Đặc điểm lao động di cư trong mẫu

Một phần của tài liệu Tác động của di cư lao động đến chất lượng sông của người cao tuổi còn ở lại, nghiên cứu trường hợp tại một số huyện của tỉnh long an (Trang 26)

Lao động di cư trong mẫu khảo sát là một đối tượng được xem xét tiếp theo, trong tổng số 130 mẫu khảo sát được hỏi đối với NCT thì người nghiên cứu cũng có được thông tin kèm theo của 144 lao động di cư tương ứng về các đặc điểm cá nhân được NCT chia sẻ. Thông tin này không được phỏng vấn trực tiếp đối với từng lao động di cư nên chắc chắn sẽ có một số sai lệch nhất định.

Về độ tuổi của lao động di cư thì tuổi thấp nhất là 20 tuổi và cao nhất là 48 tuổi. Độ tuổi trung bình của nhóm này là 34 tuổi. Nếu phân chia theo nhóm tuổi thì nhóm 20-35 tuổi chiếm 94 người (66%) và nhóm còn lại chiếm 34% tổng số. Điều này cho thấy nhóm tuổi di cư thường là nhóm lao động trẻ, đặc biệt nhóm 26-35 tuổi thường là thành phần tích cực nhất trong di cư. Điều này có thể dẫn đến một thực trạng đó là già hoá dân số ở làng quê và tỷ lệ phụ thuộc ở vùng nông thôn sẽ tăng dần do chỉ còn người cao tuổi và trẻ em ở lại.

Về giới tính của lao động di cư, đa số họ là nữ (93 người chiếm đến 65%) và nam chỉ chiếm 51 người (35%). Điều này hoàn toàn phù hợp vì người nữ thường có động cơ di cư cao hơn và chiếm tỷ trọng lớn trong dòng di cư như trong các báo cáo về di cư của Việt Nam19. Theo số liệu từ Tổng điều tra dân số nhà ở năm 2009 cho thấy tỷ lệ nữ đều cao hơn 50% so với các nhóm di cư được phân loại (di cư giữa các tỉnh, huyện và trong phạm vi huyện). Xét về độ tuổi thì phụ nữ di cư chủ yếu ở các nhóm tuổi trẻ, trong mẫu khảo sát có đến 58 trong tổng số 93 người nữ trong độ tuổi từ 20 đến 34 tuổi. Trong khi đó, con số tỷ lệ này ở người nam là 27 trong tổng 51 người. Như vậy, người nữ thường di cư nhiều hơn nam và độ tuổi của họ thường trẻ hơn nam.

Về mối quan hệ của đối tượng nghiên cứu và lao động di cư cho thấy đa số họ có mối quan hệ cha mẹ và con ruột, tỷ lệ này chiếm đến 79% (114 người trong tổng 144 người). Trong số 114 lao động di cư là con ruột thì có đến 71 lao động là nữ. Tỷ lệ NCT là cha mẹ

vợ hoặc cha mẹ chồng của lao động di cư chiếm khoảng 6%, là ông bà chiếm 13%, tỷ lệ quan hệ khác là 3%.

Về trình độ của lao động di cư, đa số họ đều học hết cấp tiểu học, có đến 97 người trong tổng số (chiếm 67%) có trình độ ở cấp trung học cơ sở và phổ thông. Tỷ lệ học cao đẳng và đại học chiếm khoảng 31%. Điều này cho thấy trình độ của lao động di cư thường ở mức trung bình, do đó công việc của họ thường là những công việc phổ thông, mức lương trung bình và khó có được sự ổn định trong công việc. Điều này có thể nhận thấy thông qua tính chất công việc và thu nhập hàng tháng của lao động di cư trong mẫu.

Về tính chất công việc, chỉ có khoảng 24% trong số họ có được công việc ổn định và đa số công việc của lao động di cư ở mức tạm ổn định (55%). Khoảng 21% trong tổng số lao động di cư làm các công việc được NCT đánh giá là không ổn định và bấp bênh. Chính điều này tạo nên sự khác biệt về thu nhập của các lao động di cư. Mức thu nhập hàng tháng của họ chỉ ở mức từ 3-5 triệu (60% trong tổng số 144 người) và điều này ảnh hưởng đến khả năng trợ giúp tiền bạc cho cha mẹ và con cái của họ.

Mức độ gửi tiền về quê của lao động di cư thường là hàng tháng (58%) và hàng quý (16%). Trường hợp gửi hàng tuần chiếm 13% trong tổng số. Mức độ họ gửi tiền cho cha mẹ từ 6 tháng trở lên hoặc không gửi chiếm tỷ lệ 13%. Trong khi đó, lượng gửi mỗi lần của lao động di cư vào khoảng dưới 1 triệu là chủ yếu (49%) và từ 1 đến 2 triệu chiếm 45%. Tỷ lệ không gửi hoặc gửi trên mức 2 triệu chỉ khoảng 6% tổng số. Đa số người cao tuổi cho rằng lượng tiền gửi và mức độ gửi tiền thường không cố định và phụ thuộc nhiều vào tình trạng công việc của con cái, tiền lương được nhận và số năm con cái đã đi làm. Cũng theo mẫu khảo sát, đa số lao động di cư đã rời làng quê từ 2 đến 3 năm (44%), từ 3 năm trở lên chiếm 26% (38 người) và số người đã đi dưới 2 năm chiếm 30%. Điều này cho thấy lao động di cư trong mẫu có thời gian rời làng quê chưa lâu nên thu nhập và công việc của họ cũng khó ổn định.

Về tình trạng gia đình, có đến 113 lao động di cư (78%) đã lập gia đình và tỷ lệ độc thân chỉ khoảng 20%, tỷ lệ ly hôn chiếm 2% tổng số. Đa số lao động di cư đều đã lập gia đình và điều này có tương quan đến số lượng người cao tuổi sống cùng con cháu. Đa số NCT trong mẫu cho rằng khi người di cư lập gia đình thì quỹ thời gian dành cho cha mẹ không còn nhiều và tần suất về quê cũng không nhiều.

Hình 3.2. Mức độ thường xuyên gửi tiền về cho người cao tuổi

Xem xét mức độ thường xuyên về thăm cha mẹ của lao động di cư cho thấy đa số họ thỉnh thoảng về thăm quê hàng tháng chiếm 33%, mức độ về hàng tuần chiếm 23%. Còn lại đa số đều ở mức đôi khi và ít khi (43%) và tỷ lệ rất ít (hầu như không) chỉ chiếm 1%. Điều này cho thấy lao động di cư trong mẫu có sự quan tâm đến cha mẹ của họ nhưng mức độ quan tâm không cao do đó sẽ có tác động ảnh hưởng đến tâm lý và sức khoẻ của những người cha mẹ còn ở lại làng quê, có thể làm suy giảm chất lượng sống của họ so với nhóm đối chứng.

Một phần của tài liệu Tác động của di cư lao động đến chất lượng sông của người cao tuổi còn ở lại, nghiên cứu trường hợp tại một số huyện của tỉnh long an (Trang 26)