1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Một số vấn đề triết học về tư duy sáng tạo

165 65 0

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 165
Dung lượng 1,53 MB

Nội dung

Luận án góp phần làm rõ bản chất của tư duy sáng tạo, chỉ ra đặc điểm, các tính quy luật và yếu tố tác động đến tư duy sáng tạo. Luận án đề xuất và phân tích một số yếu tố mới thúc đẩy tư duy sáng tạo như: sự giao lưu, tiếp biến văn hóa; môi trường xã hội có dân chủ; tính chủ thể và tự do nội tâm của chủ thể sáng tạo; bước đầu chỉ ra một số yếu tố chủ quan và điều kiện khách quan thúc đẩy tư duy sáng tạo ở Việt Nam.

Trang 1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

Trang 2

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

LUẬN ÁN TIẾN SĨ TRIẾT HỌC

Người hướng dẫn khoa học: GS.TS NGUYỄN VĂN HUYÊN

HÀ NỘI - 2018

Trang 3

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi dưới sự

hướng dẫn của GS.TS Nguyễn Văn Huyên Các kiến thức, số liệu sử dụng là

trung thực, các trích dẫn có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng Các kết luận nêu trong luận án chưa từng được công bố ở bất kì công trình khoa học nào trước đây

Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2018

Tác giả luận án

Đào Thị Hữu

Trang 4

LỜI CẢM ƠN

Trước tiên, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới giáo viên hướng dẫn khoa học GS TS Nguyễn Văn Huyên - người đã tận tình chỉ bảo, động viên tôi rất nhiều trong quá trình thực hiện luận án Sự hiểu biết khoa học sâu sắc, kinh nghiệm hướng dẫn cũng như tinh thần trách nhiệm của Thầy trở thành điểm tựa giúp tôi vượt qua khó khăn trong quá trình thực hiện luận án cũng như có được những kinh nghiệm quý báu

Tôi xin trân trọng cảm ơn Ban giám hiệu, Bộ phận Sau đại học Phòng đào tạo trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Ban chủ nhiệm Khoa Triết học và Bộ môn Lôgic học đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tôi trong quá trình học tập, nghiên cứu

Tôi xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các nhà khoa học PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, PGS.TS Nguyễn Thúy Vân, GS.TS Hồ Sĩ Quý, PGS.TS Vũ Văn Viên, PGS.TS Lương Đình Hải, GS TS Nguyễn Hùng Hậu…đã có những góp ý vô cùng giá trị về mặt khoa học, cũng như động viên, cổ vũ tôi trong quá trình bảo vệ luận án ở các cấp, giúp tôi không ngừng chỉnh sửa, hoàn thiện luận án này

Lời cảm ơn đặc biệt tôi xin được gửi tới Ban Giám đốc Học viện Ngân hàng, Ban Lãnh đạo và các thầy cô trong khoa Lý luận chính trị - Học viện Ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi giúp tôi hoàn thành luận án

Cuối cùng, tôi gửi tấm lòng ân tình tới gia đình và bạn bè - những người

đã luôn sát cánh hỗ trợ, chia sẻ khó khăn, động viên tạo động lực cho tôi hoàn thành luận án

Tác giả luận án

Đào Thị Hữu

Trang 5

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 3

CHƯƠNG 1:TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI LUẬN ÁN 8

1.1 Tình hình nghiên cứu về tư duy, sáng tạo và tư duy sáng tạo 8

1.1.1 Tình hình nghiên cứu về tư duy 8

1.1.2 Tình hình nghiên cứu về sáng tạo và tư duy sáng tạo 14

1.2 Tình hình nghiên cứu về các loại hình của tư duy sáng tạo 21

1.2.1 Tình hình nghiên cứu về tư duy sáng tạo trong khoa học 21

1.2.2 Tình hình nghiên cứu về tư duy sáng tạo trong nghệ thuật 24

1.2.3 Tình hình nghiên cứu về tư duy sáng tạo trong các lĩnh vực khác 26

1.3 Tình hình nghiên cứu về các yếu tố chủ quan và điều kiện khách quan tác động đến tư duy sáng tạo 28

1.3.1 Tình hình nghiên cứu về những yếu tố chủ quan tác động đến tư duy sáng tạo 28

1.3.2 Tình hình nghiên cứu về những điều kiện khách quan tác động đến tư duy sáng tạo 30

1.4 Đánh giá tình hình nghiên cứu về tư duy sáng tạo và những vấn đề đặt ra đối với luận án 33

CHƯƠNG 2:TƯ DUY VÀ TƯ DUY SÁNG TẠO 37

2.1 Bản chất của tư duy và sáng tạo 37

2.1.1 Bản chất của tư duy 37

2.1.2 Bản chất của sáng tạo 47

2.2 Tư duy sáng tạo 57

2.2.1 Bản chất, đặc điểm của tư duy sáng tạo 57

2.2.2 Tính quy luật của tư duy sáng tạo 64

2.2.3 Các cấp độ, loại hình của tư duy sáng tạo 70

Kết luận chương 2 73

CHƯƠNG 3:MỘT SỐ LOẠI HÌNH TƯ DUY SÁNG TẠO CHỦ YẾU 74

3.1 Tư duy sáng tạo trong khoa học 74

Trang 6

3.1.1 Bản chất của khoa học và đặc trưng của tư duy khoa học 74

3.1.2 Biểu hiện của tư duy sáng tạo trong khoa học 81

3.2 Tư duy sáng tạo trong nghệ thuật 87

3.2.1 Bản chất của nghệ thuật và đặc trưng của tư duy nghệ thuật 87

3.2.2 Biểu hiện của tư duy sáng tạo trong nghệ thuật 93

3.3 Tư duy sáng tạo trong cuộc sống đời thường 98

3.3.1 Cuộc sống đời thường và những vấn đề đặt ra đối với tư duy 98

3.3.2 Biểu hiện của tư duy sáng tạo trong cuộc sống thời thường 100

Kết luận chương 3 106

CHƯƠNG 4:NHỮNG YẾU TỐ CHỦ QUAN VÀ ĐIỀU KIỆN KHÁCH QUAN THÚC ĐẨY TƯ DUY SÁNG TẠO 107

4.1 Những yếu tố chủ quan thúc đẩy tư duy sáng tạo 108

4.1.1 Những yếu tố thuộc về tư chất, năng khiếu 108

4.1.2 Nhân tố tâm lý - tinh thần 111

4.2 Những điều kiện khách quan thúc đẩy tư duy sáng tạo 120

4.2.1 Sự phát triển kinh tế - điều kiện thúc đẩy tư duy sáng tạo 120

4.2.2 Điều kiện văn hóa - xã hộithúc đẩy tư duy sáng tạo 124

4.3 Về các yếu tố chủ quan và điều kiện khách quan thúc đẩy tư duy sáng tạo ở Việt Nam hiện nay 133

4.3.1 Các yếu thuộc về tinh thần, tâm lý, tính cách của người Việt thúc đẩy tư duy sáng tạo 133

4.3.2 Những điều kiện khách quan thúc đẩy tư duy sáng tạo ở Việt Nam hiện nay 138

Kết luận chương 4 146

KẾT LUẬN 147

DANH MỤC CÁC CÔNG TRÌNH CỦA TÁC GIẢ ĐÃ CÔNG BỐ LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN 150

TÀI LIỆU THAM KHẢO 151

Trang 7

MỞ ĐẦU

1 Tính cấp thiết của đề tài

Trong xu thế phát triển của toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức trên thế giới ngày nay, nhân loại đang tiến tới nền văn minh dựa trên tri thức và sáng tạo

Nền tảng cho sự chuyển đổi này là nền kinh tế toàn cầu dựa trên sự đổi mới tri thức không ngừng thay vì sự cung cấp nguồn tài nguyên và lao động giá

rẻ Sự phát triển của nền kinh tế hiện đại ngày càng phụ thuộc chủ yếu vào sự sáng tạo và đổi mới các sản phẩm và các quá trình Sáng tạo và đổi mới cũng là những thuật ngữ được nhắc đến nhiều trong các chương trình phát triển của các quốc gia thời gian gần đây bởi vì nâng cao năng lực sáng tạo quốc gia, năng lực sáng tạo của các cá nhân, tổ chức được coi như động lực cho sự phát triển kinh

tế và xã hội Do đó, bài toán cơ bản đặt ra cho tất cả các quốc gia trong thế kỉ XXIlà vấn đề đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có tố chất cơ bản là năng lực tư duy sáng tạo

Chính phủ Việt Nam cũng đã nhận ra vai trò quan trọng của sáng tạo trong

sự phát triển kinh tế, xã hội và nỗ lực không ngừng để cải thiện năng lực sáng tạo quốc gia bằng cách nâng cao năng lực hoạt động của thể chế, kiện toàn nền chính trị, đầu tư cho xây dựng hạ tầng, giáo dục, nghiên cứu khoa học và công nghệ, đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao Trong Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cũng đã nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm phát triển đất nước trong thời kì mới trong đó “đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao” [24; 432] được coi là một trong „ba đột phá chiến lược” Việt Nam là một nước có nền kinh tế lạc hậu so với thế giới, kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, lao động ở trình độ thấp, giá rẻ Giáo dục Việt Nam còn thiên

về cung cấp kiến thức, thiếu về đào tạo năng lực, kĩ năng, đặc biệt năng lực sáng tạo, thích ứng với sự biến đổi Do đó, để đổi mới, phát triển đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam xác định “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành một mục tiêu của chiến lược phát triển” [24; 126], trong đó sáng tạo được coi là một phẩm chất cần có của con người Việt Nam[24; 127]

Trang 8

Như vậy, bước sang thế kỉ XXI, sáng tạo, đổi mới ngày càng giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của các quốc gia, vì thế, nghiên cứu về sáng tạo

và tư duy sáng tạo để nâng cao năng lực tư duy sáng tạo cho con người đang trở thành một trong những chủ đề nghiên cứu chính của khoa học xã hội

Thực tiễn thế kỉ XX đã chứng kiến sự phát triển và đổi thay mạnh mẽ của nhiều ngành khoa học: sự ra đời của lý thuyết điều khiển học, lý thuyết thông tin, các nghiên cứu cấu trúc và hệ thống, sự phát triển mạnh mẽ của các khoa học tự nhiên cũng như khoa học xã hội Hiện trạng đó đã đặt ra trước các nhà lý luận, nhà tri thức luận nhiều vấn đề nhận thức, đặt lại những vấn đề tri thức trong thời đại mới Ở phương Tây một vấn đề nổi lên trên diễn đàn triết học là vấn đề sự tiến hóa, tăng trưởng của tri thức Trường phái tri thức luận tiến hóa với các học giả tiêu biểu như Karl Popper, Thomas Kuhn đã nỗ lực đi tìm con đường của sự sáng tạo tri thức khoa học Trong các lĩnh vực khoa học cụ thể, vấn đề sáng tạo tri thức được đặc biệt quan tâm và trở thành một trong số những vấn đề chính yếu của một số chuyên ngành khoa học như xã hội học tri thức, tâm lý học sáng tạo, phương pháp luận sáng tạo Các chuyên ngành khoa học này đã đạt được nhiều thành tựu trong nửa cuối thế kỉ XX trở lại đây Tuy nhiên, mặc dù trong các nghiên cứu triết học riêng lẻ có đề cập đến và đạt được những thành tựu nghiên cứu quan trọng về sáng tạo tri thức, nhưng ở phương Tây cho đến đầu thế kỉ XXI vấn đề tư duy sáng tạo vẫn chưa thực sự được nhận ra như một vấn đề triết học quan trọng Nghiên cứu về tư duy sáng tạo do đó còn thiếu những nghiên cứu khái quát, hệ thống về mặt lý luận

