6. Cấu trúc của luận văn
2.2.2. Nhân vật trong quá trình biện chứng tâm hồn
Nguồn gốc xã hội và tâm lý xuyên suốt là cơ sở chủ yếu tạo nên tính cách nhân vật đầy phức tạp, mâu thuẫn và biến đổi không ngừng trong dòng vận động tâm lý, tính cách nhân vật. Trong nhật ký của mình, L.Tolstoy đã trình bày một quan điểm nổi tiếng đó là “tính lưu chuyển” trong tâm lý nhân vật.
Trong tác phẩm văn học, tính động đã được biểu hiện một cách rõ ràng và sáng sủa. Ông nói. “Hắn (tức nhân vật) mãi mãi là chính mình, song hắn cư xử như một tên vô lại hay như một thiên thần; hoặc như một người thông minh hoặc một kẻ ngốc nghếch; hoặc như một người có sức mạnh phi thường hoặc một kẻ vô tích sự. Sẽ tốt biết bao nếu một tác phẩm văn học được kể theo cách này”.
Trên những chặng đường quanh co, phức tạp, tính cách nhân vật biến đổi không ngừng, muôn hình ngàn vẻ như sự đổi hướng của những con đường.
Xem “Những con người như những dòng sông”, L.Tolstoy quan tâm đến quá trình tâm lý, những hình thức, những quy luật của nó, quá trình biện chứng tâm hồn.
Phép biện chứng tâm hồn là sự diễn đạt tư tưởng, tình cảm, lòng say mê của con người trong mối quan hệ khăng khít qua lại ảnh hưởng lẫn nhau và đối lập với nhau; tóm lại là trong toàn bộ tính phức tạp của nó, trong tính biến đổi muôn màu muôn vẻ của nó. Trong nhân vật, một tư tưởng tình cảm bất ngờ nảy ra từ ấn tượng hoặc sự việc cụ thể nào đó được nhà văn
dẫn dắt, gắn liền với kỷ niệm, ý nghĩ khác. Sợi dây chuyền liên tưởng này xe kết với nhau, quyện lại và biến thành tư tưởng, tình cảm khác mới hơn, sâu hơn, rồi lại trở về với xúc động, tâm tư ban đầu ở mức độ cao hơn, mạnh mẽ hơn và cứ thế nó tiếp tục thay đổi, chuyển hoá, phát triển không ngừng, lẫn lộn hư với thực, cảm giác với suy tưởng, hiện thực với ước vọng, quá khứ, hiện tại với tương lai...
Phép biện chứng tâm hồn không chỉ bó hẹp ở chỗ nêu lên kết quả hợp lý của một chặng đường diễn biến tâm lý, mà chính ở ngay trong từng bước trên suốt dọc đường diễn biến đó, với những nét biểu hiện tinh vi, sâu sắc, có khi chỉ thoáng qua mơ hồ mà không ngừng vận động phức tạp đối lập nhau và thống nhất với nhau, theo một tốc độ rất nhanh dưới các hình thức muôn hình muôn vẻ, chằng chịt lẫn nhau.
Một trong những thủ pháp quan trọng để xây dựng tính cách nhân vật với L.Tolstoy đó là thủ pháp nhập thân vào nhân vật để hiểu thấu đáo những chuyển động sâu kín ẩn náu trong ngõ ngách tâm hồn họ mà về sau ông gọi là “sự chuyển lưu” của các tính cách con người. Ông cho rằng nhà văn cần có cặp mắt đại bàng để có thể thấy rõ “các hiện tượng, các quan hệ giằng xé, đan chéo lẫn nhau, là ánh sáng và bóng tối, là cái hài, cái bi, cái xáo động cái khủng khiếp”. “Muốn được sinh động, mỗi nhân vật phải có một tâm trạng” và “các tính cách đều vận động bởi thời gian và mỗi một trong các tính cách đều có cơ sở của nó, có hạt nhân của nó và vẫn giữ mãi trong mọi biến dạng”. B.Burxop đã khẳng định: “Sức mạnh nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa L.Tolstoy chính là sự thâm nhập của bản chất quá trình xã hội vào quá trình tâm lý.”
Đối với L.Tolstoy, không thể hiểu được con người nếu như không hiểu được bản chất tinh thần và đạo đức của con người. Từ đó, việc thâm nhập vào đời sống tâm lý con người đã trở thành một yêu cầu nghệ thuật không thể thiếu.
