Tự do ở tính tự động

Một phần của tài liệu Tư tưởng của Erich Fromm về tự do trong tác phẩm Trốn thoát tự do (Trang 57)

7. Kết cấu

2.2.1.Tự do ở tính tự động

Để con người thoát khỏi nỗi cô đơn và sợ hãi, theo Erich Fromm, con người hãy sống như bản tính vốn có của mình, không bị bất kỳ sự ép buộc nào từ những yếu tố bên ngoài, đó là hành động vốn có, tự nhiên của bản ngã. Mỗi người hãy để cái vô thức trong mình được tự do hoạt động mà không bị cản trở bởi cái ý thức và cái siêu ý thức.

Erich Fromm cho rằng tính tự động xuất phát một cách tự nhiên ở mỗi người, để hòa hợp con người với các yếu tố ở bên ngoài chứ không phải là sự đè nén, thúc ép của bất kỳ yếu tố nào. Tính tự động là một hành động tự nhiên của bản ngã, để bản ngã hòa hợp với thiên nhiên, với xã hội xuất và phát từ nhu cầu tự thân của chính con người.

Tuy nhiên, Erich Fromm không quên nhấn mạnh rằng việc tìm thấy những hành động tự tính trong nền văn hóa của con người nói chung là rất khó. Nguyên nhân là do khoa học kỹ thuật ngày nay đã phát triển mạnh mẽ. Điều này thúc đẩy truyền thông phát triển. Hàng ngày hàng giờ, các phương tiện như: truyền hình, phát thanh, v.v. phát liên tục và được lặp đi lặp lại. Con người hiện đại đánh mất cái tôi thông qua mục đích của giáo dục, lại tiếp xúc

58

với những thông tin được phát liên tục ở trên các phương tiện truyền thông. Những điều này khiến cho con người đã biến thành cái máy, do đó, trong nền văn hóa hiện đại, để tìm thấy những người ung dung, tự tại là rất khó (những người ung dung, tự tại suy nghĩ và hành động xuất phát từ trong bản thân của người đó). Theo Erich Fromm, một số hình thức ung dung, tự tại có thể kể đến, chẳng hạn như: sự ung dung của người nghệ sĩ trong quá trình sáng tác nghệ thuật và thể hiện tính tự động ở những đứa trẻ. Đối với người nghệ sĩ sau quá trình sáng tác, anh ta bán được sản phẩm của mình là việc bình thương, nhưng không bán được sản phẩm thì anh ta trở thành người “lập dị”. Còn ở những đứa trẻ, hình thức ung dung, tự tại thể hiện ở sự ngây thơ trên khuôn mặt của chúng.

Hành động tự ý hướng đến được tự do là vì nó giúp cho con người thoát khỏi sự cô đơn, khiếp sợ, khi con người đã thoát ra khỏi những sợi dây nguyên thủy. Muốn có được tính tự động, theo Erich Fromm, “con người nhận thức tha nhân, gắn với tha nhân bằng một thứ tình cảm đặc biệt đó là tình yêu” [16, tr.287]. Tình yêu mà Erich Fromm nhắc đến không phải là thứ “tình yêu” để chiếm đoạt người khác, hòa tan bản thân mình trong người khác, đánh mất mình. Tình yêu ở đây là sự chân thành, sự hòa hợp bản thân với người khác, vẫn giữ được bản thân không đánh mất bản ngã của mình. Để vượt qua sự cô đơn không thể chịu đựng được, trong xã hội hiện đại, con người tự do lao động, sáng tạo - thứ lao động không phải từ sự cưỡng bức mà nó xuất phát từ chính nhu cầu của bản thân con người. Con người cần hòa hợp với thiên nhiên làm một, nhưng không phải là sự thống trị của thiên nhiên bên trên con người. Đồng thời, những của cải mà con người sản xuất ra phải thuộc về người làm ra nó, không bị “tha hóa lao động”.

