khóa luận, luận văn, chuyên đề, tiểu luận, báo cáo, đề tài
HỌC VIỆN CHÍNH TRỊ - HÀNH CHÍNH QUỐC GIA HỒ CHÍ MINH HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH TIỂU LUẬN MÔN HỌC CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHÍNH QUYỀN TRUNG ƯƠNG VÀ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG Người thực hiện: Hoàng Thị Thu Hương Huế, tháng 8 năm 2012 MỞ ĐẦU V.I. Lênin đã từng nhấn mạnh rằng, không có bộ máy nhà nước (BMNN), chúng ta sẽ tiêu vong và không làm cho BMNN hoạt động ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn, thì chúng ta cũng sẽ tiêu vong trước khi xây dựng được cơ sở của chủ nghĩa xã hội. Như vậy, tổ chức BMNN và việc củng cố, hoàn thiện BMNN sao cho ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn là vấn đề vô cùng quan trọng đối với mỗi nhà nước nói chung, đối với Nhà nước ta hiện nay nói riêng. Cơ cấu tổ chức BMNN với những nguyên tắc tổ chức và hoạt động của nó luôn được quy định chặt chẽ trong hiến pháp và cũng có thể khẳng định, nội dung quan trọng nhất của các bản hiến pháp chính là những quy định về BMNN. Trong phạm vi đề tài, với những kiến thức đã được học tập, nhất là từ việc nghiên cứu cơ cấu tổ chức bộ máy của chính quyền Trung ương(TW) và địa phương, tôi xin được rút ra và khuyến nghị một số vấn đề về tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy hành chính của nước ta trong tình hình mới. NỘI DUNG I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ RÚT RA TỪ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHÍNH QUYỀN TRUNG ƯƠNG, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHÍNH QUYỀN CẤP DƯỚI VÀ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG: Qua nghiên cứu hai chương về cơ cấu tổ chức bộ máy của chính quyền Trung ương và cơ cấu tổ chức của chính quyền cấp dưới và chính quyền địa phương bản thân rút ra được một số vấn đề cơ bản sau: 1. Cơ cấu tổ chức bộ máy của chính quyền Trung ương: - Hình thức chính quyền phải tuân theo các chức năng của nó. Mục đích của tổ chức nàylà nhằm phân bổ các nhiệm vụ của chính quyền để chúng có thể thực hiện một cách có hiệu quả và kinh tế, giảm thiểu sự trùng lặp và chồng chéo. Điều quan trọng là phải xác định rõ lĩnh vực thẩm quyền và trách nhiệm của các đơn vị hành chính để chúng có thể chịu sự kiểm soát chính trị và hiến pháp một cách thích hợp. - Ủy quyền cho cán bộ, nhất quán với thẩm quyền và trách nhiệm của các bộ nhằm khuyến khích tính mềm dẻo và khả năng ứng phó với các chính sách mới và diễn biến của sự việc. - Phân chia công việc theo bốn nguyên tắc: lĩnh vực quản lý, đối tượng liên quan, quy trình áp dụng và chức năng được thực hiện. - Việc phân nhóm chức năng theo bốn tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả của việc nhóm: không phân mãng, không chồng lấn, tầm kiểm soát và tính thuần nhất. - Việc phân bổ các chức năng cho các bộ và việc lựa chọn số lượng các bộ liên quan đến ba vấn đề có mối quan hệ với nhau đó là: + Chức năng đó quan trọng như thế nào; + Làm thế nào để nhóm các chức năng; và + Nên có hình thức kiểm soát nào của chính quyền trung ương. - Viêc xác định số lượng và các loại bộ thì phải dựa vào tình hình thực tế của mỗi quốc gia và cần phải ăn khớp với các yêu cầu của việc quản lý chính trị. Số lượng các bộ không thể quá lớn cũng không thể quá ít. Cần xác định hệ thống thứ bậc một cách tương đối để tránh tình trạng sẽ dẫn đến việc cạnh tranh lẫn nhau nhằm chiếm lĩnh vị trí giữa các bộ. - Nói