Bên cạnh những tiến bộ nói trên, đáng tiếc vẫn còn một số hạt sạn mà ban tổ chức chưa giải quyết dứt điểm. Đó là các điểm chơi cờ bạc, quay sổ số ăn tiền…vẫn xuất hiện, tệ nạn trộm cắp, lừa bịp du khách ngay trong các khu di tích, điển hình là trong hang Cắc Cớ và tiền vé trông giữ xe cao gấp nhiều lần quy định của nhà nước. Hàng năm, Chùa Thầy thu hút một lượng lớn du khách tới tham quan. Thế nhưng, những chiêu “ chém đẹp” cũng làm nhiều người không muốn quay trở lại nơi này. Rất nhiều du khách đã mắc “bẫy” của những kẻ lừa đảo ngay tại tại chốn cửa thiền linh thiêng này, đành ngậm ngùi rút tiền ra trả và tự nhủ thầm “ Đến một lần và không bao giờ muốn quay trở lại”. Không phải ai cũng khôn ngoan “ lách” qua được những chiêu lừa này. Những người đi “chém” du khách hầu hết không có công ăn việc làm, lại ham chơi, nghiện ngập. Để có tiền chúng thường xuyên giở thủ đoạn buôn gian bán lận với du khách thập phương.
Vì đây là nơi cửa phật nên nhiều người cũng tặc lưỡi trả tiền để lấy may và tránh phiền phức. Nhưng cũng có người không chịu trả tiền thì bị chúng đe dọa, chửi rủa thậm chí có người còn bị chúng chặn đánh. Anh N.T.Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) đi chơi Chùa Thầy. Đang đứng ngắm cảnh thì có người đưa cho anh một thẻ vàng hương. Anh không mua thì được trả lời rằng “ Đây là lộc chùa phát cho du khách, cứ cầm đi”. Đi được một đoạn thì anh chàng phát lộc chạy theo: “Anh cho em xin tiền vàng hương, mỗi thẻ giá 7000 đồng, đoàn mình lấy 2 thẻ hết 14000”. Mọi người kiên quyết không trả, anh ta vẫn tiếp tục đi theo kỳ kèo “Đây là của Phật, hàng đã mua xong, cầm trên tay rồi không được trả lại, mất thiêng”. Thấy van nỉ không xong, anh ta quay sang đe dọa “Nếu chúng mày không chịu trả tiền thì đừng có trách. Không còn đường mà về đâu”.
Không chỉ ở chân núi Sài Sơn mà nhiều chiêu lừa kiểu này cũng có mặt ở trên chùa Cao, trong hang Cắc Cớ. Du khách khi vào bên trong thì
có người mời thắp hương, hóa vàng (sau đó cũng phải trả tiền với giá cắt cổ) và cầm vài cảnh lộc chùa lấy may, nói là lộc chùa phát cho khách hành hương.
Tuy nhiên vừa ra đến cửa hang thì có người chặn lại hỏi xin tiền vì “ lộc này nhà chùa không tự sản xuất ra được mà phải lấy từ nơi khác về”. Du khách cứ “ tùy tâm” trả tiền khoảng 15 - 20 nghìn đồng, thậm chí 50 nghìn đồng/ cành lộc. Nếu ai trả thấp thì khó mà đi nổi.
Giá cả các dịch vụ mặc dù đã được niêm yết giá nhưng đội ngũ phục vụ vẫn vòi vĩnh xin thêm mà khách không thể không cho được. Giá cả của các mâm lễ trước cổng chùa Trình cũng được người bán cho leo thang theo giá thị trường đến cao vót. Không ít khách du lịch cảm thấy bức xúc khi thanh toán tiền mua sắm mâm lễ cúng. Một mâm lễ chỉ với 2 khánh, 5 bánh chè lam, 3 gói kẹo gừng, hoa, hương cũng được hét đến 300.000 đồng. Khi khách thắc mắc thì người bán lễ đưa ra một “menu” với giá từng gói bánh, kẹo, thẻ hương, bông hoa đắt gấp 5 lần giá thực. Kêu ca, cãi lộn, xô xát đều có nhưng cuối cùng khách du lịch vẫn phải trả tiền.
