6. Cấu trúc của Luận văn
3.2.2.3. Giọng điệu triết lí, suy tư
Là người có tư chất thông minh, lại có vốn sống phong phú, Phạm Tiến Duật có khả năng nắm bắt rất đúng, rất trúng cái thần của sự việc. Ông có những phát hiện, khái quát sâu sắc về dân tộc, thời đại, về cuộc sống, về con người. Những khái quát, đúc kết đi vào thơ Phạm Tiến Duật một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn qua giọng thơ triết lý, suy tư.
Phạm Tiến Duật thường hay chiêm nghiệm về con người và thời đại Ông đã quan sát, nhìn nhận từ hiện thực cuộc kháng chiến để từ đó đưa ra những nhận định về con người thời ấy. Lúc này, giọng thơ ông giàu triết lí, suy tư. Giọng điệu triết lí, suy tư trong thơ Phạm Tiến Duật thường có sắc thái trang trọng. Sắc thái ấy là sự biểu hiện thái độ thành kính của nhà thơ trước những mất mát của cả một thế hệ hi sinh xương máu để giành độc lập, tự do:
Nơi bao người đi qua hầu hết tuổi thanh xuân Để lại trong rừng những gì quý nhất
Mất mọi thứ để nhân dân không mất.
(Đi trong rừng)
Không chỉ vậy, mà ông còn dành sắc thái trang trọng trong thơ để thể hiện những đánh giá của mình về những con người ông đã gặp, đã cùng sống một thời. Tuy nhiên, giọng điệu triết lí của Phạm Tiến Duật giàu liên tưởng nên giọng thơ không khô khan. Ông nói về "những cô gái ở rừng" bằng giọng thơ chân thành mà trang nghiêm:
Anh chẳng nói sai đâu Em là cây ngải đắng Sống trong triền núi vắng Góp vi thuốc cho đời (Người ơi, người ở)
Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng Trổ hoa vàng dọc suối đế ong bay
Nhà thơ Phạm Tiến Duật nói về họ không chỉ bằng sự tri ân mà còn bằng cả niềm khâm phục. Giọng thơ khái quát, triết lý đã đưa ý thơ vượt qua ranh giới của cảm xúc đối với một đối tượng cụ thể để trở thành nhận định về một lớp người. Với nhà thơ Phạm Tiến Duật thì một giọng hát, một cuộc chia tay cũng đủ để ông suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc sống. Sau những câu thơ thiết tha, ngậm ngùi, giọng thơ bỗng trở nên rắn rỏi, đầy tính triết lý khi chia tay cô bộ đội:
Sự xa cách nhỏ trong sự xa cách lớn
Một cuộc chia tay trong triệu cuộc chia tay (Cô bộ đội ấy đi rồi)
Nói đến sức cháy, sức nóng, hơi ấm, người ta thường nghĩ đến lửa. Nhưng Phạm Tiến Duật trầm ngâm trong suy nghĩ ngược lại và thuyết phục được người đọc:
Đốt lòng nhau cứ gì phải lửa
Tiếng hát trong rừng bay xa, bay xa (Nghe em hát trong rừng)
Dường như càng về sau này, thơ Phạm Tiến Duật càng được tăng cường giọng điệu triết lí, suy tư. Sau này, khi đối mặt với cuộc sống thời bình, ông bỗng chiêm nghiệm ra bao điều. Ông nhận ra ở cuộc đời tất cả đều có luật của nó và con người dù muốn hay không cũng phải chấp nhận. Ông đã dùng giọng thơ triết lí, suy tư để nói lên những chiêm nghiệm ấy:
Việc mới thì luật mới Cứ gì cờ tướng, cờ vua (Luật chơi)
Giọng điệu triết lí, suy tư thực sự phát huy hiệu quả khi nhà thơ Phạm Tiến Duật bàn về lẽ đời. Ông dùng giọng điệu ấy để lí giải “vì sao con người biết chớp mắt”. Hơn nữa, ta thấy giọng thơ triết lí, suy tư của ông rất gần với những nỗi niềm ai oán:
Kiếp người với kiếp mây bay khác vời Mây không vụ lợi như người
Mây bay chỉ bởi ngang trời mây bay
(Tiếng bom và tiếng chuông chùa)
Giọng điệu này xuất hiện khá nhiều và gần như giữ vai trò của đạo trong Tiếng bom và tiếng chuông chùa. Giọng điệu ấy thể hiện nỗi buồn da diết khi ông nhận ra cuộc sống hiện tại không có chỗ đứng cho những người đồng đội của mình.
