Các phương thức chia di sản thừa kế là nhà ở và quyền sử dụng đất ở

Một phần của tài liệu Chia di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo pháp luật Việt Nam (Trang 36)

dụng đất ở

1.3.4.1. Chia theo di chúc

Nhà ở và quyền sử dụng đất ở (quyền tài sản) là tài sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân. Theo qui định của Luật Đất đai, thì đất ở là loại đất người đang sử dụng có quyền sử dụng lâu dài. Vì vậy quyền sử dụng đất là quyền tài sản (là tài sản theo Điều 163 BLDS năm 2005). Người thừa kế theo di chúc nhà ở và quyền sử dụng đất ở có thể là cá nhân bất kỳ, nếu được chỉ định trong di chúc mà không cần xét đến những quan hệ khác của họ đối với người để lại di sản. Người thừa kế theo di chúc nhà ở và quyền sử dụng đất ở có thể là người thuộc diện thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản hoặc không thuộc diện thừa kế theo luật của người để lại di sản, pháp luật không qui định phạm vi những người được hưởng thừa kế theo di chúc. Việc được hưởng di sản của người chết để lại là nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo di chúc hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của người lập di chúc trong việc định đoạt tài sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở của họ để lại cho những người thừa kế. Phần di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở mà mỗi một người thừa kế được hưởng theo di chúc có thể bằng nhau, nhiều hơn hoặc ít hơn nhau, điều này tuỳ thuộc vào việc phân định di sản của người lập di chúc định đoạt. Người được chỉ định thừa kế theo di chúc nhà ở và quyền sử dụng đất ở có thể là người được hưởng toàn bộ khối di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở của người chết để lại nếu không có sự hạn chế liên quan đến người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc theo qui định tại Điều 669 BLDS năm 2005, bao gồm cha mẹ, vợ chồng, con chưa thành niên và con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động của người để lại di sản. Đây là những người thừa kế không thể bị người để lại di sản truất quyền hưởng di sản hoặc chỉ cho họ hưởng phần di sản ít hơn 2/3 của một suất theo luật, trừ trường hợp họ từ chối nhận

di sản tại Điều 642 hoặc họ là người không có quyền hưởng di sản theo qui định tại khoản 1 Điều 643 BLDS 2005, “thì những người đó vẫn được hưởng phần di sản bằng 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản của người chết được chia theo qui định của pháp luật” [30].

Việc phân chia di sản thừa kế là nhà ở và quyền sử dụng đất ở đối với di chúc của cá nhân thì tính phức tạp có thể có nhưng việc giải quyết không mấy khó khăn. Tuy nhiên, về chia di sản thừa kế theo di chúc chung của vợ chồng đối với nhà ở và quyền sử dụng đất ở thật sự phức tạp. Phức tạp không phải là phương thức chia, mà do nội dung của pháp luật quy định về hiệu lực của di chúc chung. Về di chúc chung của vợ, chồng theo quy định tại 3 điều luật trong BLDS. Điều 663 quy định về di chúc chung của vợ, chồng: “Vợ chồng có thể lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung”. Điều 664 quy định về việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung của vợ, chồng. Tại khoản 2 Điều 664 BLDS quy định: “Khi vợ hoặc chồng muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ di chúc chung thì phải được sự đồng ý của người kia; nếu một người đã chết thì người kia chỉ có thể sửa đổi, bổ sung di chúc liên quan đến phần tài sản của mình”. Về hiệu lực di chúc chung của vợ chồng quy định tại Điều 668 BLDS năm 2005: “Di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết” [23, Điều 668].

Xét về chủ thể thì vợ và chồng là một bên chủ thể lập di chúc. Là bên có tài sản chung hợp nhất do có quan hệ hôn nhân hợp pháp, định đoạt tài sản chung là nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho những người thừa kế được chỉ định. Như vậy, ý chí của vợ và chồng là thống nhất, là một với mục đích đã xác định là chuyển dịch tài sản chung là nhà ở và quyền sử dụng đất ở của vợ chồng cho những người thừa kế được vợ chồng chỉ định hưởng di sản của vợ chồng sau khi vợ chồng qua đời.

Ý chí của vợ chồng trong khi lập di chúc chung còn được thể hiện trong những trường hợp cụ thể như:

Thứ nhất, vợ chồng định đoạt khối tài sản chung là nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho một hoặc nhiều người thừa kế được chỉ định được hưởng sau khi vợ, chồng chết. Trong trường hợp này nếu di chúc hợp pháp, thì nhà ở và quyền sử dụng đất ở là tài sản chung của vợ, chồng được chia theo di chúc, nếu người thừa kế theo di chúc vẫn còn sống vào thời điểm vợ hoặc chồng cùng chết hoặc người sau cùng chết hoặc người được chỉ định thừa kế không từ chối quyền hưởng hoặc không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở của vợ, chồng người lập di chúc chung.

