Trong những thập niên cuối thế kỷ 20, để nhằm giải quyết những bất đồng trong quá trình hội nhập đa phương, các thỏa thuận về tự do thương mại đã được hình thành với xu hướng gia tăng mạnh mẽ tại Châu Âu, Châu Á – Thái Bình Dương và Châu Mỹ Latinh. Ở giai đoạn này, một số thành quả đạt được trong việc thúc đẩy hợp tác tự do thương mại liên quốc gia được ghi nhận qua một số điều ước quốc tế đánh dấu mốc lịch sử phát triển của quá trình hội nhập đa phương, chẳng hạn như Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) và các cam kết về tự do thương mại trong khuôn khổ của Tổ chức thương mại thế giới (WTO)1. Tuy nhiên, cho tới những năm đầu của thế kỷ 21, các quốc gia nhận thấy rằng để thúc đẩy tự do hóa thương mại nhanh hơn cũng như mức độ cam kết cao hơn và sâu rộng hơn, thì việc đàm phán, tiến tới ký kết và gia nhập các “siêu” thỏa thuận về tự do thương mại là thực sự cần thiết. Trong bối cảnh đó, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) – tiền thân là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được xem là một trong những thỏa thuận lịch sử như vậy.