Lý do chọn đề tài Lai Châu là một tỉnh biên giới thuộc vùng Tây Bắc Việt Nam, phía bắc giáp Trung Quốc, phía tây và phía tây nam giáp tỉnh Điện Biên, phía đông giáp tỉnh Lào Cai, phía đông nam giáp tỉnh Yên Bái, và phía nam giáp tỉnh Sơn La. Lai Châu có tiềm năng để phát triển dịch vụ – thương mại, xuất nhập khẩu và du lịch, đồng thời, cũng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Lai Châu nằm trong khu vực đầu nguồn và phòng hộ đặc biệt xung yếu của sông Đà, sông Nậm Na và sông Nậm Mu, điều tiết nguồn nước trực tiếp cho các công trình thuỷ điện lớn trên sông Đà, đảm bảo sự phát triển bền vững cả vùng châu thổ sông Hồng. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện có 20 dân tộc cùng sinh sống. Tỉnh Lai Châu hiện chia thành 01 thành phố và 07 huyện với 108 đơn vị cấp xã gồm 5 phường, 7 thị trấn và 96 xã. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Đoàn bao gồm những thanh niên tiên tiến, phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là lực lượng xung kích cách mạng, đại diện chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tuổi trẻ; là lực lượng nòng cốt chính trị trong phong trào thanh niên và trong các tổ chức thanh niên Việt Nam. Đoàn cơ sở là nền tảng của Đoàn, được thành lập theo địa bàn dân cư, theo ngành nghề, theo đơn vị học tập, công tác, lao động, nơi cư trú và đơn vị cơ sở trong lực lượng vũ trang nhân dân. Trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện có 108 đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn. Bí thư đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn là người có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc vận động đoàn viên thanh niên phát huy tinh thần xung kích, tinh thần tình nguyện của tuổi trẻ tích cực tham gia vào các hoạt động của tổ chức Đoàn, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay năng lực của các bí thư đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cả về kiến thức, kỹ năng cũng như thái độ, dẫn đến hiệu quả hoạt động của đoàn cơ sở chưa cao. Xuất phát từ thực tế đó, tác giả đã chọn đề tài "Năng lực của bí thư đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lai Châu" làm luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của mình và với mong nuốn đề xuất được các giải pháp cho Tỉnh Đoàn Lai Châu cũng như các huyện đoàn, thành đoàn trực thuộc nâng cao năng lực của bí thư đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lai Châu. 2. Tình hình nghiên cứu Nghiên cứu về đội ngũ cán bộ đoàn hiện đã được một số nhà nghiên cứu quan tâm. Trong quá trình thực hiện luận văn này, tác giả đã tham khảo một số công trình nghiên cứu sau: Nguyễn Thị Thu Huyền (2010) với đề tài “Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở trong khu vực nông thôn tỉnh Hải Dương”, luận văn thạc sĩ Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Luận văn đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về năng lực đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở; phân tích thực trạng năng lực đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở trong khu vực nông thôn tỉnh Hải Dương, chỉ ra những hạn chế về năng lực của đội ngũ này. Trên cơ sở đó luận văn đã đề xuất một số giải pháp nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở trong khu vực nông thôn tỉnh Hải Dương. Sái Thị Yến (2013) với đề tài “Đào tạo, bồi dưỡng bí thư đoàn cấp xã tại tỉnh Hải Dương”, luận văn thạc sĩ Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Luận văn đã làm rõ khái niệm, đặc điểm của đoàn cấp xã; khái niệm, đặc điểm, vai trò của bí thư đoàn cấp xã, từ đó xác định yêu cầu đối với bí thư đoàn cấp xã về kỹ năng nghiệp vụ công tác đoàn, năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và phẩm chất chính trị. Luận văn đã trình bày khái quát cơ sở lý luận về đào tạo, bồi dưỡng bí thư đoàn cấp xã. Luận văn đã phản ánh được thực trạng bí thư đoàn cấp xã tại tỉnh Hải Dương về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Đồng thời luận văn đã phân tích được thực trạng đào tạo, bồi dưỡng bí thư đoàn cấp xã tại tỉnh Hải Dương chỉ ra được điểm mạnh, điểm yếu và nguyên nhân của điểm yếu trong đào tạo, bồi dưỡng bí thư đoàn cấp xã tại tỉnh Hải Dương. Từ những điểm yếu và các nguyên nhân của điểm yếu, luận văn đã đề xuất một số giải pháp hoàn thiện công tác đào tạo, bồi dưỡng bí thư đoàn cấp xã tại tỉnh Hải Dương để từ đó giúp nâng cao năng lực cho đội ngũ bí thư đoàn cấp xã tại tỉnh Hải Dương. Trong số các giải pháp mà luận văn đưa ra có giải pháp nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ công tác đoàn xuất phát từ từ đặc thù công tác đoàn đó là kỹ năng thiết kế, kỹ năng tổ chức thực hiện, kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng nghiệp vụ công tác đoàn. Vũ Diệp Anh (2016) với đề tài “Nâng cao năng lực cán bộ đoàn chuyên trách tại cơ quan Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc”, luận văn thạc sĩ của Trường Đại học Kinh tế quốc dân. Luận văn đã hệ thống hóa cơ sở lý luận về năng lực cán bộ đoàn chuyên trách tại cơ quan tỉnh đoàn, Luận văn đã đánh giá thực trạng năng lực cán bộ đoàn chuyên trách tại cơ quan Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc, chỉ ra những tồn tại hạn chế về năng lực của đội ngũ này, từ đó luận văn đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ đoàn chuyên trách tại cơ quan Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc. Doãn Đức Hảo (2018) với đề tài “Xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở trong giai đoạn hiện nay”, luận văn thạc sĩ của Đại học Quốc gia Hà Nội. Luận văn đã hệ thống hóa cơ sở lý luận, các nhân tố tác động đến đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở trong giai đoạn hiện nay; phản ánh được thực trạng đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở hiện nay, phân tích thực trạng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở trong giai đoạn hiện nay, chỉ ra những mặt mạnh, yếu của đội ngũ này. Trên cơ sở đó luận văn đề xuất một số giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn cơ sở trong thời gian tới. Trong phạm vi hiểu biết của học viên, cho đến nay chưa có đề tài nào nghiên cứu về năng lực của bí thư đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lai Châu. 3. Mục tiêu nghiên cứu Luận văn được thực hiện hướng tới các mục tiêu sau: - Xác định được khung nghiên cứu về năng lực của bí thư đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn. - Phân tích được thực trạng năng lực của bí thư đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Từ đó chỉ ra được điểm mạnh, điểm yếu và nguyên nhân của các điểm yếu về năng lực của bí thư đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lai Châu. - Đề xuất được một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực của bí thư đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lai Châu. 4.Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 4.1. Đối tượng nghiên cứu Đối tượng nghiên cứu của luận văn là năng lực của bí thư đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lai Châu. 4.2. Phạm vi nghiên cứu - Về nội dung: Luận văn nghiên cứu năng lực của bí thư đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lai Châu theo ba nội dung gồm kiến thức, kỹ năng và thái độ, phẩm chất cá nhân.