chung, khi cơ cấu tổ chức của chính quyền trung ương không được kiểm tra đánh giá trong khoảng thời gian hơn mười năm thì cần phải xem xét lại một cách hệ thống các chức năng và tổ chức bộ máy. - Các nước thành lập các cơ quan điều tiết vì rất nhiều lý do khác nhau, tùy thuộc vào yêu cầu cấp thiết của từng thời điểm cụ thể. - Các cơ quan điều tiết có thể cung cấp dịch vụ trong khi vẫn theo đuổi các mục tiêu điều tiết của mình. - Ở các nước khác nhau thì quyết định của cơ quan điều tiết có những tác động khác nhau. Có nước thì các quyết định này có giá trị ràng buộc đối với chính phủ, có nước thì không. - Các cơ quan điều tiết hoạt động theo các cách thức khác nhau tùy thuộc vào chức năng của mình. Ví dụ, các quyết định của cơ quan bảo vệ môi trường thường áp dụng chung chứ không cụ thể đối với cá nhân hoặc nhóm nào đó. - Các phương án điều tiết “mạnh mẽ” và “nhẹ nhàng” có thể “dựa mạnh vào thiết chế” và “ít dựa vào thiết chế”. - Cần xác định những ảnh hưởng của khuôn khổ điều tiết đối với việc quản lý khu vực công và hoạt động kinh tế . 2. Cơ cấu tổ chức của chính quyền cấp dưới và chính quyền địa phương: - Chính quyền cấp dưới có những thẩm quyền về pháp lý và hành chính khác nhau cùng những nguồn lực khác nhau để thực hiện những thẩm quyền đó. - Chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp dưới có thể do hiến pháp hoặc do các văn bản của chính quyền trung ương quy định. Mức độ tự chủ của chính quyền cấp dưới được bảo vệ cao hơn. - Các cơ cấu chính quyền cấp dưới là rất khác nhau tùy thuộc vào hệ thống chính trị, tùy thuộc vào tình hình lịch sử của từng giai đoạn. - Quyền tự trị của chính quyền cấp dưới có thể được trao quyền tự trị hoàn toàn và được cơ quan dân cử ở địa phương giám sát cũng có thể là các cơ quan trực thuộc chính quyền trung ương, do chính quyền trung ương thành lập. Nhìn chung là tùy thuộc vào ảnh hưởng chính trị của mỗi quốc gia. - Đối với các quốc gia có nền kinh tế chuyển đổi thì cần giao quyền tự chủ cho chính quyền địa phương nhưng phải có sự giám sát của chính quyền trung ương. - Quản lý nông thôn rất quan trọng đối với chất lượng cuộc sống của người dân. Vì vậy cần phải có một cơ cấu tổ chức hiệu quả cho quản lý nông thôn. - Các thành phố quy mô lớn và các khu vực trung tâm cần phải thiết lập cơ cấu chính quyền riêng biệt và thiết lập thiết chế tự trị khu vực giám sát các hội đồng địa phương. Nhìn chung, việc cơ cấu tổ chức bộ máy của chính quyền cấp dưới và chính quyền cấp địa phương thì cần xét về quy mô, mức độ, tình hình cụ thể của từng địa phương và không thể không dựa vào môi trường chính trị của mỗi quốc gia. Cần phân định rõ thẩm quyền và trao quyền tự chủ nhưng phải có sự giám sát. II. THỰC TRẠNG VỀ CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY HÀNH CHÍNH NƯỚC TA HIỆN NAY: 1. Chính quyền trung ương : Theo điều 109 Hiến pháp năm 1992 “Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội, cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ”. Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, KT-XH QPAN và đối ngoại của Nhà nước; bảo đảm hiệu lực của bộ máy nhà nước từ TW đến cơ sở; bảo đảm việc tôn trọng và chấp hành Hiến pháp và pháp luật; phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm có: các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ. Chính phủ gồm Thủ tướng, các phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Số Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ do Quốc hội quyết định. Số lượng và cơ cấu tổ chức các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ cũng đã có sự thay đổi nhiều lần phù hợp với điều kiện và tình hình đất nước qua các thời kỳ. Sau khi đất nước độc lập, tại kỳ họp Quốc hội khoá I ngày 03/11/1946 đã quyết định thành lập Chính phủ gồm 14 bộ, quá trình cải cách đã thành lập mới, giải thể và đổi tên một số bộ đến năm 1955 Chỉnh phủ gồm 17 bộ. Sau thời kỳ đổi mới, bộ máy hành chính trung ương đã có nhiều cải cách, thay đổi, đến Đại hội X ( 2002 - 2006 ) bộ máy được sắp xếp tổ chức lại gồm 26 bộ, cơ quan ngang bộ và 13 cơ quan thuộc Chính phủ. Hiện nay để phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, bộ máy tiếp tục được điều chỉnh, cơ cấu lại tổ chức, hiện còn 18 bộ 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan thuộc Chính phủ. 2. Chính quyền địa phương : Chính quyền địa phương ở nước ta được quy định tại Luật Tổ chức HĐND và UBND gồm HĐND và UBND các cấp và bộ máy giúp việc là các Sở, ngành (cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TW) ; các phòng, ban ( cấp huyện, quận, thị xã và thành phố thuộc tỉnh) ; các định xuất cán bộ và bộ máy giúp việc( cấp xã, phường, thị trấn). Chính quyền địa phương ở nước ta được tổ chức thành 3 cấp, gồm: cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ( gọi chung là cấp tỉnh), cấp huện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh( gọi chung là cấp huyện) và cấp xã, phường, thị trấn( gọi chung là cấp xã). Cơ cấu tổ chức các sở, ngành cấp tỉnh, các phòng ban cấp huyện là nội dung quan trọng trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Cùng với việc sắp xếp kiện toàn bộ máy chính quyền trung ương, bộ máy các sở, ngành, phòng, ban của chính quyền địa phương đã được nhiều lần sắp xếp tổ chức lại theo hướng ngày càng giảm dần đầu mối, phân công lại hợp lý hơn. Theo NĐ 13/NĐ-CP/2008, cấp tỉnh có 18 sở, ngành; theo NĐ14/NĐ-CP/2008, cấp huyện có 12 phòng ban. Đây được đánh giá là một bước tiến bộ về cơ cấu tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, tinh gọn hơn, giảm được sự cồng kềnh, nặng nề nhưng kém hiệu quả của bộ máy trước đây. 3. Một số ưu điểm và hạn chế trong quá trình đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy hành chính ở nước ta : 3.1. Những ưu điểm nổi bật : Bộ máy hành chính nước ta đã qua nhiều lần sắp xếp,đổi mới, kiện toàn, đặc biệt sau 5 năm thực hiện Nghị quyết TW4, 5 có những ưu điểm nổi bật như sau : - Từng bước sắp xếp, kiện toàn hợp lý hơn tổ chức, bộ máy theo hướng tinh, gọn. Số lượng đầu mối các bộ, ban, ngành giảm. - Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ, lề lối làm việc được quy định cụ thể hơn, đã có sự điều chỉnh, bổ sung hợp lý, phân định rõ ràng hơn. Chức năng, nhiệm vụ các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục được hoàn thiện, khắc phục cơ bản sự trùng lắp, dẫm đạp; các bộ được tổ chức theo mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đã hoạt động ổn định, cơ chế phối hợp tốt hơn, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên, phân biệt rõ hơn chức năng quản lý nhà nứơc và quản lý sản xuất kinh doanh, tách dần hoạt động hành chính với hoạt động các đơn vị kinh tế, sự nghiệp và dịch vụ công. - Chất lượng đội ngũ cán bộ công chức nhìn chung được nâng lên một bước về trình độ lý luận chính trị, học vấn ,chuyên môn nghiệp vụ. Đa số cán bộ công chức giữ gìn phẩm chất chính trị và đạo đức, lối sống, thích ứng dần với cơ chế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Những tiến bộ đó đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, nhà nước của dân, do dân và vì dân. 3.2. Những khuyết điểm, tồn tại chủ yếu : - Tổ chức của một số nhà nước chưa thực sự tinh, gọn, hiệu quả. Việc thành lập các tổng cục, cục thuộc tổng cục nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý sâu chuyên ngành, nhưng chức năng, nhiệm vụ , cơ chế phối hợp,quy chế làm việc chưa đủ rõ nên hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao; chức năng đại diện chủ sở hữu còn trùng lặp, chưa rõ trách nhiệm; cải cách hành chính có tiến bộ nhất định, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu. - Mô hình tổ chức bộ máy, hệ thống luật pháp chưa phân định thật rõ chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, chưa phản ánh hết đặc điểm của chính quyền đô thị, nhất là các đô thị lớn, kinh tế- văn hoá- xã hội phát triển nhanh. Việc xác định chức năng tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và chức năng quản lý nhà nước, quản lý của chủ sở hữu của các bộ, các địa phương còn nhận thức khác nhau, có nhiều sơ hở, hiệu quả thấp. - Mục tiêu tinh giản biên chế chưa đạt yêu cầu, biên chế một số bộ máy vẫn có xu hướng tăng lên nhưng chất lượng cán bộ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.Việc đào tạo theo chức danh cán bộ, công chức còn nhiều hạn chế; cơ cấu và chất lượng cán bộ, công chức còn bất cập. Một bộ phận cán bộ, công chức yếu kém về tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ nhân dân. III. MỘT SỐ VẤN ĐỀ RÚT RA VÀ KHUYẾN NGHỊ NHẰM TIẾP TỤC HOÀN THIỆN CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC: Như trên đã nói, trong quá trình đổi mới, kiện toàn bộ máy nhà nước nói chung, chính quyền nói riêng, chúng ta đã đạt được những kết quả hết sức quan trọng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều khuyết điểm và tồn tại, do vậy cần thiết và khách quan phải tiếp tục đổi mới để hoàn thiện. Việc hoàn thiện bộ máy HCNN đặt ra phải giải quyết nhiều vấn đề, trong giới hạn của bài và khả năng hạn chế của mình, tôi xin được nêu một số vấn đề từ việc nghiên cứu tài liệu và bài giảng của thầy cũng như một số hiểu biết từ thực tế liên quan đến cơ cấu tổ chức chính quyền trung ương và địa phương như sau: 1. Cần thấy được những vấn đề chủ yếu chi phối việc tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy HCNN : Theo tôi, trước hết là phải đổi mới về nhận thức và tư duy về vai trò, chức năng của nhà nước và cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước. 1.1- Đổi mới tư duy về nhà nước, về vai trò, chức năng của bộ máy nhà nước : Nhà nước có vai trò như thế nào, Nhà nước có thể làm gì và không thể làm gì, đâu là giới hạn của quyền lực nhà nước trong mối quan hệ với kinh tế, xã hội, dân sự và với cá nhân công dân; Nhà nước cần phải được tổ chức lại như thế nào để hiệu quả nhất, để có lợi ích nhất cho sự thịnh vượng của quốc gia, dân tộc, cho sự phát triển của mỗi cộng đồng và tự do cho mỗi công dân . Ở Việt Nam, trong điều kiện hiện nay sẽ không thể có sự ổn định chính trị, sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững mà không có một bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động hiệu quả. Thực tiễn phát triển đã và đang chỉ ra rằng, một Nhà nước hiệu quả chứ không phải một Nhà nước tối thiểu là trung tâm của sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Tư duy lại là vai trò của Nhà