Là một người thông minh lại có nhiều trải nghiệm, lăn lộn với đời sống càng về sau giọng thơ triết lí trong thơ Phạm Tiến Duật càng chiếm ưu thế. Có thể khẳng định, nhà thơ đã đi tìm cho mình được một chất giọng riêng đặc biết trong dòng chảy thơ ca chống Mỹ.
TIỂU KẾT
Thơ Phạm Tiến Duật là sản phẩm của trí tuệ sắc sảo và một tâm hồn nhạy cảm, tài hoa giàu sức liên tưởng. Ông thường tìm ra tương quan giữa các sự vật, dựa vào liên tưởng giàu sức gợi để truyền cảm ý thơ. Cấu tứ là yếu tố quan trọng tạo nên sự độc đáo của thơ Phạm Tiến Duật. Phạm Tiến Duật đã phát hiện ra những tứ thơ mới lạ, mang dấu ấn riêng của mình. Tứ thơ Phạm Tiến Duật được xây dựng trên cơ sở của sự liên tưởng, so sánh tương đồng hay tương phản giữa các sự vật, hiện tượng. Tứ thơ của thơ Phạm Tiến Duật còn được tạo lập trên cơ sở xây dựng những hình tượng độc đáo. Đó là hệ thống hình ảnh về con người được nhà thơ Phạm Tiến Duật đặt trong mối quan hệ đối lập với hình ảnh về chiến trường.
Phạm Tiến Duật đã có những đóng góp quan trọng trong việc xây dựng ngôn ngữ thơ trữ tình cách mạng. Ngôn ngữ thơ Phạm Tiến Duật gồ ghề, mộc mạc, thô ráp, rất giản dị, gần với đời sống, gần với câu nói thường ngày. Phạm Tiến Duật rất có tài trong việc biến ngôn ngữ sinh hoạt thành ngôn ngữ thơ ca. Đặc điểm này bộc lộ rõ ở hệ thống từ ngữ đời thường và cấu trúc câu thơ gần với câu văn xuôi. Hệ thống những từ ngữ ấy góp phần làm nên phong cách rất riêng của thơ ông. Sự thông minh, hóm hỉnh trong sử dụng câu chữ, ngôn từ giúp người đọc nhận ra gương mặt thơ ca của ông
Tìm hiểu thơ Phạm Tiến Duật, ta thấy sự hóm hỉnh, ngang tàng là chất giọng chủ yếu trong những sáng tác của ông thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Có thể coi, đây là giọng điệu chủ đạo, giọng điệu “trời phú” của nhà thơ Phạm Tiến Duật làm nên sự khác biệt giữa ông và những nhà thơ khác thời chống Mỹ. Nói đến thơ chống Mỹ của Phạm Tiến Duật, người đọc không chỉ thấy được giọng điệu trẻ trung, hóm hỉnh, ngang tàng mà ông còn có một triền thơ mặn mà, đằm thắm chất trữ tình tha thiết với giọng điệu tâm tình, sâu lắng. Bên cạnh đó, là người có tư chất thông minh, lại có vốn sống phong phú, Phạm Tiến Duật có khả năng nắm bắt rất đúng, rất trúng cái thần của sự việc. Ông có những phát hiện, khái quát sâu sắc về dân tộc, thời đại, về cuộc sống,
về con người. Những khái quát, đúc kết đi vào thơ Phạm Tiến Duật một cách tự nhiên, nhuần nhuyễn qua giọng thơ triết lý, suy tư. Giọng điệu triết lí, suy tư trong thơ Phạm Tiến Duật thường có sắc thái trang trọng. Là một người thông minh lại có nhiều trải nghiệm, lăn lộn với đời sống càng về sau giọng thơ triết lí trong thơ Phạm Tiến Duật càng chiếm ưu thế. Có thể khẳng định, nhà thơ đã đi tìm cho mình được một chất giọng riêng đặc biết trong dòng chảy thơ ca chống Mỹ.
KẾT LUẬN
Phạm Tiến Duật thuộc thế hệ các nhà thơ Việt Nam có trang lí lịch mang nét đặc trưng của thế kỉ XX: Sinh ra cùng cách mạng, lớn lên được nuôi dưỡng trên ghế của nhà trường Xã hội chủ nghĩa và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc.
