Đối với tất cả các hoạt động kinh tế thì con người là yếu tố trung tâm quan trọng nhất trong quá trình phát triển. Hơn thế nữa, ngành kinh doanh du lịch do tính chất đặc thù của nó là kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ nên yếu tố con người có vai trò quan trọng trực tiếp đem sản phẩm du lịch phục vụ khách hàng. Tại khu du lịch Chùa Thầy đội ngũ nhân viên chủ yếu là dân cư địa phương với trình độ chuyên môn nghiệp vụ không cao. Đối với đội ngũ lãnh đạo và cán bộ chủ chốt hầu hết là qua đào tạo lại tại chức, bồi dưỡng ngắn hạn.
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp nên sử dụng số lượng lớn lao động địa phương. Mặt khác, du lịch tại Chùa Thầy là hoạt động du lịch có sự tham gia đông đảo của cộng đồng dân cư cho nên sự tiếp xúc, thái độ với khách hàng là hết sức quan trọng nhưng điều này vẫn chưa làm được ở Chùa Thầy.
Nhận thức được điều này, Sở du lịch đã phối hợp với các trường đại học mở các khóa đào tạo bồi dưỡng cấp chứng chỉ cho cán bộ, hướng dẫn viên, các chủ doanh nghiệp về quản lý du lịch. Để chuẩn bị cho hội nhập kinh tế quốc tế, Sở Du lịch đã cử cán bộ chuyên môn tham gia các lớp tập huấn của tỉnh về nội dung này. Phối hợp với ngành chức năng tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước về du lịch cho gần 100 đại biểu là lao động, chuyên viên theo dõi du lịch của các huyện, thị xã, lãnh đạo các xã có phát triển mạnh du lịch. Ngoài ra, trên 100 cơ sở kinh doanh lưu trú tại địa bàn tỉnh đã được ngành tổ chức giới thiệu Luật Du lịch Việt Nam và quy chế bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch. Đồng thời, Sở du lịch phối hợp với UBND huyện Quốc Oai và UBND xã Sài Sơn mở các lớp bồi dưỡng văn minh du lịch cho các đối tượng phục vụ tham gia vào du lịch. Qua đó đã nâng cao nhận thức của cộng đồng về du lịch.
2.6.2. Đánh giá về hoạt động quản lý, những nguyên nhân
Nhìn chung hoạt động quản lý nhà nước tại Chùa Thầy đã đạt được một số hiệu quả nhất định nhưng chưa cao. Bộ máy tổ chức quản lý hoạt động còn thiếu đồng bộ, chưa có sự phối hợp, phân chia nhiệm vụ, quyền hạn rõ ràng giữa các ban ngành liên quan. Đội ngũ nhân viên trong du lịch thiếu chuyên môn nghiệp vụ, năng lực quản lý của cán bộ cấp cao còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm, phong cách quản lý vẫn mang nặng tư tưởng cũ, bảo thủ và có phần trì trệ. Ngoài ra việc ban hành bổ sung thêm các chính sách, văn bản về pháp luật từ cơ quan cấp trên đưa xuống cấp huyện, xã còn gặp nhiều vấn đề khó khăn trong việc truyền đạt lại thông tin và thực hiện.
Thêm vào đó là do mô hình Ban quản lý hiện nay vẫn còn cồng kềnh: Mô hình một Ban quản lý trực thuộc cơ quan quản lý chuyên ngành về du lịch sẽ không thích hợp do các vấn đề về nhân sự và thẩm quyền hạn hẹp của Sở du
lịch. Sở du lịch đóng vai trò là cơ quan tham mưu giúp UBND tỉnh Hà Tây trong lĩnh vực du lịch và nếu giao ban quản lý khu du lịch Chùa Thầy trực thuộc Sở du lịch sẽ không hiệu quả khi Sở du lịch thiếu những cơ sở pháp lý để thực hiện nhiệm vụ này. Một Ban quản lý Chùa Thầy trực thuộc UBND tỉnh cũng không thích hợp do nó sẽ chồng chéo về nhiệm vụ và quyền hạn với UBND huyện Quốc Oai, cơ quan quản lý thẩm quyền chung trên địa bàn, còn nếu như giao cho UBND xã sẽ không phù hợp do không có đủ năng lực để đảm nhiệm vị trí này.
Như vậy mô hình thích hợp nhất để khắc phục tình trạng trên là mô hình một Ban quản lý khu du lịch Chùa Thầy trực thuộc UBND huyện Quốc Oai. Mô hình này sẽ không gây ra những mâu thuẫn chồng chéo trong nhiệm vụ của hai cơ quan đồng thời hoạt động quản lý du lịch ở khu du lịch Chùa Thầy sẽ thống nhất và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế xã hội huyện Quốc Oai. Tuy nhiên, một trong những vấn đề quan trọng đảm bảo thành công trong hoạt động của Ban quản lý là phải trao cho nó những quyền năng phù hợp đảm bảo thực hiện được các chức năng nhiệm vụ của nó.
Chương 3: MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT TRIỂN DU LỊCH