Thứ hai, vợ, chồng định đoạt một phần tài sản chung là nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho người thừa kế được chỉ định, còn một phần tài sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở không định đoạt theo di chúc chung. Trong trường hợp này, phần tài sản chung của vợ, chồng là nhà ở và quyền sử dụng đất ở không được định đoạt theo di chúc sẽ xác định phần di sản của mỗi người trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng chết trước, phần tài sản chung của vợ chồng là nhà ở và quyền sử dụng đất ở được định đoạt trong di chúc được chia khi cả vợ và chồng đều chết hoặc người sau cùng chết. Ý chí của vợ chồng trong việc lập di chúc chung còn có thể có trong trường hợp vợ, chồng chỉ định đoạt một loại tài sản là nhà ở theo di chúc chung, còn đất ở không định đoạt trong di chúc chung. Với những trường hợp nêu trên đã dẫn đến những phức tạp trong việc chia di sản thừa kế là nhà ở và quyền sử dụng đất ở của vợ, chồng hoặc chia di sản thừa kế là nhà ở, quyền sử dụng đất ở của vợ hoặc của chồng cho những người thừa kế.

Tóm lại, ý chí của vợ chồng trong việc lập di chúc chung có thể vợ và chồng định đoạt toàn bộ tài sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở thuộc quyền sở hữu chung hợp nhất hoặc có thể vợ, chồng chỉ định đoạt một phần tài sản chung là nhà ở và quyền sử dụng đất ở trong di chúc chung, mà không định đoạt toàn bộ nhà ở và quyền sử dụng đất ở thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ, chồng. Hệ quả của việc định đoạt này sẽ dẫn đến những phương thức giải

quyết phân chia di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở rất khác nhau, mặc dù vợ và chồng đã lập di chúc chung, nhưng không định đoạt hết khối tài sản chung của vợ chồng là nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Đã nhiều năm công tác tại Toà án nhân dân cấp quận, học viên nhận thấy BLDS năm 2005 quy định về di chúc chung của vợ, chồng thật sự không cần thiết vì chỉ gây thêm tính phức tạp của vấn đề phân chia di sản thừa kế là nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Về sự bất cập này, học viên sẽ kiến nghị trong chương 3 của Luận văn.

1.3.4.2. Chia di sản thừa kế là nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo pháp luật

Nếu người thừa kế theo di chúc là cá nhân bất kỳ ai là người thuộc diện hay không thuộc diện thừa kế theo pháp luật của người để lại di sản kể cả cơ quan, tổ chức được hưởng di sản do ý chí của người để lại di sản quyết định. Nhưng người thừa kế theo pháp luật nhà ở và quyền sử dụng đất ở chỉ có thể là cá nhân và là người có quan hệ hôn nhân, huyết thống và nuôi dưỡng với người để lại các loại di sản này. Những người thuộc diện thừa kế theo luật được quyền hưởng di sản một cách bình đẳng, ngang nhau giữa những người thừa kế cùng hàng. Điều 676 Bộ luật dân sự năm 2005 qui định người thừa kế theo luật được qui định theo thứ tự sau:

- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

- Hàng thừa kế thứ hai gồm: Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại.

- Hàng thừa kế thứ ba gồm: Cụ nội, cụ ngoại; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Chia di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo pháp luật thì những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở bằng nhau, những người thừa kế ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Kết luận chương 1

Việc xác định di sản thừa kế và chia di sản thừa kế là nhà ở và quyền sử dụng đất ở trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam thật sự cần thiết. Bởi vì, di sản thừa kế là nhà ở và quyền sử dụng đất ở khi được chia thừa kế theo di chúc và theo pháp luật có những đặc thù riêng so với việc chia các loại di sản khác. Các loại di sản khác ngoài nhà ở và quyền sử dụng đất khi chia thừa kế không bị ràng buộc nhiều về những quy định như đối với nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Vì vậy, việc nghiên cứu hệ thống khái niệm, đặc điểm của nhà ở và đất ở và việc chia di sản thừa kế là nhà ở và quyền sử dụng đất ở để xác định những yếu tố quan trọng khi giải quyết những tranh chấp liên quan đến chia di sản thừa kế là nhà ở và quyền sử dụng đất ở, giúp cho việc giải quyết những tranh chấp chia di sản thừa kế nhà ở và quyền sử dụng đất ở vốn rất phức tạp ở nước ta hiện nay có căn cứ áp dụng pháp luật trong việc chia di sản thừa kế là nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Chương 2

THỰC TIỄN ÁP DỤNG PHÁP LUẬT CHIA DI SẢN LÀ NHÀ Ở VÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở

Quan hệ thừa kế là quan hệ giữa người có quyền hưởng di sản và những người không có quyền hưởng di sản. Việc hưởng di sản còn có thể dựa trên thoả thuận giữa những người có quyền hưởng di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Nhưng trên thực tế, sự thỏa thuận của các đương sự thường gặp phải một số rào cản nhất định, nhiều trường hợp các bên không thể thỏa thuận thống nhất ý chí về thanh toán, phân chia di sản và một trong các thừa kế đã thực hiện việc khởi kiện ra Tòa án.

