Một là, tác động của quá trình cạnh tranh quốc tế trong thu hút FDI của các nước trong khu vực diễn ra gay gắt, đặc biệt là Trung Quốc và các nước ASEAN đã gây ra những tác động lớn trong lĩnh vực điều chỉnh chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam theo hướng tương thích với các nước trong khu vực. Điều này gây ra tình trạng các chính sách vừa mới ban hành ở Việt Nam đã lạc hậu và đòi hỏi phải có điều chỉnh kịp thời. Khi Việt Nam điều chỉnh luật đầu tư nước ngoài tăng thời gian liên doanh lên 70 năm thì Thái Lan đã chuyển sang cơ chế cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê đất vĩnh viễn. Trung Quốc còn có quyết định cho phép nhà đầu tư đầu tư nước ngoài liên doanh trong thời gian 99 năm.
Hai là, cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ khu vực từ tháng 7/1997 gây đảo lộn đột ngột và bất ngờ các quan hệ tài chính - tiền tệ giữa các
nước trong khu vực. Việc phá giá đồng loạt các đồng tiền của các nước trong khu vực Đông Nam Á, những nước có tỉ lệ đầu tư cao nhất vào Việt Nam và tình trạng tài chính khó khăn của các nhà đầu tư ở các nền kinh tế do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào cuối năm 2008 đã làm hạn chế lớn đến lượng vốn đầu tư vào Việt Nam. Các giải pháp để hạn chế khủng hoảng mà Việt Nam áp dụng như thắt chặt quản lí ngoại tệ đối với cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài gây tình trạng lúng túng đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực cân đối ngoại tệ.
Ba là, hoạt động quản lý nhà nước với FDI là hoạt động mang tính tổng hợp phức tạp, liên quan đến hoạt động quản lý của nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế. Hơn nữa không phải là vấn đề của một quốc gia mà còn liên quan đến nhiều tổ chức quốc tế, các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là vấn đề còn mới mẻ đối với đội ngũ các nhà hoạch định chính sách cũng như điều hành trực tiếp công tác quản lý. Vì vậy những vấn đề tồn tại trong công tác quản lý là không thể tránh khỏi. Mặc dù phần lớn trong đội ngũ các nhà quản lý nước ta nói chung và quản lý FDI nói riêng từ trung ương đến địa phương đều tận tâm tận lực trong công việc của mình vì sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước, mong muốn đóng góp trí tuệ để đưa đất nước sánh ngang với các cường quốc năm châu.
Bốn là, quan điểm của các cấp các ngành còn chưa thống nhất về vai trò của FDI trong phát triển kinh tế ở nước ta, còn có những quan điểm khác nhau về hiệu quả của FDI. Điều đó ảnh hưởng, chi phối không nhất quán tới việc hoạch định chính sách, xây dựng luật pháp cũng như công tác chỉ đạo điều hành thực tiễn đối với hoạt động này.
Năm là, cơ chế kế hoạch hoá tập trung trước kia đã gây ra những tác hại nhiều mặt trong hoạt động quản lý đặc biệt việc để lại nếp tư duy quản lý lạc hậu, duy ý chí, trì trệ, quan liêu, mang nặng tính chất hành chính,
không chú ý vận dụng các qui luật khách quan đang ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động quản lý nhà nước. Nhà nước lúng túng, vấp váp trong quá trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật và tổ chức bộ máy thực hiện hoạt động quản lý nhà nước đối với FDI trong điều kiện phát triển một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Sáu là, quá trình cải cách hành chính không theo kịp với sự nghiệp đổi mới của nền kinh tế. Bộ máy quản lý nhà nước về kinh tế vẫn còn ở tình trạng cồng kềnh, chồng chéo, chức năng không rõ ràng, nhiều người không xứng với chức danh, không chịu trách nhiệm, thiếu kiến thức. Đây chính là một trong những nguyên nhân làm cho hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước kém hiệu quả, dẫn đến những thủ tục phức tạp, ruờm rà, gây sách nhiễu đối với doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Bảy là, sự khác biệt về điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội so với các nước trong khu vực như chế độ sở hữu, chế độ hoạt động của các loại hình doanh nghiệp trong hợp tác đầu tư nước ngoài. Ở Việt Nam tham gia liên doanh với nước ngoài chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước. Sự khác biệt này đòi hỏi sự sáng tạo trong công tác quản lý nhưng năng lực và trình độ cán bộ quản lý còn hạn chế.
2.2.2. Thực trạng đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Hưng Yên