Tính cách nhân vật và xung đột trong Quyền lực bóng tối phát triển bởi nhu cầu nội tại, logic bên trong của nó, đồng thời khát vọng, hành vi của nhân vật được thể hiện dưới nguyên tắc đề cao yêu cầu đạo đức của nhà văn. Nikita là một anh chàng đỏm dáng, sống buông thả và mê hưởng lạc. Cùng lúc tằng tựu với cả Anixia và Akulina. Khi có được tiền trong tay, Nikita công khai dan díu với Akulina và chỉ lo ăn chơi hưởng lạc. Hậu quả là đứa con bất hợp pháp giữa Nikita và Akulina ra đời. Dưới sức ép của mẹ và vợ, Nikita đã dùng tấm ván đè chết đứa bé trong hầm. Sau khi phạm tội ác tày trời, Nikita hoảng loạn và dằn vặt, đau đớn cực độ. Tòa án lương tâm đã phán xét Nikita trước khi công lý được thực thi. Sau đó Nikita đã tự thú và phải trả giá cho những gì mình đã gây ra.
Trong Xác thây sống, tình huống xung đột không xuất hiện ngay từ đầu; diện mạo tinh thần của nhân vật được khám phá dần dần, trái với cảm giác ban đầu khi tiếp xúc với chúng, khác với đánh giá của những người xung quanh về chúng và với những gì nhân vật tự nghĩ về bản thân mình. Nhân vật được khắc họa trên các bình diện xã hội, tâm lý và đạo đức. Liza là nhân vật nữ chính trong vở “Xác thây sống”; bi kịch trong tâm hồn nàng nói lên phép biện chứng tâm hồn trong nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật kịch của L.Tolstoy.
Liza đang rất đau khổ vì chồng chị là Fêđia đã bỏ nhà ra đi trong lúc bé Misa con trai họ đang ốm. Fêđia viết thư cho vợ đồng ý li dị. Nhận được thư Fêđia đồng ý li dị, Liza đã viết thư trả lời chồng rằng chị cũng đồng ý. Sự đồng ý li dị của Liza chứng tỏ rằng nỗi đau đớn bất hạnh, nỗi tủi hờn trong lòng nàng đã lên đến tột độ. Liza khóc suốt đêm và dường như không ngủ. Liza đã yêu anh ấy biết bao, tình yêu ấy phải chịu những thử thách đến nỗi khó mà còn lại chút nào. Thôi thì đủ, nào say rượu, nào lừa dối, nào không chung thủy. Lẽ nào có thể yêu một người chồng như vậy! một kẻ
nhu nhược không tài nào tin tưởng được. Giờ đây tất cả tài sản đã đem đi cầm cố, không có gì để chuộc. Thế rồi ông bác đã gửi cho vay hai nghìn để trả lãi. Anh ta mang món tiền đó đi và ... mất hút. Vợ ngồi với đứa nhỏ đau ốm ở nhà, chờ đợi và rốt cuộc nhận tấm thiếp bảo gửi quần áo và đồ dùng cho anh ta... Từ một công chức nhà băng Fêđia rơi vào cảnh sống phóng đãng hàng chục năm nay. Cũng chừng ấy thời gian Liza đã phải sống trong sự đau khổ cùng cực:
Liza: Vâng, anh ấy đã viết thư cho tôi rằng xem như mọi chuyện đã kết
thúc . Tôi (cầm nước mắt)... bị xúc phạm đến nỗi... nhưng thôi, tóm lại tôi đồng ý đoạn tuyệt. Và tôi đã trả lời anh ấy rằng tôi chấp nhận sự cự tuyệt của anh ấy.
Karênin: Nhưng sau đó?...
Liza: Sau đó ư?Sau đó tôi cảm thấy rằng về phía tôi như thế là tệ hại, tôi
không thể làm như thế được. Gì thì gì cũng cứ tốt hơn là đoạn tuyệt với anh ấy. Thôi, tóm lại anh hãy chuyển cho anh ấy bức thư này. Victor, phiền anh... anh hãy chuyển cho anh ấy bức thư này và nói với anh ấy... và đưa anh ấy về đây.
Karênin: Được. (ngạc nhiên). Nhưng làm cách nào đây?
Liza: Anh hãy nói với anh ấy rằng tôi xin anh ấy quên hết mọi chuyện đi,
quên hết mọi chuyện đi và quay trở về nhà. Tôi có thể chỉ gửi thư cho anh ấy thôi. Nhưng tôi biết tính anh ấy: phản ứng ban đầu của anh ấy bao giờ cũng tốt, nhưng sau đó do ảnh hưởng của anh đó, anh ấy suy nghĩ rồi làm trái với những điều mình mong muốn... [7, tr. 316-317].