Không chỉ có những người bán hàng hương, bánh kẹo, cành lộc hay đồ lưu niệm hoặc cho thuê đèn mới tranh thủ “kiếm chút” mà cả với những hướng dẫn viên “cây nhà lá vườn” cũng không bỏ qua cơ hội kiếm tiền trong mấy ngày hội. Họ có thể hướng dẫn cho du khách từ khi mới đón hoặc trên đường. Họ rất “nhiệt tình” chỉ dẫn cặn kẽ cho du khách, từ sự tích ngôi chùa, cái hang, bức tượng…đến ý nghĩa của nó rồi trình tự tham quan, thắp hương, chọn mua đồ dâng phật…Đến phút cuối, những “ hướng dẫn viên tình nguyện” mới hiện rõ là một “máy chém” đòi du khách phải trả “phí hướng dẫn tham quan”, ít thì 2 - 3 chục đồng, nhiều thì vài trăm ngàn đồng.
Những người hành hương về cửa phật đều mong muốn có được sự thanh thản, thư thái cầu hạnh phúc may mắn và ai cũng đều mong muốn có được chút lộc chùa hay quà lưu niệm nơi mình đã đến. Thế nhưng, với kiểu buôn bán vừa ép vừa chém kiểu này thì khó có thể chấp nhận được. Đi chùa là để tìm cho mình một chút thanh tịnh nhưng đi Chùa Thầy mà gặp phải cảnh… bịp như thế này thì du khách chỉ chuốc thêm bực mình. Đến khi nào Chùa Thầy mới hết nạn “hương tù, lộc ngục”?
Chùa Thầy chỉ cách Hà Nội có vài chục cây số, sơn thủy hữu tình, vậy mà sao khách du lịch ít đổ về đây vãn cảnh chùa? Có lẽ không phải vì cảnh không đẹp mà bởi vì người ta quá ít quan tâm đến phát triển môi trường du lịch ở đây. Và thêm nữa, người ta cứ mặc cho một số người cứ tha hồ móc túi khách theo kiểu “ hướng dẫn viên” thì khách chỉ có một đi không trở lại.
Và một thực tế trước mắt nữa làm du khách không khỏi chạnh lòng khi đến Chùa Thầy. Trái với cảnh trí u tịch của một ngôi danh lam cổ tự, trước cổng chùa, rất nhiều hàng quán chen nhau chiếm chật cả lối đi. Các bãi giữ xe cũng đua nhau giành khách và hét giá ngất ngưởng dù cách đó không xa, một bảng thông báo giá giữ xe do UBND tỉnh Hà Tây ban hành, quy định 500đ cho xe đạp và 1.000đ cho xe gắn máy. Bên trong khuôn viên chùa rộng và thoáng mát nên sân chùa có nhiều nhóm học sinh, sinh viên đến từ Hà Tây, Hà Nội và các tỉnh lân cận tổ chức, cắm trại và sinh hoạt tập thể ngoài trời. Các bạn trẻ vô tư đùa giỡn, vô tư… hát hò, vô tư… dùng thức ăn mặn và xả rác bừa bãi ngay chốn thiền môn trông rất khó coi. Cũng từ sân chùa nhìn xuống hồ Long Chiểu (ao Rồng), nơi có một thủy đình nổi tiếng như biểu tượng của Chùa Thầy thường diễn ra các chương trình rối nước, du khách không khỏi cau mày khó chịu khi nhìn thấy trên
mặt hồ chỉ toàn... rác và rác . Nước trong hồ đen, bốc mùi hôi khó tả. Xung quanh hồ, các hộ dân lân cận vô tư giặt giũ và thải nước sinh hoạt vào lòng hồ. Đó là chưa kể đến việc, quanh khu vực bảo vệ của chùa, người dân đã chiếm đất xây dựng những ngôi nhà kiên cố làm mất đi vẻ mỹ quan thanh tịnh, nước non hữu tình của di tích.
Như vậy, mặc dù các cơ quan quản lý đã cố gắng rất nhiều nhưng hoạt động du lịch tại Chùa Thầy vẫn diễn ra tình trạng chèo kéo, tranh giành, bắt chẹt, ép giá khách, an ninh chưa được đảm bảo. . Hình ảnh này về lâu dài sẽ mất uy tín của chính quyền địa phương về giữ gìn an ninh trật tự, mất đi cái nhìn tâm linh của du khách về chốn linh thiêng, họ sẽ cảm thấy môi trường buôn thần bán thánh đang được tiếp tay. Do vậy cần có sự phối hợp giữa các cấp, ngành để có thể quản lý chặt chẽ mọi hoạt động diễn ra trong lễ hội, các cơ quan chức năng cần giáo dục ý thức bảo vệ môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa du lịch cho người dân địa phương và khách tham quan. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc mạnh tay hơn nữa trừng trị đích đáng những kẻ làm hỏng chốn linh thiêng.