Ngôn ngữ sáng tạo, tài hoa

Một phần của tài liệu Thơ Phạm Tiến Duật nhìn từ góc độ thi pháp học ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 97)

6. Cấu trúc của Luận văn

3.2.1.2.Ngôn ngữ sáng tạo, tài hoa

Nói đến thơ Phạm Tiến Duật, người đọc luôn nghĩ đến một chất thơ thấm đẫm hiện thực với ngôn ngữ đời thường giản dị, tự nhiên. Nhưng không chỉ có vậy, Phạm Tiến Duật còn độc đáo trong lớp ngôn ngữ thơ sáng tạo và tài hoa. Lớp ngôn ngữ này là sản phẩm của trí tuệ, thông minh, sắc sảo và giàu liên tưởng.

Ngôn ngữ thơ Phạm Tiến Duật không chỉ thô ráp, bụi bặm mà còn mang sắc thái uyển chuyển, mềm mại, trữ lượng trong đó bao tình cảm thiết tha trìu mến. Nhà thơ đã rất dụng công trong việc lựa chọn và đưa vào trong thơ một lớp từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm. Hình ảnh cây cầu trở lên lung linh hơn trong lớp vỏ âm thanh giàu sức gợi ấy:

Những cái cầu ơi, yêu sao yêu ghê Nhện qua chum nước bắc cầu tơ nhỏ Con sáo sang sông bắc cầu ngọn gió Con kiến qua ngòi bắc cầu lá tre

(Cái cầu)

Hay cảnh hoàng hôn trong bản Lào cũng đong đầy nỗi nhớ, làm sao xuyến tâm tư:

Thôn làng vẫn cảnh thôn làng ấy Cô em gánh nước suối trong veo Nhành lá thả không cho nước sánh Khôn giữ lòng tôi sánh cả chiều

Phạm Tiến Duật hay tìm đến với thủ pháp trùng điệp các đơn vị ngôn ngữ khi sáng tác thơ ca. Ông khai thác sức gợi, sức tả của ngôn từ trong việc tạo ra những nhịp cộng hưởng từ sự kết hợp, trùng điệp về mặt âm thanh. Vì thế mà cảm xúc thơ ca trở nên sâu hơn, đậm hơn, tha thiết hơn. Đó có thể là tình cảm hồn nhiên nhưng cũng đậm đà chất lính của người lính trẻ với cô thanh niên xung phong mà anh thoáng gặp trên đường trong đêm tối hôm nào:

Ánh đã đi rất nhiều, rất nhiều Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu

Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm Thương em, thương em, thương em biết mấy

(Gửi em cô thanh niên xung phong)

Thủ pháp trùng điệp ấy lại phát huy rất hiệu quả khi Phạm Tiến Duật diễn tả khoảnh khắc chia tay đầy lưu luyến trong Cô bộ đội ấy đi rồi:

Nhớ nhau, nhớ nhau ở giữa rừng già Ngón tay nóng cầm viên thuốc mát

Hay tiếng lòng xôn xao bay theo tiếng hát của cô văn công giữa rừng già: Đốt lòng nhau cứ gì phải lửa

Tiếng hát trong rừng bay xa, bay xa. (Nghe em hát trong rừng)

Như ta đã biết, một trong những đặc điểm quan trọng của ngôn ngữ thơ là sự cô đọng, hàm súc và đa nghĩa. Ngôn ngữ thơ không chỉ biểu cảm mà còn có sức gợi, đánh thức liên tưởng của người đọc, đưa người đọc đến với những nhận thức mới. Với sự thông minh, khéo léo trong việc sử dụng ngôn từ. Phạm Tiến Duật đã đưa người đọc đến với những cảm xúc mong manh, tinh tế. Ông đã lạ hóa cách diễn đạt, tạo ra những cảm giác mới lạ đến bất ngờ:

Đang thiu thiu ngủ trong nắng gió Lào Bỗng một giọt nước rơi vào cổ anh Vẫn ngỡ tiếng mưa, giật mình thức dậy Hóa ra là giọng hò em đấy

Giọng hò của em giống như giọt nước- một sự liên tưởng độc đáo đi liền với sự kết hợp với nhiều phụ từ: “bỗng, vẫn, hóa ra...” đã tạo ra hiệu quả thẩm mỹ bất ngờ. Giọng hò như mạch nước ngọt, trong mát giữa đêm bốc vác đầy nhọc nhằn, gian khổ, giúp cho những chiến sỹ quên đi mệt mỏi đời thường.

Qua ngôn ngữ, người ta tìm thấy gương mặt nhà thơ. Nhìn vào thơ trẻ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, người ta dễ nhận ra ngôn ngữ hiền hậu, bình dị của Nguyễn Duy; ngôn ngữ tinh tế, mang đầy tâm trạng của Xuân Quỳnh; ngôn ngữ đằm thắm, thiết tha của Nguyễn Khoa Điềm. Và người đọc cũng nhận thấy ngôn ngữ đời sống sắc sảo, hóm hỉnh, thông minh, ồn ào nhưng cũng không kém phần sâu lắng của Phạm Tiến Duật. Sử dụng thành công thứ chất liệu đặc biệt vốn có nhiều ưu thế này, Phạm Tiến Duật đã tạo cho mình một “thương hiệu riêng” một phong cách thơ độc đáo.

Một phần của tài liệu Thơ Phạm Tiến Duật nhìn từ góc độ thi pháp học ( Luận văn ThS. Văn học ) (Trang 97)