6. Cấu trúc của Luận văn
2.1.1.4. Cái tôi trữ tình đời thường ưu tư, trăn trở
Nhắc đến thơ Phạm Tiến Duật, người ta thường hay coi đó là di tích văn hóa một thời - văn hóa chiến tranh. Nhưng với Phạm Tiến Duật, ông không chỉ quan tâm tới vấn đề trọng đại, lớn lao của dân tộc, của đất nước mà còn luôn suy tư, trăn trở về lẽ mất còn, những giá trị nhân sinh thế sự. Chặng thơ sau chiến tranh, cái tôi trong thơ ông trở lên trầm mặc, suy tư. Những sáng tác nổi bật của ông sau chiến tranh như: Đường dài và những đốm lửa, Tiếng bom và tiếng chuông chùa (Trường ca) hầu như vẫn là sự nối dài và hoàn chỉnh những cảm xúc về một thời khói lửa. Ông vẫn viết về Trường Sơn và những con người ấy trong ký ức của mình song với một giọng điệu khác. Chiến tranh qua, ông viết về cuộc sống hiện tại nhưng dường như để mà đối sánh, để làm thức dậy những cảm xúc về một thời đã qua. Có thể nói rằng, những sáng tác của ông sau 1975 chính là cuộc hành trình đi tìm thời gian đã mất. Dù ông viết về những cô gái nông trường trong hòa bình nhưng họ vẫn hát những bài
ca kháng chiến, những khúc hát làm đường vì “Bài ca mới về khai hoang chưa có” (Áo của hôm nào, người của hôm nay). Nằm trong dòng chảy của thơ đương đại, thơ Phạm Tiến Duật sau 1975 không thể không có những biến động. Cuộc sống thay đổi, cảm hứng và cái tôi trữ tình trong thơ ông cũng ngày càng đi vào chiều sâu, nhìn vào chính mình để chiêm nghiệm bao điều. Cuộc sống đời thường luôn diễn ra với trạng thái hai mặt. Vốn là con người nhạy cảm, Phạm Tiến Duật đã quan sát và đưa cuộc sống vào thơ bằng một cái tôi đời thường mang nặng một nỗi niềm trăn trở, ưu tư. Đó là đặc điểm dễ thấy nhất trong thơ ông ở chặng đường thơ sau này.
Đất nước được hòa bình, thống nhất là cái đích cuối cùng của bao cuộc hành quân lên đường. Biết bao người đã hi sinh, đã chấp nhận “mất mọi thứ” để nhân dân, đất nước được hưởng trọn niềm vui chiến thắng. Nhưng bên cạnh niềm vui chiến thắng, niềm vui mang tính cộng đồng ấy là nỗi buồn, những số phận cá nhân. Niềm vui là của chung nhưng nỗi buồn, sự bất hạnh là của riêng mỗi người, nhất là những con người có khoảng thời gian dài gắn bó với chiến trường. Với họ, thời gian dường như đã dừng lại ở đó. Họ bước ra khỏi cuộc chiến tranh và được nhân dân đón đợi, tôn vinh. Với họ tấm huân chương luôn có hai mặt: một mặt lấp lánh hào quang và một mặt ẩn chứa những bi kịch . Phạm Tiến Duật đã nhìn sâu, nhìn thấu vào điều đó nơi họ và khái quát thật xúc động trong thơ ông. Sau 1975, đặc biệt sau 1986 văn học đã có rất nhiều tác phẩm đề cập đén vấn đề này. Tiểu thuyết viết về chiến tranh đã khá thành công khi diễn tả cảm giác bơ vơ, lạc loài của thế hệ những người đi vào cuộc sống hiện đại bằng hành trang của những người lính. Đối với thơ Phạm Tiến Duật cũng vậy, cái tôi ấy luôn trong cảm giác cô đơn, bơ vơ chìm sâu vào quá khứ cuộc chiến. Nhưng điều quan trọng là cái ấy luôn tìm được cảm hứng từ chính đồng đội của mình đặc biệt là những người phụ nữ sau cuộc chiến và những em nhỏ trong cuộc sống hiện đại.
