Ở nước ta, môi trường đang bị ô nhiễm và suy thoái nặng nề. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên như: rừng, đất, biển, khoáng sản.v.v... vốn giàu có, đa dạng và phong phú của nước ta đang ngày một cạn kiệt và giảm nhanh.Khẳng định quyết tâm BVMT của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, mọi cá nhân phải thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và BVMT. Nghiêm cấm mọi hành động làm suy kiệt tài nguyên và huỷ hoại môi trường”. Nhà nước ta đã và đang tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm cải thiện rõ rệt tình trạng xuống cấp của môi trường. Luật môi trường đã nêu ra bốn nguyên tắc chủ yếu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững. Đó là những nguyên tắc sau: Nguyên tắc đảm bảo quyền con người được sống trong môi trường trong lành; nguyên tắc về tính thống nhất trong quản lí và BVMT; Nguyên tắc đảm bảo sự phát triển bền vững; Nguyên tắc coi trọng tính phòng ngừa. Các nguyên tắc này chi phối một cách toàn diện các quan hệ phát sinh việc BVMT. Trong đó phải kể đến nguyên tắc về đảm bảo sự phát triển bền vững. Phát triển bền vững (PTBV) là một trong những nguyên tắc quan trọng trong hệ thống pháp luật quốc tế về môi trường. Phần lớn các nước đã đưa nguyên tắc này vào trong hệ thống pháp luật của mình. Tại hội nghị thượng đỉnh của thế giới về môi trường và phát triển tổ chức tại Rio de Janero (Braxin), các nhà hoạt động về kinh tế, xã hội, môi trường cùng với các nhà chính trị đã thống nhất về quan điểm phát triển bền vững, coi đó là trách nhiệm chung của các quốc gia, của toàn nhân loại và đồng thuận tuyên bố chung về quan điểm phát triển bền vững. Pháp luật môi trường Việt Nam cũng đặc biệt coi trọng nguyên tắc phát triển bền vững. Khoản 1 điều 4 luật BVMT 2005 quy định: “BVMT phải gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế và bảo đảm tiến bộ xã hội để PTBV đất nước; BVMT quốc gia phải gắn với BVMT khu vực và toàn cầu.”