nước trong điều kiện hiện nay ở nước ta cần đổi mới nhận thức trên những vấn đề cơ bản sau: - Nhà nước là một thiết chế chính trị trung tâm có vai trò đặc biệt quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, dù vai trò của Nhà nước quan trọng, to lớn đến nhường nào, cũng không thể là một Nhà nước toàn trị, quyết định mọi vấn đề và bao cấp toàn xã hội. Vai trò của Nhà nước luôn có giới hạn trong mối quan hệ với các thiết chế chính trị - xã hội thuộc hệ thống chính trị, mối quan hệ với kinh tế thị trường, xã hội dân sự và mối quan hệ với công dân. - Trong lĩnh vực kinh tế, sự quản lý, tác động, điều tiết của Nhà nước vẫn là hết sức cần thiết nhằm kiểm soát sự vận hành của thị trường. Để thị trường vận hành hiệu quả cần phải có Nhà nước đủ mạnh để đảm bảo sự tuân thủ các nguyên tắc cạnh tranh. Tuy nhiên, Nhà nước không được phép tạo ra nguy cơ hành chính hoá nền kinh tế, cũng như thay thế vai trò của thị trường và các doanh nghiệp. Nhà nước phải tự hạn chế, giảm thiểu các biện pháp can thiệp trực tiếp vào thị trường, thông qua việc ban hành pháp luật, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn cho vận hành của thị trường, tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, kiểm soát. - Nhà nước cần tăng cường sức mạnh của Nhà nước thông qua các biện pháp cải tổ mạnh mẽ bộ máy nhà nước từ việc quan niệm lại kết cấu và tổ chức quyền lực, thực hiện công quyền của các ngành quyền lực đến việc cải cách nền hành chính quốc gia, cải cách tư pháp . làm cho Nhà nước thực sự thích ứng với cơ chế kinh tế - xã hội mới để giải quyết có hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra của thời kỳ quá độ. Từng bước loại bỏ dần sự can thiệp của Nhà nước vào những lĩnh vực quan hệ xã hội mà tính chất của chúng không đòi hỏi sự can thiệp ấy, tăng cường các khả năng độc lập của các thiết chế chính trị xã hội khác theo hướng giải phóng họ khỏi sự phụ thuộc (bảo trợ) của Nhà nước từ tài chính đến tổ chức. - Nhà nước phải xây dựng một hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý phù hợp cho sự vận động của dân chủ, kinh tế - xã hội và tự do công dân. 1.2- Đổi mới nhận thức về cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước : Cái cốt lõi của các quan hệ quyền lực trong các điều kiện xây dựng Nhà nước là sự đảm bảo cho việc tuân thủ vấn đề có tính nguyên tắc hiến định là toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân với tính cách là chủ thể tối cao của quyền lực, một mặt trao cho bộ máy nhà nước những quyền hạn nhất định để tổ chức thực hiện quyền lực một cách tập trung, mặt khác chính nhân dân cũng trực tiếp tham gia vào việc thực hiện quyền lực. Mỗi một công dân đều có quyền tham gia vào việc quyết định các vấn đề trọng đại của quốc gia. Việc nhân dân trực tiếp thực hiện quyền lực nhà nước là một tất yếu của đời sống dân chủ trong xã hội công dân. Vấn đề đặt ra là luật pháp phải đưa ra được các hình thức pháp lý cụ thể đảm bảo quyền chủ thể của nhân dân đối với quyền lực. Việc tổ chức quyền lực nhà nước ở cấp trung ương theo nguyên tắc phân quyền và kiểm soát, đáp ứng được chính các đòi hỏi của các nguyên tắc dân chủ. Bởi lẽ một khi quyền lập pháp trong tay Quốc hội, quyền hành pháp trong tay Chính phủ và quyền tư pháp trong tay Toà án, tất yếu sẽ tập trung được mọi nỗ lực của các cơ quan này để giải quyết có hiệu quả các nhiệm vụ, chức năng được nhân dân giao phó, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan này trong việc thực hiện quyền lực nhà nước. Hơn nữa với cơ cấu tổ chức quyền lực như vậy, các cơ quan này thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát lẫn nhau, loại bỏ có hiệu quả nguy cơ chiếm độc quyền quyền lực hay là lạm quyền lực và nạn quan liêu hoá bộ máy nhà nước. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền ở nước ta không chỉ đòi hỏi xác định mô hình tổ chức quyền lực nhà nước ở cấp trung ương mà còn đòi hỏi phải xác định rõ mối quan hệ giữa trung ương và địa phương. Nhà nước ta về hình thức tổ chức lãnh thổ là Nhà nước đơn nhất, vì vậy mối quan hệ giữa các địa phương với trung ương không mang tính chất phức tạp như kiểu tổ chức nhà nước liên bang. Tuy nhiên, khi tiến hành xây dựng Nhà nước pháp quyền cũng có nhiều vấn đề đặt ra cần được giải quyết. Trước hết phải thấy rằng, sự thống nhất giữa trung ương và địa phương trong các điều kiện của Nhà nước pháp quyền chính là ở chỗ, dù là cơ quan trung ương hay cơ quan địa phương đều phải phục tùng và chịu sự điều chỉnh giám sát của pháp luật. Sự tối cao của các đạo luật, sự thống nhất của hệ thống pháp luật với tính cách là cơ sở pháp lý căn bản cho hoạt động của toàn bộ hệ thống các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương. Trong các tài liệu bàn về quản lý nhà nước, vấn đề phân cấp, phân quyền quản lý, vấn đề phi tập trung hoá quản lý luôn đặt ra và đã được nhiều nhà khoa học và quản lý thực tiễn làm sáng tỏ. Vấn đề xác định các quan hệ quyền lực giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương cũng đã được giải quyết thành công ở nhiều nước có chế độ dân chủ trên thế giới. Ở đó, hạt nhân của chính quyền địa phương là các Hội đồng do dân chúng bầu lên hoạt động theo nguyên tắc tự quản. Phạm vi, quyền hạn của các cơ quan tự quản địa phương được luật pháp xác định rõ ràng kể cả lĩnh vực tài chính và ngân sách mà địa phương được chủ động xây dựng và sử dụng (tỉ lệ trích từ các loại thuế được qui định bởi các pháp luật về thuế, tài chính do chính quyền trung ương ban hành). Bên cạnh chính quyền tự quản địa phương, ở nhiều nước còn thực hiện chế độ đại diện của Tổng thống hoặc đại diện của Chính phủ. Nhiệm vụ, quyền hạn các vị đại diện chủ yếu là giám sát hoạt động của chính quyền địa phương, đảm bảo cho luật pháp, các chủ trương, chính sách của chính quyền trung ương được thực hiện đúng đắn và kịp thời. Đồng thời các vị đại diện còn kết hợp cùng chính quyền địa phương giải quyết các vấn đề nảy sinh ở địa phương cần có sự can thiệp, giúp đỡ của trung ương. Thông qua vị đại diện, các cơ quan trung ương nắm vững được tình hình các địa phương, kịp thời có các biện pháp, chủ trương để đáp ứng sự phát triển của các địa phương. Như vậy, bằng việc qui định chế độ tự quản địa phương và chế độ đại diện của trung ương mà nhiều nước đã giải quyết có hiệu quả mối liên hệ giữa quản lý tập trung và nhu cầu mở rộng dân chủ. Thiết nghĩ mô hình tổ chức chính quyền địa phương như vậy cũng cần được nghiên cứu, rút kinh nghiệm trong việc tìm kiếm một mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở nước ta, sao cho tinh thần của nguyên tắc tập trung dân chủ luôn được quán triệt. 