Ở Việt Nam, số công trình nghiên cứu về tư duy sáng tạo còn ít ỏi, hơn nữa chủ yếu là các công trình mang tính chất lược thuật những kết quả nghiên cứu của các tác giả nước ngoài, đặc biệt cũng còn thiếu những nghiên cứu lý luận mang tính khái quát

Nghiên cứu khái quát về vấn đề này sẽ là cơ sở cho việc tìm hiểu tư duy sáng tạo trong những lĩnh vực cụ thể, và áp dụng vào việc nâng cao năng lực sáng tạo của mỗi người, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao vị thế cạnh tranh

Trang 9

của quốc gia Vì lẽ đó, tôi chọn: “Một số vấn đề triết học về tư duy sáng tạo”

làm đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ

2 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của luận án

2.1.Mục đích nghiên cứu của luận án

Mục đích nghiên cứu của luận án làkhái quát một số vấn đề lý luận chung,

cơ bản về tư duy sáng tạo dưới góc độ triết học bao gồmbản chất, tính quy luật của tư duy sáng tạo, đặc trưng củamột số loại hình tư duy sáng tạo chủ yếu và những yếu tố, điều kiện thúc đẩy tư duy sáng tạo

2.2.Nhiệm vụ nghiên cứu của luận án

Để thực hiện mục đích trên, luận án giải quyết các nhiệm vụ như sau:

- Tổng quan tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài và những vấn đề đặt

ra đối với luận án

- Làm rõ các khái niệm tư duy, sáng tạo và tư duy sáng tạo, phân tích bản chất, đặc điểm và tính quy luật của tư duy sáng tạo

- Phân tích biểu hiện của tư duy sáng tạo trong một số lĩnh vực chủ yếu: tư duy sáng tạo trong khoa học, nghệ thuật và cuộc sống đời thường nhằm mục đích lý giải rõ hơn về bản chất và nội dung của tư duy sáng tạo

- Phân tích các yếu tố chủ quan và điều kiện khách quan thúc đẩy tư duy

sáng tạo

3 Đối tƣợng và phạm vi nghiên cứu

3.1.Đối tượng nghiên cứu của luận án

Đối tượng nghiên cứu của luận án là tư duy sáng tạo dưới góc nhìn triết học

3.2.Phạm vi nghiên cứu của luận án

- Với mục đích khái quát một số vấn đề lý luận chung, cơ bản về tư duy sáng tạo dưới góc độ triết học, do đó, luận án chỉ tập trung làm rõ một số vấn đề

cơ bản, chính yếu về tư duy sáng tạo là: bản chất và tính quy luật của tư duy sáng tạo; sự biểu hiện của tư duy sáng tạo trong một số lĩnh vực chủ yếu và những yếu tố, điều kiện tác động đến tư duy sáng tạo

- Khi nghiên cứu một số loại hình tư duy sáng tạo chủ yếu, luận án tập trung vào ba lĩnh vực cơ bản: khoa học, nghệ thuật và cuộc sống đời thường Tư

Trang 10

duy sáng tạo tồn tại trong mọi hoạt động của con người từ kinh tế, chính trị, đến khoa học, nghệ thuật và mọi hoạt động của đời sống cá nhân; do tính đa dang, phức tạp của các lĩnh vực đó mà việc phân tích biểu hiện của tư duy sáng tạo trong toàn bộ các lĩnh vực này trong khuôn khổ của luận án là rất khó Do đó, luận án chọn lựa lĩnh vực khoa học, nghệ thuật và cuộc sống đời thường là những lĩnh vực điển hình cho năng lực tư duy của con người mà những kết quả, sản phẩm được sáng tạo ra trong các lĩnh vực này có những tác động, ảnh hưởng sâu rộng và quan trọng tới sự phát triển xã hội và con người Đó cũng là những lĩnh vực luôn được chú ý đầu tiên khi bàn về sáng tạo

4 Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu của luận án

4.1 Cơ sở lý luận của luận án

Đề tài sử dụng quan điểm triết học mácxit về tư duy, quan điểm phát triển,

quan điểm thực tiễn, và một số lý thuyết mới về tư duy và sáng tạo

4.2 Phương pháp nghiên cứu của luận án

Đề tài sử dụng phương pháp luận biện chứng duy vật với các phương pháp

như: thống nhất lôgic và lịch sử, phân tích, tổng hợp, khái quát hóa và hệ thống hóa

5 Đóng góp mới của luận án

Luận án góp phần làm rõ bản chất của tư duy sáng tạo, chỉ ra đặc điểm, các

tính quy luật và yếu tố tác động đến tư duy sáng tạo

Luận án đã khái quát và phân tích các yếu tố mới thúc đẩy tư duy sáng tạo như: sự giao lưu, tiếp biến văn hóa; môi trường xã hội có dân chủ và có cơ chế

để thực hiện dân chủ; tính chủ thể và sự tự do nội tâm của chủ thể sáng tạo; và bước đầu chỉ ra một số những yếu tố chủ quan và điều kiện khách quan thúc đẩy

tư duy sáng tạo ở Việt Nam hiện nay

6 Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận án

6.1.Ý nghĩa lý luận

Luận án góp phần hệ thống hóa, khái quát hóa, làm rõ một số vấn đề triết học cơ bản, chung về tư duy sáng tạo Những luận điểm có tính khái quát của luận án có thể dùng làm cơ sở cho những nghiên cứu về tư duy sáng tạo trong

các lĩnh vực cụ thể

Trang 11

6.2 Ý nghĩa thực tiễn

Luận án có thể được dùng làm tài liệu tham khảo cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh cùng những ai quan tâm nghiên cứu về tư duy sáng tạo

7 Kết cấu của luận án

Ngoài phần Mở đầu, phần Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, luận

án bao gồm 4 chương với 12 tiết

Trang 12

CHƯƠNG 1

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN QUAN ĐẾN ĐỀ TÀI VÀ

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI LUẬN ÁN 1.1 Tình hình nghiên cứu vềtư duy, sáng tạo và tư duy sáng tạo

1.1.1 Tình hình nghiên cứu về tư duy

Trong hệ vấn đề rộng lớn được nghiên cứu trong các trước tác của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin, vấn đề tư duy là một trong những vấn đề triết học căn bản được đề cập đến, mối quan hệ giữa tư duy với tồn tại còn được Ph.Ăngghen coi là điểm xuất phát của mọi vấn đề triết học Những tác phẩm của các ông như

Luận cương về Phoiơbắc (C.Mác; 1845), Hệ tư tưởng Đức (C.Mác và Ph

Ăngghen;1845 - 1846), Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản (C.Mác và Ph Ăngghen; 1848), Bộ Tư bản (C.Mác và Ph Ăngghen;1867, 1884, 1894), Biện

chứng của tự nhiên (Ph Ăngghen; 1886), Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán (V.I.Lênin; 1909), và Bút kí triết học (V.I.Lênin; 1915 - 1916)

đã thể hiện rõ vấn đề là: điểm xuất phát nghiên cứu tư duy trong triết học mácxít không phải từ “vương quốc tư tưởng” của những trừu tượng thuần túy mà từ những “cá nhân hiện thực, là hoạt động của họ và những điều kiện sinh hoạt vật chất của họ” [82; 28] tức từ hoạt động sống hiện thực của các cá nhân lao động tập thể đang từng ngày, từng giờ sản xuất ra chính đời sống của mình Con người cùng với tư duy của họ sinh thành từ trong chính đời sống hiện thực ấy, tư duy luôn được soi chiếu từ đời sống thực tiễn sinh động Triết học mácxít không chỉ xem xét quá trình phát triển của thế giới khách quan mà còn xem xét quá trình phát triển của tư duy giúp khám khá lôgic của quá trình phát triển tư duy, hình thành tri thức mới

Như vậy, xem xét tư duy dưới góc độ triết học mácxít gồm hai nội dung quan trọng: nhìn nhận tư duy như thành tố không thể tách rời của đời sống con người, và cùng với sự vận động của đời sống ấy, tư duy luôn vận động sản sinh quan niệm mới, tư tưởng mới về hiện thực Đó là những quan điểm, cách tiếp cận có tính chất nền tảng cho luận án khi nghiên cứu vấn đề tư duy và tư duy sáng tạo

Trang 13

Tiếp tục tư tưởng của các bậc tiền bối, trong những tài liệu nghiên cứu chuyên sâu về tư duy có cuốn “Lôgic học biện chứng”[61] của tác giả E.V.ILencov (2003) Những quan niệm của ông về tư duy có vai trò phương pháp luận rất quan trọng đối với việc xác định bản chất của tư duy của luận án Trong sự quan tâm hết sức rộng đối với vấn đề tư duy như một vấn đề quan trọng của triết học, đồng thời là đối tượng nghiên cứu của lôgic học biện chứng, sáng tạo triết học nổi bật của Ilencov chính là vấn đề “cái tư tưởng”, mà qua đó tác giả đã làm rõ nguồn gốc, bản chất của tư duy Ilencov đã phát triển tư tưởng

về “sự đồng nhất tư duy và tồn tại”, trong đó nội dung của tư duy, do vậy cả của

tư duy sáng tạo chính là bản thân hiện thực đời sống con người, là tính quy luật của tự nhiên đã bị “vượt bỏ” trong tồn tại văn hóa của nó Văn hóa không phải là

sự tiếp tục của tự nhiên mà là sự “vượt bỏ” nó, là tự nhiên ở trình độ con người

“Cái vật chất” là khởi đầu của “cái tư tưởng” Ilencov đã nhìn ra tính thống nhất trong chỉnh thể của “cái tư tưởng” và “cái vật chất” trong hoạt động người, không có tư tưởng thiếu vật chất và cũng không có vật chất thiếu tư tưởng trong sinh tầng văn hóa của tồn tại người Trong hoạt động người diễn ra sự chuyển hóa “cái vật chất” thành “cái tư tưởng” và ngược lại Cũng như C.Mác quan niệm về một “giới tự nhiên nhuốm đầy lý tính”, với Ilencov thế giới văn hóa của con người cũng thấm đẫm “tính tư tưởng” “Cái tư tưởng” là phương thức, hình thức hoạt động sống của con người xã hội Tư duy chỉ sinh thành, phát triển trong hoạt động sống đó, trong thế giới văn hóa chứ không phải thuộc tính bẩm sinh của bộ não Với quan điểm của mình, Ilencov làm rõ biện chứng của sự sinh thành năng lực tư duy, sự hình thành nhân cách con người, hơn ai hết ông hiểu được giá trị, tầm vóc và sức mạnh của con người trong thế giới do nó tạo nên Quan điểm của ông là cơ sở cho cách tiếp cận của luận án đối với khái niệm

tư duy sáng tạo

Thế kỉ XX với sự phát triển như vũ bão của khoa học, có đến gần 90% những phát minh và khám phá của loài người được thực hiện ở thế kỉ này đã đặt

ra trước các nhà triết học vấn đề có tính thời sự: tri thức tăng trưởng như thế nào

