Kể từ khi Việt Nam tham gia WTO, cùng với khối lượng giao thương trong nước và thế giới ngày càng mở rộng thì nghề luật sư ở Việt Nam mới thật sự có bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng được xã hội đề cao, tin tưởng. Theo Liên đoàn luật sư Việt Nam trong năm 2009, khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập chỉ có hơn 5.000 luật sư nhung tính đến cuối năm 2020 luật sư thành viên có số lượng lên đến 15.107 luật sư. Sự phát triển về số lượng đội ngũ luật sư không chỉ nói lên nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý cùng với sự gia tăng về phát triển kinh tế xã hội, mà ngày càng đề cao vai trò vị trí của pháp luật trong xã hội ngày nay. Nghề luật sư ở Việt Nam đang từng bước đi lên để hướng đến quá trình hội nhập, cải cách tư pháp, góp phần tạo môi trường pháp lý trong các hoạt động kinh doanh, thương mại, đầu tư để góp phần phát triển kinh tế. Để trở thành một luật sư, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì luật sư còn đòi hỏi phải là một người có phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp tuân thủ đúng Quy tắc đạo đức và ứng xử của nghề luật. Luật sư phải là người có một trái tim “nóng”, đôi bàn tay “sạch” và phải có cái đầu “lạnh”. Thế nhưng, thực trạng hiện nay có một số bộ phận luật sư đã vi nghiêm trọng Quy tắc đạo đức nghề nghiệp, bị khiển trách, kỷ luật, xóa tên ra khỏi danh sách của đoàn luật sư. Theo ghi nhận từ báo cáo của Liên đoàn luật sư trong những trường hợp vi phạm kỷ luật thì đa số là vi phạm liên quan đến quan hệ giữa luật sư với khách hàng và trong đó chủ yếu là vi phạm về việc nhận, chiếm giữ tiền của khách hàng không đúng quy định. Thậm chí, trong số đó có một số trường hợp có biểu hiện tiêu cực trong hành nghề. Việc một số luật sư vi phạm Quy tắc đạo đức và ứng xử trong quan hệ với khách hàng ảnh hưởng không nhỏ đến nghề luật sư, làm mất niềm tin và ảnh hưởng tiêu cực đối với nghề luật trong xã hội. Xuất phát từ thực trạng như nêu trên và để không phải phạm phải sai lầm trong việc vi phạm Quy tắc đạo đức nghề nghiệp luật sư trong quan hệ giữa luật sư với khách hàng em đã chọn đề tài nghiên cứu về “Thực trạng và giải pháp trong quan hệ giữa luật sư với khách hàng” từ đó có thể đưa ra những giải pháp để khắc phục, hạn chế việc vi phạm Quy tắc đạo đức nghề luật cho những ai quan tâm và đang định hướng đến nghề luật sư. Bài tiểu luận nghiên cứu về Thực trạng và giải pháp trong quan hệ giữa luật sư và khách hàng được chia làm 3 chương: Chương 1: Tổng quan các quy tắc đạo đức ứng xử trong quan hệ giữa luật sư với khách hàng. Chương 2: Thực trạng luật sư vi phạm quy tắc đạo đức ứng xử trong quan hệ với khách hàng. Chương 3: Giải pháp hạn chế vi phạm quy tắc đạo đức ứng xử của luật sư trong quan hệ với khách hàng.