Về người từ chối quyền hưởng di sản thừa kế là nhà ở và quyền

Một phần của tài liệu Chia di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo pháp luật Việt Nam (Trang 92)

quyền sử dụng đất ở

Điều 642 BLDS năm 2005 quy định về từ chối nhận di sản: Về vấn đề này, trước năm 1945 ở nước ta, theo Điều 376 Dân luật Bắc Kì và Điều 308 Dân luật Trung Kì, những người thừa kế thuộc diện là con, cháu, vợ hay chồng của người quá cố không có quyền khước từ di sản. Dân luật Trung Kì chỉ bó buộc vợ hay chồng và con, cháu trai phải nhận di sản. Ở miền Nam, theo án lệ đã định, con không có quyền khước từ di sản của người cha để lại. Con, cháu của người khước từ không được hưởng di sản do cha, mẹ của mình đã khước từ. Hình thức khước từ phải thực hiện ở phòng lục sự Toà sơ thẩm tại địa điểm mở thừa kế có di sản trong hạn 1 năm từ ngày người thừa kế biết thời điểm mở thừa kế của người chết. Hiện nay, sự từ chối quyền hưởng di sản của người thừa kế đã được quy định tại Điều 642 BLDS [30]. Điều luật nói trên quy định thời hạn có hiệu lực của sự khước từ, hình thức và thủ tục khước từ quyền hưởng và trường hợp không có quyền từ chối quyền hưởng.

Người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác... Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản, người từ chối phải báo cho những người thừa kế khác, người được giao nhiệm vụ phân chia di sản, công chứng nhà nước hoặc ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có địa điểm mở thừa kế về việc từ chối nhận di sản, thời hạn từ chối nhận di sản là 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế [23; Điều 642].

Biết rằng, Điều 642 BLDS không quy định cụ thể trong trường hợp từ chối hưởng di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở, nhưng nhà ở và đất ở là di sản thừa kế thì người thừa kế cũng có quyền từ chối hưởng những loại tài sản này. Vì vậy, học viên cũng mạnh dạn nêu ra những bất cập của quy định tại Điều 642 BLDS năm 2005 để nhằm hoàn thiện quy định về từ chối nhận di sản nói chung và từ chối nhận di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở nói riêng.

Quyền từ chối nhận di sản thừa kế được pháp luật cho phép nếu phù hợp với điều kiện, nguyên tắc, thời hạn theo quy định trên. Nhưng nếu người được thừa kế từ chối hưởng di sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ về tài sản của bản thân cá nhân họ với người khác thì pháp luật không chấp nhận. Điều kiện kinh tế của người có quyền hưởng thừa kế trước khi nhận di sản là không thoả mãn cho việc thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người đó với người khác nhưng do muốn trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản đó mà đã thể hiện quyền tự do ý chí của mình bằng việc không nhận di sản thì không được pháp luật thừa nhận, người thừa kế này buộc phải nhận di sản để thực hiện nghĩa vụ tài sản với người có quyền.

Từ chối quyền hưởng thừa kế theo di chúc cũng là sự thể hiện ý chí của người được chỉ định thừa kế theo di chúc đã không nhận thừa kế theo sự định đoạt của người để lại di sản.

Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc đồng thời là người thuộc hàng thừa kế theo pháp luật được hưởng di sản thì việc thể hiện ý chí của người đó có thể xảy ra các trường hợp sau (những trường hợp này xảy ra sẽ không tránh khỏi rắc rối cho việc áp dụng pháp luật vào thực tế):

- Chỉ từ chối hưởng thừa kế theo di chúc mà không từ chối quyền hưởng thừa kế theo pháp luật, nếu di sản chia theo pháp luật, người này vẫn thể hiện ý chí nhận kỉ phần di sản được thừa kế theo pháp luật;

- Chỉ từ chối hưởng thừa kế theo pháp luật mà không từ chối quyền hưởng thừa kế theo di chúc;

- Từ chối cả quyền hưởng thừa kế theo di chúc và từ chối quyền hưởng thừa kế theo pháp luật.

Với những điểm bất cập trên, khi Bộ luật dân sự năm 2005 được sửa đổi, bổ sung thì nên quy định rõ việc từ chối hưởng di sản được hiểu là từ chối hưởng quyền thừa kế và là từ chối không nhận di sản thừa kế cả theo di

chúc và theo pháp luật. Có quy định như vậy, thì việc áp dụng pháp luật mới rõ ràng, cụ thể và tránh rắc rối, hiểu lầm. Về từ chối nhận di sản phải quy định thật rõ để tránh những tranh chấp xảy ra, giữ sự bình ổn trong quan hệ xã hội nói chung và quan hệ chia di sản thừa kế nói riêng. Vì vậy, Điều 642 BLDS năm 2005, cần phải sửa đổi theo giải pháp mà học viên đã mạnh dạn đề xuất.

Một phần của tài liệu Chia di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo pháp luật Việt Nam (Trang 92)