Trang 14

Trong cuốn “Tri thức khách quan”[103] của mình tác giả Karl Popper

(2014) đã đề cập đến những khía cạnh cốt lõi nhất của vấn đề tri thức: quan niệm về chân lý - chân lý không phải là cái chúng ta sở hữu mà là cái chúng ta đang tìm kiếm, “chân lý là cứu cánh của khoa học hiểu theo nghĩa là một sự gần đúng hơn với chân lý, hoặc theo nghĩa là có tính giống chân lý cao” [103; 92];

về tiêu chuẩn và phương pháp kiểm tra các lý thuyết ông đưa ra các khái niệm mới về “dung lượng chân lý”, “dung lượng sai lầm” và “tính giống chân lý” Đồng thời ông cũng luận chứng cho sự tồn tại của “tri thức khách quan” và “thế giới thứ ba”, thông qua đó vạch mở con đường tiến triển của tri thức Luận điểm của ông: “Bài toán cơ bản mà lý thuyết về tri thức đặt ra là phải làm rõ và nghiên cứu quá trình cho phép các lý thuyết của chúng ta có thể phát triển hay tiến bộ, đó là yêu sách của chúng ta ở đây” [103; 65] Lập luận của ông là “tri thức không bao giờ bắt nguồn từ con số không, mà luôn phải từ một thứ tri thức nền nào đó - tri thức được coi là đảm bảo tới một thời điểm”[103; 109] Ông đã phân biệt hai loại tri thức: tri thức chủ quan - “tri thức gắn liền với một cơ thể” [103; 113] và tri thức khách quan - “nội dung lôgic của các lý thuyết”, và ba thế giới: thế giới vật lý (thế giới thứ nhất), thế giới những kinh nghiệm có ý thức của chủ thể (thế giới thứ hai) và thế giới của các tri thức khách quan (thế giới thứ ba)

Ông cũng luận chứng cho tính khách quan và độc lập của “thế giới thứ ba”, mặc dù là sản phẩm của con người nhưng nó có tính độc lập, tự trị, tự phát sinh các vấn đề mới mẻ nằm sẵn ở đó, và sự tăng trưởng của tri thức khách quan chính là thông qua sự tương tác, phản hồi giữa “bản thân chúng ta với thế giới thứ ba” [103; 163] Sự tồn tại của tri thức khách quan và thế giới thứ ba là cơ sở nền tảng cho sự tiến bộ của tri thức, là cơ sở cho sự phát sinh ý thức “toàn diện” của con người về bản thân Đó là “thế giới đặc thù của loài người”, chỉ con người với bản chất suy tư, có lý tính và khả năng phản hồi mới có khả năng tham gia tương tác với nó Mặc dù quan niệm có màu sắc duy tâm nhưng cách tiếp cận của Karl Popper đã gợi mở nhiều vấn đề về quá trình sáng tạo tri thức

Trang 15

của con người “Tri thức khách quan” là nguồn tài liệu quan trọng để nghiên cứu

về tiến hóa tri thức của loài người

Tham gia cuộc tranh luận về sự tiến bộ của tri thức còn có tác giả Thomas

Kuhn (2008) với cuốn “Cấu trúc của các cuộc cách mạng khoa học” [66]

Đúng như tên của nó, cuốn sách trình bày, phân tích lôgic của quá trình ra đời hay “sự lộ diện của một lý thuyết hay một phát hiện mới” [66; 24] trong khoa học Tác giả tập trung phân tích nguyên nhân, những điều kiện bên trong lòng của một nền khoa học đã dẫn tới sự tiến bộ của nó như thế nào, từ đó đưa ra quan niệm theo tác giả là “hoàn toàn mới” về bản thân lịch sử phát triển của khoa học - đó là sự phát triển không phải bằng con đường “tích lũy”, bổ sung những luận điểm mới mà thông qua các cuộc cách mạng làm thay đổi nền tảng của khoa học Mỗi tri thức hay lý thuyết mới ra đời không phải là sựgóp thêm, hay tăng thêm vào kho tàng tri thức nhân loại mà kéo theo nó là sự dịch chuyển các vấn đề, thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận, thiết lập “một nền tảng mới cho hoạt động thực tiễn của khoa học” [66;42] Do đó: “một lý thuyết mới cũng hiếm khi, nếu không muốn nói là không bao giờ là sự gia tăng của những gì người ta đã biết” [66; 44] Trên cơ sở đó, tác giả phân tích quá trình phát sinh tri thức mới thông qua các cuộc cách mạng khoa học thay đổi “mẫu hình”

Có phần nào đó dư âm và ảnh hưởng từ lý thuyết của hai tác giả Karl Popper và Thomas Kuhn, đặc biệt từ quan niệm về “thế giới thứ ba” (Karl Popper) và khái niệm “mẫu hình” (Kuhn), tác giả Edgar Morin đã triển khai, phân tích vấn đề tư duy, tri thức trên một diện rộng lớn, đa dạng, cái mà ông gọi

là “xây dựng tri thức luận phức hợp” Tri thức được khảo sát với ý nghĩa rộng lớn nhất từ góc độ bộ não, tâm trí cá nhân đến góc độ xã hội, văn hóa và tính tự

tổ chức của nó; từ các hình thức tri giác, huyền thoại đến tư tưởng

Trong cuốn Phương pháp 3[90], Edgar Morin (2006) đã cắt nghĩa (mặc dù

không đi sâu) khái niệm tư duy, tư duy sáng tạo và các loại tư duy Khái niệm tri thức và tư duy ở đây là cùng một nghĩa vì tri thức được quan niệm không chỉ là kết quả mà còn là quá trình đi đến kết quả ấy - tức chính là tư duy Tư duy “đa trị”, “đa hình”, mở và thay đổi Nó sử dụng nhiều phương tiện khác nhau từ khái

Trang 16

niệm, ngôn từ đến huyền thoại, tượng trưng, bản vẽ Theo tác giả “tư duy vừa là một vừa là nhiều”, vừa là một vừa là đôi Ngay từ thời cổ xưa người nguyên thủy đã “vận động trong hai tư duy bổ sung lẫn nhau nhưng không lẫn lộn nhau” [90; 285] là tư duy lôgic và tư duy tượng trưng

Cuốn “Phương pháp 4: Tư tưởng” [91] tác giả luận chứng cho sự tồn tại

đặc thù của tư tưởng, mặc dù không tách khỏi chủ thể nhưng tư tưởng luôn được

“khách thể hóa” tạo thành một hiện thực đặc thù - trí quyển - “chính là một bộ phận cấu thành khách thể của hiện thực con người”[91; 240] Chúng là những

“hiện hữu trí tuệ” hay “sinh thể trí tuệ” cư trú không phải trong sinh quyển hay tâm trí, bộ não cá nhân mà trong “trí quyển” Đó là những dấu hiệu, kí hiệu, tượng trưng, hình ảnh, thông điệp, biểu tượng làm trung giới cho quan hệ của con người, hiện hữu trong mọi quan hệ, giao tiếp của con người Đó là “những đối tượng hiện hữu có gốc rễ vật chất, nhưng bản tính - lại thuộc về tinh thần, tâm linh” [91; 243], là phi vật chất nhưng sự tồn tại của chúng lại cần đến “giá đỡ” vật chất: bộ não, ngôn ngữ, thư tịch

Với những nỗ lực không hề nhỏ, các nhà nghiên cứu phương Tây đã góp phần làm sáng tỏ bản chất của tư duy và cách thức tiến triển của tri thức loài người

Ở Việt Nam những nghiên cứu về tư duy theo lập trường triết học Mác thường tập trung làm rõ, cụ thể hóa những luận điểm đã được C.Mác, Ph Ănghen và V.I.Lênin trình bày trong kinh điển

Bài viết “Góp thêm một cách hiểu về tư duy” [133] của tác giả Nguyễn Thị

Thúy Vân (2013) đã phân tích bản chất và đặc trưng của tư duy ở những chiều cạnh sâu sắc Theo tác giả “tư duy không chỉ là sự phản ánh mà còn là một quá trình, một hoạt động” [133; 42] Tư duy phản ánh hiện thực khách quan nhưng

là sự phản ánh mang tính đặc thù, có sự biến đổi, cải biến “tách thoát khỏi sự tác động trực tiếp, bề ngoài, ngẫu nhiên của đối tượng để đi đến những nhận thức sâu sắc về bản chất, quy luật của đối tượng” [133; 44] Tư duy còn là một quá trình, một hoạt động tiến tới cái mới, biến đổi chính nó Dựa trên những phân tích của E.V Ilencov tác giả cũng đặt ra vấn đề quan trọng về sự phát triển của

tư duy ở đó sự tái tạo đối tượng trong tư duy không chỉ phụ thuộc vào bộ não,

Trang 17

ngôn ngữ, hoạt động thực tiễn mà còn phụ thuộc vào hình thức tư tưởng, những

“biểu tượng” tồn tại trong sinh tầng văn hóa

Các bài viết trong cuốn “Khoa học tư duy từ nhiều tiếp cận khác nhau”

[94] của tập thể các tác giả đã phân tích tư duy từ nhiều góc nhìn: triết học, tâm

lý học, xã hội học; trên nhiều phương diện và loại hình: tư duy giáo dục, tư duy nghệ thuật, tư duy kinh tế, tư duy phức hợp, tư duy hệ thống Cuốn sách cung cấp những tư liệu phong phú, những suy tư đầy tính gợi mở cho luận án

Tư duy cũng được phân loại theo nhiều lát cắt khác nhau Tác giả Trần

Đình Thỏa (2002) với bài viết “Một số vấn đề tư duy biện chứng mác - xít”[125]

