PHẦN MỞ ĐẦU 1. Sự cần thiết của vấn đề nghiên cứu Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang làm thay đổi mạnh mẽ nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế trong đó ngành tài chính ngân hàng được khẳng định là một trong những lĩnh vực đón đầu làn sóng cách mạng. Trong khi các tổ chức tài chính, ngân hàng đang phải nỗ lực vượt qua khó khăn sau cuộc khủng hoảng tài chính để trở lại mức lợi nhuận ban đầu thì sự xuất hiện của các công ty công nghệ tài chính (Fintech), trực tiếp cạnh tranh với các ngân hàng trở thành một vấn đề thách thức lớn. Trước sự phát triển các dịch vụ tài chính điện tử sáng tạo của Fintech, các ngân hàng thương mại bắt buộc phải đưa ra các mô hình kinh doanh mới đảm bảo tính cạnh tranh, tăng cường kết nối và cập nhật công nghệ, phục vụ nhu cầu thanh toán, đầu tư và các dịch vụ tài chính khác của nền kinh tế số. Trong bối cảnh nền kinh tế số, xu thế số hóa hoạt động ngân hàng diễn ra mạnh mẽ không chỉ ở phạm vi mỗi quốc gia mà trên toàn thế giới. Nhiều ngân hàng trên thế giới đã triển khai thành công mô hình ngân hàng số và hầu hết các ngân hàng còn lại đều đang ở các giai đoạn chuyển đổi số khác nhau, từ giai đoạn chuyển đổi kỹ thuật đến giai đoạn chuyển đổi mô hình. Tại Việt Nam, các ngân hàng cơ bản đang ở giai đoạn đầu của chuyển đổi số, và cụ thể là sự phát triển các dịch vụ ngân hàng ứng dụng kỹ thuật số, dịch vụ ngân hàng điện tử, dịch vụ ngân hàng qua mạng. Trong đó, việc phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử ở các ngân hàng thương mại hiện nay là một trong bước tiến quan trọng không thể thiếu để tiến tới mô hình ngân hàng số. Các ngân hàng thương mại ở Việt Nam đã và đang nỗ lực phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử nhằm cung cấp các dịch vụ ngân hàng hiện đại, công nghệ cao cho khách hàng tổ chức và khách hàng cá nhân. Ở Việt Nam, dịch vụ ngân hàng điện tử được triển khai từ năm 2002 ở hình thái đơn giản nhất là các máy rút tiền ATMs, các máy thanh toán thẻ POS, nhưng mới chỉ thực sự bùng phát khi đất nước phổ cập Internet, là cơ sở cho sự phát triển ngân hàng qua mạng. Đến năm 2004, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam giới thiệu dịch vụ ngân hàng qua mạng. Sau hơn 15 năm phát triển, 78 TCTD tại Việt Nam đã cung cấp dịch vụ thanh toán qua Internet, trong đó 47 ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ thanh toán qua mobile vào năm 2019. Các ngân hàng đã tích hợp nhiều tính năng thanh toán trên thẻ để thanh toán trực tuyến mua sắm hàng hóa dịch vụ, thanh toán tiền điện nước, bưu chính viễn thông…đồng thời nghiên cứu hợp tác các công ty công nghệ, ứng dụng công nghệ trong thanh toán như: công nghệ nhận diện khuôn mặt, sinh trắc vân tay, mã phản hồi nhanh. Dịch vụ ngân hàng điện tử được ghi nhận đóng góp trông thấy cho sự phát triển kinh tế xã hội, đưa đất nước tiến đến hội nhập quốc tế. Đối với khách hàng, nhiều lựa chọn được cung cấp thông qua dịch vụ ngân hàng điện tử với tính tiện ích cao hơn và chi phí rẻ hơn so với ngân hàng truyền thống. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại thu hút thêm nguồn khách hàng giá trị cao, đa dạng hóa loại hình SP - DV, thúc đẩy hoạt động huy động vốn và cho vay, góp phần xây dựng quảng bá hình ảnh ngân hàng, từ đó gia tăng doanh thu và tiết kiệm chi phí. Những tác động tích cực của dịch vụ ngân hàng điện tử đã được nhiều nhà khoa học và kinh tế chứng minh, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế số, tuy nhiên vẫn có nhiều nghiên cứu cho thấy sự xuất hiện của dịch vụ ngân hàng điện tử ở một mức độ nào đó chưa thực sự có tác động lớn đến kết quả hoạt động của ngân hàng ở giai đoạn đầu mới phát triển. Những kết quả nghiên cứu khác nhau về ảnh hưởng của dịch vụ ngân hàng điện tử đến kết quả hoạt động của các ngân hàng vẫn đang là chủ đề gây tranh luận đối với các nhà khoa học và nghiên cứu viên. Đề tài “Nghiên cứu tác động của dịch vụ ngân hàng điện tử đến kết quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam” được tôi lựa chọn làm luận án tiến sỹ nhằm đánh giá sự ảnh hưởng của dịch vụ ngân hàng điện tử đến kết quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Luận án sử dụng các phương pháp nghiên cứu định lượng và định tính để xác định tác động của dịch vụ ngân hàng điện tử đến kết quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam, từ đó đưa ra các giải pháp thực tiễn phát huy