Do đó, việc nghiên cứu làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn xung quanh các tình tiết tăng nặng góp phần giải quyết vụ án hình sự được khách quan, chính xác, công bằng, đúng pháp
Trang 1ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
KHOA LUẬT
NGUYỄN THỊ HOÀI THANH
CÁC TÌNH TIẾT TĂNG NẶNG TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI PHẠM TỘI TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM
(Trên cơ sở thực tiễn địa bàn tỉnh Hải Dương)
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC
HÀ NỘI - 2019
Trang 2ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI
KHOA LUẬT
NGUYỄN THỊ HOÀI THANH
CÁC TÌNH TIẾT TĂNG NẶNG TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI PHẠM TỘI TRONG LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM
(Trên cơ sở thực tiễn địa bàn tỉnh Hải Dương)
Chuyên ngành : Hình sự và Tố tụng hình sự
Mã số : 8380101.03
LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC
Người hướng dẫn khoa học: TS ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ
Hà Nội - 2019
Trang 3LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan Luận văn là công trình nghiên cứu của riêng tôi Các kết quả nêu trong Luận văn chưa được công bố trong bất kỳ công trình nào khác Các số liệu, ví dụ và trích dẫn trong Luận văn đảm bảo tính chính xác, tin cậy và trung thực Tôi đã hoàn thành tất cả các môn học và đã thanh toán tất cả các nghĩa vụ tài chính theo quy định của Khoa Luật - Đại học Quốc gia
Hà Nội
Vậy, tôi viết lời cam đoan này đề nghị Khoa Luật xem xét để tôi có thể bảo vệ Luận văn
Tôi xin chân thành cảm ơn!
TÁC GIẢ LUẬN VĂN
NGUYỄN THỊ HOÀI THANH
Trang 4Chương 1: LÝ LUẬN VÀ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT
VIỆT NAM VỀ CÁC TÌNH TIẾT TĂNG NẶNG TRÁCH
NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI PHẠM TỘI 9 1.1 Lý luận về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối
với người phạm tội 9
1.1.1 Khái niệm, ý nghĩa, đặc điểm, vai trò của các tình tiết tăng
nặng trách nhiệm hình sự 9 1.1.2 Phân loại các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự 19
1.2 Quy định của pháp luật về các tình tiết tăng nặng trách
nhiệm hình sự đối với người phạm tội 23
1.2.1 Quy định của pháp luật về các tình tiết tăng nặng trách
nhiệm hình sự từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến
trước ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực 23 1.2.2 Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tình tiết tăng
nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội 30
Chương 2: THỰC TIỄN ÁP DỤNG QUY ĐỊNH CỦA BỘ
LUẬT HÌNH SỰ VỀ CÁC TÌNH TIẾT TĂNG NẶNG
TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI PHẠM TỘI
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG 43
2.1 Khái quát đặc điểm tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh Hải
Trang 5Dương……… ……… 43
2.2 Kết quả áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về các tình
tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trên địa bàn tỉnh Hải Dương…… ……… 45 2.3 Hạn chế, sai sót trong áp dụng quy định của Bộ luật Hình
sự về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội……… ……… 48 2.4 Nguyên nhân của kết quả và hạn chế, sai sót trong áp dụng
quy định của Bộ luật Hình sự về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội…… … 61
2.4.1 Nguyên nhân của kết quả áp dụng quy định của Bộ luật
Hình sự về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội……… ……… 61 2.4.2 Nguyên nhân của hạn chế, sai sót trong áp dụng quy định
của Bộ luật Hình sự về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội…… ……… 61
Chương 3: GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM ÁP DỤNG ĐÚNG CÁC TÌNH TIẾT TĂNG NẶNG TRÁCH NHIỆM HÌNH
SỰ ĐỐI VỚI NGƯỜI PHẠM TỘI 65 3.1 Yêu cầu bảo đảm áp dụng đúng các tình tiết tăng nặng
trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội 65
3.1.1 Yêu cầu cải cách tư pháp trong nhà nước pháp quyền … 65 3.1.2 Yêu cầu quán triệt chính sách hình sự nhân đạo, hướng
thiện, coi trọng tính phòng ngừa……… ……… 66 3.1.3 Yêu cầu thực hiện nguyên tắc xử lý nghiêm trị kết hợp với
khoan hồng trong chính sách pháp luật hình sự nước ta, thể hiện các nguyên tắc cơ bản của pháp luật hình sự… … 68
Trang 63.2 Giải pháp bảo đảm áp dụng đúng các tình tiết tăng nặng
trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội 70
3.2.1 Tiếp tục hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự năm
2015 về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội 70 3.2.2 Chú trọng tổng kết thực tiễn và hướng dẫn áp dụng quy
định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội 71 3.2.3 Nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán và Hội thẩm nhân
dân 74 3.2.4 Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc áp dụng tình
tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong giải quyết các vụ án hình sự 78 3.2.5 Đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp,
tăng cường tranh tụng trong tố tụng hình sự, tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm 80 3.2.6 Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố
tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự 83 3.2.7 Tăng cường hợp tác quốc tế trong hoàn thiện pháp luật và
nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự 84
KẾT LUẬN 86 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 89
Trang 8DANH MỤC BẢNG
tỉnh Hải Dương từ năm 2013 đến năm 2018
46
Bảng 2.2 Bảng tổng hợp áp dụng một số tình tiết tăng nặng
trách nhiệm hình sự trong xét xử sơ thẩm của Tòa
án hai cấp tỉnh Hải Dương từ năm 2013 đến năm
2018
47
Trang 91
MỞ ĐẦU
1 Tính cấp thiết của đề tài
Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định:
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình
sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của
tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự
Tuy nhiên, nếu mỗi hành vi phạm tội cùng xâm hại đến một quan hệ xã hội thì mỗi hành vi phạm tội đó lại có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau Ngay trong trường hợp nếu tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội như nhau thì vẫn có những yếu tố khác nhau như: thời gian phạm tội, địa điểm phạm tội, không gian phạm tội, hoàn cảnh phạm tội, công cụ, phương tiện phạm tội, phương pháp phạm tội, tính chất của hành vi phạm tội, hậu quả của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội
Do đó, chính vì sự khác nhau này mà “Nhà nước không thể quy định
một mức hình phạt cụ thể và chính xác áp dụng cho từng hành vi phạm tội,
mà chỉ có thể quy định khung hình phạt cho một hành vi phạm tội giống nhau
cơ bản về chất nhưng khác nhau về lượng”[30, tr.100] Sự khác nhau về
lượng phụ thuộc vào nhiều yếu tố và được Nhà nước quy định thành hai nhóm tình tiết có nội dung ý nghĩa trái ngược nhau, làm thay đổi mức độ của hành
vi phạm tội và được gọi là tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội
Theo quy định tại Điều 50 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015, được
Trang 102
sửa đổi, bổ sung năm 2017, thì khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, Tòa án không chỉ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự, căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, mà còn phải căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự Như vậy, Bộ luật Hình sự đã quy định các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự là một trong những căn cứ cần thiết để Tòa án xem xét khi quyết định hình phạt
