3.3.1. Về sức khoẻ thể chất
Sức khoẻ thể chất của nhóm đối tượng nghiên cứu thấp hơn so với nhóm đối chứng theo kết quả thống kê từ mẫu khảo sát. Nguyên nhân là vì họ thường thiếu sự chăm sóc của con cái và thường xuyên lo lắng cho những NDC dẫn đến sức khoẻ thể chất bị ảnh hưởng. NCT trong nhóm nghiên cứu có tình trạng mệt nhọc thường xuyên là do khối lượng công việc hàng ngày mà họ phải thực hiện khá nhiều, mà khối lượng công việc vượt quá thể trạng và độ tuổi cho phép của họ. Cũng chính vì thế mà việc chăm sóc sức khoẻ cho bản thân của họ ít được quan tâm, đặc biệt đối với các hộ gia đình không có điều kiện kinh tế tốt. Ông M.V.L (78 tuổi, có 2 lao động di cư) chia sẻ: “Nhà thuần nông, con cái đi làm xa, mọi thứ ở nhà phải tự lo từ cái ăn, cái mặc đến nhà cửa, ruộng vườn. Đã vậy còn phải lo cho hai đứa cháu còn đang đi học nên cả ngày không có thời gian nghỉ nhiều, không để ý nhiều đến sức khoẻ”.
Tình trạng mất ngủ hoặc khó ngủ cũng là vấn đề đáng lo ngại của nhóm NCT còn ở lại. Nguyên nhân là do tuổi già nên các tổ chức cơ thể suy giảm, thường có các cơn đau nhức và một phần khác là do sự lo lắng khi con cái đi làm xa. Theo quan sát trong mẫu, tình trạng mất ngủ ở NCT nữ thường cao hơn nam. Chia sẻ về vấn đề này, bà N.T.M (76 tuổi, có 1 lao động di cư) cho biết: “Con gái đi làm xa không biết con ăn uống, ngủ nghỉ ra sao, lo lắng nhiều lắm! Không muốn con xa quê nhưng không thể ngăn cản được”.
Hình 3.4. Mức độ hài lòng trung bình về sức khoẻ thể chất
Tình trạng phụ thuộc vào thuốc y tế hàng ngày là phổ biến ở những NCT còn ở lại. Điều này cho thấy sức khoẻ của họ thực sự cần được quan tâm. Tình trạng sức khoẻ suy giảm là tình trạng chung của những NCT khi bước vào giai đoạn lão hoá. Ngoài ra, những suy yếu về thị lực, thính lực đang ảnh hưởng rất lớn đến khả năng sống không có người thân bên cạnh của họ.
3.3.2. Về quan hệ xã hội
Đa số NCT thuộc đối tượng nghiên cứu trong mẫu có mức hài lòng thấp khi đánh giá vai trò của mình đối với cộng đồng và xã hội. Họ thường phải chăm lo nhiều việc trong gia đình hơn nên việc tham gia hoạt động cộng đồng như vui chơi, giải trí thường hạn chế nhiều và các quan hệ cộng đồng cũng mất dần. Theo đánh giá của ông H.V.Q (Chủ tịch Hội NCT xã Phước Lợi, Bến Lức) cho rằng “Ông bà trong các hộ có con cái đi làm, đi
học xa vẫn đăng ký tham gia hội người cao tuổi nhưng rất ít khi cùng sinh hoạt cộng đồng với mọi người”. Chính điều này đã làm giảm đi một phần chất lượng sống của họ.
Tuy nhiên, họ lại đánh giá cao vai trò của các mối quan hệ gia đình và vai trò của họ trong gia đình. Đa số NCT được hỏi vừa phải chăm sóc cháu giúp con, vừa phải tự chăm sóc bản thân và lo cuộc sống hàng ngày nhưng điều đó làm họ vui khi còn giúp ích được cho gia đình. Đặc biệt, khi NCT trông cháu thì họ cũng đồng thời dạy bảo và xây dựng văn hoá gia đình. Lúc đó, vai trò của NCT trong gia đình được phát huy tối đa ở hoạt động giáo dục về đạo đức, nhân văn, tri thức và hướng nghiệp dạy nghề cho thế hệ trẻ. Ông N.V.H (79 tuổi, có 3 người con đi làm ở TPHCM) chia sẻ “Truyền thống nghề mộc của gia đình đã qua bốn thế hệ, mặc dù hiện tại không còn sức khoẻ nhưng ông đang dạy nghề lại cho cháu trai sống chung để giữ gìn truyền thống”.
