khóa luận, luận văn, chuyên đề, tiểu luận, báo cáo, đề tài
LỜI NÓI ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Vàng là hàng hoá đa dạng với chức năng là tiền tệ, công cụ tài chính và hàng hoá thông thường. Mặc dù thực tế chức năng tiền tệ của vàng không còn quan trọng như thời kỳ bản vị vàng, Chính phủ rất nhiều nước vẫn giữ một lượng vàng đáng kể trong dự trữ. Vàng vẫn còn chứng tỏ vai trò quan trong của mình như một công cụ tài chính bên cạnh các công cụ tài chính khác như chứng khoán và trái phiếu. Đặc biệt là đối với các nước đang phát triển, nền kinh tế chưa thực sự vững chắc, giá trị đồng bản tệ chưa thực sự ổn định. Cũng vì lý do đó tại một số nước vẫn duy trì chính sách quản lý vàng một cách chặt chẽ. Ở Việt Nam, cùng với quá trình đổi mới nền kinh tế vai trò của vàng cũng gắn liền với bước thăng trầm của nền kinh tế. Vai trò tiền tệ của vàng đã phát huy rõ nét trong giai đoạn nền kinh tế suy thoái, lạm phát với tốc độ phi mã, vàng được coi là công cụ dự trữ, phương tiện thanh toán, đơn vị tính toán đối với tài sản có giá trị. Nhà nước đã sử dụng vàng làm công cụ ổn định giá trị đồng Việt Nam, góp phần chống lạm phát. Trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế nước ta đã qua thời kỳ khủng hoảng và đang có bước phát triển ổn định, lạm phát được được kiểm soát, xu hướng hội nhập toàn cầu hoá ngày càng tăng, thì giá vàng cũng ổn định và biến động theo giá vàng của thị trường vàng quốc tế. Vai trò tiền tệ của vàng ngày càng giảm, thị trường vàng trang sức mỹ nghệ ngày càng phát triển, nhu cầu vàng trang sức mỹ nghệ ngày càng tăng theo mức độ tăng của đời sống. Tuy nhiên do tập quán và thói quen vàng vẫn được sử dụng như một loại tiền trong thanh toán dân gian, trong thanh toán quốc tế (lậu) ở biên giới nên vàng vẫn có một vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội của nước ta. Bên cạnh đó ngành sản xuất, kinh doanh vàng có truyền thống lâu đời với hơn 8000 tổ chức, cá nhân sử dụng hàng chục vạn lao động, trong đó có nhiều nghệ nhân, nhiều thợ có tay nghề cao phải là một thế mạnh cần khai thác. Hàng trăm tấn vàng trong dân chưa trở thành vốn để phục vụ đầu tư tăng trưởng. Sự manh mún, nhỏ lẻ của công nghệ sản xuất, kinh doanh vàng, sự yếu kém của các đơn vị quốc doanh đang trở nên nhức nhối trong khi đó những đơn vị kinh doanh vàng có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang hoạt động có hiệu quả. Trước tình hình đó, việc nghiên cứu những vấn đề lý luận, cũng như kinh nghiệm thực tế để đưa ra các giải pháp nhằm phát triển thị trường vàng Việt Nam theo hướng sử dụng hợp lý nhất nguồn lực "vàng" cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế của đất nước. Đề tài nghiên cứu "Thị trường vàng Việt Nam từ năm 2006 đến nay, thực trạng và giải pháp" nhằm đáp ứng những yêu cầu đó. 2. Mục đích và phạm vi nghiên cứu của đề tài Trên cơ sở kinh nghiệm về quản lý thị trường vàng của một số nước có hoàn cảnh kinh tế tương đồng với Việt Nam, Bài tiểu luận trình bày một số biện pháp mang tính khả thi nhằm nâng cao hiệu qủa hoạt động thị trường vàng ở Việt Nam, với trọng tâm là: - Làm rõ nội dung về vai trò của vàng trong đời sống xã hội. - Cơ cấu hoạt động của thị trường vàng thế giới trong thời gian qua. - Một số kinh nghiệm về quản lý thị trường vàng của một số nước. - Đánh giá hoạt động thị trường vàng ở Việt Nam trên cơ sở đó đề ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thị trường vàng tại Việt Nam. 3. Phương pháp nghiên cứu Trong quá trình nghiên cứu, luận văn sử dụng phương pháp duy vật biện chứng, duy vật lịch sử, phương pháp phân tích, dự báo và sử dụng các kết quả nghiên cứu. Từ đó đề xuất các giải pháp kiến nghị nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động thị trường vàng tại Việt Nam. 4. Kết cấu của luận văn. Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được kết cấu thành 3 chương. Chương 1: Vàng và vai trò của vàng trong nền kinh tế Chương 2: Phân tích diễn biến thị trường vàng Việt Nam và Thế giới từ năm 2006 cho đến quý I năm 2011. Chương 3: Kiến nghị và giải pháp cho thị trường vàng Việt Nam trong tương lai. CHƯƠNG I: VÀNG VÀ VAI TRÒ CỦA VÀNG TRONG NỀN KINH TẾ 1. Vàng và các ứng dụng trong đời sống xã hội 1.1. Giới thiệu về kim loại vàng. Vàng là nguyên tố kim loại có màu vàng khi thành khối, nhưng có thể có màu đen, hồng ngọc hay tía khi được cắt nhuyễn. Nó là kim loại dễ uốn dát nhất được biết. Là kim loại mềm, vàng thường tạo hợp kim với các kim loại khác để làm cho nó cứng thêm. Vàng có tính dẫn nhiệt và điện tốt, không bị tác động bởi không khí và phần lớn hoá chất (chỉ có bạc và đồng là những chất dẫn điện tốt hơn). Nó không bị ảnh hưởng về mặt hoá học bởi nhiệt, độ ẩm, ôxy và hầu hết chất ăn mòn; vì vậy nó thích hợp để tạo tiền kim loại và trang sức. 1.2. Các ứng dụng của vàng trong đời sống xã hội Y tế: Các hợp kim vàng đã được sử dụng trong việc phục hồi nha khoa, đặc biệt là răng Nữ trang: Vì tính mềm của vàng nguyên chất (24k), nó thường được pha trộn với các kim loại căn bản khác để sử dụng trong công nghiệp nữ trang, làm biến đổi độ cứng và tính mềm, điểm nóng chảy, màu sắc và các đặc tính khác. Các hợp kim với độ cara thấp, thường là 22k, 18k, 14k hay 10k, có chứa nhiều đồng, hay các kim loại cơ bản khác. Công nghiệp: Vàng có thể được chế tạo thành sợi chỉ và được dùng trong thêu thùa. + Vàng mềm và có thể uốn, có nghĩa nó có thể được chế tạo thành sợi dây rất mỏng và có thể được dát thành tấm rất mỏng gọi là lá vàng. + Vàng tạo màu đỏ sâu khi được dùng làm tác nhân màu trong ngành thuỷ tinh. + Trong chụp ảnh, các chất liệu màu bằng vàng được dùng để chuyển đổi màu của các điểm trắng và đen trên giấy ảnh thành màu xám và xanh, hay để tăng sự ổn định của chúng + Vàng được dùng như lớp phản xạ trên một số đĩa CD công nghệ cao. +Ô tô có thể sử dụng vàng để tản nhiệt Điện tử: Vàng có tính dẫn điện rất cao, và đã được dùng làm dây dẫn điệntrong một số thiết bị tiêu thụ nhiều điện năng. tính dẫn điện tốt của nó và khả năng chống ôxi hoá và ăn mòn nói chung trong các môi trường khác đã khiến nó được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp điện tử bởi chỉ một lớp phủ vàng mỏng có thể đảm bảo kết nối điện mọi dạng, vì thế đảm bảo độ kết nối tốt. Bên cạnh đó vàng cũng được dùng trong tiếp xúc điện bởi nó có khả năng kháng ăn mòn, độ dẫn điện, mềm và không độc. 2. Vai trò của vàng trong nền kinh tế 2.1. Vàng với vai trò là một loại tiền tệ Vàng đã được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới như một phương tiện chuyển đổi tiền tệ, hoặc bằng cách phát hành và công nhận các đồng xu vàng hay các số lượng kim loại khác, hay thông qua các công cụ tiền giấy có thể quy đổi thành vàng bằng cách lập ra bản vị vàng theo đó tổng giá trị tiền được phát hành được đại diện bởi một lượng vàng dự trữ. Ngày nay, sản lượng khai thác vàng đang sụt giảm. Với