đã khái quát và chỉ ra đặc điểm của một số loại hình tư duy: tư duy biện chứng

cổ đại, tư duy siêu hình, tư duy biện chứng duy tâm, tư duy biện chứng duy vật Trong đó tác giả nhấn mạnh tư duy biện chứng duy vật là loại hình tư duy phản ánh biện chứng của thế giới khách quan như nó vốn có, sử dụng phương pháp lôgic - lịch sử và trừu tượng - cụ thể Tuy nhiên, cách phân loại phổ biến nhất của các tác giả là phân chia tư duy thành hai trình độ: tư duy kinh nghiệm và tư duy lý luận, trong đó tư duy lý luận đặc biệt được coi trọng Liên quan đến vấn

đề này, cũng có một số công trình như “Ảnh hưởng của tư duy kinh nghiệm đối

với công cuộc đổi mới ở nước ta hiện nay” [143] của tác giả Trần Thị Thuận Vũ

(2014); “Tư duy lý luận và bản chất của nó”[109] của Phạm Hồng Quý (2004),

“Tư duy lý luận: Một số vấn đề cần quan tâm” [134] của Nguyễn Thị Bạch Vân

(2014) Các tác giả đều tập trung làm rõ điểm khác biệt giữa hai trình độ tư duy

và mối quan hệ giữa chúng

Vấn đề tiêu chuẩn của chân lý được các tác giả quan tâm lý giải Tác giả

Nguyễn Khắc Chương (2003) với bài viết “Tiêu chuẩn lôgic trong nhận thức

chân lý” [10]thừa nhận tiêu chuẩn lôgic của chân lý: “lôgic là sự kết tinh của trí

tuệ con người và khi phản ánh đúng hiện thực khách quan, nó cũng có giá trị khách quan để nhận thức chân lý” [10; 40] Tiêu chuẩn lôgic đóng vai trò quan trọng trong quá trình nhận thức nhưng so với thực tiễn nó cũng chỉ là cái “thứ

hai” Bài viết “Vấn đề tiêu chuẩn chân lý trong lịch sử triết học” [50] của tác giả

Nguyễn Tấn Hùng (2002) cũng trình bày nhiều quan điểm khác nhau về tiêu

Trang 18

chuẩn của chân lý: quan điểm lấy niềm tin làm tiêu chuẩn chân lý của tôn giáo, thần học; lấy lý tính làm tiêu chuẩn của triết học duy lý, lấy quan sát, thực nghiệm làm tiêu chuẩn của triết học duy nghiệm và lấy lợi ích, tính hiệu quả làm tiêu chuẩn của triết học thực dụng Tuy nhiên, tác giả cũng nhấn mạnh tính hợp

lý của quan điểm mácxít coi thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý Tác giả Lê Văn

Đoán (2008)cũng đồng ý với quan điểm trên trong bài viết “Nét đặc thù của

chân lý trong toán học” [28]

1.1.2 Tình hình nghiên cứu về sáng tạo và tư duy sáng tạo

Nghiên cứu về sáng tạo xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử, khi các nhà triết học Hi lạp cổ đại đưa ra những quan niệm đầu tiên về sáng tạo như quá trình sinh thành, biến đổi không ngừng (Hêracơlit); như cảm hứng thần thánh (Plato), thậm chí là sự mô phỏng, bắt chước (Aristotles) Nhưng chỉ đến thế kỉ XX,nghiên cứu về sáng tạo và xây dựng khoa học sáng tạo mới thực sự trở thành vấn đề khoa học có tính cơ bản

Mặc dù các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin không trực tiếp nghiên cứu những vấn đề lý luận về sáng tạo nhưng thấm sâu trong quan điểm của các ông, sáng tạo luôn được coi là thuộc tính bản chất của con người, của hoạt động người và của văn hóa Trong quá trình luận bàn về thế giới, con người

và tư duy của họ, chỉ ra tính đặc thù của con người và hoạt động người, cũng như lý giải nguyên nhân, động lực cho sự tiến bộ, phát triển của xã hội các ông đều trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến hoạt động sáng tạo của con người

Con người xét về bản chất là “thực thể tự nhiên có tính chất người, nghĩa là thực thể tồn tại cho bản thân mình và do đó là thực thể loài” [83; 232 - 234];

“hoạt động sinh sống có ý thức phân biệt trực tiếp con người với hoạt động sinh sống của con vật Con người là một sinh vật có ý thức, nghĩa là đời sống của bản thân con người là một đối tượng đối với con người” [83; 234] Nhờ tính chất đặc biệt ấy, con người không hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên mà cải tạo tự nhiên, sáng tạo ra đời sống của mình, không ngừng phát triển nó Trong quá trình hoạt động có ý thức, con người chuyển hóa tự nhiên thành văn hóa, là chủ thể của hoạt động, từng bước vươn tới trở thành chủ thể tự do như Ph Ăngghen

Trang 19

nhận định mỗi bước tiến lên trên con đường văn hóa chính là một bước tiến tới

tự do Những chỉ dẫn có tính chất phương pháp luận trên là cơ sở triết học quan trọng cho việc nghiên cứu vấn đề sáng tạo

Từ thế kỉ XX cho đến nay, trên thế giới, sáng tạo được quan tâm nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực triết học, tâm lý học, phương pháp luận mà lĩnh vực đi đầu và có đóng góp nhiều cách tiếp cận nghiên cứu, nhiều kết quả đa dạng là tâm lý học

Tác giả Vưgôtxki (1985) trong “Trí tưởng tượng sáng tạo ở lứa tuổi thiếu

nhi” [144] cho rằng chúng ta cần xem xét sáng tạo như một quy luật có mặt

trong mọi lĩnh vực của thế giới vật chất và tinh thần Sáng tạo là loại hình hoạt động ở đó con người không chỉ tái hiện hình ảnh, kinh nghiệm đã có mà còn tạo nên những biểu tượng, hành động mới, có sự tham gia, tác động qua lại của tư duy và tưởng tượng Từ đó, ông rút ra nhiều kết luận sư phạm cho việc phát triển trí tưởng tượng sáng tạo ở lứa tuổi thiếu nhi

Bài viết “Triết học về sáng tạo” (Philosophy of Creativity) [150] của tác

giả B Gaut (2010) đã khái quát ngắn gọn những thành tựu nghiên cứu về sáng tạo trong tâm lý học, đưa ra quan niệm chung về sáng tạo Đặc biệt ông đã đặt ra vấn đề về sự cần thiết có sự liên ngành giữa triết học và tâm lý học trong nghiên cứu về sáng tạo bởi: trong khi tâm lý học đã phát triển khá phong phú, có nhiều thành tựu nghiên cứu về sáng tạo thì triết học còn ít những nghiên cứu khái quát những thành tựu ấy thành những vấn đề lý luận; còn tâm lý học vì xa rời triết học, nên có nhiều những nghiên cứu mang tính “phát hiện lại” những gì đã được nghiên cứu trong triết học [Xem: 150]

Ở Việt Nam, số công trình nghiên cứu về sáng tạo tuy chưa phong phú nhưng cũng đã đạt được những kết quả bước đầu, khai mở cho một lĩnh vực còn mới mẻ trong giới nghiên cứu

Tác giả Nguyễn Văn Huyên với một loạt các bài báo về sáng tạo: Văn hóa

thẩm mỹ và hoạt động sáng tạo của con người (1988); Quá trình sáng tạo và sự phát triển nhân cách (1995); Sự hình thành con người với tư cách chủ thể sáng tạo (1997) đã khẳng định sáng tạo là tiêu chí quan trọng trong việc khẳng định

Trang 20

bản chất, năng lực, nhân cách của con người Con người với tư cách chủ thể sáng tạo được thúc đẩy hoạt động bởi đam mê, sự lựa chọn và nghĩa vụ xã hội tạo ra các giá trị mới Quá trình sáng tạo có đặc trưng là kết quả của nó đồng thời là khởi đầu cho quá trình sáng tạo tiếp theo

Tác giả Lê Huy Hoàng (2002) với cuốn Sáng tạo và những điều kiện chủ yếu

để kích thích sự sáng tạo của con người Việt Nam hiện nay [42]đã hệ thống, khái

quát những quan niệm về sáng tạo trong lịch sử triết học từ thời Hi lạp cổ đại với quan niệm thần thánh hóa hoạt động sáng tạo nghệ thuật (Platon), thời cổ đại sáng tạo chịu ảnh hưởng của quan niệm tôn giáo, sáng tạo đích thực là thuộc về Chúa, đến thời Phục Hưng đề cao sáng tạo nghệ thuật “sự sáng tạo luôn được thể hiện như một nghệ thuật, mà bản chất đặc trưng của nó là ở tính trực quan” [42; 16], thời kì Khai sáng sáng tạo là kết quả của quá trình suy tư với khả năng thực tiễn tạo ra sản phẩm cụ thể và ở triết học cổ điển Đức, bản chất của sáng tạo là hoạt động thực tiễn - tinh thần mang các đặc trưng cơ bản như tính hợp lý, tự do, tính phổ biến và tính toàn vẹn Tác giả cũng phân tích bản chất của sáng tạo trên lập trường triết học mácxít và chỉ ra những điều kiện cơ bản kích thích sáng tạo Theo tác giả: “sáng tạo là quá trình hoạt động của con người, trên cơ sở nhận thức được các quy luật của thế giới khách quan, tạo nên những giá trị tinh thần và vật chất mới về chất, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của xã hội” [42; 39]

Cuốn “Diện mạo triết học phương Tây hiện đại” [47] của tác giả Đỗ Minh

Hợp (2006) truyền tải nhiều quan điểm có giá trị của triết học phương Tây hiện đại về tồn tại người, văn hóa, khoa học và lịch sử giúp soi sáng những chiều cạnh đa dạng của sáng tạo và tư duy sáng tạo trong nền văn hóa Ở đây, con người được đặt ở vị trí trung tâm của triết học, con người với tư cách “thực thể thường xuyên tìm kiếm bản thân mình, suy xét, thể nghiệm bản thân và điều kiện tồn tại của mình” [47; 221] Cách tiếp cận khoa học - khách quan không đủ

để làm sáng tỏ con người nhất là chiều sâu tâm linh của nó, tính người của nó Sáng tạo là một trong những đặc trưng cho tính người, tồn tại người: “năng lực trở thành con người là năng lực trở nên không đồng nhất với hoạt động của mình”; “con người vượt lên trên cái mà nó đã thực hiện” [47; 249] Sáng tạo là

Trang 21

khả năng con người tự phủ định chính mình, “làm phong phú thế giới bao quanh

và bản thân mình bằng những ý nghĩa mới” [47; 252] Sáng tạo cũng đồng nghĩa với tự do, với khả năng con người lựa chọn bản thân một cách có trách nhiệm