Chìm sâu vào quá khứ chiến tranh, không bắt nhịp được với cuộc sống hiện tại, Phạm Tiến Duật có cảm giác cô đơn, bơ vơ khi ông nhận ra mình không thuộc những “luật chơi” mới của cuộc đời:
Điều cần biết thì chưa biết Điều nên quên thì chưa quên
(Luật chơi)
Ở cuộc sống chiến trường, ranh giới địch ta thật rạch ròi. Nhưng nay trở về cuộc sống đời thường, sự việc không còn đơn thuần như thế nữa. Ranh giới giữa cái xấu, cái tốt, cái thiện, cái ác giao thoa, cho nên khi nhà thơ rơi vào lúng túng:
Việc đời tháo gỡ từ đâu?
Ra hiên thở khói thuốc lào gọi hoa
(Hoa lưu ly)
Thế rồi, cũng có lúc, nhà thơ rơi vào cảm giác bất lực. Trước đây, giữa rừng sâu - đi giữa cuộc chiến vĩ đại của dân tộc, Phạm Tiến Duật có thể tìm được lời giải đáp cho “câu hỏi lớn như gió rừng thổi mãi”. Ít nhiều ông hiểu được về dân tộc, về nhân dân, về cuộc chiến tranh theo cách riêng của mình. Nay những gì đang diễn ra trong cuộc sống đời thường dường như cái tôi không thế diễn giải, không thể cắt nghĩa, cảm thấy cánh cửa cuộc đời đang khóa chặt trước mắt mình. Trước đây, Phạm Tiến Duật nói về lửa đèn, ngọn lửa ấy ấm nóng, nuôi dưỡng tâm hồn, ý chí, khát vọng...của nhân dân. Đó chính là sức mạnh của nhân dân. Nhưng đến Ký sự lửa, ông lại nhìn ngọn lửa với sức mạnh tàn phá ghê gớm. Cái tôi trong thơ ông bộc lộ cảm giác bất lực trước ngọn lửa ấy:
Nhà hàng xóm đang cháy Mà sao không cản được Và tôi viết văn
Trong ánh lửa Cháy nhà
Những câu thơ như một sự day dứt đốt lòng của nhà thơ. Sự bất lực trước cuộc sống khiến nỗi buồn của nhà thơ cứ lớn dần lên. Đối diện với cuộc sống thường nhật, Phạm Tiến Duật nhận ra những giá trị, những chuẩn mực của cuộc sống nay đã thay đổi. Người ta chăm lo, mải miết đi tìm, đi xây đắp hạnh phúc cho riêng mình. Cái chân lý mình hi sinh để dành phần sống cho đồng đội dường như không còn được nhắc tới. Đất nước đã đi qua thời “đạn bom” bước vào thời hòa bình, nhưng cuộc sống có biết bao điều làm con tim nhà thơ thổn thức. Xưa vào chiến trường lòng vui như mở hội, nay giữa phố phường mà lòng buồn khôn tả. Một cái ngậm ngùi, xót xa trước những cảnh đời bất ổn:
Sau rèm hoa kia có vết sẹo nào không Có vết roi nào không ơi người em gái?
(Váy áo xênh xang)
Từ chuyện các cô gái nhà quê ra thành phố, chuyện những em bé đánh giầy...đến chuyện của đồng đội mình nay trở về cuộc sống đời thường đều ám ảnh tâm hồn nhà thơ. Ông ngậm ngùi, đau đớn, xót xa khi thấy những đồng đội của mình nay đã trở thành ni cô, có người tiếp tục đến Ialy, có người bán rẻ sức lao động của mình...