sự tăng trưởng mạnh của các nền kinh tế trong thế kỷ 20, và sự gia tăng trao đổi quốc tế, dự trữ vàng thế giới và thị trường của nó đã trở thành một nhánh nhỏ của toàn bộ các thị trường và các tỷ lệ trao đổi tiền tệ cố định với vàng đã trở nên không thể duy trì. Ở đầu Thế chiến I các quốc gia tham gia chiến tranh đã chuyển sang một bản vị vàng nhỏ, gây lạm phát cho đồng tiền tệ của mình để có tiền phục vụ chiến tranh. Sau Thế chiến II vàng bị thay thế bởi một hệ thống tiền tệ có thể chuyển đổi theo hệ thống Bretton Woods. Bản vị vàng và tính chuyển đổi trực tiếp của các đồng tiền sang vàng đã bị các chính phủ trên thế giới huỷ bỏ, bị thay thế bằng tiền giấy. Vàng nguyên chất quá mềm để có thể được sử dụng như tiền tệ hàng ngày và nó thường được làm cứng thêm bằng cách thêm đồng, bạc hay các loại kim loại cơ sở khác. 2.2. Vàng với vai trò là một kênh đầu tư Vàng giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư: đưa vàng vào danh mục đầu tư của mình – một tài sản có giá trị thực ít biến động hơn các loại tài sản tài chính khác sẽ đảm bảo an toàn về giá trị trong trường hợp thị trường biến động dẫn đến rủi ro mất giá của các tài sản tài chính. Vàng được xem là nơi ẩn nấp an toàn khi áp lực lạm phát xảy ra do áp lực lạm phát tăng đồng nghĩa với giá cả hàng hóa dịch vụ tăng nhanh, đồng tiền mất giá và các nhà đầu tư thường có khuynh hướng mua vàng vào để cất trữ. Vàng là kênh đầu tư được ưu tiên lựa chọn khi thị trường bất ổn: khi thị trường tồn tại nhiều bất ổn như thiên tai, chiến tranh… các nhà đầu tư có xu hướng mua vàng để bảo vệ giá trị của đồng tiền. CHƯƠNG 2: PHÂN TÍCH DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG VÀNG VIỆT NAM VÀ THẾ GIỚI TỪ NĂM 2006 CHO ĐẾN QUÝ I NĂM 2011. 2.1 Diễn biến và nguyên nhân thị trường vàng năm 2006 2.1.1 Thị trường vàng trong nước Giá vàng trong nước tăng giảm theo giá thế giới nhưng có đặc điểm riêng, từ đầu năm 2006 đến tháng 3/2006, giá vàng trong nước luôn thấp hơn giá thế giới. Bắt đầu từ tháng 4/2006, giá vàng trong nuớc cao hơn nhiều so giá thế giới mà mức cao nhất lên đến trên 1,3 triệu đồng/lượng. Nhưng từ cuối tháng 10/2006 đến nay, chênh lệch giá lại đột ngột đảo chiều, giá trong nước thấp hơn thế giới, có lúc gần 200.000 đồng/lợng. Giá vàng trong nước có lúc thoát ly khỏi giá vàng thế giới với mức chênh lệch cao thấp bất thường như vậy là do vào thời điểm nhập khẩu có lợi, các đơn vị có quota nhập khẩu cùng lúc nhập khẩu vàng nguyên liệu ồ ạt. Khi đã vào tiêu thụ trong nước, lượng vàng này phải chuyển hóa thành vàng miếng SJC. Nhu cầu gia công vàng SJC tăng vọt trong khi đó công suất sản xuất của công ty chỉ đủ đáp ứng được cho yêu cầu bình thường nên không đáp ứng kịp khi nhu cầu tăng nhanh. Đến lúc quá trình gia công thành vàng SJC đã hoàn tất, lượng vàng này trở nên dư thừa, làm giá trong nước thấp hơn giá thế giới. Khi đó, các đơn vị lại ngưng nhập khẩu làm vàng nguyên liệu trên thị trường dần dần trở nên khan hiếm. Khi chênh lệch giá vàng trong nước thấp hơn thế giới xuất hiện có lợi trở lại, các đơn vị có quota lại nhập khẩu vàng ồ ạt và chu kỳ trên lại tiếp tục tái diễn. Tình trạng này bắt đầu xuất hiện khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương cho phép các ngân hàng thương mại được phép nhập khẩu vàng để kinh doanh từ năm 2004 đến nay. Một vấn đề đáng ghi nhận đối với thị trường vàng trong nước là ngoài hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, đã