Trong cuốn “Tâm lý học sáng tạo” [95] của tác giả Phạm Thành Nghị

(2013), những nội dung cơ bản của lĩnh vực sáng tạo đã được lý giải với những chiều cạnh phong phú, đa dạng dưới góc độ của khoa học tâm lý Tác giả đã xác định “Tâm lý học sáng tạo là lĩnh vực tri thức về con đường con người tạo dựng cái mới, có tính độc đáo và có giá trị trong các lĩnh vực hoạt động khác nhau” [95; 9] Tuy nhiên cái mới ở đây được nghiên cứu là “cái mới sinh ra ở cấp độ tâm lý” [95; 9] Tác giả cũng đã phân tích khái niệm sáng tạo, bản chất của quá trình sáng tạo, các thuộc tính, cấp độ của sáng tạo Sáng tạo là quá trình tạo ra cái mới có giá trị với sự tham gia của hai loại hiện tượng tâm lý là hiện tượng lôgic và trực giác, sự tác động của các yếu tố chủ quan và khách quan

Trong sách này, tác giả cũng giới thiệu một số lý thuyết về sáng tạo trong tâm lý học trên những nét cơ bản Lý thuyết về“dòng sáng tạo” của Csikszentimihalyi , đó là dòng chảy dẫn đến sự phát hiện khi mà chủ thể hòa tan vào dòng chảy sáng tạo không còn ý thức được sự tách bạch của mình trong suốt quá trình đó Lý thuyết thành tố sáng tạo của Amabile trong đó sáng tạo bao gồm ba loại kĩ năng: kĩ năng lĩnh hợp phù hợp, kĩ năng sáng tạo phù hợp và động cơ công việc Tuy nhiên, dựa trên cơ sở học thuyết hoạt động tâm lý của Leontive, tác giả cho rằng: “Sáng tạo cần được xem như một hoạt động giải quyết vấn đề chứ không thể xem xét đơn giản như một thao tác hay một kĩ năng

tư duy” [95; 127] Sáng tạo bao gồm các thành tố: động cơ, hành động lôgic và hành động trực giác

Công trình có quy mô ở Việt Nam nghiên cứu về sáng tạo dưới góc độ phương pháp luận phải kể đến là bộ sách 7 tập của tác giả Phan Dũng (2010) Tác giả đã đưa ra những phân tích khái quát về sáng tạo và xây dựng cơ sở khoa học cho phương pháp luận sáng tạo và đổi mới [15], ở đó, khái niệm sáng tạo được tác giả hiểu theo nghĩa rộng không chỉ là hoạt động của con người mà còn là hoạt động của tự nhiên - “là hoạt động tạo ra bất kì cái gì có đồng thời tính mới và tính ích

Trang 22

lợi” [15;21]; trình bày một cách hệ thống các phương pháp, kĩ năng sáng tạo [17,18,19,20] và nghiên cứu tư duy sáng tạo dưới góc độ tâm lý [16]

Trụ cột chính cho các phân tích của tác giả là quan điểm sáng tạo của Alshuller với cách tiếp cận khách quan về sáng tạo, lý thuyết giải các bài toán sáng chế, hệ thống các phương pháp và thủ thuật sáng tạo Tác giả coi “đây là cách tiếp cận duy nhất hiện nay trong lĩnh vực sáng tạo và đổi mới, nhắm đến xây dựng phương pháp luận” [21; 14] Lý thuyết giải các bài toán sáng chế “là một lý thuyết chứ không phải là một trong số các phương pháp sáng tạo của phương pháp luận sáng tạo và đổi mới”, “lý thuyết tương đối khái quát về sự phát triển của các hệ thống” [21; 40] Nhiệm vụ của nó là đi tìm các quy luật phát triển hệ thống dựa trên các thông tin về sự phát triển, kể cả những phát triển không có con người tham gia Quy luật khách quan của phát triển hệ thống giúp xây dựng cơ chế định hướng trong tư duy sáng tạo Ngoài ra, tác giả còn giới thiệu cho độc giả rất nhiều các trường phái, phương pháp sáng tạo đa dạng trên thế giới

Khái niệm tư duy sáng tạo mới chỉ thực sự được bàn đến như một khái niệm khoa học từ thế kỉ XX trở lại đây với hướng nghiên cứu đi sâu phát hiện đặc điểm, phương pháp, kĩ năng đặc thù của loại tư duy này Năm 1938, tác giả Alex Osborn đưa ra phương pháp “tập kích não” (Brainstorming Method) nhằm kích thích tư duy sáng tạo phát sinh ý tưởng Phương pháp này có mục đích thu được thật nhiều ý tưởng mới mẻ để giải quyết vấn đề bằng cách làm việc tập thể theo những quy tắc nhất định như: tập thể phát các ý tưởng phải có những người thuộc các ngành nghề, lĩnh vực chuyên môn khác nhau; quá trình các thành viên tạo ra ý tưởng phải thật sự tự do, thoải mái, không có bất cứ sự phê bình, nhận xét nào; quá trình phát ý tưởng và quá trình đánh giá, phân tích các ý tưởng phải độc lập với nhau Đây là phương pháp hiệu quả để thu thập ý tưởng, tuy nhiên, không phải là phương pháp vạn năng

Sau tác giả Alex Osborn, tác giả Eward de Bono nổi tiếng với việc giới thiệu nhiều phương pháp tư duy sáng tạotrong đó nổi bật là phương pháp tư duy chiều ngang (Lateral Thinking Method) và phương pháp sáu chiếc mũ tư duy

Trang 23

(Method of Six Thinking Hats) Phương pháp “Sáu chiếc mũ tư duy” [5]được

ông công bố vào năm 1985 với mục đích lý giải những góc nhìn, chiều cạnh, sắc thái trong tư duy và sự kết hợp chúng trong quá trình suy nghĩ sẽ đưa ra cách giải quyết vấn đề hiệu quả nhất Ông chia suy nghĩ nói chung thành sáu dạng, mỗi chiếc mũ với màu sắc khác nhau tượng trưng cho một dạng thức của suy nghĩ Mũ trắng: kiểu suy nghĩ trung lập, khách quan; mũ đỏ: kiểu suy nghĩ cảm xúc, tình cảm; mũ đen: kiểu suy nghĩ phát hiện nhược điểm; mũ vàng: kiểu suy nghĩ phát hiện ưu điểm; mũ xanh lá cây: kiểu suy nghĩ sáng tạo, phát hiện ý tưởng; mũ xanh da trời: kiểu suy nghĩ bao quát có chức năng đánh giá, tổ chức, sắp xếp các kiểu suy nghĩ khác

Trong cuốn “Tư duy chiều ngang” [149] Edward de Bono (1990) phân chia

tư duy dựa trên quan niệm về chức năng trí não với tư cách là một hệ thống tự tổ chức tạo ra các mẫu hình để lưu trữ thông tin, đồng thời có khả năng biến đổi chúng Tư duy chiều ngang là sự tái cấu trúc lại các mẫu, thoát khỏi các mẫu đã định hình và tạo ra các mẫu mới Sự thật là vấn đề quan tâm của tư duy chiều đứng, còn sự giàu có về tư tưởng là vấn đề của tư duy chiều ngang Tư duy chiều ngang không có mục đích tìm kiếm chỉ một giải pháp cho vấn đề mà mở

ra những con đường mới ngay cả khi đã tìm được phương án khả thi

Tác giả Joelau và Jonathan Chan [154] nghiên cứu về tư duy sáng tạo trong

sự so sánh với tư duy phê phán (critical thinking), nếu tư duy phê phán là tư duy chính xác, rõ ràng, lý tính thì tư duy sáng tạo như một dạng thức tư duy tạo ra các ý tưởng mới; đồng thời phân tích các nguyên tắc cơ bản của tư duy sáng tạo

và trình bày các bước cơ bản của quá trình sáng tạo

Trong “Đột phá sức sáng tạo” [89], tác giả Michael Michalko (2007) khảo

sát các “chiến lược tư duy” của các thiên tài nhằm phát hiện ra cách thức tư duy tạo ra các ý tưởng mới, có tính đột phá Thông qua chín chiến lược tư duy, tác giả đã phân tích, gợi mở tính độc đáo của tư duy sáng tạo như: khả năng nhìn nhận vấn đề theo nhiều góc độ, khả năng kết hợp những yếu tố ngẫu nhiên, năng lực tưởng tượng, hình tượng hóa suy nghĩ, năng lực vượt lên kinh nghiệm đã có

Trang 24

và những điều đã được thừa nhận Những phân tích của tác giả có sức gợi mở lớn đối với việc làm rõ đặc điểm của tư duy sáng tạo

Trong tác phẩm “Tâm lý học sáng tạo” [95] tác giả Phạm Thành Nghị

(2013) cũng giới thiệu nhóm các lý thuyết quan niệm tư duy sáng tạo là hoạt động giải quyết vấn đề một cách sáng tạo bao gồm lý thuyết chức năng trí tuệ của Guilford (trong đó tư duy phân kì và tư duy hội tụ là hai thao tác quan trọng nhất trong cấu trúc của trí tuệ), lý thuyết tư duy định hướng của Eward de Bono,

lý thuyết ba thành tố của Sternberg, mô hình tương tác giữa lĩnh vực - cá nhân - chuyên ngành của Csikszentimihalyi, tư duy ẩn dụ và giải quyết vấn đề của Gordon, và kịch bản xã hội của Torrance Trên cơ sở đó, tác giả đi đến khẳng định tư duy sáng tạo như là “hoạt động giải quyết vấn đề mới”, trong đó “Tư duy sáng tạo là sự thống nhất của yếu tố trực giác và yếu tố lôgic” [95; 219]

Tác giả Phan Dũng (2010) trong “Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới”

[15] quan niệm tư duy sáng tạo là loại tư duy “nhìn xa, trông rộng, xem xét toàn diện, thấy và giải quyết các mâu thuẫn để tạo ra sự phát triển liên tục, đầy đủ, ổn định và bền vững” Tác giả khẳng định: “Sáng tạo học có đối tượng nghiên cứu và tác động là tư duy sáng tạo (quá trình suy nghĩ giải quyết vấn đề và ra quyết định) của con người Trong đó, các nghiên cứu cơ bản có nhiệm vụ phát hiện các quy luật của tư duy sáng tạo Trên cơ sở các quy luật tìm ra, các nghiên cứu ứng dụng xây dựng và phát triển các phương pháp nhằm hoàn thiện tư duy sáng tạo” [15; 90] Ngoài ra, một số luận án tiến sĩ có bàn về tư duy sáng tạo trong đó có luận

án tiến sĩ chuyên ngành khoa học giáo dục của tác giả Đỗ Ngọc Miên (2014):

“Phát triển một số yếu tố của tư duy sáng tạo cho học sinh tiểu học” [88] Nhìn

chung, các luận án đều tập trung lý giải tư duy sáng tạo là quá trình tư duy không chỉ tái hiện, tái tạo thông tin đã có mà còn tạo ra tri thức mới về đối tượng

và chỉ đạo hoạt động thực tiễn của con người: “tư duy sáng tạo là tư duy có khuynh hướng phát hiện và giải thích bản chất sự vật theo lối mới, hoặc tạo ra ý tưởng mới, cách giải quyết mới không theo tiền lệ đã có” [88; 17]