Những trăn trở, diễn biến, đổi thay trong tâm hồn Liza là phù hợp với tính cách một người vợ giàu đức hy sinh, giàu lòng vị tha. Liza hiểu rõ chồng và chị sẵn lòng tha thứ cho mọi tội lỗi mà Fêđia đã gây ra. Mặc dù thẳm sâu trong lòng có thể Liza đã yêu Victor từ rất lâu rồi. Fêđia từng nói:
“Victor Karênin là bạn cũ của cô ấy và cũng là bạn cũ của tôi. Anh ta yêu cô ấy và cô ấy yêu anh ta. Cô ấy yêu như một người đàn bà đoan trang đạo đức có thể yêu, như một người đàn bà không cho phép mình yêu ai khác ngoài chồng, nhưng cô ấy đang yêu và sẽ yêu khi nào vật trở ngại bị loại trừ. Tôi loại trừ vật trở ngại đó và họ sẽ được hạnh phúc” [7, tr. 333].
Fêđia nhờ Xasa nhắn với Liza và Victor rằng anh sẽ không quay về nhà, anh để cho họ tự do. Trong cuộc nói chuyện với bà Anna (mẹ Victor), Liza đã thú nhận rằng chị yêu Victor. Chị yêu Victor vì hạnh phúc của anh ấy chứ không phải hạnh phúc của mình. Vì thế Liza xin bà Anna giúp để Victor buông tha chị. Nghe nói thế bà Anna tỏ ra dịu dàng , thông cảm với Liza. Bà hôn Liza. Chị sụt sịt khóc. Liza rơi vào cảnh éo le, như chị nói với Victor: Em đau khổ chủ yếu vì em cảm thấy em yêu cả hai người. Mà như thế có nghĩa em là một người đàn bà vô luân [7, tr. 356].
Sau đó Liza mở rộng vòng tay với Victor, chị đón nhận tình yêu nồng nhiệt của anh. Sau những nỗi khủng khiếp kéo dài của cuộc hôn nhân không hạnh phúc bên Fêđia, Liza cảm thấy dễ chịu biết bao. Hơn nữa lòng chị nhẹ nhõm khi biết rằng Fêđia không còn yêu mình nữa và say mê Masa. Bên cạnh sự nhẹ nhõm đó còn có một chút ghen tuông thầm kín, chính sự ghen tuông đó đã đẩy Liza lại gần Victor hơn. Liza tràn trề hạnh phúc vì không bị day dứt nữa, vì bé Misa đã khỏi bệnh, mẹ Victor mến chị, Victor yêu chị và chủ yếu là chị yêu anh. Liza thổ lộ với Victor: “ngoài anh ra, tất cả đều biến khỏi trái tim em” [7, tr. 358].
Nhưng khi nghe xong bức thư tuyệt mệnh của Fêđia, Liza choáng váng và thét lên rằng: Không đúng, không đúng, có phải tôi đã không yêu anh ấy và hiện không yêu anh ấy đâu. Tôi chỉ yêu một mình anh ấy mà thôi. Chính tôi đã hại anh ấy [7, tr. 360]. Đó có phải là sự thay đổi mạnh mẽ trong tâm hồn Liza hay chỉ là sự dày vò, sự tự nhận lỗi về mình: Chính tôi
đã hại anh ấy. Con người ấy dẫu có sống tệ bạc, dẫu không biết trân trọng gia đình thì cũng chính là người bố của con mình, chính là người mình đã từng yêu và đã cùng chung sống mưới mấy năm trời, giờ đây tự hủy diệt để mình được tự do, được hạnh phúc. Vậy một người giàu lòng vị tha như Liza thì phản ứng như trên cũng là điều dễ hiểu.
Việc Fêđia tự sát để tạo điều kiện cho Liza và Victor lấy nhau, được bà Anna coi là một hành động đẹp. Liza nói, Fêđia còn mãi trong ký ức của họ. Thế rồi Liza nhận được một bức công văn. Liza đọc xong mặt tái mép, run rẩy khi biết tin Fêđia còn sống. Chị nói: tôi căm thù anh ấy biết bao nhiêu. Nói rồi òa khóc. Tiếng khóc nức nở của Liza lúc này đã cho chúng ta thấy sự vận động đổi thay trong tâm hồn nàng trước những biến cố của cuộc đời.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Hà khẳng định: “Trong vở Xác thây sống L.Tolstoy nắm bắt tinh tế biện chứng tâm hồn nhân vật” [9, tr. 64]. Bằng việc nói lên sự thật về tâm hồn con người, nói lên những điều bí ẩn trong tâm hồn con người, L.Tolstoy đã trở thành bậc thầy trong việc miêu tả tâm lý nhân vật. Cách phân tích tâm lý của ông đã khiến cho ông trở thành một nhà viết kịch nổi tiếng thế giới.