Theo Erich Fromm, trong quá trình lao động, con người tự do sáng tạo, không bị sự kìm kẹp hay thúc bách nào. Bằng hành động tự tính, con người

59

gắn bó hài hòa với thiên nhiên làm một, nhưng con người vẫn không đánh mất bản ngã của mình, hay nói cách khác vẫn giữ nguyên được bản ngã của chính mình, không có bất kỳ sức mạnh nào có thể vượt lên trên con người cả ở vật chất cũng như tinh thần. Của cải của con người làm ra không bị người khác chiếm đoạt, đồng thời, của cải vật chất không thể đứng trên con người, điều khiển mọi hành vi của con người. Con người tự làm chủ lấy vận mệnh của chính mình, còn những của cải vật chất trở về với đúng bản chất của nó. Chúng chỉ là những công cụ nhằm phục vụ cho những nhu cầu của con người chứ không thể làm chủ con người, đứng trên con người. Trong lĩnh vực tinh thần, hành động tự tính giúp con người trở về đúng bản ngã vốn có của mình với những suy nghĩ, tình cảm xuất phát từ trong chính bản tính của mỗi người, không bị những quyền uy hữu hình cũng như vô hình khống chế. Mọi hoạt động không xuất phát từ hoạt động tự tính trong bản ngã của mỗi người. Nó đều là căn nguyên gây nên nỗi lo sợ và sự thấp kém nơi bản thân. Mỗi người nên cảm thấy hổ thẹn vì không phải là chính mình, không mang lại niềm tự hào và hạnh phúc trong suy nghĩ của bản thân. Chúng ta cần suy nghĩ, cảm nhận và nói những gì thuộc về mình, trong mọi thời điểm chứ không phải chỉ ở một lúc và một nơi nào đó. Theo Erich Fromm, trong nền văn hóa của chúng ta, người ta luôn quan tâm đến kết quả chứ không quan tâm đến quá trình. Kết quả có thể rất tốt đẹp, nhưng trong quá trình thực hiện kết quả ấy lại đầy dẫy những sai trái. Ông cho rằng không nên dùng kết quả để “cứu cánh cho phương tiện”. Do vậy, có thể một lúc, một nơi nào đó, con người bày tỏ được suy nghĩ của mình, nhưng những suy nghĩ ấy chỉ là chốc lát, thoáng qua.

Trong quá trình nhận thức, Erich Fromm khẳng định phải xem xét quá trình là thước đo quan trọng cho kết quả thành công, không thể làm ngược lại. Nếu làm ngược lại, con người dễ đánh mất mình, dễ bị “tha hóa” trở thành người khác chứ không còn là mình nữa, cơ thể mang hình hài của ta nhưng về

60

phẩm chất đạo đức cũng như tâm hồn không phải là ta nữa mà là một người khác ở ngoài ta xâm nhập vào. Erich Fromm đã chỉ ra con đường thoát khỏi nỗi cô đơn, hoang mang và sợ hãi thông qua hành động tự tính của con người. Hành động tự tính xuất phát từ bên trong bản ngã chứ không phải một sức mạnh trỗi vượt nào khác ở bên ngoài. Xuất phát từ hành động tự tính, con người hòa hợp với thiên nhiên là một, sự hòa hợp vẫn giữ nguyên bản ngã con người chứ không phải là sự cưỡng ép, gò bó nào từ bên ngoài.

Tóm lại, chỉ có bằng hành động tự tính, cá nhân con người mới nhận

thức được bản ngã và gắn bó bản thân mình với thế giới. Con người nhờ vậy không còn cảm thấy cô đơn, sợ hãi và nhỏ bé. Nói cách khác, bằng hoạt động tự tính, con người không còn hoài nghi về mình nữa và cảm thấy cuộc đời này có ý nghĩa biết bao. Để có được sự yên ổn, con người phải biết vượt qua sự nghi ngờ về chính bản thân và địa vị của mình trong cuộc sống bằng cách gắn bó cuộc đời mình với thế giới, với hành động sống tự tại. Khi đó, con người sẽ cảm thấy an toàn và không còn cô đơn, sợ hãi nữa.

Một phần của tài liệu Tư tưởng của Erich Fromm về tự do trong tác phẩm Trốn thoát tự do (Trang 57)