Trang 25

1.2 Tình hình nghiên cứu về các loại hình của tƣ duy sáng tạo

1.2.1 Tình hình nghiên cứu về tư duy sáng tạo trong khoa học

Trong Bản thảo kinh tế triết học1844, C Mácđã có những chỉ dẫn quan

trọng về mục đích, bản chất của khoa học Khoa học, suy cho cùng là nghiên cứu về con người, điều đó thể hiện trong những tiên đoán của C Mác về sự phát triển của khoa học tự nhiên: “Về sau, khoa học tự nhiên bao hàm trong nó khoa học về con người cũng như khoa học về con người bao hàm trong nó khoa học

về tự nhiên: đó sẽ là một khoa học” [83; 179] C Mác cho rằng dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp, các khoa học tự nhiên lúc đó: “đã thâm nhập một cách thực tiễn vào đời sống con người” đã “phát huy một cách đại chúng lực lượng bản chất của con người” Bởi đối tượng nghiên cứu của khoa học tự nhiên không phải là tự nhiên “thuần túy” mà là: “Tự nhiên sinh thành trong lịch

sử loài người - trong hành vi xuất hiện của xã hội loài người - là tự nhiên hiện thực của con người” [83; 178 - 179]

“Tri thức khách quan” [103]của tác giả Karl Popper(2014) trực tiếp bàn về

vấn đề tiến bộ tri thức trong khoa học Trên cơ sở phê phán phép quy nạp truyền thống, những mâu thuẫn trong giải quyết vấn đề quy nạp của Hume, Karl Popper

đề xuất cách tiếp cận mới đối với vấn đề quy nạp “khái niệm quy nạp thông qua

sự lặp đi lặp lại hẳn là một sai lầm - một loại ảo giác” [103; 28], không có gì chắc chắn, tuyệt đối đúng cả Do đó “ta phải xem mọi quy luật hoặc lý thuyết đều mang tính giả thuyết hay tính phỏng định, có nghĩa chúng chỉ là những phỏng đoán” [103; 31] bởi vì tất cả chúng cuối cùng đều có nguy cơ “bị đổ” Vấn đề đặt ra đối với nhận thức không phải là đi tìm kiếm nền tảng chắc chắn cho tri thức như cách mà một số nhà triết học trước ông đã làm mà cần đưa ra tiêu chuẩn lựa chọn lý thuyết

Trên cơ sở đó ông đã “khởi thảo phương pháp luận phê phán” của mình và đưa ra định luật kiểm sai Vấn đề phân biệt giả thuyết đúng - sai trong khoa học chuyển thành vấn đề phân biệt giả thuyết bị bác bỏ - giả thuyết chưa bị bác bỏ bởi vì cuối cùng tất cả rồi cũng sẽ bị bác bỏ, trong đó “chúng ta ưu tiên lựa chọn những lý thuyết mà chỗ sai lầm của chúng chưa được xác định” [103; 30] Một

Trang 26

lý thuyết “có khả năng được coi là lý thuyết đúngvì cho đến thời điểm t, sai lầm của nó chưa được bộc lộ” [103; 37] Đối với những lý thuyết “cạnh tranh” nhau tức đưa ra các giải pháp khác nhau cho cùng một vấn đề, cần sử dụng phương pháp phê phán để “thử và loại bỏ sai lầm”, “đề xuất các lý thuyết và thử thách chúng bằng những phép thử nghiêm ngặt nhất” [103; 40] Lý thuyết nào được trắc nghiệm nhiều nhất, có khả năng đứng vững trước sự phê phán sẽ là lý thuyết khả quan nhất, có “độ xác chứng” cao nhất Tuy nhiên một lý thuyết khả quan ở thời điểm này không có nghĩa là nó sẽ khả quan ở thời điểm sau đó Sự tăng trưởng của tri thức chính là việc không ngừng đặt lại những vấn đề về nhận thức

và đặt các lý thuyết dưới ánh sáng của sự phê phán không ngừng

Cuốn “Cấu trúc của các cuộc cách mạng khoa học” [66] của tác giả

Thomas Kuhn (2008) đã làm rõ cơ chế của sáng tạo khoa học thông qua sự biến đổi “mẫu hình”, sáng tạo khoa học là thay đổi khái niệm, thay đổi cách nhìn về thế giới, phương pháp tiến hành nghiên cứu

Khái niệm trung tâm trong luận giải vấn đề của Kuhn là khái niệm “mẫu hình” (hay còn được dịch là chuẩn thức), nhờ đó tác giả lý giải nội hàm khái niệm khoa học chuẩn định và cách mạng khoa học Mẫu hình là yếu tố cấu thành của hoạt động nghiên cứu “đơn vị cơ bản dùng để nghiên cứu sự phát triển của khoa học” [66; 51], nền tảng xuất phát điểm cho thực tiễn nghiên cứu của khoa học và được cộng đồng khoa học thừa nhận Khoa học chuẩn định là khoa học phát triển dựa trên mẫu hình đã được cộng đồng các nhà khoa học thừa nhận Cách mạng khoa học là sự thay thế mẫu hình

Những phân tích của Thomas Kuhn giúp chúng ta hình dung trên những nét chung và đại thể quá trình phát triển nội tại của khoa học, phương thức mà nhờ

đó một lý thuyết mới ra đời thay thế lý thuyết cũ và mối quan hệ giữa chúng Tuy nhiên, sơ đồ lôgic mà Kuhn nêu ra chưa thể khái quát hết tính đa dạng, phức tạp trong tiến trình phát triển của tri thức khoa học, đặc biệt những yếu tố, điều kiện văn hóa, xã hội chưa được tác giả đề cập đến ở đây, mà trong nhiều trường hợp trở thành nguyên nhân cơ bản cho sự phát triển của khoa học Tuy

Trang 27

nhiên, những luận cứ và phân tích của ông gợi mở rất nhiều suy tư về quá trình sáng tạo tri thức khoa học của con người

Trong bài viết “Tư duy lôgic bộ phận hợp thành của tư duy khoa học” [137]

tác giả Vũ Văn Viên (2006) đưa ra các cách tiếp cận khác nhau về khoa học, từ đó

đi đến khái quát đặc trưng của tư duy khoa học: “Tư duy khoa học là giai đoạn cao của quá trình nhận thức, được thực hiện dựa trên một cách tiếp cận nhất định, thông qua một loạt các thao tác tư duy lôgic xác định của chủ thể nhằm sản xuất

ra các tri thức mới dưới dạng các khái niệm, phạm trù, quy luật, lý thuyết với mục đích phản ánh ngày càng sâu sắc hơn, chính xác hơn, đầy đủ hơn về đối tượng cũng như việc vận dụng hiệu quả nhất các tri thức đã có vào thực tiễn” [137; 33] Các yếu tố hợp thành của tư duy khoa học bao gồm: phương pháp luận, tư duy lôgic, khả năng vận dụng, tổng kết thực tiễn và khái quát lý luận, trong đó tư duy lôgic đóng vai trò quan trọng Muốn phát triển tư duy khoa học cần rèn luyện tư duy lôgic, do đó, cần học tập, nghiên cứu lôgic học

Luận án tiến sĩ “Tìm hiểu một số nét mới của tư duy khoa học hiện đại”[35]

của tác giả Phạm Duy Hải (1994) tập trung làm rõ những nét mới của tư duy khoa học trong giai đoạn cách mạng khoa học công nghệ Trong đó, tác giả đã phân tích bản chất và những đặc điểm của tư duy khoa học, các yếu tố, bộ phận chủ yếu của tư duy khoa học, các giai đoạn cơ bản trong quá trình phát triển của

tư duy khoa học và đặc điểm, một số nét mới của tư duy khoa học hiện đại.Tư duy khoa học được xác định như trình độ cao của quá trình nhận thức thế giới, phản ánh thế giới một cách khái quát, trừu tượng dưới hình thức các phạm trù, phán đoán, suy luận nhằm nắm bắt bản chất, quy luật của thế giới Các bộ phận cấu thành của tư duy khoa học bao gồm: khách thể, đối tượng; chủ thể; sản phẩm của tư duy khoa học là các tri thức khoa học mới

Đóng góp nổi bật của luận án là làm rõ đặc điểm của tư duy khoa học hiện đại: tính không đóng kín của các quan niệm khoa học mới, “tính mở” của các khái niệm, phạm trù, lý thuyết; tính nghịch lý, khác thường của cách suy nghĩ mới, tính tổng hợp của tư duy khoa học và phân tích một số nét mới của tư duy khoa học hiện đại: tính trừu tượng và khái quát cao, tính đa dạng trong sự thống

Trang 28

nhất các loại hình và phương hướng phát triển của tư duy khoa học mới, sự tăng cường và phát huy cao độ vai trò của các nhân tố phi lý tính, tính khổng lồ về năng lực, tính nhân văn Công trình của tác giả đã đề cập những vấn đề tương đối toàn diện về tư duy khoa học, cung cấp tri thức phong phú góp phần giúp luận án làm rõ đặc điểm của tư duy sáng tạo trong khoa học

Tác giả Đức Uy trong “Tâm lý học sáng tạo” nhấn mạnh vai trò của tưởng

tượng, trực giác trong sáng tạo khoa học Phát minh được hình thành như thế nào, những kiến thức khoa học mới về nguyên tắc được hình thành như thế nào phụ thuộc vào vai trò của tưởng tượng, trực giác; nhờ đó, ý tưởng mới được tạo

ra mà sau đó được chứng minh bằng lôgic

1.2.2 Tình hình nghiên cứu về tư duy sáng tạo trong nghệ thuật

Cuốn “Giáo trình mỹ học đại cương” [58] của hai tác giả Nguyễn Văn

Huyên và Đỗ Huy (2004) đã phân tích sâu sắc, thấu đạt những vấn đề quan trọng nhất về nghệ thuật: nguồn gốc, bản chất nghệ thuật, đặc trưng và cấu trúc của nghệ thuật, quá trình sáng tạo nghệ thuật và vai trò của nghệ thuật trong đời sống xã hội

Xét về bản chất, nghệ thuật là hình thái ý thức xã hội đặc thù phản ánh hiện thực và vận động theo quy luật của hiện thực nhưng phản ánh nghệ thuật có tính độc đáo, đặc trưng riêng Nghệ thuật sinh ra từ nhu cầu cảm thụ và sáng tạo cái đẹp của con người: “Cái đẹp là đất sống và là bản chất của nghệ thuật vì nó dưỡng sinh nòi giống, dưỡng sinh dân tộc, dưỡng sinh đời sống đã tạo ra cái đẹp

đa dạng, phong phú” [58; 241]

