2. Các vấn đề nghiên cứu của đề tài
2.4. Tình hình xử lý và hạn chế phát sinh nợ xấu
Trong thời gian qua, với tình hình gia tăng nợ xấu với tốc độ cao trong hoạt động tín dụng của các NHTM, hệ thống ngân hàng đã áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để giảm nợ xấu. Nhiều NHTM tăng trích lập dự phòng rủi ro, một số NHTM không có thưởng, cổ tức thấp và thậm chí không chia cổ tức. Điều này cho thấy hệ thống ngân hàng đã xử lý nợ xấu bằng chính quyền lợi của các cổ đông và của bản thân các ngân hàng [9].
Các NHTM trên địa bàn TPHCM đã sử dụng nhiều giải pháp để xử lý và hạn chế phát sinh nợ xấu, nhưng nhìn chung 5 giải pháp được sử dụng chủ yếu là: Thu nợ bằng tiền; Sử dụng Quỹ dự phòng rủi ro; Xử lý tài sản đảm bảo nợ vay; Bán nợ cho công ty VAMC; Đồng thời hạn chế phát sinh nợ xấu mới bằng cách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các biện pháp giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ cho khách hàng theo chỉ đạo của NHNNVN tại Thông báo 198 & 207/TB-NHNN ngày 02/7/2013 và Quyết định 780/QĐ-NHNN ngày 23/4/2012. Trong đó, giải pháp thu nợ bằng tiền được đánh giá là giải pháp tốt nhất.
(*) Hạn chế phát sinh nợ xấu: Việc thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất các khoản
vay cũ về dưới 15%/năm theo Thông báo 198/TB-NHNN và sau đó dưới 13%/năm theo Thông báo 207/TB-NHNN; thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, gia hạn nợ mà không thay đổi nhóm nợ theo Quyết định 780/QĐ-NHNN đã tạo điều kiện cho khách hàng tiếp
cận vốn với lãi suất hợp lý, duy trì sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển. Đây được đánh giá là một trong những biện pháp tích cực trong thời gian qua nhằm làm giảm tốc độ tăng nợ xấu của ngân hàng 2 năm vừa qua. Trên địa bàn TP.HCM, dư nợ có lãi suất dưới 13%/năm chiếm khoảng 70% tổng dư nợ tín dụng; các món vay có lãi suất cao chủ yếu tập trung các lĩnh vực không khuyến khích như bất động sản, tiêu dùng…
Bảng biểu 2.9: Tình hình cơ cấu lại nợ và giảm lãi suất của NHTM tại TPHCM
Đơn vị tính: tỷ đồng, số khách hàng
Đến tháng 9/2013 Dư nợ Số khách hàng
Dư nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ mà không
chuyển nhóm nợ (theo Quyết định 780) 106.510 6.253 Dư nợ cũ giảm lãi vốn vay về mức từ 13%
trở xuống (theo Thông báo 207) 160.098 54.516
Tổng cộng 266.608 60.769
[Nguồn: Báo cáo tình hình thực hiện Quyết định 780 và Thông báo 207. NHNN chi nhánh TPHCM]
(*) Thu nợ bằng tiền: Đây được đánh giá là một giải pháp tốt nhất cho các NHTM
trong việc xử lý nợ xấu của khách hàng. Hiện nay, các NHTM đều đang tập trung dành nguồn lực để giải quyết nợ xấu theo hướng này, tích cực liên hệ, làm việc với khách hàng để thu hồi nợ xấu bằng tiền mà không cần sử dụng đến các biện pháp pháp lý khác. Tuy nhiên, thực tế hiện nay các khách hàng do mất khả năng trả nợ, phá sản nên việc thu hồi nợ xấu bằng tiền gặp rất nhiều khó khăn. Ngân hàng phải làm việc, thúc đẩy khách hàng trả nợ khi có điều kiện về tài chính. Việc này tốn rất nhiều công sức, thời gian, nguồn nhân lực của ngân hàng. Khách hàng lại cố tình chây ỳ, trì hoãn, kéo dài việc trả nợ cho ngân hàng; ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý nợ xấu.