3.3.3. Về tình trạng kinh tế
Đa số NCT trong hộ có lao động di cư đều làm nghề nông, có đất nhưng thu nhập không cao do khả năng lao động giảm nên đất canh tác thường bị để hoang hoá hoặc rất ít được canh tác trong năm. Đây là một trong những hệ quả của việc lao động trẻ rời làng quê lên thành thị làm mất đi lực lượng lao động nông nghiệp cần thiết cho vùng nông thôn.
Hình 3.6 Đồng ruộng ít canh tác ở huyện Cần Giuộc
Tuy nhiên, khi so sánh thì nhận thấy tình trạng kinh tế của đối tượng nghiên cứu lại được đánh giá tốt hơn nhóm còn lại. Sự khác biệt xuất phát chủ yếu từ nguồn tiền hỗ trợ của lao động di cư dành cho họ, trong khi nguồn hỗ trợ này hoàn toàn không có ở nhóm đối chứng. Ông T.V.L (68 tuổi, có 1 con di cư) chia sẻ “Mỗi tháng con gửi cho ông bà khoảng 2 triệu để chi tiêu nên ông bà cũng được nhẹ phần gánh nặng chi tiêu trong gia đình”.
Các nguồn thu nhập chủ yếu của đối tượng NCT nghiên cứu là từ bản thân, từ con cháu di cư gửi về, từ con cháu sống chung, từ nhà nước và các nguồn khác. Trong đó, họ đánh giá cao nguồn thu nhập từ lao động di cư gửi về và xem đây là nguồn tiền chủ yếu giúp đỡ cho cuộc sống gia đình. Nguồn thu nhập tự thân và con cái sống chung (nếu có) thì thường ít. Nguồn hỗ trợ từ nhà nước chỉ dừng lại ở mức 180.000 VNĐ/tháng cho NCT có độ tuổi từ 80 trở lên nên đa số họ cho rằng nguồn hỗ trợ nhà nước còn chưa hợp lý trong điều kiện giá cả sinh hoạt tăng cao như hiện nay và đối tượng được hưởng còn khá hẹp.
Tuy nhiên, nguồn thu nhập của lao động di cư theo đánh giá của nhiều người cao tuổi còn ở lại thường không ổn định, nguồn tiền gửi về cũng không thường xuyên nên ảnh hưởng nhiều đến mức chi tiêu và sinh hoạt của họ. Đó là lý do làm mức độ chi tiêu của họ có xu hướng thấp dần và khả năng tiết kiệm cao hơn so với nhóm đối chứng, và họ khá hài lòng
với các khoản chi hàng tháng của bản thân. Chia sẻ về vấn đề này bà N.T.D (75 tuổi, có 2 con đi lao động xa) cho biết “Con cái đi làm xa khó khăn nên phải chi tiêu tiết kiệm để phòng thân và để dành cho con, mặc dù sống ít thoải mái hơn nhưng yên tâm hơn”.
Hình 3.7. Mức độ hài lòng trung bình về kinh tế
3.3.4. Về môi trường sống
Hình 3.9. Mức độ hài lòng trung bình về môi trường sống
Môi trường sống bao gồm môi trường tự nhiên và xã hội. Đa số NCT đều có mức độ hài lòng gần như nhau về môi trường sống. Khi so sánh 2 nhóm thì chỉ có sự khác biệt chủ yếu của 2 yếu tố về an toàn môi trường tự nhiên và tiếp cận dịch vụ y tế.
Đa số đối tượng NCT nghiên cứu cho rằng mức độ an toàn môi trường tự nhiên thấp làm giảm chất lượng sống nhiều hơn nhóm đối chứng, cụ thể là ô nhiễm môi trường, đất nước, không khí và tiếng ồn. Tuy nhiên, đây là tình trạng chung của cả một vùng sinh sống nên việc phân loại thành từng nhóm để xem xét ít có ý nghĩa. Để giải quyết tình trạng này cần phải có chính sách vệ sinh môi trường và an toàn sinh sống một cách hệ thống.
Đối với khả năng tiếp cận dịch vụ y tế hay nói cách khác là cơ hội được chăm sóc y tế có sự khác nhau giữa hai nhóm. Cơ hội được chăm sóc y tế đầy đủ, chữa trị kịp lúc dành cho đối tượng NCT trong nhóm đối chứng cao hơn nhóm nghiên cứu vì họ sống cùng con cái và được chăm sóc kịp thời và đầy đủ hơn. Ngược lại, con cái của đối tượng NCT nghiên cứu bị hạn chế về không gian và thời gian nên việc chăm sóc kịp thời cũng bị hạn chế. Bà N.T.N.A (69 tuổi, có 2 con di cư) chia sẻ “Bà sử dụng toa thuốc cách đây hơn một năm để tiếp tục mua thuốc vì đi lại cũng khó và nghĩ lớn tuổi thì phải bệnh là bình thường, không cần đi khám nhiều lần”.
