sống cuộc đời sung túc cho nên anh ây đã phụ tình mình để lấy người khác. Nhưng thôi, mặc Chúa với anh ấy, mình cũng chẳng oán giận. Hồi ấy cực nhục thật. Chà, đâu khổ thật! Nhưng nay mọi chuyện đã qua và mình đã quên hết rồi. Giá mà được nhìn thấy anh ấy một tý...(nhìn vào trong sân, trông thấy Nikita). Lạ chưa kìa? Sao anh ấy lại đi ra nhỉ? Hay các cô gái đã nói gì với anh ấy? Tại sao anh ấy lại bỏ khách đó mà đi? Thôi mình đi đây [7, tr. 90].
Biện chứng tâm hồn là sự vận động, phát triển không ngừng của quá trình tâm lý mà động lực của nó là những xung đột nội tâm, những mâu thuẫn giằng xé ngay trong trái tim, trong suy nghĩ, hành động của nhân vật.
Chúng tạo ra những bước ngoặt tinh thần có ý nghĩa quyết định số phận con người. Sau khi phạm tội ác tày trời, Nikita đâm ra hoảng loạn với những nỗi ám ảnh kinh hoàng, anh sống trong dằn vặt và đau đớn tột độ. Nhìn thấy Marina, Nikita thầm nghĩ:
Nikita: Ôi, trông thấy cô ấy mình lại càng đau đớn hơn. Đúng là chỉ
sống với cô ấy mới ra sống. Bỗng dưng vô cớ mình đã hủy hoại đời mình, mình đã hủy hoại cái đầu mình. Mình trốn đi đâu bây giờ? Chao ôi! Đất mẹ ơi, xin người hay mở toang ra đón lấy con!... Mình biết trốn đi đâu bây giờ. [7, tr. 93]
Nikita: Hừ, mình sẽ đi vào thế nào đây? Mình nhìn vào mắt con bé sao
được. Ôi giá đất nẻ ra một lổ để mình chui vào đó! người ta sẽ không nhìn thấy mình và mình chả thấy ai cả. Thồi mình chả vào...cho đi tong tất cả đi. Mình không vào (tháo giầy và cầm lấy chiếc dây thừng, buộc một nút thòng lọng, lồng vào cổ). Đấy như thế này. [7, tr. 94].
Nikita: Được rồi, tôi sẽ đi! nhất định thế rồi! Không đâu, các người sẽ
đi tìm tôi có ở trên xà nhà không. Mình quàng cái thòng lọng vào cổ rồi nhảy từ xà nhà xuống và họ cứ việc mà đi tìm mình. May có cái dây chằng ngựa này dai quá. Dù đau khổ đến đâu chắc mình cũng làm tiêu tan được! Ấy thế nhưng nỗi đau khổ này lại nằm trong tim mình, không tài nào hất nó đi được. Hình như cô ta lại ra. (Nhại lại giọng Anixia) Vui, vui quá cơ! Em sẽ nằm với anh!. Hừ ! Con đĩ khốn kiếp! Được, mày hãy lại mà ôm lấy tao khi nào người ta gỡ tao ở trên xà nhà xuống. Đằng nào cũng thế thôi. [7, tr. 96-97].
Độc thoại là những lời của thế giới sâu kín trong tâm hồn con người, là ngôn ngữ nhân vật tự nói với mình. Phản ánh dòng cảm xúc tâm hồn, đồng thời cũng ghi lại những suy nghĩ gắn với tình huống nhất thời, hoặc hướng cho nhân vật hành động. Tác giả luận văn thống kê số lượng độc thoại và độc thoại trong tác phẩm: Nikita (5 lần); Anixia (4 lần); Matrena (1 lần);
Marina (1 lần). Sự phân bố giữa các nhân vật, giữa các giai đoạn cuộc đời nhân vật không đồng đều, chứng tỏ dạng ngôn ngữ này không phải lúc nào cũng phù hợp với mọi nhân vật. Con số thống kê cho thấy Nikita là người có số lần độc thoại cao hơn các nhân vật khác. Điều đó gắn liền với quá trình đau khổ, dằn vặt, tự hành hạ mình trong tội lỗi của anh. Có những đoạn độc thoại nội tâm rất dài ghi lại những đấu tranh tư tưởng của anh. Từ một chàng trai khỏe mạnh, vì những dằn vặt nội tâm, Nikita đã trở thành một người ủ rũ, buồn chán đến mức chả thiết nhìn ngó cái gì nữa. Nikita rơi vào cơn khủng hoảng tinh thần, những ý nghĩ bấn loạn được ghi lại bằng những dòng độc thoại nội tâm mang màu sắc cá tính rất rõ. Anh đau khổ vì không thể nói ra tội lỗi của mình, anh muốn cầm lấy chiếc dây thừng, buộc một nút thòng lọng, lồng vào cổ rồi nhảy từ xà nhà xuống.
Độc thoại ở đây được L.Tolstoy sử dụng để làm nổi bật những bước phát triển tâm lý nhân vật, phản ánh quá trình chuyển biến thầm kín nhưng mãnh liệt của cảm xúc với mọi biến thái phức tạp, đặc biệt giúp cho nhân vật sau này có giây phút bừng tỉnh của ý thức, can đảm thú tội trước mọi người. Đó là sự vượt lên của nhân vật trên bước đường tìm kiếm ý nghĩa của cuộc đời.