Quyết định hình phạt có căn cứ, đúng pháp luật, công bằng là tiền đề và điều kiện để đạt được mục đích của hình phạt, mới có khả năng cải tạo, giáo dục người bị kết án trở thành người có ích cho xã hội, có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung Hình phạt được quyết định quá nhẹ so với tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm sẽ làm cho người phạm tội và những người khác có thái độ coi thường pháp luật; hình phạt được quyết định quá nặng sẽ gây tâm lý bức xúc, mất niềm tin vào pháp luật, nảy sinh tư tưởng chống đối Nhà nước và xã hội Đồng thời, quyết định hình phạt đúng còn góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, bảo vệ và tăng cường pháp chế, trật tự pháp luật XHCN Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
có vai trò quan trọng trong việc lượng hình Do đó, việc nghiên cứu làm sáng
tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn xung quanh các tình tiết tăng nặng góp phần giải quyết vụ án hình sự được khách quan, chính xác, công bằng, đúng
pháp luật, đồng thời thể hiện rõ nội dung phương châm “nghiêm trị kết hợp
với khoan hồng”, “trừng trị kết hợp với giáo dục” trong chính sách hình sự
của Nhà nước ta, cũng như bảo đảm thực hiện tốt hơn nguyên tắc phân hóa trách nhiệm hình sự và cá thể hóa và hình phạt đối với người phạm tội
Tuy nhiên, trong quá trình quyết định hình phạt, việc nhận thức và áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nói chung, các tình tiết thuộc
về mặt khách quan của tội phạm như: tình tiết “phạm tội có tổ chức” (điểm a
Trang 113
khoản 1 Điều 52); “lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội” (điểm l khoản 1 Điều 52); Hay vai trò của các tình tiết này trong việc quyết định hình phạt cũng đòi hỏi cần làm sáng tỏ hoặc có văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, hoặc một loạt tình tiết mới được bổ sung trong Bộ luật Hình sự năm 2015 như: “phạm tội đối với người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức…” (điểm k khoản 1 Điều 52); “dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội (điểm n khoản 1 Điều 52); v.v
Trong những năm qua, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Hải Dương đã làm tốt công tác xét xử hình sự, về cơ bản là áp dụng đúng loại tội phạm, khung hình phạt, các hình phạt được tuyên tương xứng với hành vi phạm tội Áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong công tác xét xử vụ án hình
sự của Tòa án nhân dân hai cấp trên địa bàn tỉnh Hải Dương là tương đối chính xác, góp phần rất lớn trong công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống tội phạm, cũng như trừng phạt, cải tạo và giáo dục người phạm tội Tuy nhiên, một số vụ án hình sự, việc áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình
sự có những hạn chế nhất định như áp dụng chưa chính xác tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, áp dụng chưa đầy đủ tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình
sự, đánh giá chưa chính xác tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự Điều này xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan như sự chưa hoàn thiện của hệ thống pháp luật, công tác hướng dẫn pháp luật chưa đầy đủ, trình độ chuyên môn của người tiến hành tố tụng chưa cao, tranh tụng chưa hiệu quả… Đây cũng là thực trạng chung của công tác áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong giải quyết vụ án hình sự tại các địa phương khác Những vấn đề này đặt
ra yêu cầu phải tăng cường hiệu quả của công tác áp dụng tình tiết tăng nặng
Trang 124
trách nhiệm hình sự đối với công tác xét xử vụ án hình sự trên địa bàn tỉnh nói
riêng cũng như cả nước nói chung Chính vì vậy, học viên đã chọn đề tài “Các
tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong Luật hình sự Việt Nam (trên cơ sở thực tiễn địa bàn tỉnh Hải Dương)” làm đề tài
nghiên cứu luận văn của mình bảo đảm các yêu cầu về lý luận và thực tiễn, góp phần hoàn thiện và nâng cao hiệu quả áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong giải quyết vụ án hình sự ở Việt Nam nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng
2 Tình hình nghiên cứu
Là một trong những chế định quan trọng, chế định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội có liên quan mật thiết và chặt chẽ đến chế định hình phạt và nhiều chế định khác trong Luật hình sự, chính vì vậy đã được đề cập, phân tích trong các công trình nghiên cứu, một
số giáo trình và sách tham khảo, luận văn như:
(1) Sách chuyên khảo, sách tham khảo, giáo trình:
- Trịnh Quốc Toản, Chương XVI - Quyết định hình phạt, Trong sách: Giáo trình Luật hình sự Việt Nam (Phần chung), Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001, tái bản 2007, GS.TSKH Lê Văn Cảm chủ biên;
- Lê Văn Đệ, Định tội danh và quyết định hình phạt trong luật hình sự Việt Nam, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, 2005;
- Dương Tuyết Miên, Định tội danh và quyết định hình phạt, Nxb Lao động Xã hội, Hà Nội, 2007;
- Đinh Văn Quế, Tìm hiểu hình phạt và quyết định hình phạt trong luật hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2000;
- Đinh Văn Quế, Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự trong luật hình sự Việt Nam, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2000;
(2) Luận án, luận văn thạc sĩ luật học:
Trang 13- Phạm Mạnh Toàn, Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội, Luận văn thạc sĩ luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2012;
- Trần Thị Hương, Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thuộc về nhân thân người phạm tội trong luật hình sự Việt Nam (trên cơ sở thực tiễn địa bàn tỉnh Hà Giang), Luận văn thạc sĩ luật học, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2016
(3) Các bài viết trên các tạp chí chuyên ngành:
- Lê Cảm, Trịnh Tiến Việt, Vai trò của các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thuộc về nhân thân người phạm tội trong việc quyết định hình phạt, Phần III, số 1/2002;
- Bùi Kiến Quốc, Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự Việt Nam, Tạp chí Luật học, số 6/2000;
- Trịnh Tiến Việt, Bàn về các tình tiết tăng nặng trong việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự và hình phạt, Tạp chí Kiểm sát, số 4/2003;
- Trịnh Tiến Việt, Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Nghề luật, số 4/2006;
- Vũ Thành Long, Áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999
về tình tiết tăng nặng "phạm tội có tổ chức" và phạm tội nhiều lần, Tạp chí Kiểm sát, số 21(11)2006;
- Vũ Thành Long, Bàn về việc áp dụng tình tiết tăng nặng “Xâm phạm tài sản của nhà nước” đối với người phạm tội tham ô tài sản, Tạp chí Kiểm
Trang 146
sát, số 6/2006;
- Nam Phương, Áp dụng tình tiết định khung tăng nặng hay tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, số 10/2011; v.v…
Như vậy, hiện nay chưa có công trình nghiên cứu nào nghiên cứu về thực tiễn áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trong giải quyết vụ án hình sự trên địa bàn tỉnh Hải Dương Do đó, việc nghiên cứu đề tài đã nêu dưới góc độ một luận văn thạc sĩ luật học và trong phạm vi không gian trên địa bàn tỉnh Hải Dương rõ ràng có tính thời sự cấp thiết, qua
đó không những bảo đảm việc áp dụng được đúng đắn và chính xác, mà còn góp phần bảo đảm nguyên tắc công bằng trong luật hình sự Việt Nam
3 Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu
3.1 Đối tượng nghiên cứu
Luận văn có đối tượng nghiên cứu:
Một là, lý luận và quy định của pháp luật Việt Nam về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội;
Hai là, thực tiễn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trên địa bàn tỉnh Hải Dương;
Ba là, yêu cầu và giải pháp bảo đảm áp dụng đúng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội
3.2 Phạm vi nghiên cứu
Trên cơ sở đối tượng nghiên cứu trên, luận văn có phạm vi nghiên cứu như sau:
- Khái niệm, ý nghĩa và phân loại tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình
sự đối với người phạm tội;
- Đặc điểm, vai trò của tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong
Trang 157
việc quyết định hình phạt;
- Hệ thống hóa quy định về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thuộc trong lịch sử từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, trong đó phân tích quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành về vấn đề này để rút ra nhận xét, đánh giá;
- Đánh giá thực tiễn áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2012-2018, từ
đó chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và các nguyên nhân cơ bản;
- Đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả và chất lượng của việc áp dụng khi quyết định hình phạt
4 Cơ sở lý luận và các phương pháp nghiên cứu của luận văn
Luận văn được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng Mác-xít, tư tưởng Hồ Chí Minh
về Nhà nước và pháp luật, quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về xây dựng Nhà nước pháp quyền, về chính sách hình sự, về vấn đề cải cách tư pháp được thể hiện trong các Nghị quyết Đại hội Đảng XII và các Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 26/5/2005 về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” của Bộ Chính trị
Trong quá trình nghiên cứu đề tài, tác giả luận văn đã sử dụng các phương pháp đặc thù của khoa học luật hình sự như: phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, thống kê, điều tra xã hội học để tổng hợp các tri thức khoa học và luận chứng các vấn đề tương ứng được nghiên cứu trong luận văn
Ngoài ra, việc nghiên cứu đề tài còn dựa vào các số liệu trong các báo cáo của hệ thống Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Hải Dương và một số vụ án
Trang 168
hình sự cụ thể trên địa bàn tỉnh Hải Dương
5 Ý nghĩa lý luận, thực tiễn và điểm mới về khoa học của luận văn
Kết quả nghiên cứu của luận văn góp phần bổ sung, hoàn thiện vấn đề
lý luận về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, giúp cho các học giả, các nhà nghiên cứu có góc nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và công tác áp dụng quy định về tình tiết này của Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009,
Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017
Luận văn cũng sẽ là nguồn tài liệu để làm tài liệu tham khảo, giảng dạy, trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu về các vấn đề có liên quan đến tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và thực tiễn áp dụng quy định về tình tiết này
Về điểm mới về khoa học của luận văn ở một chừng mực nhất định có thể khẳng định rằng, đây là nghiên cứu chuyên khảo ở cấp độ một luận văn thạc sĩ
đề cập riêng đến các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội từ khi ban hành Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 đến nay Điều đó càng trở nên quan trọng hơn vì đây là các tình tiết để quyết định hình phạt chính xác, công bằng, tránh vi phạm trong việc áp dụng
6 Kết cấu của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, kết cấu của luận văn gồm 3 chương như sau:
Chương 1: Lý luận và quy định của pháp luật Việt Nam về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội
Chương 2: Thực tiễn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Chương 3: Yêu cầu và giải pháp bảo đảm áp dụng đúng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội
Trang 179
Chương 1
LÝ LUẬN VÀ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM
VỀ CÁC TÌNH TIẾT TĂNG NẶNG TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ
ĐỐI VỚI NGƯỜI PHẠM TỘI 1.1 Lý luận về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội
1.1.1 Khái niệm, ý nghĩa, đặc điểm, vai trò của các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
1.1.1.1 Khái niệm các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
Theo Điều 50 BLHS năm 2015 thì khi quyết định hình phạt, Tòa án không chỉ căn cứ vào quy định của BLHS, căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, mà còn phải căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS Như vậy, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS có ý nghĩa hết sức quan trọng khi quyết định hình phạt
Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, qua nghiên cứu cho thấy nó là khái niệm dùng để chỉ những tình tiết làm tăng tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm hoặc tình tiết làm tăng tính nguy hiểm của nhân thân người phạm tội, do đó người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự nặng hơn Những tình tiết đó mang tính khách quan được các nhà làm luật nhận thức và quy định trong BLHS để đảm bảo tính công bằng, tính nghiêm minh của pháp luật hình
sự Trách nhiệm hình sự, hình phạt chỉ đạt được mục đích trừng trị, giáo dục, cải tạo người phạm tội khi chúng được Tòa án tuyên hình phạt và các biện pháp tư pháp khác tương xứng tới tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và người phạm tội
Tình tiết tăng nặng TNHS là tình tiết làm cho TNHS đối với người phạm tội trong từng trường hợp phạm tội cụ thể cao hơn, thể hiện ở ba mức
Trang 18vì nhà làm luật cho rằng giữa các trường hợp đó có sự khác nhau về tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm “Như vậy, để hành vi cấu thành tội danh riêng nặng hơn, hành vi đó bao gồm các yếu tố cấu thành tội phạm chung, tức
là nếu không có tình tiết tăng nặng định tội hành vi cũng đã cấu thành một tội phạm và người phạm tội phải chịu TNHS Tình tiết tăng nặng chỉ làm cho TNHS nặng hơn theo một tội có chế tài nặng hơn mà thôi” [24, tr.15] Mức hình phạt cao hơn ở đây là mức hình phạt cao hơn của một loại hình phạt hoặc loại hình phạt nặng hơn trong một khung hình phạt của một tội phạm cụ thể Khung hình phạt cao hơn ở đây là khung hình phạt cao hơn trong cùng tội quy định ở một điều luật
Để đảm bảo yêu cầu phân hóa trách nhiệm hình sự tương ứng với các mức tăng nặng TNHS dựa trên mức độ làm tăng tính nguy hiểm cho xã hội của từng tình tiết đối với từng tội phạm nhiều hay ít Vì thế, để tương ứng với
ba mức độ tăng nặng TNHS trên, BLHS quy định ba loại tình tiết tăng nặng TNHS đó là: Tình tiết tăng nặng định tội; tình tiết tăng nặng định khung; tình tiết tăng nặng chung
Hiện nay, trong BLHS năm 2015, nhà làm luật nước ta không ghi nhận định nghĩa pháp lý của khái niệm này, đồng thời trong khoa học luật hình sự Việt Nam cũng còn nhiều quan điểm khác nhau
Trang 1911
Theo sách từ điển giải thích thuật ngữ Luật học thì: Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tình tiết làm cho mức độ nguy hiểm của trường hợp phạm tội cụ thể của một loại tội phạm tăng lên so với trường hợp bình thường
và do đó được coi là căn cứ để tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với trường hợp phạm tội đó [13, tr.116]
Còn theo nguyên Thẩm phán, chánh án Tòa Hình sự, Tòa án nhân dân
tối cao Đinh Văn Quế trong cuốn "Các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách
nhiệm hình sự" thì cho rằng: Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có
ảnh hưởng tới mức độ nguy hiểm của một tội phạm trong các trường hợp cụ thể khác nhau và có ý nghĩa khi quyết định hình phạt vì chúng… làm tăng lên mức hình phạt cần áp dụng với tội phạm đã thực hiện trong giới hạn khung hình phạt mà luật quy định với tội phạm đó [28, tr 236-237]
