Nhìn nhận đúng vai trò của đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh xác định đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguồn vốn quan trọng để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo điều kiện để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp cận với trình độ khoa học công nghệ hiện đại tiên tiến, đồng thời góp phần khai thác các nguồn lực, thế mạnh của tỉnh, phục vụ cho quá trình CNH - HĐH của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, việc thu hút, sử dụng và quản lý đầu tư nước ngoài thời gian qua cũng bộc lộ không ít hạn chế, bất cập: đó là khả năng hấp thụ nguồn vốn còn khiêm tốn, chất lượng nguồn vốn chưa cao, các dự án đầu tư công nghệ cao còn hạn chế, chuyển giao công nghệ còn chậm, nhiều doanh nghiệp dùng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, việc sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản chưa hiệu quả...
Với quan điểm coi đầu tư nước ngoài là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, Chính phủ cũng đã thường xuyên chỉ đạo các Bộ, ngành và chính quyền các địa phương thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao năng lực quản lý nhà nước, nhằm tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, ngày 19 tháng 9 năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 1617/CT-TTg về việc tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới, trong đó, phân công các Bộ, ngành trung ương khẩn trương xây dựng hàng loạt các đề án liên quan đến quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài.
Trên tinh thần đó, Hưng Yên tăng cường công tác quản lý vốn FDI từ khâu thu hút đến quản lý các dự án đã cấp phép nhằm sử dụng vốn FDI một cách có hiệu quả. Điều này được thể hiện thông qua những quan điểm sau:
Để tạo sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, cần đáp ứng động lực của FDI là tỉ suất lợi nhuận của vốn đầu tư cao. Bởi vậy, quản lý nhà nước cần tạo ra môi trường thuận lợi nhằm giảm chi phí sản xuất cho hoạt động kinh doanh của nhà đầu tư để tăng năng lực cạnh tranh từ việc khai thác các yếu tố lợi thế so sánh của Việt Nam nói chung và Hưng Yên nói riêng. Động lực quan trọng nhất của FDI là sử dụng một cách có hiệu quả nhất nguồn vốn của mình. Hiệu quả đó được thể hiện ở tỷ suất lợi nhuận của vốn đầu tư. Vì vậy, muốn gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nước chủ nhà cần tạo ra môi trường thuận lợi để kinh doanh có hiệu quả, thu được tỉ suất lợi nhuận cao hơn hoặc ít nhất phải bằng các nước trong khu vực. Trong xu thế tự do hoá thương mại, mặt bằng giá cả thế giới như nhau, muốn có lãi nhà đầu tư phải giảm chi phí sản xuất, giảm chi phí đầu vào. Sức cạnh tranh của môi trường đầu tư nước chủ nhà chính là sức cạnh tranh của các yếu tố đầu vào là giá cả lao động rẻ với trình độ cao, các dịch vụ hành chính với giá rẻ, nếu nguyên liệu nhập khẩu thì thủ tục nhập khẩu thuận lợi, thuế giá trị gia tăng thấp.
Quản lí nhà nước phải tạo ra được cơ chế vừa phát huy sức mạnh của FDI vừa chuyển hoá các lợi thế này thành sức mạnh nội sinh của các doanh nghiệp và của nền kinh tế. Trên con đường tìm kiếm lợi nhuận, nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ thực hiện chuyển giao các công nghệ dễ chuẩn hoá, phổ thông, lạc hậu. Để chuyển đổi công nghệ tiên tiến hơn, theo lý thuyết về khe hở công nghệ và chu kỳ sống sản phẩm, để có thể độc quyền về sản xuất, về thị trường ở cả 3 giai đoạn chu kì sống của sản phẩm, vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp là sự lựa chọn loại
công nghệ nào? Đối với ngành sản xuất nào? Từ đối tượng đầu tư nào? Giá cả bao nhiêu trong điều kiện bất lợi là thiều vốn phải phụ thuộc vào nhà đầu tư nước ngoài? Để thiệt hại về giá cả là ít nhất, để dẫn tới làm chủ công nghệ. Quản lí nhà nước cần thiết kế được các thể chế kiểm soát và giảm khả năng độc quyền của nhà đầu tư nước ngoài. Với sức mạnh độc quyền về công nghệ về thị trường nguyên liệu, thị trường tiêu thụ sản phẩm và khả năng thay thế các giao dịch thị trường bằng giao dịch nội bộ cho cả các sản phẩm đầu vào và đầu ra của quá trình sản xuât. Thế mạnh này đem lại lợi ích rất lớn cho nhà đầu tư, giúp Việt Nam nói chung và Hưng Yên nói riêng tiếp cận với thị trường thế giới.
Với độc quyền về công nghệ, khi góp vốn dưới hình thức chuyển giao công nghệ, nhà đầu tư có thể tính giá cao so với giát thị trường các thiết bị máy móc, vật tư, phí bản quyền, phí tư vấn thiết kế dẫn đến sự thiệt hại cho bên Việt Nam về tỉ lệ góp vốn cùng với tỉ lệ phân chia lợi nhuận trong suốt quá trình kinh doanh và quyền tham gia quản lý.
Với thế mạnh thị trường, nhà đầu tư của công ty đa quốc gia có thể thực hiện chiến lược tài chính áp dụng cho các công ty con ở các quốc gia như nghệ thuật chuyển giá là giá chuyển nhượng hay giá thanh toán hàng hoá dịch vụ giữa hai doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết với nhau nhằm thực hiện những mục tiêu khác nhau. Vì vậy, việc định giá chuyển giao có thể nói là một nghệ thuật quản trị kinh doanh nhằm xác định một mức giá “chuyển nhượng nội bộ” có thể cao hoặc thấp hơn so với giá thị trường trong quan hệ mua bán “sòng phẳng” tuỳ theo mục đích khác nhau.
Để phát huy sức mạnh của FDI và hạn chế tác động tiêu cực của nó cần nâng cao năng lực khu vực kinh tế trong nước. Nâng cao năng lực khu vực kinh tế trong nước xét dưới góc độ quản lý nhà nước trước hết cần quán triệt quan điểm các doanh nghiệp trong nước chỉ có được sức cạnh
tranh khi nó được phát triển trong một môi trường cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bước đầu trên thị trường nội địa và tiến tới trên thị trường quốc tế theo lịch trình mà Việt Nam đã cam kết tham gia trong khuôn khổ AFTA, trong hiệp định thương mại Viêt - Mỹ và WTO. Chính quá trình cạnh tranh mới tạo ra động lực cho khu vực kinh tế trong nước nâng cao khả năng hợp tác đầu tư, khai thác thế mạnh của FDI về công nghệ, về quản lý và thị trường. Trên cơ sở đó cùng với sự nâng đỡ có trọng điểm của nhà nước để dần từng bước chuyển hoá thế mạnh của FDI thành thế mạnh của các doanh nghiệp trong nước.