Tuy số lượng các vụ tranh chấp về thừa kế nhà ở và quyền sử dụng đất ở được giải quyết có phần triệt để nhưng nhìn chung thì chất lượng xét xử các vụ án thừa kế nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại Tòa án nhân dân các cấp còn có nhiều cách hiểu và giải thích khác nhau. Hơn nữa, do tính chất phức tạp của vụ việc dẫn đến tình trạng các vụ án thừa kế nhà ở và quyền sử dụng đất ở còn tồn đọng chưa thể giải quyết được hoặc còn bị khiếu kiện nhiều lần.

Thứ nhất: Các tranh chấp về phân chia di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở rất phổ biến trong các tranh chấp về thừa kế. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp là phương thức phân chia di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Phân chia di sản thừa kế là nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho dù theo di chúc hoặc theo pháp luật là phân chia hiện vật hay phân chia theo giá trị có thể chỉ áp dụng phương thức này mà không sử dụng được phương thức kia. Nguyên nhân là do diện tích nhà ở và đất ở quá nhỏ, nếu chia ra thành nhiều phần thì giá trị sử dụng bị giảm sút hoặc không thể sử dụng được. Việc chia theo giá trị di sản thừa kế là nhà ở và đất ở còn xảy ra trong trường hợp chia di sản nhân có sự kiện có người thừa kế mới.

Việc phân chia di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở nhằm bảo vệ quyền thừa kế của những người có quyền thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật nhưng không phải bao giờ việc phân chia các di sản này cũng thuận lợi vì có thể có rất nhiều sự kiện phát sinh sau khi di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã được chia cần được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trong chương này, học viên sử dụng một số bản án phân chia di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở điển hình, để phân tích nhằm làm rõ tính phức tạp của loại tranh chấp này, để từ đó có những đánh giá, nhận xét và chỉ ra những điểm chưa thật phù hợp của pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật của Toà án nhân dân các cấp giải quyết những tranh chấp về chia di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Đồng thời qua đó để có những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật quy định về chia di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam trong những năm trước mắt và lâu dài.

Căn cứ vào bản: “Thống kê thụ lý, giải quyết các tranh chấp về thừa kế” của Toà án nhân dân Tối cao, số liệu thống kê từ năm 2006 đến năm 2013, để thấy được những tranh chấp về thừa kế mà Toà án các cấp đã thụ lý và giải quyết nhiều đến mức nào. Tuy nhiên, cho đến nay chưa thể thống kê được số lượng những tranh chấp về chia di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở, nhưng Bản thống kê dưới đây cũng phản ảnh phần nào những tranh chấp về thừa kế, trong đó có tranh chấp về chia di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam trong 8 năm trở lại đây (Từ khi Bộ luật dân sự năm 2005 có hiệu lực).

BẢNG 2.1: THỐNG KÊ THỤ LÝ, GIẢI QUYẾT CÁC TRANH CHẤP VỀ THỪA KẾ Năm Số vụ án phải giải quyết SỐ VỤ ĐÃ GIẢI QUYẾT Số vụ án còn lại Chuyển Hồ sơ vụ án Đình chỉ Công nhận sự thoả thuận của các bên đương sự Xét xử hoặc giải quyết Tổng số 1 2 3 4 5 6 7 8 Năm 2006 2399 120 431 229 665 1445 954 Năm 2007 2668 134 479 255 739 1607 1061 Năm 2008 2715 103 454 271 701 1529 1186 Năm 2009 2843 91 413 219 736 1459 1384 Năm 2010 2866 56 370 212 668 1306 1560 Năm 2011 3075 76 460 232 690 1458 1617 Năm 2012 3116 70 491 195 537 1293 1823 Năm 2013 3232 66 537 172 511 1286 1946 Tổng 13329 716 3635 1785 5247 11383 1946 Đạt tỷ lệ % 100% 5,3% 27,3% 13,4% 39,4% 85,4% 14,6%

Nguồn: Toà án Nhân dân Tối cao, năm 2014

Căn cứ vào số liệu thống kế, nhận thấy số lượng các vụ tranh chấp về thừa kế tăng theo từng năm và tính phức tạp cũng tăng theo. Căn cứ vào số liệu (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Chia di sản là nhà ở và quyền sử dụng đất ở theo pháp luật Việt Nam (Trang 36)