giảng viên Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Về đào tạo đội ngũ giảng viên Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Số lượng giảng viên các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh toàn ngành hiện có khoảng 2300 người, nhưng vẫn phải giảng gấp hơn 2 lần chuẩn qui định, có người còn phải giảng nhiều hơn và phải dạy tới 2 đến 3 môn học, cá biệt có những giảng viên dạy cả 5 môn Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Hầu hết các trường đã có giảng viên đạt trình độ thạc sĩ, nhiều trường đạt tới 50 - 60% giảng viên đạt trình độ từ thạc sĩ trở lên, thậm chí có trường đạt hơn 90% số giảng viên hiện có. Nhưng so với nhu cầu thì số lượng giảng viên hiện nay vẫn thiếu nghiêm trọng, đến 50% so với yêu cầu và chất lượng còn nhiều vấn đề phải tiếp tục nâng cao đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế.
Do quá thiếu về số lượng nên giảng viên phải giảng quá nhiều không có thời gian bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, dự giờ, rút kinh nghiệm, viết chuyên đề… thiếu công trình nên việc phong chức danh giáo sư, phó giáo sư rất khó khăn, toàn ngành chỉ có rất ít giáo sư nhưng đã vào tuổi hưu, phó giáo sư hàng năm được phong cũng không đáng kể.
Để khắc phục hiện trạng đó, phải gấp rút đa dạng hoá các loại hình, hình thức đào tạo:
- Tăng chỉ tiêu đào tạo đại học và sau đại học hàng năm và không hạ thấp điểm tuyển cho các đơn vị đang được giao chức năng đào tạo như Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn, Đại học Sư phạm, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia và các cơ sở khác. Môn thi tuyển cần bắt buộc các môn Toán, Văn học, Lịch sử. Bởi vì tư duy toán học rất gần với tư duy triết học, kinh tế chính trị học, giảng viên lại phải diễn đạt đúng văn phong tiếng Việt, đồng thời lại
phải thông hiểu lịch sử diễn biến của từng giai đoạn, mỗi dân tộc và lịch sử phát triển của cả nhân loại.
- Mở các khoá đào tạo bằng 2 tuyển sinh từ các sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi của các chuyên ngành khác nhau (cả tự nhiên, xã hội nhân văn, kỹ thuật công nghệ) trở thành giảng viên các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Họ đã có một tri thức của môn khoa học cơ bản, lại học qua chương trình Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở đại học. Trong một thời gian họ có thể trang bị cho những kiến thức sâu sắc về các bộ môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trang bị phương pháp sư phạm và phương pháp giảng dạy các khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với những người được đào tạo. Trong số này cũng có thể lựa chọn một số đào tạo thẳng trình độ cao học.
- Nghiên cứu và mở các lớp đào tạo tiếp sinh viên khá giỏi học xong năm thứ 2 hoặc thứ 3 các chuyên ngành khác ở các trường đại học có nguyện vọng trở thành giảng viên Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của trường. Hình thức này do tự trường cử tuyển gửi đi đào tạo cho chính trường mình. Đây là hình thức đào tạo đã từng mở ở trường Chính trị thuộc Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp vào những năm sáu mươi của thế kỷ 20. Đây là hình thức tốt, nó gắn với nghề nghiệp ở trường mà họ đã theo học. Thực tế cho thấy số giảng viên này đã phát huy tác dụng tốt, nhiều giảng viên đã trưởng thành và là nòng cốt của môn học trong suốt thời gian vừa qua. Có điều cần rút kinh nghiệm tuyển sinh lúc đó chỉ chú ý yêu cầu là Đảng viên, còn mặt trí thức văn hoá, khoa học được châm chước, nên đã gây ra ảnh hưởng đến uy tín đội ngũ về trình độ tri thức khoa học. Do đó cần tổ chức rút kinh nghiệm khi tổ chức đào tạo không thể châm chước trình độ trí thức khoa học.
- Mở các lớp đào tạo giảng viên từ những người đã tốt nghiệp một bằng đại học đang công tác ở các cơ quan hành chính, nghiệp vụ, sĩ quan quân đội đủ yêu cầu và có nguyện vọng trở thành giảng viên các môn khoa học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ở các trường đại học. Hình thức này đã từng mở ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội những năm 70 của thế kỷ 20 như lớp đào tạo giảng viên môn Chủ nghĩa xã hội khoa học đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu giảng viên khi đưa môn Chủ nghĩa xã hội vào giảng dạy phổ biến trong các trường đại học lúc đó.