Cuốn sách đã đi sâu làm rõ đặc trưng nghệ thuật, đặc biệt vấn đề hình tượng nghệ thuật và chân lý nghệ thuật Nghệ thuật phản ánh cuộc sống bằng hình tượng nghệ thuật Theo các tác giả, nghệ thuật không đối lập với khoa học, vấn đề không phải “khoa học gắn liền với chân lý còn nghệ thuật gắn liền với giá trị” [58; 275] Vấn đề ở chỗ: “không thể tách bạch cái gọi là chân lý khoa học hay chân lý nghệ thuật” [58; 276] bởi “trong tác phẩm nghệ thuật vĩ đại bao giờ cũng chứa đựng những chân lý vô cùng sâu sắc” [58; 277] Tác giả đưa ra khái niệm “sự thật nghệ thuật” là sự kết tinh của Chân - Thiện - Mỹ làm cho

Trang 29

“sức mạnh ưu trội của nghệ thuật là ở chỗ nó đem lại cho con người loại chân lý

mà ở đó người ta có thể tin, có thể yêu và hi vọng” [58; 284]

Vấn đề sáng tạo nghệ thuật cũng được tác giả phân tích ở những chiều cạnh sâu sắc: sáng tạo nghệ thuật có sự tham gia của yếu tố tình cảm và lý trí; tài năng nghệ thuật là một chỉnh thể thống nhất giữa các mặt sinh lý và tâm lý, lý trí và tình cảm, cá nhân và xã hội của chủ thể thẩm mỹ thể hiện ở tính độc đáo trên mọi phương diện của quá trình sáng tạo Sáng tạo nghệ thuật nhằm tạo ra cái mới đem lại giá trị cho cuộc sống con người, là sự tự hoàn thiện chính mình của con người.Những luận điểm trong cuốn sách đã định hướng cho luận án nghiên cứu về tư duy sáng tạo trong nghệ thuật

Tác phẩm “Truyền thống và việc sáng tạo cái mới trong nghệ thuật” [87]

của tác giả F Ma - Tư - Xin và Van - Slốp (1966) phân tích mối tương quan giữa cái mới và cái cũ trong nghệ thuật, giữa truyền thống và việc sáng tạo cái mới Tác giả đánh giá cao vai trò của truyền thống trong sáng tạo nghệ thuật, đòi hỏi việc sáng tạo cái mới trong nghệ thuật cần có sự kế thừa di sản quá khứ: “nghệ thuật của mỗi thời đại không ra đời trên miếng đất trống không; trái lại nó là kết quả của sự phát triển từ trước của nghệ thuật, nó kế thừa và phát triển các thành tựu của nghệ thuật” [87; 24] Tuy nhiên, tác giả cũng phê phán việc bắt chước cái

cũ, tiếp thu truyền thống một cách thụ động Chỉ có thể “thực sự phát triển truyền thống trong nghệ thuật trong sự thống nhất hữu cơ với việc thật sự sáng tạo cái mới” [86; 36]

Trong cuốn “Cái đẹp - Một giá trị” [51] của tác giả Đỗ Huy (1984) cho

rằng hoạt động sản xuất nghệ thuật “vừa là hoạt động phản ánh vừa là hoạt động biến đổi đối tượng” [51;107] Hoạt động sáng tạo nghệ thuật “là một cuộc tổng động viên to lớn giữa nhận thức và xúc cảm, giữa kinh nghiệm thẩm mỹ và thế giới quan, giữa năng khiếu và sự rèn luyện, giữa tưởng tượng và mơ ước” [51; 112] Bản chất của nghệ thuật là phản ánh cuộc sống, nắm bắt cái tất yếu, cái bản chất của cuộc sống Tác phẩm cũng đi sâu phân tích giá trị nghệ thuật biểu hiện trên nhiều phương diện: thế giới quan và nhân sinh quan, cấu trúc hình tượng của tác phẩm nghệ thuật, lý tưởng thẩm mỹ và hình thức nghệ thuật

Trang 30

Cuốn “Nghệ thuật học”[64] của tác giả Đỗ Văn Khang (2001) giới thiệu

các học thuyết về nguồn gốc của nghệ thuật, các thành tựu nghệ thuật cơ bản của phương Đông và phương Tây trong quá trình phát triển lịch sử loài người, các loại hình sáng tạo nghệ thuật với những đặc trưng cơ bản Tác giả xác định đối tượng nghiên cứu của nghệ thuật học: “Nghệ thuật học lấy cái đẹp làm phạm trù

cơ bản và trung tâm, hình tượng là tiếng nói đặc trưng, và lý tưởng thẩm mỹ làm

cơ sở để xem xét quá trình phát sinh, hình thành và phát triển của nghệ thuật” [64; 6] Đây là nguồn tư liệu phong phú cho đề tài khi tìm hiểu về đặc trưng của nghệ thuật và tư duy sáng tạo trong nghệ thuật

Trong cuốn “Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về văn hóa” [31] của

tác giả Phạm Duy Đức (2008) và tập thể các tác giả đã khái quát quan điểm của các nhà kinh điển về nguồn gốc, bản chất của nghệ thuật, về tự do sáng tạo nghệ thuật, về việc xây dựng nền văn học, nghệ thuật xã hội chủ nghĩa, cung cấp những dẫn chứng và chất liệu nghiên cứu cho luận án

Cuốn “Lý luận văn học” [29] của tác giả Hà Minh Đức (1997)và tập thể các

tác giả đã phân tích, làm rõ những đặc trưng của nghệ thuật trên các phương diện như đối tượng, tư duy nghệ thuật, hình tượng nghệ thuật và điển hình nghệ thuật Các tác giả cho rằng: nghệ thuật phản ánh hiện thực “trong mối quan hệ thẩm mỹ với con người” [29;16], trong đó con người là trung tâm chú ý, là đối tượng chủ yếu của nghệ thuật; đặc trưng của tư duy nghệ thuật là tư duy hình tượng trong đó cái chung được phản ánh thông qua cái cụ thể “mang tính đại diện, mang tính quy luật” Trên cơ sở lý luận chung, cuốn sách đi sâu làm rõ những vấn đề cơ bản về văn học với tư cách là loại hình nghệ thuật căn bản

1.2.3 Tình hình nghiên cứu về tư duy sáng tạo trong các lĩnh vực khác

Trong cuốn “Tâm lý học sáng tạo” [95]tác giả Phạm Thành Nghị (2013)

cho rằng sáng tạo là “năng lực tiềm ẩn trong mỗi con người”, đó là “sáng tạo của mọi người trong quá trình đấu tranh sinh tồn” [95; 136] để thích nghi một cách mềm dẻo, linh hoạt với cuộc sống Sáng tạo trong cuộc sống thường ngày thể hiện ở tính mới và có giá trị của sản phẩm sáng tạo, cả tính mới, tính độc đáo trong kinh nghiệm của con người: “Sáng tạo thường ngày của chúng ta không cụ

Trang 31

thể về hoạt động nào mà về cách tiếp cận cuộc sống, giúp chúng ta mở rộng kinh nghiệm và lựa chọn và chính việc đó đã tác động sâu sắc đến việc chúng ta là ai

và chúng ta muốn trở thành người như thế nào” [95;134] Ngoài ra tác giả còn trình bày 12 đặc điểm của cuộc sống sáng tạo giúp nuôi dưỡng sáng tạo thường ngày: cởi mở, hợp tác, năng động, hội nhập, phát triển, dũng cảm

Bài viết “Tư duy sáng tạo, bản chất nhân văn trong kinh tế thị trường định

hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta” [59] củatác giả Nguyễn Văn Huyên (2006)

phân tích tư duy sáng tạo của Đảng về việc lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thông qua phân tích những đặc trưng của mô hình này về chế độ sở hữu, tổ chức quản lý và chế độ phân phối và đặc biệt, tính chất nhân văn của mô hình này với mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với phát triển

xã hội

Cuốn “Phá rào trong kinh tế vào đêm trước đổi mới” [98], “Tư duy kinh tế

Việt Nam giai đoạn 1975 - 1989” [99] của tác giả Đặng Phong (2016) không chỉ

cung cấp bức tranh chân thực, phong phú về kinh tế Việt Nam trước và sau đổi mới mà còn cho thấy tư duy sáng tạo của Đảng và các tầng lớp nhân dân trong quá trình đi tìm con đường, cách thức mới để phát triển kinh tế Việt Nam

Bài viết “Bài học về sự sáng tạo của cách mạng tháng tám trong công cuộc

đổi mới hiện nay” [101] của tác giả Nguyễn Trọng Phúc (2007) tập trung làm rõ

sự sáng tạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc lãnh đạo cuộc cách mạng tháng 8 thành công trên các phương diện cơ bản: sự sáng tạo trong đường lối chiến lược và sách lược, sự sáng tạo trong chủ trương tập hợp lực lượng, sự sáng tạo về hình thức và phương pháp đấu tranh, sự sáng tạo trong chớp thời cơ và đẩy lùi nguy cơ Đó là những kinh nghiệm quý báu

để Đảng tiếp tục lãnh đạo đất nước trong thời kì đổi mới, xây dựng đất nước

“quá độ” lên chủ nghĩa xã hội

Cuốn “Thế giới phát minh” [23] của tác giả V.A Giscard D‟estaing (1993)

đã cung cấp những tư liệu về các sáng chế, cải tiến trong các lĩnh vực đa dạng của đời sống như y học, âm nhạc, nhiếp ảnh, điện ảnh, giao thông vận tải, đồ chơi, tin học, nông nghiệp, sinh thái, năng lượng, công nghiệp, quân sự, văn bản,

Trang 32

nghe nhìn, liên lạc viễn thông Tác phẩm cung cấp nguồn chất liệu phong phú cho luận án khi phân tích tư duy sáng tạo trong cuộc sống đời thường

1.3 Tình hình nghiên cứu về các yếu tố chủ quan và điều kiện khách quan tác động đến tƣ duy sáng tạo

1.3.1 Tình hình nghiên cứu về những yếu tố chủ quan tác động đến tư duy sáng tạo

Về cơ sở sinh học của tư duy sáng tạo, tác giả Phạm Thành Nghị

(2013)trong Tâm lý học sáng tạo [95] trên cơ sở khái quát các nghiên cứu cho

rằng: sáng tạo có liên quan đến hoạt động của các nơron thần kinh, đến hoạt động của hai bán cầu đại não Tuy nhiên lý thuyết sinh học thần kinh cũng chỉ giải thích một phần của quá trình sáng tạo chứ không thể cung cấp cơ sở vững chắc giúp các nhà nghiên cứu phát hiện vai trò của tế bào thần kinh trong quá trình sáng tạo Do đó, cơ sở sinh học của sáng tạo là vấn đề phức tạp: “không có quan hệ đơn tuyến giữa hoạt động bán cầu não với sáng tạo, tuy nhiên có chứng

cứ về sự ưu trội của bán cầu não phải trong mắt xích trung tâm của quá trình sáng tạo” [95; 172] Tác giả cũng phân tích kiểu nhân cách, khí chất, thái độ, động cơ tác động đến sáng tạo Khái quát nghiên cứu của các học giả, tác giả giới thiệu những đặc điểm nổi trội của nhân cách sáng tạo như: thiên hướng về một lĩnh vực, cởi mở với tình huống không xác định, tưởng tượng tự do, tự do chức năng, tính mềm dẻo, ưa mạo hiểm, cởi mở với sự thiếu trật tự, trì hoãn hưởng thụ, trì hoãn khỏi vai trò giới, tính kiên trì và lòng dũng cảm Động cơ sáng tạo có động cơ trong (động cơ nội sinh) và động cơ ngoài (động cơ ngoại sinh) có thể tác động tích cực hoặc tiêu cực đến quá trình sáng tạo Tuy nhiên

