Đồ thị 2.1: Một số chỉ tiêu tài chính cơ bản của Eximbank năm 2008-2012
Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2012 của Eximbank [10]
Từ năm 2008 đến năm 2012, Eximbank liên tục tăng vốn điều lệ của mình từ 7.220 tỷ vào năm 2008, đến năm 2012 con số này đã là 12.355 tỷ, tăng 41,56%. Cùng với sự gia tăng vốn điều lệ là sự tăng trưởng của tổng tài sản, từ năm 2008-2011 tổng tài sản của Eximbank có sự tăng trưởng nhanh từ 48.248 tỷ đồng năm 2008, thì đến năm 2011 tổng tài sản là 183.567 tỷ đồng. Nhưng đến năm 2012 thì có một sự giảm sút nhẹ do chịu ảnh hưởng từ giảm sút của thị trường bất động sản và cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu năm 2012, tổng tài sản năm 2012 đạt 170.156 tỷ, gấp gần 14 lần so với vốn điều lệ.
Về tình hình huy động vốn và cho vay trong 5 năm qua luôn có sự tăng trưởng ổn định.Tuy nhiên, còn có sự chênh lệch khá nhiều giữa vốn huy động và dư nợ cho vay, trung bình khoảng 10.000 tỷ đồng/năm. Với số lượng vốn dư từ huy động này trung bình một năm ngân hàng phải tốn một khoản chi phí khá lớn để trả lãi, do đó, Eximbank cần phải đẩy mạnh hoạt động cho vay để có thể tiêu thụ được hết lượng vốn có được từ huy động.
Về chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) ta thấy có sự tăng trưởng mạnh vào năm 2011 và giảm xuống vào năm 2012, tuy vậy vẫn không thấp hơn nhiều so với năm 2010. Sự giảm sút này làm cho cổ phiếu của Eximbank giảm đi sức hấp dẫn trên thị trường đối với các nhà đầu tư khi mà tỷ suất lợi nhuận chỉ còn 13,3% so với chi phí lãi vay bình quân năm 2012 theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước mà nền kinh tế phải trả cho ngân hàng là 12,7%
Mặc dù có sự biến động giảm về tổng lợi nhuận của Eximbank nhưng thu nhập từ hoạt động dịch vụ năm 2012 lại có sự tăng trưởng:
Đồ thị 2.2: Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của Eximbank năm 2009-2012
Trong thời gian gần đây, tình hình thế giới luôn trong tình trạng bất ổn, từ khủng hoảng tài chính ở Mỹ năm 2010, đến khủng hoảng nợ công Châu Âu năm 2012 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp trong những năm gần đây đã liên tục đóng cửa, thu hẹp quy mô sản xuất nên nhu cầu vay vốn ngân hàng cũng giảm đi. Chính vì vậy, hoạt động cho vay của các ngân hàng trong đó có Eximbank cũng chịu ảnh hưởng không ít. Việc chuyển sang phát triển dịch vụ để tăng nguồn thu sẽ là một giải pháp tối ưu cho tình trạng hiện nay và cho sự phát triển bền vững của Eximbank trong tương lai. Bên cạnh dịch vụ ngân hàng truyền thống, Eximbank luôn chú trọng phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử, tiêu biểu là tháng 12/2010 triển khai dịch vụ Mobile Banking, tháng 04/2011 triển khai dịch vụ Internet Banking. Do những hạn chế về hạn mức giao dịch và sự thuận tiện của dịch vụ Mobile Banking nên hiện nay dịch vụ Internet Banking được xem là sản phẩm chiến lược trong việc phát triển hình ảnh một ngân hàng hiện đại của Eximbank trong thời gian tới (phụ lục 2 - bảng i). Mặc dù dịch vụ Internet Banking của Eximbank chỉ mới được triển khai khoảng hơn 2 năm, là người đi sau so với các ngân hàng bạn nhưng nhờ đó Eximbank đã tích lũy được những bài học từ những người đi trước để xây dựng và cung ứng dịch vụ phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng và thời điểm này khách hàng cũng đã quen dần với khái niệm dịch vụ Internet Banking và đã dần chấp nhận nó. Nội dung tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về một trong những dịch vụ ngân hàng điện tử của Eximbank, đó là dịch vụ Internet Banking.