3.3.5. Về tâm lý
Bên cạnh những thay đổi về sức khoẻ thể chất thì tâm lý là một vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Nghiên cứu nhận thấy nhóm NCT có con đi làm xa cảm thấy ít hài lòng hơn về tâm lý so với nhóm đối chứng. Đời sống của họ thường khép kín trong phạm vi gia đình hoặc hàng xóm nên các mối quan hệ xã hội cũng ít dần. Điều này dễ làm họ nảy sinh cảm giác là người thừa của xã hội và gia đình hơn so với nhóm còn lại. Chính yếu tố tâm lý lo lắng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng sống đơn độc, nảy sinh các bệnh trầm cảm, đa nghi của NCT và các suy nghĩ tiêu cực.
Hình 3.10. Mức độ hài lòng trung bình về tâm lý
Đa số NCT trong nghiên cứu này cho rằng mặc dù họ không đóng góp nhiều cho gia đình về mặt kinh tế nhưng có thể hỗ trợ tốt về mặt tinh thần. NCT có thể trao đổi và chia sẻ với con cái về kinh nghiệm cuộc sống hoặc được góp ý kiến khi có các vấn đề khó khăn, quan trọng. Ông Trần Văn L (68 tuổi, có 2 con đi làm ở TPHCM) chia sẻ “Người thân trong gia đình thường trò chuyện về công việc và cuộc sống với nhau và đó là thời điểm gia đình đông vui nhất. Tuy nhiên, vì con cái đi làm nên thỉnh thoảng mới sum họp gia đình. Nhờ có
điện thoại nên con cũng thường gọi về hỏi thăm gia đình nên ông cũng cảm thấy yên tâm và ít lo lắng hơn”.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế phát triển, người trẻ có xu hướng quan tâm đến nhu cầu bản thân nhiều hơn vì thế họ có thể lãng quên cha mẹ của mình, xem nhẹ vai trò của cha mẹ trong gia đình. Do đó, tâm lý lo sợ bị bỏ rơi của NCT cũng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống của họ. Trong nghiên cứu này, NCT thường có tâm lý tiêu cực nhiều hơn tích cực vì lo lắng cho con cháu đi làm xa và lo lắng mình sẽ bị bỏ rơi khi bệnh tật.
3.3.6. Về niềm tin
Đa số NCT có mức hài lòng thấp hơn cho niềm tin vào thể chế và cuộc sống. Việc NCT tích cực tham gia các hoạt động xã hội và việc tham gia các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo thường xuyên, có niềm tin nhiều vào cuộc sống thì CLS của họ cao hơn nhóm còn lại. Giải thích cho điều này, đa số NCT đều tin rằng tham gia các hoạt động tâm linh sẽ gặp nhiều may mắn, an tâm trong cuộc sống.
Hình 3.11 Mức độ hài lòng trung bình về niềm tin
Cảm nhận của bà P.T.N.A (69 tuổi, có 2 con di cư) về các hoạt động tôn giáo “Bà thường đến chùa để dự lễ, cầu an cho gia đình. Việc học tập giáo lý và làm từ thiện giúp bà cảm thấy cuộc sống tốt hơn, tâm trí ít lo âu và cảm thấy thanh thản trong lòng”
3.3.7. Đánh giá chung về sáu nhóm yếu tố hình thành chất lượng sống
Kết quả phân tích cho thấy trong sáu nhóm yếu tố hình thành nên CLS bao gồm sức khoẻ, các mối quan hệ xã hội, kinh tế, môi trường sống, tâm lý và niềm tin thì những NCT trong nghiên cứu này có mức độ đánh giá cao nhất đối với nhóm môi trường và kinh tế. Tuy
nhiên tất cả các đánh giá đều dưới mức trung bình 3.0, điều đó cho thấy CLS của họ không cao và cần phải có những biện pháp để cải thiện.
Kết quả nghiên cứu định lượng về CLS của NCT Việt Nam đã kết luận một CLS được xem là tốt cần đảm bảo các tiêu chí theo các thứ tự ưu tiên (1) sức khoẻ tốt, (2) có thu nhập ổn định, (3) có lối sống lành mạnh, (4) đang sống cùng vợ/chồng, (5) được sống cùng con cháu, (5) có vai trò trong gia đình và (6) thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội20. Tuy nhiên, theo kết quả của nghiên cứu này cho thấy có một sự sắp xếp khác hơn về 6 nhóm yếu tố. Cụ thể ưu tiên (1) tâm lý, (2) quan hệ xã hội, (3) sức khoẻ, (4) niềm tin, (5) kinh tế và (6) là môi trường.