Theo sách giáo trình Luật hình sự Việt Nam, Trường Đại học Cảnh sát (nay là Học viện Cảnh sát nhân dân), Hà Nội thì: Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là những tình tiết trong một vụ án cụ thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội và người phạm tội phải chịu một hình phạt nghiêm khắc hơn trong một khung hình phạt [26, tr.305]
Còn PGS.TS Dương Tuyết Miên trong bài viết "Các tình tiết giảm nhẹ,
tăng nặng trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự năm 1999" đăng trên Tạp
chí Tòa án nhân dân, số 1/2003, tr.19, viết: Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là những tình tiết được quy định trong Bộ luật Hình sự phản ánh mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, khả năng cải tạo giáo dục của người phạm tội Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt, làm tăng hình phạt trong giới hạn một khung hình phạt [21, tr.19]
Từ những quan điểm nêu trên, đồng thời căn cứ vào các quy định của pháp luật hình sự liên quan đến các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự,
Trang 2012
theo quan điểm của mình, học viên cho rằng: Các tình tiết tăng nặng trách
nhiệm hình sự đối với người phạm tội là các tình tiết làm thay đổi mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo hướng nghiêm trọng hơn, được quy định trong BLHS, do Tòa án áp dụng đối với người phạm tội trong quá trình quyết định hình phạt
1.1.1.2 Ý nghĩa của các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
a) Ý nghĩa về mặt chính trị - xã hội:
Các tình tiết tăng nặng TNHS đối với người phạm tội thể hiện cụ thể đường lối, chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước Khoản 1 Điều 3 BLHS
2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 thể hiện rõ đường lối xử lý nghiêm trị
kết hợp với khoan hồng đối với người phạm tội: " a) Mọi hành vi phạm tội do
người thực hiện phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật; b) Mọi người phạm tội đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt giới tính, dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần, địa vị xã hội; c) Nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn
đồ, tái phạm nguy hiểm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; d) Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra”
Việc quy định các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS trong BLHS thể hiện chính sách xử lý có phân hoá trong khi xác định TNHS và hình phạt đối với người phạm tội, giáo dục khuyến khích họ tích cực sửa chữa, cải tạo họ trở thành người lương thiện; còn có tác dụng thống nhất việc vận dụng đường lối xét xử trong cả nước góp phần hạn chế việc vận dụng tuỳ tiện các tình tiết
Trang 21Bên cạnh đó, các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự không có giá trị tăng nặng như nhau trong mỗi tội phạm cụ thể Có những tình tiết có ý nghĩa tăng nặng lớn, nhưng có tình tiết chỉ có ý nghĩa tăng nặng phần nào trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội Do vậy, việc hiểu và vận dụng đúng đắn các tình tiết tăng nặng trong việc xác định trách nhiệm hình sự là tiền đề bảo đảm cho các thể hóa hình phạt Bộ luật Hình sự chỉ có thể quy định một cách khái quát mức hình phạt thấp nhất và cao nhất trong một khung hình phạt đối với một tội phạm Vì trong thực tế mỗi tội phạm xảy ra rất khác nhau về nguyên nhân, hoàn cảnh, mức độ thực hiện tội phạm, mức độ gây thiệt hại, nhân thân người phạm tội Những tình tiết riêng biệt đó đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội đã xảy ra và người phạm tội nên cũng ảnh hưởng
Trang 2214
đến trách nhiệm hình sự Do vậy, việc cân nhắc các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội là thực hiện nguyên tắc cá thể hóa hình phạt, bảo đảm sự công bằng giữa các công dân trước pháp luật [21, tr.19]
Việc quy định các tình tiết tăng nặng trong BLHS và vận dụng đúng các tình tiết tăng nặng trong việc xác định trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội có ý nghĩa lớn trong việc thực hiện mục đích của hình phạt là cải tạo
và giáo dục người phạm tội Đặc biệt, nếu việc vận dụng không đúng đắn các tình tiết tăng nặng (nhất là các tình tiết thuộc về phương diện nhân thân người phạm tội) mà hậu quả của nó là một mức hình phạt quá nặng hoặc quá nhẹ sẽ không đạt được mục đích của hình phạt là cải tạo, giáo dục và phòng ngừa cao [47, tr.298]
1.1.1.3 Đặc điểm của các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự có một số đặc điểm cơ bản sau:
- Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được ghi nhận trong BLHS
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội, chỉ những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào được quy định trong BLHS mới được áp dụng
là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để tăng hình phạt đối với bị cáo Những tình tiết không được pháp luật hình sự quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì không được xem xét là cơ sở tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội Đây là đặc điểm khác biệt cơ bản của tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự so với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự Ngoài những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được liệt kê trong Bộ luật Hình sự, những người áp dụng pháp luật hình sự có thể xem xét đến các tình tiết khác mà có lợi cho người phạm tội để xác định đó là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho họ Ví dụ: bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo;
Trang 2315
bị cáo có bố, mẹ đẻ được Nhà nước tặng thưởng huân, huy chương
- Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự làm làm thay đổi mức độ
nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội theo hướng nghiêm trọng hơn,
thuộc một trong ba trường hợp sau:
+ Tính nguy hiểm cho xã hội tăng lên một cách đáng kể, vượt ra khỏi tội phạm cơ bản và đến một tội phạm cùng loại có mức hình phạt cao hơn Tội phạm cùng loại này là tội phạm có mối quan hệ mật thiết với tội phạm cơ bản, chỉ khác nhau ở cấu thành định tội là có thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
+ Tính nguy hiểm cho xã hội tăng lên một cách vừa phải và không vượt
ra khỏi giới hạn của tội phạm đó, đến một khung hình phạt cao hơn khung hình phạt định tội Đây chính là các tình tiết tăng nặng định khung, làm cho mức nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đó vượt ra khỏi khung hình phạt ban đầu và đến một khung hình phạt khác nặng hơn của tội phạm đó
+ Tính nguy hiểm cho xã hội tăng lên nhưng không vượt quá giới hạn của khung hình phạt đang xem xét Đây chính là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chung Với các tình tiết này, cho dù là có một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hay nhiều hơn một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì cũng không làm cho tội phạm có mức thay đổi tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội một cách đáng kể, không thể vượt ra khỏi phạm vi khung hình phạt đó được Mức tăng lên của tính nguy hiểm cho xã hội được thể hiện bằng việc người phạm tội sẽ phải gánh chịu hình phạt nặng hơn trong khung hình phạt đó so với trường hợp phạm tội cùng loại nhưng không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
- Một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chỉ được áp dụng một lần
trong một vụ án hình sự Nếu tình tiết đã được áp dụng để xác định là tình tiết
định tội hoặc định khung thì không sử dụng để xác định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chung Trong cùng một vụ án hình sự có đồng phạm, chỉ
Trang 2416
áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thuộc về riêng người đó mà không áp dụng đối với những người khác