Vì vậy, cần phải có kế hoạch đào tạo ở tầm vĩ mô, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có qui định để các trường có kế hoạch tuyển gửi đi đào tạo, tuyển đủ số lượng biên chế đội ngũ giảng viên Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho trường mình mới khắc phục được hiện tượng quá tải hiện nay. Đây là yêu cầu cấp bách trước mắt cũng như lâu dài trong việc xây dựng một chiến lược giảng viên ngang tầm với vị trí của lĩnh vực giáo dục lý luận trong sự nghiệp đào tạo đại học.
Về bồi dưỡng đội ngũ giảng viên Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh
Chúng ta đang sống những năm đầu của thế kỷ XXI, thế kỷ của bùng nổ của công nghệ thông tin, xã hội luôn luôn vận động, biến đổi, phát triển rất nhanh, khoa học và công nghệ luôn luôn đạt được những thành tựu mới, chỉ sau vài năm tri thức của loài người đã tăng gấp bội, những lý luận và thực tiễn mới ra đời, vì thế cần có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng định kỳ cho giảng viên Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo một kế hoạch thống nhất. Thí dụ, mỗi giảng viên Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cứ 5 năm phải được đi bồi dưỡng lại những vấn đề cơ bản cùng với những phát triển mới của lý luận và thực tiễn, khoa học sư phạm trong với một chương trình nhất định do cơ sở được giao nhiệm vụ xây dựng và được Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định ban hành.
- Hằng năm, vào dịp hè duy trì mở các lớp bồi dưỡng về những vấn đề lý luận mới, đường lối quan điểm của Đảng, về các Nghị quyết Trung ương, tình hình thời sự trong nước và quốc tế, nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy đảm bảo cho việc giáo dục lý luận được cập nhật với những thành tựu mới và đi đúng định hướng phát triển của đất nước không để xẩy ra những sai sót về quan điểm, đường lối trong giảng dạy lý luận.
- Mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn cho giảng viên để họ có thể dạy môn thứ 2 ở những trường thiếu giảng viên các môn học dù đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế.
- Tăng cường bồi dưỡng cho giảng viên về ngoại ngữ, tin học, khả năng sử dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại trong giảng dạy. Đây đã là yêu cầu bắt buộc để hiện đại hoá giảng dạy ở đại học.
- Bồi dưỡng cho toàn bộ đội ngũ giảng viên tri thức (kiến thức, kỹ năng và tình cảm) về phương pháp giảng dạy tích cực, đồng thời chuẩn bị cho người học sẵn sàng và khả năng thích ứng với việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực.
- Đổi mới trang thiết bị phục vụ dạy - học, bồi dưỡng cho giảng viên về kỹ năng sử dụng các thiết bị, kỹ thuật hiện đại, đổi mới cơ sở vật chất đào tạo từng bước đáp ứng yêu cầu của một nhà trường hiện đại.
- Tổ chức, duy trì việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực và thao giảng việc áp dụng phương pháp dạy học tích cực.
- Thường xuyên tổ chức sơ, tổng kết rút kinh nghiệm để không ngừng cải tiến phương pháp dạy - học theo hướng tích cực.
- Tạo điều kiện cho giảng viên đi thâm nhập thực tế ở địa phương, các doanh nghiệp, các cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, các di tích văn hóa, di tích cách mạng và di tích lịch sử, các cơ sở nghiên cứu khoa học nhằm gắn lý luận
với thực tiễn và đưa “hơi thở” của cuộc sống vào bài giảng, tổ chức cho giảng viên tham quan trao đổi kinh nghiệm giảng dạy trong các trường ở trong nước và nước ngoài.
- Nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ không thể thiếu đối với giảng viên đại học, giảng viên lý luận cũng vậy. Đây là yêu cầu bắt buộc, nghiên cứu khoa học nhất là những vấn đề khoa học sư phạm, về phương pháp sư phạm, phương pháp giảng dạy đại học, phương pháp giảng dạy các môn khoa học Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, có kế hoạch và động viên họ tham gia một cách tích cực vào các hội thảo khoa học về phương pháp giảng dạy từng môn học.
- Vấn đề toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế cũng đặt ra vấn đề sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy các môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đây cũng là một yêu cầu cấp bách đối với đội ngũ giảng viên này. Có sử dụng được tiếng Anh mới khai thác được và đối thoại được những vấn đề tư tưởng, quan điểm của các nước trong khu vực, quốc tế, có sử dụng được tiếng Anh mới có khả năng giảng dạy tốt cho sinh viên nước ngoài học trong các trường đại học do Việt Nam mở vì theo quyết định 494/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã qui định “tất cả sinh viên, học viên nước ngoài học trong các cơ sở đào tạo do Việt Nam mở hoặc nước ngoài liên kết với Việt Nam mở đều phải học các môn khoa học Mác Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh”.