Những lời yêu thương ngọt ngào trở nên hiếm hoi và dường như người muốn nói cũng ngại phải nói ra vì còn băn khoăn, e ngại trước việc đời:
Sợ người đời đem ghi âm bán nốt
(Bên cạnh gốc hoàng lan ngày trước)
Đối với Phạm Tiến Duật, những việc rất nhỏ thôi nhưng cũng tác động mạng đến tâm hồn ông. Nhà thơ cảm thấy day dứt, trăn trở vì với ông, đó là chuyện lương tâm, đạo đức của con người. Nhìn những em bé lang thang đánh giầy, và cả những người thản nhiên đưa giầy ra đánh “tiền chao, cháo múc” lao động được trả tiền, đó cũng là lẽ tất nhiên nhưng cái tôi nhà thơ không khỏi thương cảm ngậm ngùi, hơn thế nữa là sự day dứt về sự thờ ơ lãnh
Sự tỉnh táo khiến nhà thơ nhận ra những mặt trái của thời hội nhập. Không phải tác giả đã hoàn toàn mất niềm tin nhưng ông nhận ra “có lúc có người quên” chăm sóc trái tim mình, nghĩa là đã có sự xói mòn, hao hụt đạo đức. Cái tôi ấy băn khoăn, day dứt về tình đời, tình người, về những giá trị cao cả một thời. Rồi nhà thơ trở nên thảng thốt. Ông tự đặt câu hỏi: Rằng cùng chung gian nan, chia vất vả nơi chiến trường sao không thể cũng chia khó nhọc và hạnh phúc đời thường:
Chẳng có lẽ những người tri kỷ Không còn trên mặt đất này sao? Chẳng có lẽ những lời tri kỷ Phải nói qua lớp đất chiến hào
(Tiễn người đi Ialy)
Không bắt nhập với cuộc sống hiện tại, cái tôi nhà thơ ngược hành trình trở về quá khứ. Ở đó, nhà thơ nhận ra sự mắc nợ của chính mình, mặc cảm về sự mắc nợ với những người đồng đội đã hi sinh làm ông khôn nguôi day dứt:
Có lẽ vong hồn bạn quở trách tôi
Trót lãng quên những dải rừng già suốt mười năm bom nổ Lá bứa quên chua, củ nâu quên chát
Nên tôi giữa thị thành cơn sốt lại bùng lên
(Cảm ơn cơn sốt)
Thay vì chất liệu tươi ròng của đời sống hiện thực những năm tháng đánh Mỹ, ký ức tràn về lấp đầy những trang thơ của Phạm Tiến Duật. Cái tôi nhà thơ nhớ những ngày gian khổ, ốm đau không có thuốc men, khắc khoải niềm đau vì những đồng đội còn nằm lại đâu đó giữa những cánh rừng già Trường Sơn:
Bạn ở nơi nào trong khoảng rừng đen
Khoảng rừng tối, khoảng rừng mưa, khoảng rừng trở gió (Cảm ơn cơn sốt)
Nhà thơ không nhìn bệnh sốt rét của mình như một di chứng chiến tranh mà lại tự xem nó như là phần mình đáng phải gánh chịu. Tuy nhiên cái tôi trong thơ Phạm Tiến Duật không ngã gục trước cuộc sống đời thường. Cái tôi ấy chỉ không còn sôi nổi, ào ạt, mãnh liệt mà trở nên trầm lắng. Có thể nói, Phạm Tiến Duật đã đi trọn vẹn một chặng đường thơ nhưng dù ông viết về hiện thực chiến tranh hay đi trong hoài niệm thì hình tượng cái tôi trữ tình vẫn là một trong những nhân vật quan trọng tạo nên sự độc đáo trong thơ ông.
Đời thơ Phạm Tiến Duật đã tạo được “thương hiệu” cho thơ ca của mình, đặc biệt là thơ ca viết trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Một trong những yếu tố làm nên thương hiệu ấy chính là thể hiện đặc sắc của cái tôi trữ tình trong thơ ông. Sự thông minh, sắc sảo đã đem lại cho cái tôi ấy sự vững vàng tin tưởng, tự tin rất đáng trân trọng. Nhưng sức hấp dẫn và quyến rũ của gương mặt tác giả lại là nét trẻ trung, tinh nghịch, hóm hỉnh, lạc quan và đôi lúc trầm tư, trăn trở trước cuộc sống. Phạm Tiến Duật đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của một nhà thơ- một người cả đời vì đồng đội, vì nhân dân, vì đất nước. Cùng với hình tượng những nhân vật tiêu biểu, hình tượng cái tôi trữ tình đầy cá tính đã khẳng định Phạm Tiến Duật là ngọn cờ tiêu biểu của thế hệ cả nhà thơ trẻ thời chống Mỹ.