Vai trò của truyền thông đại chúng đối với vấn đề phát triển văn học nghệ thuật Bài làm Từ trước đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vai trò to lớn của văn học nghệ thuật trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc. Trong thư gửi các họa sĩ năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Văn hóa, nghệ thuật là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy. Với tư cách là bộ phận đặc biệt tinh tế và nhạy cảm của văn hóa, văn học nghệ thuật có khả năng to lớn trong việc khơi dậy lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần tự hào dân tộc sâu sắc, hun đúc nên bản lĩnh, khí phách, tâm hồn Việt Nam. Tiếp tục phát triển quan điểm nhất quán trên, từ đổi mới (1986) đến nay, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng về văn hóa, trong đó, luôn chú trọng đến văn học, nghệ thuật. Hiện nay, chúng ta đã xây dựng được một nền văn học nghệ thuật khá phong phú, đa dạng, có khả năng đáp ứng nhu cầu thông tin, nhu cầu thẩm mỹ của công chúng có lớp tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp,... khác nhau, sinh sống tại các vùng văn hóa khác nhau. Tới hôm nay, hầu hết người dân Việt Nam có thể tiếp cận thông tin về sự kiện vấn đề trong nước và quốc tế một cách cập nhật, từ nhiều nguồn, có thể đọc tác phẩm văn học cổ điển, hiện đại của Việt Nam hoặc thế giới được xuất bản khá thường xuyên, kể cả tác phẩm vừa được trao giải thưởng quốc tế như giải Nobel; có thể thưởng thức các tác phẩm âm nhạc, sân khấu, điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh,... qua nhiều hình thức chuyển tải, từ sân khấu biểu diễn đến hệ thống truyền thông đại chúng. Cùng với quá trình phát triển của nền văn học – nghệ thuật các phương tiện truyền thông đại chúng có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến những thành tựu cũng như cũng hạn chế còn tồn tại. Văn học, nghệ thuật là một lĩnh vực đặc biệt của văn hóa, là lãnh địa của khám phá và sáng tạo, tâm hồn và cảm xúc, có sức mạnh cảm hóa, thu phục lòng người rất lớn. Đại hội XII đã xác định phương hướng, nhiệm vụ: “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân thiện mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong những năm qua, văn học nghệ thuật nước ta tiếp tục phát triển, với dòng mạch chính là yêu nước và nhân văn, phản ánh chân thật cuộc sống; có tìm tòi về đề tài, phương pháp sáng tác, hình thức diễn đạt. Các sản phẩm văn học, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng; tăng về số lượng và bước đầu có chuyển biến về chất lượng; hình thành thị trường sản phẩm và dịch vụ văn hóa. Công tác đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Truyền thông đại chúng là hệ thống các kênh truyền thông hướng thông điệp tác động vào đông đảo công chúng xã hội, nhằm lôi kéo và tập hợp, giáo dục, thuyết phục và tổ chức đông đảo nhân dân tham gia giải quyết các nhiêm vụ chính trị kinh tế văn hóa xã hôi đã và đang đặt ra. Truyền thông đại chúng với sự đa dạng về các loại hình như: sách, báo, tạp chí, quảng cáo, điện ảnh, internet… là các công cụ thiết yếu của xã hội, góp phần hết sức quan trọng trong việc tạo môi trường để văn học, nghệ thuật tiếp cận rộng rãi và gần gũi với đông đảo người dân, góp phần tích cực làm phong phú đời sống tinh thần xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của nhân dân, góp phần định hướng nhân cách, thẩm mỹ, lối sống cho độc giả, đặc biệt là các độc giả trẻ. Cách thức thể hiện sinh động, hấp dẫn, nội dung thông tin phong phú, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin, giải trí lành mạnh của nhân dân. Các Đài Phát thanh Truyền hình, các đơn vị hoạt động truyền hình và nhiều cơ quan báo in, báo điện tử trong cả nước đã sản xuất nhiều tin, bài, chương trình, xây dựng, phát triển chuyên trang, chuyên mục phản ánh đa dạng, có chiều sâu các vấn đề về văn hóa, văn học, nghệ thuật; phố biến nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị trên báo chí của mình. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật đã được các cơ quan báo chí chủ động thông tin đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch. Qua đó, đã có tác động tích cực đến dư luận xã hội, đến tư tưởng, tình cảm, cảm hứng sáng tạo và trách nhiệm công dân của các văn nghệ sỹ, lực lượng quyết định tạo nên những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Trên sóng truyền hình, xuất hiện ngày càng nhiều các chương trình vui chơi giải trí, đáp ứng độc giả ở các độ tuổi khác nhau, trong đó có nhiều chương trình thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Ví dụ như chương trình “Giai điệu tự hào” phát sóng trên VTV3 vào mỗi tối thứ bảy cuối tháng. Đây là chương trình được thực hiện trên cơ sở Việt hóa format chương trình truyền hình Tài sản quốc gia nổi bật nhất, đạt được nhiều thành công vang dội trong vòng 4 năm qua (từ 20092013) của lịch sử truyền hình Nga. Trong chương trình, những ca khúc kinh điển được xem như một báu vật tinh thần, một niềm tự hào chung. Mỗi số phát sóng là một lát cắt của một thập niên. Từ ký ức của lịch sử âm nhạc nói riêng, bức tranh lịch sử, đời sống, văn hóa xã hội cũng được khắc họa rõ nét. Trong những năm tháng xưa cũ ấy, từ chủ thể nhỏ bé đến những chứng tích lớn lao đều được đặt ngang hàng nhau, được ngợi ca, vinh danh như những điều đã làm nên sức mạnh, điểm tựa tinh thần cho cả một dân tộc. Nó không đơn thuần là một chương trình ca nhạc làm mới các ca khúc đã từng được yêu thích trong nhiều thập kỷ trước, điều đặc biệt nhất của chương trình lại nằm ở phần tọa đàm của các vị khách mời bình luận thuộc hai thế hệ đối lập. Sau mỗi tiết mục biểu diễn, họ chia sẻ những quan điểm cá nhân về bài hát, về ký ức văn hóa xã hội. Bởi có những trải nghiệm và quan điểm khác nhau nên những cuộc đối thoại, phản biện có khi tương đồng nhưng cũng có lúc mâu thuẫn đến nảy lửa. Nhưng nhờ có thế nhân sinh quan, những vấn đề tưởng cũ nhưng lại rất mới của thời đại được nêu bật. Đây có lẽ là chương trình đầu tiên ở Việt Nam sẽ không có bất kỳ giới hạn nào trong việc đối thoại giữa hai thế hệ khán giả để họ có quyền bộc lộ quan điểm của mình. Họ thẳng thắn thích hay không thích. Sự liên hệ của ca khúc với bối cảnh lịch sử, văn hoá, chính trị của thời xưa cũ khiến họ nghĩ gì về cuộc sống và những vấn đề của hôm nay. Ở mỗi số phát sóng, toàn bộ khách mời bình luận cùng các đại diện khán giả tại hiện trường ghi hình sẽ cùng bấm nút bình chọn ra tác phẩm mang lại cho họ nhiều cảm xúc, hứng khởi. Mục đích của chương trình là ngợi ca, tôn vinh tác phẩm trong tổng thể bao gồm ca khúc, nghệ sĩ biểu diễn, dàn dựng sân khấu và bình luận. Ca sĩ xuất hiện trên sân khấu với vai trò là cầu nối, mang ca khúc ấy đến với khán giả hiện đại. Khán giả nhiều thế hệ dù đồng vọng hay phản biện nhưng đều gặp nhau ở sự “tự hào – xúc cảm – yêu thương”.