2. Cần học tập, nghiên cứu các vấn đề có tính nguyên tắc, khoa học và tìm hiểu các mô hình tổ chức chính quyền các nước để vận dụng và áp dụng một cách phù hợp vào điều kiện nước ta : Việc tổ chức bộ máy nhà nước là vấn đề có tính khoa học, tính pháp lý và thực tiễn. Tuy không có một mô hình chung, cứng nhắc nào cho tát cả các nước, nhưng việc nghiên cứu những vấn đề có tính nguyên tắc và vận dụng áp dụng các mô hình thành công là vấn đề hết sức quan trọng. Chung nhất hoàn thiện cơ cấu tổ chức chính quyền các quốc gia đều tuân thủ các nguyên tắc : - Nguyên tắc phân chia công việc : có 4 nguyên tắc phân chia công việc của chính quyền : lĩnh vực quản lý, đối tượng liên quan, quy trình áp dụng và chức năng được thực hiện. - Nguyên tắc về phân nhóm chức năng : có 4 tiêu chuẩn đánh giá hiệu quả của việc nhóm các nhiệm vụ, đó là không phân mảng, không chồng lấn, tầm kiểm soát và tính thuần nhất. - Các vấn đề liên quan đến việc phân bổ chức năng cho các bộ : việc phân bổ các chức năng cho các bộ và việc lựa chọn số lượng các bộ liên quan đến ba vấn đề có quan hệ với nhau là chức năng đó quan trọng như thế nào, làm thế nào để nhóm các chức năng và nên có hình thức kiểm soát nào của chính quyền trung ương. - Việc xác định số lượng và phân định các bộ là khác nhau giữa các nước nhưng đây là điều có ý nghĩa, không chỉ vì mục đích điều phối, mà còn giảm chi phí của chính phủ và duy trì áp lực đối với việc mở rộng bộ máy hành chính. Theo một nguyên tắc chung, số lượng các bộ không thể quá lớn đến mức ảnh hưởng đến việc điều phối công việc và cũng không thể quá ít để làm tăng khối lượng công việc quá mức cho mỗi bộ. Rõ ràng nắm và vận dụng tốt các nguyên tắc trên cho phép chúng ta có thể sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổchức bộ máy chính quyền một cách hợp lý, khoa học và thực sự có hiệu quả. 3. Những vấn đề cần quan tâm đối với việc xây dựng, kiện toàn bộ máy chính quyền địa phương : Chính quyền địa phương thời gian qua không ngừng được củng cố, kiện toàn, tuy vậy còn nhiều vấn đề đặt ra cần quan tâm giải quyết, đó là : - Làm rõ hơn và tăng cường mở rộng hơn sự phân công, phân cấp của chính quyền trung ương cho địa phương, của chính quyền cấp trên cho cấp dưới. Điều nầy đảm bảo sự chủ động quyết định của chính quyền các cấp trong các lĩnh vực thuộc phạm vi hành chính mình quản lý, tránh can thiệp quá sâu của cấp trên. Tuy nhiên cần phải có sự kiểm soát, tất nhiên kiểm soát bằng cơ chế, không phải can thiệp trực tiếp. - Nâng cao trách nhiệm và năng lực của chính quyền địa phương. Yêu cầu đầu tiên để nâng cao trách nhiệm là sự phân công trách nhiệm rõ ràng. Do đó, quyền lực của mỗi cấp chính quyền địa phương, nếu còn chưa rõ ràng, thì cần phải được quy định rõ ràng bằng văn bản luật. Làm rõ và thực hiện đúng, đầy đủ cơ chế tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, chế độ thủ trưởng, người đứng đầu, tránh không rỏ trách nhiệm, tranh công đỗ lỗi, làm tha hoá và cản trở sự phát triển. - Trong quá trình phát triển đất nước đã diễn ra nhanh chóng quá trình đô thị hoá, hình thành những đô thị lớn nhưng chúng ta chưa có sự phân định và làm rõ chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn dẫn đến sự quản lý chung chung, không tập trung vào vấn đề cốt lõi phu hợp đặc thù từng loại hình nên hiệu quả chưa cao. Điều nầy đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu để có những quy định, chế định cụ thể về cơ cấu tổ chức, vai trò, chức năng, nhiêm vụ, nguồn lực, cơ chế hoạt động . của chính quyền nông thôn, chính quyền đô thị nhằm đảm bảo cho việc quản lý nông thôn, quản lý đô thị một cách hiêu quả. Trong đó việc nghiên cứu để vận dụng, áp dụng mô hình chính quyền tự quản cho các vùng nông thôn mới xuất hiện tại nhiều nước châu Á và mô hình quản lý các thành phố quy mô lớn là vấn đề có ý nghĩa quan trọgng. 