Rời môi trường học tập, Phạm Tiến Duật hòa vào quân ngũ. Hiện thực chiến trường và đặc biệt con đường Trường Sơn huyền thoại đã giúp Phạm Tiến Duật tự phát hiện mình, phát hiện chất thơ của thế hệ mình và thuyết phục sự đồng cảm của người đọc bằng những phẩm chất trữ tình tươi trẻ, đầy lãng mạn.
Dựa vào chất liệu hiện thực thô nhám, ông đã xây dựng thành công hình tượng người lính lái xe, người lính công binh, những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Đó đều là những hình tượng tiêu biểu, mẫu mực của thơ trữ tình cách mạng. Ở trong họ, vừa có sự khao khát cống hiến, vừa có chất đời thường vui tươi, hóm hỉnh lại vừa có chất lãng mạn, bay bổng, say mê của tuổi trẻ.
Thơ Phạm Tiến Duật đã để lại dấu ấn riêng trên văn đàn văn học cách mạng. Trong con người thơ Phạm Tiến Duật vừa có cái tôi trữ tình hóm hỉnh, tinh nghịch; cái tôi thông minh, sắc sảo và cái tôi triết lý rất khó lẫn với các nhà thơ khác. Sự đa diện trong thể hiện cái tôi mang đến cho thơ ông sự vận động không ngừng, sự đa thanh trong giọng điệu khiến người đọc thích thú.
Ngôn ngữ thơ ông trần trụi, giản dị như ngôn ngữ giao tiếp đời thường nhưng đã được nhà thơ "thổi vào đó một hơi kỳ lạ, khiến nó lung linh" (Nguyễn Trọng Tạo). Qua ngôn ngữ, tứ thơ trong thơ Phạm Tiến Duật thường được tạo lập bằng những chi tiết rất nhỏ nhưng lại thuyết phục người đọc cảm nhận được chất thẩm mỹ vốn có của hiện thực.
Thơ Phạm Tiến Duật đã để lại trong lịch sử văn học hiện đại một dấu mốc sáng tạo của thơ trữ tình Việt Nam trong quá trình đi tìm cái đẹp trong các sự kiện, biến cố cách mạng và chiến tranh, in đậm chất sử thi hào hùng
của một thế kỷ đầy biến động. Ông và thế hệ thơ trẻ thời chống Mỹ đã đi trọn hành trình thơ trữ tình cách mạng, những dư ba, hào quang của thơ Phạm Tiến Duật vẫn còn khiến bạn đọc ngày nay yêu thích, say mê. Những tìm tòi và sáng tạo của thơ ông như một vùng mỏ giàu tài nguyên vẫn được giới nghiên cứu tiếp tục đào sâu, nghiên cứu. Trong tương lai, nghiên cứu thi pháp thơ Phạm Tiến Duật sẽ góp phần thêm nữa khẳng định những đóng góp nghệ thuật của thơ ông vào tiến trình thơ Việt Nam hiện đại.
Luận văn đã cố gắng tìm tòi, phân tích thi pháp thơ Phạm Tiến Duật trên các bình diện: Cái tôi trữ tình, nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật trữ tình, không gian, thời gian, cấu tứ, hình ảnh, giọng điệu.... một cách chi tiết, cụ thể. Mặc dù còn có những hạn chế nhất định song chúng tôi hi vọng luận văn sẽ góp phần làm phong phú thêm kho tài liệu nghiên cứu thơ Phạm Tiến Duật - nhà thơ tiêu biểu của nền văn học hiện đại Việt Nam.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nhị Ca (1970), Giữa chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ, Tạp chí Văn nghệ quân đội, số (10).
2. Bùi Công Hùng (1985), Những đặc điểm cơ bản của thơ Việt Nam hiện đại (1945 - 1985), Tạp chí Văn học, số 1.
3. Bùi Công Hùng (2000), Tiếp cận nghệ thuật thơ ca, Nxb văn hoá thông tin, Hà Nội.
4. Đỗ Đức Hiểu (2000), Thi pháp hiện đại, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội. 5. Đỗ Trung Lai (1986), Một chặng đường thơ Phạm Tiến Duật, Tạp chí Văn học, số 4.