(*) Sử dụng Quỹ dự phòng rủi ro: Các món vay của khách hàng tại các NHTM đều được trích lập dự phòng rủi ro theo quy định của NHNNVN tại Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 Quy định về việc phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng. Do đó, hiện nay, các NHTM trên địa bàn TPHCM đang sử dụng một phần Quỹ dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu. Đây là một giải pháp khá hiệu quả để xử lý nợ xấu, đánh đổi bằng việc tăng chi phí hoạt động và giảm lợi nhuận của ngân hàng. Tuy nhiên, điều này giúp cho các NHTM làm trong sạch hệ thống tín dụng của đơn vị mình, giảm thiểu rủi ro. Các khoản nợ xấu sau khi được xử lý bằng Quỹ dự phòng rủi ro sẽ được hạch toán ngoại bảng và tiếp tục theo dõi, đôn đốc, thu hồi triệt để. Tuy nhiên, quá trình này cũng mất rất nhiều thời gian và nhân lực, trong khi thực tế tỷ lệ thu hồi thành công không cao.
(*) Xử lý tài sản đảm bảo nợ vay: Mỗi NHTM đều có quy trình xử lý nợ xấu của
riêng mình, trong đó NHTM phải thỏa thuận với khách hàng về việc xử lý tài sản đảm bảo trước khi nhờ đến pháp luật nếu hai bên không thỏa thuận được giá bán tài sản. Đối với các trường hợp nợ vay được phân loại vào nhóm 5, ngân hàng sẽ tiến hành các bước tố tụng, xử lý tài sản đảm bảo nợ vay theo quy định của pháp luật. Hiện nay, trong khoảng 80% tổng số nợ xấu có tài sản đảm bảo, có tới 87% được đảm bảo bằng bất động sản. Hiện thời, thị trường bất động sản kém thanh khoản, không có người mua, giá trị thị trường giảm đáng kể trong thời gian vừa qua. Hàng tồn kho bất động sản vẫn đang ở mức cao, do đó số tài sản cầm cố của các NHTM hiện nay rất khó để phát mãi.
Mặt khác, do hành lang pháp lý của Việt Nam vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, nhiêu khê, phải qua nhiều bước trước khi có thể thi hành án, gây nên tình trạng xử lý tài sản kéo dài, kiện tụng giữa các bên nhiều lần cũng làm tốn kém chi phí và kéo dài thời gian xử lý nợ xấu của NHTM. Trung bình để xử lý một tài sản đảm bảo nợ vay bằng bất động sản, NHTM mất khoảng 3-7 năm để thực hiện đầy đủ các bước quy định mới có thể
xử lý được món vay. Ngoài ra, do lợi dụng các kẽ hở của luật pháp, nhiều khách hàng vay vốn cố tình chây ỳ, không hợp tác trong quá trình xử lý nợ xấu để chiếm dụng vốn.
(*) Bán nợ cho VAMC: Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ
chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là công ty do Nhà nước sở hữu 100% vồn điều lệ, trực thuộc NHNNVN, được thành lập theo Nghị định 53/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1459/QĐ-NHNN của NHNNVN, với vốn điều lệ 500 tỷ đồng và đã chính thức đi vào hoạt động từ 1/8/2013. VAMC là công cụ đặc biệt của Nhà nước nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các TCTD, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý [1]. VAMC mua nợ xấu của các TCTD theo các quy định chặt chẽ nhằm giảm thiểu rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Hiện các NHTM tại TPHCM đang tích cực rà soát, xem xét nợ xấu đế tiến hành bán cho VAMC. Theo kế hoạch, riêng quý IV/2013, các NHTM trên địa bàn TPHCM sẽ bán khoảng 6.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Trong đó, SCB đã ký bán 1.000 tỷ đồng; Southern Bank dự kiến bán khoảng 206 tỷ đồng và MHB dự kiến bán 500 tỷ đồng trong quý IV/2013 và sẽ bán tiếp 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong năm 2014 [27]. Theo tác giả Hồng Phúc của báo Saigon Times, “Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã ký hợp đồng mua nợ từ 20 TCTD, tính đến 20/11/2013” [12]. Đồng thời, tính đến thời điểm cuối tháng 11/2013, tổng số nợ gốc công ty VAMC đã mua từ các tổ chức khoảng 17.700 tỷ đồng nợ gốc. Trong số nợ xấu đã mua, có hơn 70% nợ xấu thuộc lĩnh vực bất động sản, hơn 20% thuộc khu vực sản xuất kinh doanh [1].