Là phương tiện nghệ thuật có nhiều thế mạnh, độc thoại giải mã các bí ẩn của tình cảm, soi sáng sự vận động phức tạp của quá trình phát triển tâm lý con người. Dường như nhân vật tự mở rộng cánh cửa tâm hồn, tự bộc lộ toàn bộ thế giới bên trong một cách chân thực nhất, cái thế giới sâu lắng và đầy bí ẩn vốn luôn khép kín trước độc giả. Nhờ vậy, hình tượng nhân vật trong tác phẩm trở nên sâu sắc và toàn vẹn hơn, phong phú sống động hơn.
Là một thủ pháp nghệ thuật có tính quy ước, dưới ngòi bút đầy sáng tạo của L.Tolstoy, độc thoại đã trở thành hạt nhân cơ bản của “phép biện chứng tâm hồn”, thành ánh sáng soi rọi mọi chuyển động bí mật của tâm tư tình cảm con người.
Tiểu kết
Hành động mang tính phát triển cùng với những xung đột đa bình diện mang ý nghĩa thời sự là những sáng tạo độc đáo trong kịch drama của L.Tolstoy. Ông đã đặt ra trong sáng tác của mình biết bao vấn đề to lớn của thời đại và đất nước. L.Tolstoy hết sức am hiểu nước Nga nông thôn, địa chủ và nông dân. Các vở kịch của ông thể hiện “tình trạng man rợ khủng khiếp mà nhân dân đang sống”. Ông nêu lên đòi hỏi bức bách của nhân dân về ruộng đất và lớn tiếng đòi xóa bỏ quyền chiếm hữu ruộng đất của địa chủ. Ông đưa lên sân khấu sự tương phản gay gắt giữa cảnh sống cùng khốn của nông dân và cuộc sống xa hoa của quý tộc; thế lực đồng tiền với bóng dáng của con ngáo ộp tư bản chủ nghĩa; nhà băng và sự phá sản của những mối quan hệ tưởng chừng như vô cùng bền vững.
Kịch drama của L.Tolstoycó sự kết hợp giữa phản ánh hiện thực và khám phá thế giới nội tâm con người, giữa nhân tố sử thi và nhân tố tâm lý, chứa đựng nhân tố ẩn dụ-tượng trưng. Trong Xác thây sống, tính chất tượng trưng ẩn ngay trong tiêu đề mang nhiều nghĩa. Thứ nhất, “xác thây sống” chính là Fedor buộc phải vờ chết. Thứ hai, đó là ẩn dụ về hình thức tồn tại của nhân vật khi anh ta không có khả năng tìm được cho mình một vị trí trong cuộc sống và dường như treo lơ lửng giữa tồn tại và hư vô, giữa ý nghĩa và vô nghĩa. Thứ ba, tính chất tượng trưng của “xác thây sống” liên quan chủ đề “sống như là chết” và “chết như là sống” của Kyto giáo với ý nghĩa ẩn dụ về cuộc sống trần thế của mỗi con người, bất kể cuộc sống đó thành đạt hay thất bại, không phụ thuộc vào thế giới quan và tính cách của nó: mỗi người đều là một “xác thây sống”. Nhưng L.Tolstoyđã thay quan niệm Kyto giáo coi thế giới bên kia như là lối thoát ra khỏi tình trạng “sống như là chết” và “chết như là sống” bằng chủ đề phơi bày tính chất hư ảo của cuộc sống trần thế cũng như ở thế giới bên kia.
Chủ nghĩa hiện thực của L.Tolstoy đã tạo ra những bức tranh tương phản chân thực trong cuộc sống ở Nga thời bấy giờ. L.Tolstoy luôn trăn trở, tìm kiếm và đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho con người, đặc biệt là những người nông dân. Ông đã đưa những người nông dân đích thực trở thành nhân vật trung tâm, xây dựng những hình tượng nghệ thuật sống động lưu lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí độc giả.
Mỗi loại nhân vật của L.Tolstoy đều được bộc lộ qua ngôn ngữ riêng, đặc biệt ông đã sử dụng sáng tạo và độc đáo lời thoại buông lửng. Lời thoại buông lửng nhưng người nghe vẫn hiểu được những ẩn ý phía sau đó là gì, và đó chính là tính mạch ngầm của văn bản, gợi sự liên tưởng phong phú cho độc giả, giữ được tính hàm súc, phù hợp với đặc trưng thể loại kịch. Có khi nó còn thể hiện tâm trạng phân vân, tính lịch sự của lời nói với những ẩn ý tế nhị, giàu hình tượng. Đó là hình thái ngôn ngữ đạt đến trình độ nghệ thuật điêu luyện.
Cuộc sống là sự ban tặng tuyệt diệu của tạo hóa. Con người không nên chạy theo những dục vọng cá nhân mà bất chấp mọi thủ đoạn, không nên trốn chạy, từ bỏ cuộc đời mà hãy cố gắng thay đổi nó, khiến nó trở nên có ý nghĩa và tốt đẹp hơn.
CHƢƠNG 3:
HÀI KỊCH (COMEDY) MANG HÌNH THỨC PHIÊN TÒA