6. Hà Minh Đức (1974), Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Minh Đức.
7. Hữu Đạt (1996), Ngôn ngữ thơ Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội. 8. Hoàng Kim Ngọc (1998), Những đóng góp của thơ trẻ thời kì kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội
9. Lê Bá Hán - Nguyễn Khắc Phi - Trần Đình Sử (2006), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
10. Lê Lưu Oanh (1998), Thơ trữ tình Việt Nam 1975 - 1990, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội
12. Lã Nguyên (1995), Diện mạo văn học Việt Nam 1945 - 1975 nhìn từ góc độ thi pháp thể loại, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 9.
12. Lê Đình Kỵ (1969), Đường vào thơ, Nxb Văn học, Hà Nội.
13. Mai Hương (1981), Nghĩ về những đóng góp của đội ngũ thơ trẻ trong thơ chống Mỹ, Tạp chí Văn học, số 1.
14. Mai Hương (2001), Thơ Việt Nam qua hai cuộc chiến tranh cách mạng, Tạp chí Văn học, số 6.
15. Mã Giang Lân (1983), Suy nghĩ thêm về tứ thơ, Tạp chí Văn học, số (6).
16. Mã Giang Lân (2001), Tiến trình thơ hiện đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
17. Nguyễn Ngọc Thiện (1974), Chỗ mạnh và chỗ yếu trong thơ Phạm Tiến Duật, Tạp chí Văn học, số 4.
18. Nguyễn Phan Cảnh (1987), Ngôn ngữ thơ, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
19. Nguyễn Văn Dân (2004), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
20. Nguyễn Đăng Điệp (1994), Giọng điệu thơ trữ tình, Tạp chí Văn học, số (1).
21. Nguyễn Trọng Hoàn (1995), Nhà văn và tác phẩm trong nhà trường, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
22. Nguyễn Đăng Mạnh (1983), Nhà văn, tư tưởng và phong cách, Nxb Văn học, Hà Nội.
23. Nguyễn Đăng Mạnh (1996), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, Nxb Giáo dục, Hà Nội
24. Nhiều tác giả (1997), Văn học Việt Nam chống Mỹ cứu nước, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
25. Nhiều tác giả (1999), Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Nxb Giáo dục, Hà Nội
26. Phan Cự Đệ - Hà Minh Đức (1979), Nhà văn Việt Nam 1945 - 1975, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
27. Phạm Tiến Duật (1970), Vầng trăng quầng lửa, Nxb Văn học, Hà Nội.
28. Phạm Tiến Duật (1971), Thơ một chặng đường, Nxb QĐND, Hà Nội 29. Phạm Tiến Duật (1973), Tôi làm thơ dài, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số (9).
31. Phạm Tiến Duật (1994), Tuyển tập thơ một chặng đường, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội
32. Phạm Tiến Duật (1995), Nửa thế kỷ thơ Việt Nam (1945 - 1975) - Sự bừng tỉnh của cảm hứng dân tộc, Văn nghệ, số (45).
33. Phạm Tiến Duật (1997), Tiếng bom và tiếng chuông chùa, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
34. Phạm Tiến Duật (2002), Đường dài và những đốm lửa, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội
35. Phạm Tiến Duật (2003), Vừa làm vừa nghĩ, Nxb Văn học, Hà Nội. 36. Trần Đăng Suyền (1984), Đọc "Vầng trăng quầng lửa" nghĩ thêm về thơ Phạm Tiến Duật, Tạp chí Văn nghệ, số 28.
37. Trần Đăng Suyền (2002), Phong cách nghệ thuật thơ Phạm Tiến Duật, Tạp chí Văn học, số 3.
38. Trần Đăng Suyền (2002), Mấy ghi nhận về thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mỹ, Nhà văn hiện thực đời sống và cá tính sáng tạo, Nxb Văn học, Hà Nội.
39. Trần Đình Sử (2005), Giáo trình dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
40. Vũ Văn Sỹ (2007), Phạm Tiến Duật, người "chứa được Trường Sơn nhiều nhất", Tạp chí Nhà văn, số 12.
41. Vũ Quần Phương (1973), Đọc thơ của mấy cây bút trẻ quân đội mới xuất hiện gần đây, Tạp chí Văn học, số 4.
42. Vũ Tuấn Anh (1997), Nửa thế kỉ thơ Việt Nam 1945 - 1995, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
43. Xuân Sách (1970), Thơ bộ đội 1965 - 1969, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 6.