có hiện tượng nhiều người bỏ tiền đầu tư vào vàng, dựa vào mức chênh lệch và biến động tăng giảm của giá vàng để mua bán sinh lợi, thay vì chỉ để dành cất trữ như trước đây. Điều đó cũng đã góp phần làm cho mãi lực và nhu cầu gia công vàng miếng SJC tăng mạnh. 2.1.2 Thị trường vàng quốc tế Thị trường vàng quốc tế trong năm qua diễn biến khá phức tạp. Bên cạnh tác động từ xu hướng giảm của đồng Đô la Mỹ, giá vàng còn chịu ảnh hưởng từ diễn biến giá dầu. Trong năm, giá dầu biến động trước nhiều sự kiện chính trị trên thế giới: bất ổn tại khu vực Trung Đông, sự kiện CHDCND Triều Tiên tuyên bố thử tên lửa, căng thẳng xung quanh vấn đề hạt nhân của Iran, … Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) gần đây đã có những kế hoạch cắt giảm sản lượng để ổn định giá dầu. Với xu hướng biến động chủ yếu của đồng Đô la Mỹ là xu hướng giảm giá, nhìn chung giá vàng tăng mạnh so với thời điểm đầu năm, đặc biệt có lúc giá vàng thế giới đạt mức kỷ lục 730USD/oz vào giữa tháng 5/2006. Tính chung giá vàng thế giới tăng 17,35% so với đầu năm 2005, cũng là mức kỷ lục trong vòng 25 năm qua. Mọi chuyện bắt đầu được cho là từ tháng 9-2005, khi đó giá vàng đang xoay quanh 440 USD/ounce (khoảng 850.000 đồng/chỉ). Thời điểm này nền kinh tế thế giới đang đối mặt với lạm phát. Liên tục trong 18 tháng, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã phải 13 lần liên tiếp tăng lãi suất USD để kiềm chế lạm phát. Giọt nước đã tràn ly khi cơn bão Katrina và Rita tàn phá các khu vực lọc dầu của nước này, đẩy giá dầu lên 70,85 USD/thùng. Phản ứng đôminô đã nổ ra, giá dầu tăng đẩy giá nguyên liệu, làm cho giá cả hàng hóa tăng, hệ quả là gia tăng lạm phát. 2.2 Diễn biến và nguyên nhân thị trường vàng năm 2007 2.2.1 Thị trường vàng trong nước Giá mua bán vàng SJC trong nước bình quân năm 2007 cũng tăng mạnh, mức tăng phổ biến từ khoảng 350-353 nghìn đồng/chỉ so với thời điểm đầu năm. Giá mua - bán vàng cúôi năm giao dịch ở mức 1,584-1,590 triệu đồng/chỉ trên thị trường Hà Nội và 1,585-1,589 triệu đồng/chỉ trên thị trường TP Hồ Chí Minh. 2.2.2 Thị trường vàng quốc tế Ta có thể thấy rằng thị trường vàng trong nước phù hợp với diễn biến tăng giá trên thị trường vàng quốc tế. Trong năm, thị trường quốc tế đã chứng kiến giá vàng lập mức giá kỷ lục mới. Với sự tụt dốc kéo dài của đồng Đô la Mỹ và "sức nóng" từ thị trường dầu mỏ tăng cao vượt mức 90USD/thùng, giá vàng quốc tế tăng mạnh, có thời điểm lên đến sát mức 840USD/oz. Bên cạnh đó, một số Ngân hàng Trung ương các nước Nga, Trung Quốc dự kiến thay đổi cơ cấu dự trữ ngoại hối theo hướng tăng dần tỷ lệ dự trữ bằng vàng trong cơ cấu dự trữ quốc gia cũng là một nguyên nhân quan trọng đẩy giá vàng tăng cao. 2.3 Diễn biến và nguyên nhân thị trường vàng năm 2008 2.3.1 Thị trường vàng trong nước Tại thị trường vàng trong nước, diễn biến giá vàng sôi động hơn. Năm 2008, Việt Nam vươn lên trở thành một trong những nước đứng đầu về nhập khẩu vàng của thế giới. Điều này đã góp phần không nhỏ vào thâm hụt cán cân thương mại của Việt Nam, khiến Chính phủ phải cấm nhập khẩu vàng. Cho tới trước thời điểm dừng nhập khẩu vàng thì tổng giá trị nhập khẩu vàng cho năm 2008 là 1,7 tỷ USD (45 tấn), so với tổng giá trị nhập khẩu vàng của cả năm 2007 là 1,6 tỷ USD (70 tấn). Diễn biến giá vàng trong nước đã trải qua 2 đợt sóng lớn vào tháng 3 và tháng 7 khi vượt qua mức 19 triệu đồng/lượng, sau đó lại giảm mạnh