4 . Đổi mới, kiện toàn bộ máy HCNN không chỉ là vấn đề cơ cấu tổ chức bộ máy, mà còn là cơ chế hoạt động chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, các mối quan hệ trên dưới, ngang dọc, đặc biệt hiện nay là tính công khai minh bạch, đảm bảo chính quyền trong sạch. Có lẽ không một lĩnh vực nào mà bệnh quan liêu hoá, lạm quyền lực có nhiều nguy cơ xuất hiện và phát triển như trong lĩnh vực hành pháp. Do vậy, luật pháp luôn phải đưa ra những biện pháp pháp lý về ngăn ngừa các hiện tượng trên. Một trong những biện pháp quan trọng là phải đảm bảo cho các hoạt động hành pháp thật công khai. Tính công khai trong hoạt động hành pháp có tác dụng loại bỏ mọi “góc tối” để cho mỗi người dân dễ dàng kiểm tra, giám sát các hoạt động của viên chức nhà nước, kịp thời phát hiện các biểu hiện quan liêu, lạm dụng quyền lực, các con bệnh tham ô, hối lộ, ức hiếp quần chúng lao động. Công khai hoá các hoạt động của các cơ quan nhà nước, cũng như có thái độ tích cực, trân trọng và nghiêm túc đối với các đơn từ, khiếu nại tố cáo và kiến nghị của công dân đối với các hoạt động của các cơ quan, các viên chức nhà nước là những điều kiện căn bản để đảm bảo tính dân chủ của các hoạt động quản lý nhà nước. Từ đấy ta thấy rằng, mặc dù trong lĩnh vực hành pháp, yếu tố tập trung luôn được quán triệt và chi phối tất cả các hoạt động, nhưng không vì thế mà mất đi cơ sở dân chủ của nó, một khi nó được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của chính đông đảo chúng thông qua lăng kính “công khai”. Việc xây dựng Nhà nước pháp quyền trong điều kiện cụ thể của nước ta không còn thuần tuý là công việc lý luận mà đã và đang trở thành các công việc thực tiễn. Mô hình nhà nước ấy đang đòi hỏi phải cải cách một cách căn bản các thiết chế quyền lực của Nhà nước trên tất cả các phương diện lập pháp, hành pháp và tư pháp. Điều căn bản là các biện pháp, phương hướng cải cách ấy phải được tiến hành đồng bộ, đảm bảo tính hài hoà, phù hợp với nhau giữa các loại cơ quan trong bộ máy nhà nước thống nhất, đảm bảo xây dựng một nền hành chính phù hợp với tình hình mới của đất nước hiện nay và cho tương lai. KẾT LUẬN Nói tóm lại, bất cứ một quốc gia nào muốn đảm bảo cho sự phồn vinh của đất nước và hội nhập quốc tế thành công đều phải xác định yếu tố quan trọng không thể thiếu được, đó là việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương. Để có được tổ chức bộ máy của chính quyền trung ương và tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương hoạt động một cách hiệu quả nhất thì chúng ta cần xác định được tình hình cụ thể của quốc gia nhằm xây dựng một hệ thống bộ máy thông suốt từ trên xuống, bộ máy đó không thừa cũng không thiếu, xác định rõ chức năng nhiệm vụ của mình, được trao quyền một cách rõ ràng và đủ năng lực thực hiện tốt vai trò của mình vì sự tiến bộ xã hội. Trên đây là một số ý kiến chủ quan của bản thân, rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của thầy để bản thân hiểu rõ hơn về môn học này. Em xin chân thành cảm ơn. . DƯỚI VÀ CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG: Qua nghiên cứu hai chương về cơ cấu tổ chức bộ máy của chính quyền Trung ương và cơ cấu tổ chức của chính quyền cấp dưới và. máy hành chính từ trung ương đến địa phương. Để có được tổ chức bộ máy của chính quyền trung ương và tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương hoạt động một