- C ác tình tiết tăng nặng do các nhà làm luật nhận định phụ thuộc vào tính chất tội phạm và yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm trong từng thời
kỳ Tùy từng thời kỳ, các nhà làm luật có thể xác định trong giai đoạn này tình
tiết đó là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, nhưng trong giai đoạn khác, nó không phải là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và ngược lại
- Tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tăng nặng trách nhiệm hình
sự đối với người phạm tội một cách có giới hạn Đối với tình tiết tăng nặng
trách nhiệm hình sự định tội, định khung, mặc dù bị chuyển sang tội danh mới hoặc khung hình phạt mới nhưng luôn có khung hình phạt cụ thể, không thể vượt ra ngoài khung hình phạt đó Đối với trường hợp có một hoặc nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chung cũng vậy, khung hình phạt được áp dụng cũng không thể vượt quá giới hạn của khung đó Đặc điểm này là khác biệt so với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự Khi có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, việc quyết định hình phạt có thể giảm xuống mức dưới mức tối thiểu của khung hoặc chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn
1.1.1.4 Vai trò của các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
Nghiên cứu các quy định của BLHS về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội và việc áp dụng các tình tiết tăng nặng trong thực tiễn xét xử thấy vai trò của các tình tiết tăng nặng trong việc quyết định hình phạt thể hiện như sau:
- Trong mỗi điều luật đều quy định các khung hình phạt khác nhau, ở từng khung hình phạt có quy định mức hình phạt tối thiểu và tối đa tuỳ theo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội Khi bị cáo có nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự mà Tòa án đã xác định xử bị cáo
Trang 25- Tòa án chỉ được áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
kể từ khi BLHS có hiệu lực pháp luật Do theo quy định tại khoản 2 Điều 7 BLHS năm 2015 thì “Điều luật quy định một tội phạm mới, một hình phạt nặng hơn, một tình tiết tăng nặng mới… thì không được áp dụng đối với hành
vi phạm tội đã được thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành”
- Đối với những vụ án có đồng phạm, bị cáo nào có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì chỉ áp dụng riêng đối với bị cáo đó mà không áp dụng đối với các đồng phạm khác
- Việc xem xét, cân nhắc để áp dụng chính xác các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong vụ án hình sự cụ thể và đối với mỗi người phạm tội
cụ thể chính là đảm bảo sự phù hợp giữa mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội so với mức hình phạt của khung hình phạt tương ứng được quy định tại Điều luật cụ thể của Phần các tội phạm Bộ luật Hình sự, đồng thời còn phù hợp với các yếu tố khác như: địa điểm phạm tội,hoàn cảnh phạm tội, thời gian phạm tội, không gian phạm tội, công cụ phạm tội, phương tiện phạm tội, phương pháp phạm tội, tính chất của hành vi phạm tội, hậu quả của hành vi phạm tội và, nhân thân người phạm tội nữa…[44, tr.54]
- Có một số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chỉ có ý nghĩa áp dụng đối với một hoặc một số hành vi phạm tội hoặc đối với một số người phạm tội chứ không thể áp dụng đối với tất cả các tội phạm hoặc đối với tất cả người phạm tội Ví dụ: Chỉ áp dụng tình tiết "phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên" quy định tại điểm i khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015 đối với những trường hợp phạm tội do lỗi cố ý,
Trang 26- Trường hợp người phạm tội vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Tòa án phải có quan điểm toàn diện, đánh giá khách quan ý nghĩa của từng tình tiết và nhất là không được thiên lệch, có khuynh hướng nghiêng về tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình
sự Điểm 4 mục B phần II của Nghị quyết số 01/HĐTP ngày 19/01/1989 của
Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao quy định: “Trong trường hợp
một vụ án có cả tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ thì Tòa án phải đánh giá, cân nhắc toàn diện, đầy đủ trong một tổng thể, không được đánh giá, cân nhắc một chiều tức là coi trọng tình tiết này, xem thường tình tiết khác, nhất
là các tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội hoặc ngược lại Thông thường nếu tính chất của các tình tiét tăng nặng tương đương với tính chất của các tình tiết giảm nhẹ thì Tòa án không được áp dụng khoản 3 Điều 38
Bộ luật Hình sự năm 1985 Nhưng nếu các tình tiết giảm nhẹ nhiều hơn thì Tòa án vẫn có thể áp dụng khoản 3 Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 1985”
- Việc xem xét, cân nhắc để áp dụng chính xác “các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong vụ án hình sự chính là biểu hiện sự tôn trọng của các cơ quan tư pháp hình sự đối với các nguyên tắc tiến bộ của luật hình sự Việt Nam (như nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc bình đẳng trước luật hình sự,
Trang 2719
nguyên tắc công minh…) trong thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự nói chung, cũng như của Tòa án đối với các nguyên tắc quyết định hình phạt nói riêng (như nguyên tắc cá thể hóa hình phạt) trong thực tiễn xét xử nói riêng”[44, tr.56]
- Tòa án cần phân biệt tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự định tội, tình tiết định khung hay tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chung trong quá trình xác định trách nhiệm hình sự của người phạm tội, cũng như thấy được mối liên hệ chặt chẽ giữa các tình tiết với nhau trong một vụ án hình sự Mặt khác, để giải quyết đúng đắn một vụ án hình sự, các cơ quan tư pháp hình
sự có thẩm quyền phải xác định rõ tội danh, khung hình phạt và các tình tiết tăng nặng (và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự) Ba loại tình tiết này có vai trò bổ sung và hỗ trợ cho nhau trong quá trình định tội cũng như lượng hình đối với người phạm tội
1.1.2 Phân loại các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự
1.1.2.1 Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thuộc về khách thể của tội phạm
Khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ nhưng bị hành vi phạm tội xâm hại Căn cứ khách thể của tội phạm có thể xác định được hành vi nguy hiểm cho xã hội do chủ thể tội phạm thực hiện và là cơ sở chung nhất để xác định tính nguy hiểm của tội phạm đó Tuy nhiên, không thể chỉ căn cứ vào khách thể của tội phạm để xác định mức độ trách nhiệm hình sự cụ thể của người phạm tội Tất cả các cấu thành tội phạm đều có dấu hiệu về khách thể của tội phạm
Các bộ phận cấu thành khách thể của tội phạm lại có ảnh hưởng đến mức độ trách nhiệm hình sự của người phạm tội khác nhau Đặc biệt, trong bộ phận của khách thể tội phạm, đối tượng tác động của tội phạm là một trong các căn cứ tăng nặng trách nhiệm hình sự của người phạm tội Đó có thể là
Trang 2820
tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự định tội như phân loại ở trên Đó cũng
có thể là tình tiết tăng nặng định khung như tình tiết đối với người dưới 16 tuổi là tình tiết tăng nặng định khung của “Tội hành hạ người khác” quy định tại Điều 140 BLHS năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017…
Đối với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chung, theo quy định tại Điều 52 BLHS năm 2015 thì những tình tiết sau gắn với khách thể của tội phạm nhưng sẽ làm tăng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội: Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên; Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác
1.1.2.2 Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thuộc về mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm bao gồm những dấu hiệu của tội phạm diễn ra trong thế giới khách quan: Hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả nguy hiểm cho xã hội, mối quan hệ giữa hành vi và hậu quả, các dấu hiệu thể hiện khi thực hiện hành vi phạm tội nó gắn liền với công cụ, phương tiện, phương pháp, thủ đoạn phạm tội, thời gian và hoàn cảnh phạm tội Những dấu hiệu thuộc mặt khách quan ở mức độ này hay mức
độ khác đều mang tính quyết định đến tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, do đó, ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội
Dấu hiệu hành vi nguy hiểm được quy định trong tất cả các cấu thành tội phạm với ý nghĩa là dấu hiệu định tội Dấu hiệu hậu quả gây ra cho xã hội không mang tính chất bắt buộc trong tất cả các cấu thành tội phạm, chỉ bắt buộc đối với những tội phạm có cấu thành vật chất Tuy nhiên, việc xác định
Trang 2921
dấu hiệu hậu quả luôn có vai trò quan trọng Bởi vì hậu quả là yếu tố cơ bản xác định tính chất và mức độ gây nguy hại cho xã hội của tội phạm Trong cùng hoàn cảnh phạm tội giống nhau nhưng hậu quả càng lớn thì tương ứng mức độ và tính chất gây nguy hại cho xã hội càng tăng và do đó, hình phạt càng phải nghiêm khắc Hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra phải có mối quan
hệ nhân - quả với nhau Nếu không có mối quan hệ nhân - quả với nhau thì hậu quả đó không phải là do hành vi nguy hiểm cho xã hội gây ra, và như vậy, trong nhiều trường hợp, nếu hậu quả là dấu hiệu định tội thì sẽ không có tội phạm đó xảy ra Hoặc trong trường hợp hậu quả đó là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì cũng không được sử dụng tình tiết này để tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội Như vậy, dấu hiệu hậu quả có thể được
sử dụng là dấu hiệu tăng nặng trách nhiệm hình sự, mà phổ biến nhất được sử dụng là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự định khung và tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chung trong các điều luật của BLHS năm 1999: gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng…BLHS năm 2015 đã bỏ các tình tiết này vì đây là các tình tiết định tội, định khung hình phạt mang tính chất định tính và trừu tượng Tình tiết này đã được lượng hóa cụ thể trong các tội phạm và khi đã là tình tiết định tội, định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng nữa
Ngoài ra, trong mặt khách quan của cấu thành tội phạm còn có các dấu hiệu khác như: phương thức thực hiện tội phạm, công cụ, phương tiện thực hiện tội phạm, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh phạm tội Đa số trong các cấu thành tội phạm, các dấu hiệu này không phải là dấu hiệu định tội, không phải
là dấu hiệu tăng nặng trách nhiệm hình sự định tội, nhưng các dấu hiệu này có thể đóng vai trò là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự định khung và
tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chung như: hành hung để tẩu thoát,
xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội, có hành động xảo quyệt, hung hãn
Trang 3022
nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội hoặc thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người, lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội, phạm tội có tổ chức
Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thuộc về mặt khách quan của tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 bao gồm: Phạm tội có tổ chức; xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội; lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, tàn ác phạm tội hoặc thủ đoạn, phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người
1.1.2.3 Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thuộc về chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là con người cụ thể đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự do pháp luật hình sự quy định Một số cấu thành tội phạm cụ thể quy định rõ về chủ thể của tội phạm ngoài hai điều kiện về tuổi và năng lực trách nhiệm hình sự còn phải thoả mãn thêm các dấu hiệu như: có chức vụ, giới tính, nghề nghiệp, quan hệ gia đình Những chủ thể này gọi là chủ thể đặc biệt của tội phạm Dấu hiệu của chủ thể đặc biệt có thể quy định là dấu hiệu định tội, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự định
khung hoặc tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chung như lợi dụng chức
vụ, quyền hạn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự định khung của “Tội
sản xuất trái phép chất ma túy” quy định tại Điều 248 BLHS năm 2015, được
sửa đổi, bổ sung năm 2017, hoặc Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội là
tình tiết tăng nặng chung …
Trang 3123
Nhân thân người phạm tội là một trong những căn cứ để xem xét khi quyết định hình phạt Một số đặc điểm nhân thân người phạm tội còn được xác định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, chủ yếu là tăng nặng trách nhiệm hình sự định khung và tăng nặng trách nhiệm hình sự chung Các tình tiết về nhân thân này ý nghĩa phản ánh mức độ gia tăng biện pháp cải tạo, giáo dục, cảm hóa người phạm tội, để có thể áp dụng một mức hình phạt tương xứng với tội phạm mà họ thực hiện và đạt được các mục đích của hình
phạt Các tình tiết này thường là: Phạm tội có tính chất côn đồ, phạm tội 02
lần trở lên, tái phạm, tái phạm nguy hiểm…
1.1.2.4 Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thuộc về mặt chủ quan của tội phạm
Mặt chủ quan của tội phạm là hoạt động tâm lý bên trong của người phạm tội Nội dung chủ yếu của mặt chủ quan của tội phạm bao gồm: Lỗi, động cơ, mục đích phạm tội Trong đó lỗi được phản ánh trong tất cả các cấu thành tội phạm và là dấu hiệu định tội Các yếu tố khác của mặt chủ quan là động cơ, mục đích phạm tội xuất hiện ở một số tội phạm cụ thể, có thể là với
tư cách dấu hiệu định tội, có thể là với tư cách tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự định khung hoặc là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chung như:
phạm tội vì động cơ đê hèn, cố tình thực hiện tội phạm đến cùng…
1.2 Quy định của pháp luật về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội
1.2.1 Quy định của pháp luật về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến trước ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực
1.2.1.1 Giai đoạn từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến trước ngày Bộ luật Hình sự năm 1985 có hiệu lực
Trang 3224
Nghiên cứu "Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng" (30/10/1967),
"Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản XHCN", "Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân" (21/10/1970) và các bản tổng kết thực tiễn xét xử hàng năm của Toà án nhân dân tối cao cho thấy hệ thống pháp luật hình sự đã tương đối đầy đủ
Các quy định tuy còn nằm ở nhiều văn bản khác nhau nhưng đã thể hiện tính có hệ thống, tính khoa học Ngoài các tình tiết tăng nặng định khung, còn có những tình tiết tăng nặng chung (Điều 18 - Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản công dân, Điều 19 - Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng) Tuy nhiên, do các tình tiết tăng nặng được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau nên việc vận dụng rất khó khăn và thiếu thống nhất
Theo bản tổng kết thực tiễn vận dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trong công tác xét xử về hình sự của Toà án nhân dân tối cao (năm 1976) thì tình tiết tăng nặng được phân thành 3 nhóm:
- Những tình tiết tăng nặng thuộc về phương diện khách quan của tội phạm, bao gồm: cộng phạm; xúi giục; lôi kéo người chưa thành niên phạm tội; lợi dụng thiên tai, dịch hoạ, hoàn cảnh chiến tranh, nơi có chiến sự, lợi dụng lũ lụt, hoả hoạn, lợi dụng tình hình trật tự trị an diễn biến phức tạp; lợi dụng tình hình quản lý kinh tế thiếu chặt chẽ; lợi dụng chức vụ quyền hạn, lợi dụng chuyên môn nghề nghiệp để phạm tội; thủ đoạn, phương pháp phạm tội
có tính chất táo bạo, xảo quyệt, bỉ ổi, tàn ác, có thể nguy hiểm cho nhiều người; phạm tội đối với trẻ em, người già, người bị ốm đau; phạm tội đối với người đang thi hành công vụ; phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng
- Những tình tiết tăng nặng thuộc phương diện chủ quan của tội phạm, bao gồm: Phạm tội vì động cơ đê hèn, phạm tội với động cơ hưởng lạc; có quyết tâm xâm phạm tội cao; có lỗi vô ý nặng
Trang 3325
- Những tình tiết tăng nặng thuộc nhân thân người phạm tội, bao gồm:
kẻ phạm tội là lưu manh chuyên nghiệp (trộm cắp, lừa đảo, chứa mại dâm) tức là sống bằng nguồn thu nhập từ làm ăn phi pháp, lưu manh côn đồ, lưu manh cao bồi càn quấy; tái phạm; kẻ phạm tội là phần tử xấu, người phạm tội
đã có tiền án (không thuộc trường hợp tội phạm); phạm tội nhiều lần hoặc phạm nhiều lần; người phạm tội có thái độ xấu sau khi đã phạm tội
Ngoài ra, còn một số tình tiết nặng khác nhưng không phổ biến như: làm thiệt hại trực tiếp đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đến sự nghiệp quốc phòng, dùng tài sản phạm tội vào việc kinh doanh, bóc lột, đầu
cơ hoặc vào những việc phạm tội khác, cố ý giúp cho những tổ chức hoặc cá nhân tiến hành kinh doanh, bóc lột, đầu cơ hoặc phạm những tội khác, kẻ phạm tội là người ngoan cố không chịu cải tạo, kẻ cầm đầu việc thực hiện tội phạm
Trong các tội xâm phạm tài sản thì tài sản bị xâm phạm là tài sản XHCN được coi là tình tiết tăng nặng đặc biệt, là tình tiết tăng nặng định tội Tất cả các tội cùng loại (cùng hành vi khách quan) thì trường hợp xâm phạm tài sản XHCN hình phạt cao hơn rất nhiều so với trường hợp xâm phạm tài sản công dân
Qua nghiên cứu các quy định trên có thể thấy các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong giai đoạn này đã được quy định có hệ thống và chặt chẽ, phản ánh một cách khá toàn diện tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của đất nước trong giai đoạn đó Nhiều tình tiết Luật không quy định nhưng thực tiễn áp dụng pháp luật vẫn vận dụng khi cân nhắc quyết định hình phạt như thủ đoạn phạm tội táo bạo, bỉ
ổi, phạm tội vì động cơ hưởng lạc, chưa bị pháp luật xử lý nhưng nhân thân xấu Việc quy định những tình tiết này hết sức cần thiết, bảo đảm việc cá thể
Trang 3426
hoá trách nhiệm hình sự được triệt để hơn, đảm bảo công bằng, đảm bảo đạt được mục đích hình phạt
Ngoài những tình tiết thuộc bản chất chung của tội phạm thì Luật hình
sự giai đoạn này cũng quy định những tình tiết tăng nặng đối với tội phạm ảnh hưởng, cản trở công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công cuộc xác định CNXH, xâm phạm nền chuyên chính vô sản, xâm phạm quan hệ sở hữu XHCN như: xâm phạm tài sản XHCN, tội phạm phục vụ giúp đỡ cho việc kinh doanh, bóc lột, đầu cơ, làm thiệt hại trực tiếp đến công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước Việc quy định những tình tiết tăng nặng TNHS như vậy
đã góp phần vào công cuộc xác định CNXH, đấu tranh thống nhất đất nước, phù hợp với bối cảnh lịch sử giai đoạn đó
1.2.1.2 Giai đoạn từ ngày Bộ luật Hình sự năm 1985 có hiệu lực đến trước ngày Bộ luật Hình sự năm 1999 có hiệu lực
Năm 1985, BLHS Việt Nam đầu tiên và cũng là Bộ luật đầu tiên của chúng ta được ban hành Khi BLHS này có hiệu lực thi hành thì cũng là lúc sự nghiệp đổi mới bắt đầu Sự thay đổi các mặt của đời sống xã hội, trong đó đổi mới về kinh tế giữ vai trò quan trọng không chỉ là cơ sở mà còn là đòi hỏi cấp bách đối với sự thay đổi của pháp luật nói chung cũng như của luật hình sự nói riêng BLHS năm 1985 với ý nghĩa là nguồn duy nhất trong đó quy định tội phạm và hình phạt được xây dựng trên cơ sở kinh tế xã hội của nền kinh tế bao cấp và trên cơ sở thực tiễn của tình hình tội phạm của thời kì đó Do vậy,
có thể nói ngay khi ra đời BLHS đã ở trong tình trạng không phù hợp với chủ trương đổi mới cũng như những đòi hỏi của đổi mới Để đáp ứng và phục vụ công cuộc đổi mới luật hình sự buộc phải có những thay đổi mang tính phát triển Sự phát triển này được thể hiện trước hết và chủ yếu trong những sửa đổi, bổ sung của BLHS BLHS năm 1985 đã được sửa đổi, bổ sung 4 lần vào các năm 1989, 1991, 1992 và 1997, có trên 100 lượt điều luật được sửa đổi
Trang 3527
hoặc bổ sung Với những sửa đổi, bổ sung này luật hình sự đã có sự phát triển đáp ứng được phần nào đòi hỏi của cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm trong điều kiện đổi mới Những tình tiết tăng nặng được quy định tại Điều 39 BLHS năm 1985 bao gồm: Phạm tội có tổ chức; xúi giục người chưa thành niên phạm tội; Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, hoàn cảnh thiên tai hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội; Phạm tội trong thời gian đang chấp hành hình phạt; Dùng thủ đoạn xảo quyệt, tàn ác trong khi phạm tội hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; Phạm tội đối với trẻ em, phụ nữ có thai, người già, người ở trong tình trạng không thể
tự vệ được hoặc đối với người lệ thuộc mình về vật chất, công tác hay các mặt khác; Phạm tội vì động cơ đê hèn; cố tình thực hiện tội phạm đến cùng; Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng; Phạm tội nhiều lần; tái phạm; tái phạm nguy hiểm; Sau khi phạm tội, đã có những hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm
Trong quá trình sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1985 vào các năm 1989,
1991, 1992, 1997 đã có sự sửa đổi, bổ sung:
- Một số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự định tội đã xuất hiện,
cụ thể: Tình tiết phạm tội đối với trẻ em, người chưa thành niên là tình tiết tăng nặng định tội trong các tội xâm phạm tình dục Tình tiết này xuất hiện tại
“tội hiếp dâm trẻ em” quy định tại Điều 112a, “tội cưỡng dâm người chưa
thành niên” quy định tại Điều 113a khi sửa đổi, bổ sung BLHS năm 1985 vào
năm 1997 Việc xâm phạm tình dục đối với trẻ em đã làm thay đổi tính chất nguy hiểm cho xã hội của loại tội phạm này, làm tăng lên rất nhiều mức độ nguy hiểm cho xã hội của những tội phạm này so với tội phạm tương ứng
- Sửa đổi, bổ sung về các tội phạm tham nhũng, ma túy, tình dục bởi các tội phạm này gia tăng một cách đáng báo động Nhiều tội trước đây chỉ có
ba khung hình phạt nay tăng lên bốn khung hình phạt Trong quá trình sửa đổi
Trang 3628
này, BLHS sử dụng một số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của loại tội hiện có, hoặc chuyển hóa một số tình tiết tăng nặng tách nhiệm hình sự chung làm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự của các tội được sửa đổi, bổ sung như tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa quy định tại Điều 133, trong BLHS năm 1985 có năm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự định khung với hai khung hình phạt tăng nặng, đến khi sửa đổi, bổ sung năm 1997, tội phạm này
có mười hai tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự định khung với ba khung hình phạt tăng nặng…
- Bổ sung tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chung: “lợi dụng chức
vụ cao để phạm tội” Xuất phát từ việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong
phạm tội gia tăng trong xã hội, việc bổ sung tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự chung này vào BLHS năm 1985 là cần thiết nhằm đấu tranh có hiệu quả hơn với loại tội phạm tham nhũng