về cuối năm. Theo số liệu từ Ngân hàng ACB, giá vàng SJC trong nước đạt mức cao kỷ lục là 19,35 triệu đồng/lượng vào ngày 17/3/2008 và 15/7/2008, mức thấp nhất là 16,10 triệu đồng/lượng vào ngày 24/10/2008. Tính bình quân cả năm 2008, giá vàng xoay quanh mức 17,64 triệu đồng/lượng. Mặc dù những đợt sóng tăng giảm khá giống nhau, nhưng diễn biến tâm lý nhà đầu tư cũng đã có sự khác biệt. Nếu như đợt tháng 3, giá vàng càng tăng mạnh, thậm chí cao hơn giá vàng thế giới gần 2 triệu đồng/lượng thì nhà đầu tư trong nước lại đua nhau mua vào. Nhưng vào những đợt tăng giá sau đó, mặc dù giá vàng vẫn có su hướng tăng, nhưng nhà đầu tư lại có tâm lý bán ra thay vì mua vào. Những thời điểm gần cuối năm, giá vàng thế giới thậm chí có những lúc lại cao hơn giá vàng trong nước cả triệu đồng, nhưng lực mua lại rất yếu. Năm 2008 cũng là năm đánh dấu sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của các sàn giao dịch vàng, và đã có hơn 10 sàn giao dịch vàng được đi vào hoạt động. Việc ra đời các sàn vàng, cùng với cơn sốt giá đợt đầu năm đã khiến một lượng tiền lớn chảy từ chứng khoán sang. Tuy nhiên, sự khốc liệt của loại hình đầu tư này cũng đã khiến nhiều nhà đầu tư phải trắng tay. Việc các sàn vàng ra đời ồ ạt nhưng thiếu các quy định pháp lý cụ thể để quản lý sân chơi này đã khiến cho không ít nhà đầu tư chịu thiệt thòi do bị áp đặt các quy định bất lợi. Do giá vàng trên sàn gắn với giá vàng thế giới, nên có thời điểm giá vàng trên sàn giao dịch lại thấp hơn giá vàng vật chất bên ngoài đã giúp cho nhiều nhà đầu tư kiếm được chênh lệch lớn từ việc mua và rút vàng đem ra ngoài bán. Điều này khiến các sàn giao dịch liên tục phải thay đổi hạn mức rút vàng, gây nhiều tranh cãi. Chỉ đến khi áp dụng mức phí rút vàng tình trạng này mới chấm dứt, lý do đưa ra nhằm hạn chế nhà đầu tư rút vàng là không đủ vàng dự trữ. Tuy nhiên, khi giá vàng thế giới tăng mạnh, giá vàng trên sàn vượt qua cả giá vàng vật chất, các sàn giao dịch lại áp dụng một mức phí ngược đời hơn là phí nộp vàng. Mức phí này có thời điểm lên tới gần 600 nghìn đồng/lượng. Nhìn chung kể từ tháng 9 vừa qua, thị trường vàng đã lên xuống khá thất thường trước bối cảnh bất ổn của thị trường tài chính. Triển vọng bức tranh kinh tế khả quan hơn vẫn còn xa, hệ thống tài chính ở các nước phương Tây vẫn chìm trong khó khăn, hơn nữa thị trường vẫn chưa hồi phục niềm tin vào các tài sản tiền mặt. Vì vậy, chúng ta có thể sẽ chứng kiến nhu cầu vàng tăng mạnh mẽ với tư cách là công cụ đầu tư an toàn cuối cùng và lâu dài nhất. 2.3.2 Thị trường vàng quốc tế Kết thúc năm 2008, giá vàng đứng ở mức 869,75 USD/oz, cao hơn 36 USD so với năm 2007. Tính trung bình cả năm, vàng tăng thêm 175,33 USD lên mức 871 USD/oz. Mặc dù mức tăng trong năm 2008 khá khiêm tốn nhưng giá vàng liên tục biến động mạnh và có lúc chạm mức kỷ lục 1011 USD/oz vào ngày 17/3 do nhà đầu tư đổ xô vào kênh đầu tư an toàn sau vụ sụp đổ của Bear Stearns. Kể từ sau đó, vàng hạ dần. Diễn biến giá vàng kể từ lúc bắt đầu khủng hoảng tín dụng. Vào quý 1, giá vàng đứng ở mức trung bình 923,46 USD/oz sau khi hàng loạt định chế tài chính lớn như Fannie Mae & Freddie Mac, AIG, Lehman Brothers, Washington, Merrill Lynch lần lượt rơi vào khó khăn, phải nhờ đến sự giải cứu của chính phủ hoặc sụp đổ, hay những sự kiện lớn như Hạ viện Mỹ thông qua gói giải cứu 700 tỷ USD, 6 ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đồng loạt hạ lãi suất.