Hình 3.12. Mức độ hài lòng trung bình về chất lượng sống
Sức khỏe thể chất và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của NCT thuộc nhóm nghiên cứu kém hơn NCT ở nhóm đối chứng. Họ thường thiếu sự chăm sóc sức khỏe từ người thân trong độ tuổi lao động, và thường xuyên lo lắng cho những NDC dẫn đến sức khỏe thể chất kém hơn.
Quan hệ xã hội và tâm lý có mối liên kết với nhau, cụ thể khi NCT được tham gia giáo dục con cháu, thực hiện những công việc trong gia đình tuy chiếm thời gian và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của họ. Tuy nhiên điều này sẽ giúp NCT cảm nhận được giá trị bản thân mình, giúp họ vui vẻ và khỏe mạnh hơn về sức khỏe tâm lý.
Về kinh tế mặc dù NCT không hài lòng về điều kiện kinh tế của mình nhưng nhờ nguồn tiền gửi về của NDC (mặc dù không nhiều và thường thiếu ổn định) nhưng sự hài lòng về mặt kinh tế của NCT trong nhóm nghiên cứu vẫn cao hơn nhóm đối chứng. Đối với khoản hỗ trợ của Nhà nước NCT đều không đánh giá cao vai trò của khoản này, bởi khoản hỗ trợc chiếm tỷ trọng nhỏ so với chi tiêu hiện nay.
3.4. Tác động của di cư lao động đến chất lượng sống của người cao tuổi còn ở lại 3.4.1. So sánh theo số lượng người di cư trong hộ 3.4.1. So sánh theo số lượng người di cư trong hộ
Có sự tương đồng về CLS của NCT trong hộ có từ 1-2 lao động di cư, tương tự đối với hộ có từ 3-4 lao động di cư. Điều này cho thấy nếu cấu trúc hộ gia đình thay đổi theo hướng thu hẹp dần số thành viên và kết hợp với sự di cư lao động sẽ ảnh hưởng đến CLS của những NCT còn ở lại.
Cấu trúc gia đình thay đổi theo xu hướng hộ gia đình ít con tăng dần và số lượng gia đình có nhiều thế hệ sống chung không còn nhiều. Trong 100 hộ gia đình chỉ 9% hộ gia đình có từ 3-4 lao động di cư thuộc hộ đông con và có đến 91% hộ gia đình có 1-2 lao động di cư và thuộc hộ có ít con. Khi gia đình có xu hướng hạt nhân hoá và tuổi thọ được nâng cao thì khả năng NCT sống cô đơn trong khoảng thời gian dài sẽ tăng.
Theo kết quả của mẫu cho thấy NCT sống trong hộ gia đình có ít lao động di cư sẽ ít hài lòng về CLS so với hộ có nhiều lao động di cư. Khác biệt là chủ yếu ở các yếu tố tâm lý, sức khoẻ, quan hệ xã hội và môi trường. Nguyên nhân của sự khác biệt xuất phát từ tình trạng gia đình ít con, nên khi lao động di cư sẽ không có điều kiện chăm sóc chu toàn cho cha mẹ về nhiều khía cạnh của cuộc sống. Chia sẻ của bà T.T.P (77 tuổi, có 2 người con di cư) về chất lượng sống “Con đi làm xa, thỉnh thoảng mới về thăm ba mẹ nên mọi việc trong gia đình đều do ông bà lo toan. Bà có bệnh cao huyết áp, chóng mặt, khó ngủ và suy nghĩ nhiều, khả năng nghe nhìn cũng yếu nên không làm thêm được. Hàng ngày bà trông nom nhà cửa, giữ cháu nội và trồng thêm rau màu, hoa quả. Con trai và con dâu đi làm ở Sài Gòn bà cũng thấy không an tâm vì sợ con gặp khó khăn và rủi ro”
Hình 3.13. CLS của NCT còn ở lại theo số lượng lao động di cư
Ngược lại, gia đình có đông con dù có tình trạng di cư lao động thì con cái cũng sẽ có điều kiện thay nhau chăm sóc cha mẹ tốt hơn do đó chất lượng sống có sự hài lòng cao hơn. Ông M.V.L (74 tuổi, có 3 người con di cư) chia sẻ “Con cái cùng thay nhau về chăm sóc và cho tiền ông bà nên ông bà cũng ít có cảm giác buồn và lo lắng. Mặc dù tuổi già có nhiều bệnh nhưng tâm lý thoải mái và an tâm nên cuộc sống hiện tại cũng khá tốt”
3.4.2. So sánh theo giới tính của người di cư