1.1. Khái niệm công nghiệp hỗ trợ 1.1.1. Khái niệm công nghiệp hỗ trợ “Công nghiệp hỗ trợ” hay còn gọi khác là “công nghiệp phụ trợ”, “công nghiệp bổ trợ” (xuất phát từ tên gọi tiếng Anh “supporting industries”) xuất hiện ở Nhật Bản từ thập niên 60 của thế kỷ XX. Tuy vậy, phải đến giữa thập niên 80 của thế kỷ XX, cùng với trào lưu đầu tư trực tiếp (chủ yếu là hoạt động lắp ráp) của Nhật vào các nước ASEAN như Thái Lan, Malaysia và Indonesia, khái niệm này mới bắt đầu được biết đến ở Đông Á và được dùng phổ biến từ đầu thập kỷ 90. Mặc dù thuật ngữ “CNHT” đã được nhắc đến từ khá lâu song cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm chung cho tất cả các quốc gia. Tùy theo điều kiện cụ thể của ngành công nghiệp nước mình mà mỗi nước lại có một định nghĩa khác nhau. Ở Nhật Bản, định nghĩa CNHT chính thức được đưa ra lần đầu tiên vào giữa những năm 1980 trong Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ Châu Á, theo đó “CNHT là các ngành công nghiệp cung cung cấp cấp gì cần thiết, như nguyên vật liệu thô, linh phụ kiện và hàng hóa tư bản, cho các ngành công nghiệp lắp ráp”. Hiện nay, ở Nhật Bản, CNHT được hiểu là một nhóm các hoạt động công nghiệp cung ứng các đầu vào trung gian (không phải nguyên vật liệu thô và các sản phẩm hoàn chỉnh) cho các ngành công nghiệp hạ nguồn. Nói cách khác, CNHT nằm ở phần giữa của quá trình sản xuất, từ thượng nguồn xuống đến hạ nguồn. Đặc biệt là, CNHT nên dựa vào một số công đoạn sản xuất nhất định, phục vụ một số ngành công nghiệp nhất định tương đối tương đồng nhau. Việc tương đồng này làm cho chi phí sản xuất giảm, tăng dung lượng thị trường, gia tăng nguồn khách hàng và giúp CNHT phát triển nhanh hơn. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đều xác định CNHT theo cách này, bằng cách dựa trên các công đoạn sản xuất như dập, đúc, rèn, hàn, gia công cơ khí, khuôn mẫu…và bao gồm các sản phẩm chủyếu liên quan đến lĩnh vực chính: các linh kiện kim loại, các linh kiện nhựa và cao su, các linh kiện điện-điện tử. Trong khi đó, theo Cục phát triển CNHT (BSID) Thái Lan, “CNHT là các nguyên liệu và quy trình cần thiết để sản xuất ra sản phẩm trước khi chúng được đưa ra thị trường” Bộ Năng lượng Mỹ định nghĩa CNHT bao gồm những ngành cung cấp các quy trình cần thiết để sản xuất và hình thành sản phẩm trước khi chúng được đưa đến các ngành công nghiệp cuối cùng. Chương trình phát triển ngành CNHT hiện nay ở Mỹ bao gồm 07 ngành: các thiết bị làm nóng công nghiệp; xử lý nhiệt; rèn; hàn; luyện kim bột và các vật liệu dạng hạt; sứ cao cấp; các sản phẩm các-bon. Nhìn chung, các nước châu Âu không sử dụng cụm từ công nghiệp hỗ trợ mà thường gọi lĩnh vực này là “các ngành cung ứng” (Supplier Industries), chỉ việc cung cấp sản phẩm từ các doanh nghiệp bên ngoài. Các khái niệm liên quan đến nội dung này còn được phản ánh ở các thuật ngữ khác, như: thầu phụ, thuê ngoài, nhà cung ứng. Như vậy, có thể thấy rằng công nghiệp hỗ trợ là một khái niệm rộng, có tính chất tương đối. Dù có rất nhiều cách định nghĩa, các khái niệm CNHT đều có các điểm chung như sau: i) việc cung ứng các linh phụ kiện cho mục đích sản xuất sản phẩm cuối cùng; ii) các ngành CNHT bao gồm các công đoạn chủ yếu để sản xuất các linh kiện kim loại, nhựa và cao su, điện và điện tử, nhằm phục vụ một số ngành công nghiệp chế tạo như xe máy, ô tô, điện tử, chế tạo máy móc; iii) việc cung ứng này chủ yếu được đáp ứng bởi hệ thống DNNVV có trình độ công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm có độ chính xác lớn, thực hiện các cam kếthợp đồng với khách hàng một cách chuẩn mực; iv) khách hàng cuối cùng của các ngành CNHT là nhà lắp ráp, do vậy, thị trường của CNHT không rộng như sản xuất sản phẩm cho người tiêu dùng cuối cùng. Thị trường hàng hoá của họ thu hẹp hơn, có những nhóm sản phẩm nằm ở phần thị trường rất hẹp và chỉ dành cho một số khách hàng nhất định. Đây chính là khó khăn lớn nhất của phát triển CNHT. Mặc dù vậy, sản xuất CNHT lại trở nên hấp dẫn và tương đối ổn định nếu doanh nghiệp phụ trợ đó tìm được khách hàng dài hạn, hoặc tìm được thị trường “ngách” cho mình. Ở Việt Nam, khái niệm CNHT xuất hiện trong các chương trình hợp tác kinh tế với Nhật Bản. Thuật ngữ CNHT được sử dụng chính thức từ năm 2004, chủ yếu trong các chỉ thị, công văn chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ. Nội dung phát triển CNHT đã được đề cập trong Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam và Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020. Trong đó, CNHT được định nghĩa: Hệ thống công nghiệp hỗ trợ là hệ thống các nhà sản xuất (sản phẩm) và công nghệ sản xuất có khả năng tích hợp theo chiều ngang, cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng… cho khâu lắp ráp cuối cùng.