Như vậy, trong BLHS năm 1985 và qua các lần sửa đổi Bộ luật này cho thấy tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đã được nhận thức đúng với tính chất và vai trò của nó Việc xác định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình
sự này là điều cần thiết và phù hợp với thực tiễn cũng như công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong thời kỳ này Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trên đã được nhận thức và quy định một cách có hệ thống và đầy đủ, đánh giá chính xác được mức độ và tính chất nguy hiểm cho xã hội của mỗi tình tiết và phù hợp với từng tội phạm cụ thể Tuy nhiên, về phương diện chủ quan, BLHS năm 1985 và các văn bản sửa đổi, bổ sung Bộ luật này không
quy định những tình tiết như thủ đoạn phạm tội táo bạo, liều lĩnh, bỉ ổi… là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như trước đây là chưa hợp lý, bởi
những tình tiết đó thực sự làm tăng tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm,
sẽ là cơ sở thuận lợi cho việc cá thể hóa hình phạt và trừng trị cũng như cải tạo, giáo dục người phạm tội
Trang 37lí, tích cực của BLHS này qua bốn lần sửa đổi, bổ sung So với BLHS năm
1985, BLHS năm 1999 có những thay đổi cơ bản mang tính tương đối toàn diện thể hiện sự phát triển mới của luật hình sự Việt Nam Phần lớn các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong BLHS năm 1985 vẫn được
kế thừa song có một số tình tiết mới được bổ sung, sửa đổi một cách khá hoàn chỉnh Tên gọi và điều luật quy định: Tên cũ là “Các tình tiết tăng nặng” quy
định tại Điều 39 BLHS năm 1985 đổi thành “Các tình tiết tăng nặng trách
nhiệm hình sự” quy định tại Điều 48 BLHS năm 1999 Việc bổ sung cụm từ
“trách nhiệm hình sự” vào chế định nói trên là hoàn toàn đúng đắn và cần
thiết nhằm làm rõ nội dung của từng chế định và làm chính xác hóa thuật ngữ pháp lí này Bên cạnh đó, số lượng, nội dung các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự cũng được sửa đổi, bổ sung [30, tr.36]
Khoản 1 Điều 39 BLHS năm 1985 có 9 điểm tương ứng với 9 nhóm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự Còn khoản 1 Điều 48 BLHS năm
1999 có tới 14 điểm tương ứng với 14 nhóm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự Việc tăng số lượng điểm quy định các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình do các lí do chủ yếu sau đây:
- Do có một số điểm quy định các tình tiết trong Bộ luật cũ (xem các điểm a, b, g khoản 1 Điều 39) được tách ra thành 2 hoặc 3 điểm của Bộ luật mới hoặc được sắp xếp lại cho có cùng tính chất
- Có 8 tình tiết mới tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định, đó là: Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; Phạm tội có tính chất côn đồ; Xâm phạm tài sản nhà nước; Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt
Trang 3830
nghiêm trọng; Lợi dụng tình trạng khẩn cấp, dịch bệnh để phạm tội; Dùng phương tiện có khả năng gây nguy hiểm cho nhiều người Việc bổ sung những tình tiết mới này có tác dụng răn đe, phòng ngừa cao; mặt khác nó cũng là căn cứ để Tòa án áp dụng mức hình phạt cao hơn đối với người phạm tội, thể hiện rõ mục đích trừng trị của luật hình sự nói chung và của hình phạt nói riêng
Mặt khác, BLHS mới còn loại bỏ tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình
sự được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 39 BLHS cũ là phạm tội trong thời gian đang chấp hành hình phạt vì trùng với tình tiết phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm (tại điểm g Điều 48); đồng thời cũng xóa bỏ bổ ngữ xác định thời gian “sau khi phạm tội” trong tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “sau khi phạm tội, đã có những hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che giấu tội phạm” để làm cho tình tiết này bao quát cả các hành vi trốn tránh và che giấu tội phạm trước, trong và sau khi phạm tội BLHS mới còn sửa điểm c khoản 1 Điều 39 BLHS năm 1985 “lợi dụng chức
vụ cao để phạm tội” thành điểm c khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 1999
“lợi dụng chức vụ quyền hạn để phạm tội” nhằm bao quát toàn bộ các hành vi phạm tội do lợi dụng chức vụ, quyền hạn, khắc phục hạn chế của BLHS cũ
1.2.2 Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội
Theo quy định tại khoản 1 Điều 52 BLHS năm 2015, các tình tiết sau đây được xác định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:
1.2.2.1 Phạm tội có tổ chức (điểm a khoản 1 Điều 52)
Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm (khoản 2 Điều 17 BLHS năm 2015) Phạm tội có tổ chức là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện một tội phạm, dưới sự điều
Trang 39- Phạm tội có tổ chức được hình thành với phương hướng hoạt động lâu dài, bền vững, có sự phân công vai trò của những người tham gia, có âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động lâu dài và ở mức độ cao
- Tội phạm được thực hiện bao giờ cũng có kế hoạch từ trước, những người tham gia thực hiện tội phạm có sự tính toán chu đáo, kỹ càng, đầy đủ mọi mặt từ khi chuẩn bị thực hiện tội phạm cho đến khi thực hiện xong tội phạm
- Tính táo bạo của những người tham gia thực hiện tội phạm được thể hiện ở chỗ tội phạm được thực hiện đến cùng, đạt bằng được mục đích phạm tội Phạm tội không phải một lần mà nhiều lần với nhiều tội phạm khác nhau, phạm tội liên tục khi có điều kiện, tội phạm luôn gây nên hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng
Phạm tội có tổ chức là nội dung đặc biệt của đồng phạm, mức độ kết cấu cao hơn so với các hình thức đồng phạm khác Chính vì vậy, phạm tội có
tổ chức được coi là hình thức đồng phạm rất nguy hiểm trong việc thực hiện tội phạm
1.2.2.2 Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp (điểm b khoản 1 Điều 52)
Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 thì Tòa án sẽ áp dụng tình
tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" khi có đầy đủ các điều kiện sau đây:
- Cố ý phạm tội từ năm lần trở lên về cùng một tội phạm không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình
Trang 40Khi áp dụng tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp", cần phân biệt:
- Đối với trường hợp phạm tội từ năm lần trở lên mà trong đó có lần phạm tội đã bị kết án, chưa được xoá án tích thì tuỳ từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội có thể bị áp dụng cả ba tình tiết là "phạm tội nhiều lần", "tái phạm" (hoặc "tái phạm nguy hiểm") và "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp"
- Đối với tội phạm mà trong điều luật có quy định tình tiết "phạm tội có tính chất chuyên nghiệp" là tình tiết định khung hình phạt thì không được áp dụng tình tiết đó là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 48 của BLHS năm 1999 Trường hợp điều luật không có quy định tình tiết này là tình tiết định khung hình phạt thì phải áp dụng là tình tiết tăng nặng tương ứng quy định tại Điều 48 của BLHS năm 1999
Khi áp dụng tình tiết này, cần lưu ý rằng khái niệm chuyên nghiệp được hiểu không đồng nghĩa với nghề nghiệp của một người, vì không thể coi phạm tội là một nghề kiếm sống, tính chất chuyên nghiệp của hành vi phạm tội thể hiện ở chỗ tội phạm đó được lặp đi lặp lại nhiều lần và người phạm tội coi việc phạm tội đó là phương tiện kiếm sống
1.2.2.3 Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội (điểm c khoản 1 Điều 52)
Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc
do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ [27, tr 223]
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội là tội phạm xảy ra là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi phạm tội đó có liên quan