“mối quan hệ giữa động cơ và sáng tạo không thể là mối quan hệ đơn tuyến mà chúng nằm trong mối quan hệ tương tác với các yếu tố như nhân cách, tài năng, văn hóa, nhận thức và các yếu tố khác nữa” [95; 276]

Trong tác phẩm “Cơ cấu trí khôn” [32]tác giả Howard Gardner (2014) đã

luận chứng cho những năng lực phong phú của con người, đồng thời khái quát một số nghiên cứu trong khoa sinh học về cơ sở sinh học của trí khôn (quan điểm về di truyền, quan điểm về tổ chức của bộ não, quan điểm về các yếu tố

Trang 33

của hệ thần kinh) Tác giả đi đến kết luận: “trên cơ sở của những phát hiện sinh học thần kinh, theo cả đường lối phân tử hoặc toàn khối, chúng ta đang thu được một chỉ dẫn đầy sức thuyết phục các “kiểu loại tự nhiên” của trí khôn con người” [32; 120] Tuy nhiên, tác giả cũng khẳng định rằng việc giải thích tài năng từ cơ sở sinh học không phải là công việc dễ dàng và không thể tách yếu tố văn hóa ra khỏi quá trình phát triển những tiềm năng trí tuệ

Về yếu tố tinh thần - tâm lý tác động đến tư duy sáng tạo có nhiều nghiên cứu phong phú Tác giả Robert Harriss trong “Giới thiệu về tư duy sáng tạo” đã chỉ ra những khía cạnh tâm lý hoặc kích thích hoặc ngăn cản khả năng sáng tạo của chủ thể

Tác giả Phan Dũng (2010) trong cuốn “Thế giới bên trong con người sáng

tạo” [16], dưới góc độ tâm lý học đã chỉ ra “tính ì tâm lý” như vật cản đối với tư

duy sáng tạo của cá nhân “Tính ì tâm lý” được hiểu “là hoạt động tâm lý của người đó giữ lại các hiện tượng (quá trình, trạng thái, tính chất, khuynh hướng thay đổi) tâm lý cụ thể đã, đang trải qua chống lại việc chuyển sang các hiện tượng tâm lý cụ thể khác” [16;196] Nguồn gốc của nó xuất phát từ trí nhớ Tư duy sáng tạo đòi hỏi cái mới, sự thay đổi trong khi “tính ì tâm lý” lại cố gắng lưu giữ những gì đã biết, nằm trong trí nhớ, không chịu thay đổi, tiếp nhận cái mới Bất cứ ai cũng có “tính ì tâm lý” và không thể khắc phục hoàn toàn được, mỗi người cần chủ động làm giảm tác động tiêu cực của nó đối với tư duy sáng tạo Với quan niệm sáng tạo là hoạt động của cá nhân, tác giả Đức uy (1999) trong

“Tâm lý học sáng tạo” [132] cho rằng: bản ngã là động lực của sáng tạo, tự do nội

tâm là điều kiện của sáng tạo (cởi mở đón nhận kinh nghiệm, khả năng đùa giỡn với các yếu tố và quan điểm, khả năng lượng giá từ bên trong) Con người sáng tạo cần có sự an toàn, tự do tâm lý, sự thẩm định giá trị từ bên trong chính mình, cá nhân “được chấp nhận như một giá trị vô điều kiện” [132; 18] và “vắng mặt lượng giá từ bên ngoài” [132; 18].Vì thế, sáng tạo luôn mang dấu ấn cá nhân “tư tưởng theo cách nhìn mới đều có dấu ấn cá tính Với nghĩa trên, con người tức là tư tưởng, tư tưởng tức là biểu hiện con người chưa hoàn tất, vô hạn, vô tư” [132; 35]

Có thể thấy, tác giả đã nhấn mạnh đến động lực bên trong của sáng tạo cá nhân

Trang 34

Tác phẩm “Cơ sở khoa học của sự sáng tạo” [74] của tác giả Nguyễn Văn

Lê (1998) đã đề cập đến các vấn đề như năng lực sáng tạo, động cơ sáng tạo, đặc biệt tác phẩm phân tích cơ sở sinh lý thần kinh của hoạt động sáng tạo, chỉ ra vai trò của não bộ trong hoạt động tư duy sáng tạo của con người

Tiểu luận “Chưa đủ cô đơn cho sáng tạo” [62] của tác giả Inrasara (2006): chỉ ra vai trò của người nghệ sĩ trong quá trình đi tìm cái mới trong thơ - cần

phải có sự tự do nội tâm, tách khỏi tâm lý đám đông để sáng tạo.Tác giả giải thích hiện tượng ít cái mới trong thơ Việt Nam hiện đại, nhà thơ chưa tạo được phong cách rõ nét là do “kẻ sáng tạo chưa đầy đủ cô đơn Cô đơn đầu tiên và cuối cùng Sự cô đơn cần thiết để tạo nên tác phẩm chiều sâu” [62; 20]

1.3.2 Tình hình nghiên cứu về những điều kiện khách quan tác động đến tư duy sáng tạo

Vấn đề tư duy không thể tách rời các vấn đề của đời sống xã hội Do đó, để làm rõ các yếu tố khách quan tác động đến tư duy sáng tạo, đặc biệt các yếu tố đóng vai trò thúc đẩy, là động lực của tư duy sáng tạo, luận án có tham khảo các công trình nghiên cứu về các vấn đề kinh tế, văn hóa -xã hội

Trong những nghiên cứu của mình, C.Mác luôn nhấn mạnh vấn đề phân biệt tự nhiên với văn hóa, con vật và con người Con người khác con vật trước hết không chỉ ở tư duy, ý thức mà ở quá trình lao động nhằm tạo ra cho mình các phương tiện sống, sản xuất ra chính đời sống của mình, qua đó kiến tạo nên thế giới văn hóa “Sự khác biệt cơ bản giữa con người và các loài vật bắt đầu từ hành vi sản xuất vật chất” [82; 29] Cũng chính từ đó, việc lý giải con người cùng tư duy của họ không thể tách rời xã hội mà con người sống và phát triển trong đó; sự hình thành tư duy, nhân cách, cá tính của cá nhân không thể tách khỏi đời sống cộng đồng, đời sống văn hóa Nếu L.Phoiơbắc xem xét con người trừu tượng, con người cá nhân tách khỏi cơ sở hiện thực của nó thì C.Mác lại xuất phát từ con người cụ thể - lịch sử để tìm hiểu bản chất và vai trò của họ Con người vừa là sản phẩm vừa là chủ thể của lịch sử Tư duy - năng lực đặc biệt của con người là sản phẩm của văn hóa và đồng sáng tạo ra văn hóa Đó là

Trang 35

những luận điểm quý giá làm cơ sở cho luận án phân tích tác động của điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội đến tư duy sáng tạo

Cuốn “Phương pháp 3” [90] của tác giả Edgar Morin (2006) tập trung làm

rõ mối quan hệ giữa văn hóa và tri thức: văn hóa vừa như lực cản đồng thời lại như môi trường nuôi dưỡng tư duy, chỉ ra những đặc điểm của môi trường văn hóa mà ở đó tư duy được giải phóng Theo ông: “Văn hóa sản sinh ra những phương cách tri thức cho con người thuộc nền văn hóa ấy, rồi những con người

ấy bằng phương cách tri thức của họ lại tái - sản xuất ra thứ văn hóa đã sản sinh

ra các phương cách tri thức ấy” [90; 55] Tác giả không chỉ xem xét những “tất định” đè nặng lên tri thức từ bên trong và bên ngoài mà còn xem xét cả những điều kiện thúc đẩy sức vận động hay giải phóng tri thức Ngoài ra, tác giả còn đề cập đến điều kiện xã hội vĩ mô của tri thức như thương mại kinh tế và dân chủ chính trị, tuy nhiên, tác giả cũng khẳng định rằng: “Hoạt động trí tuệ không nhất thiết đình trệ hay tàn lụi khi hoạt động kinh tế đình trệ hay tàn lụi” [90; 83] Cuốn sách đã cung cấp những luận điểm quan trọng giúp người viết làm sáng rõ tác động của văn hóa tới quá trình tư duy sáng tạo

“Nhận diện văn hóa Việt Nam và sự biến đổi của nó trong thế kỉ XX” [52]

là tập hợp những bài viết của tác giả Đỗ Huy (2002) đăng trên các tạp chí, trong

đó một số bài viết thể hiện quan niệm của tác giả về sự chuyển đổi những giá trị của văn hóa Việt nam trước thách thức của toàn cầu hóa, giải quyết mâu thuẫn giữa việc giữ gìn bản sắc, giá trị văn hóa dân tộc và việc tiếp thu những giá trị mới, tiến bộ, xây dựng con người Việt nam mới “nhân cách trí tuệ, thông minh, sáng tạo, tự do và đổi mới mạnh mẽ” [52; 48]

Cuốn sách “Về giá trị và giá trị Châu Á” [110] của tác giả Hồ Sĩ Quý

(2005) trên cơ sở phân tích các vấn đề giá trị, tác giả đã truyền tải tinh thần về vai trò của văn hóa, đặc biệt đời sống xã hội hiện đại ở đó văn hóa ngày càng giữ “vị trí trung tâm” của nó trong đời sống xã hội, ngày càng bộ lộ các “giá trị tiềm ẩn” của nó Giá trị truyền thống có thể đem lại lời giải đáp cho nhiều vấn

đề ở hiện tại Và lôgic của sự phát triển văn hóa không phải là “đối đầu” mà là

“đối thoại”, bao dung, tiếp biến trên cơ sở Chân - Thiện - Mỹ

Trang 36

Về vai trò của giao lưu văn hóa đối với việc thay đổi và hình thành các giá trị mới, luận án có tham khảo công trình của tác giả Dương Phú Hiệp (2012):

“Cơ sở lý luận và phương pháp luận nghiên cứu văn hóa và con người Việt

Nam” [39] Trên cơ sở phân tích khái niệm văn hóa, tác giả khẳng định giao thoa

văn hóa là hiện tượng phổ biến của xã hội loài người, ở đó “sự giao thoa văn hóa tạo ra những dòng chảy mới về tư tưởng, văn hóa, tạo nên những giá trị mới của các nền văn hóa” [39;194] Giao thoa văn hóa cần nền văn hóa có tính mở, biết chọn lọc và chuyển hóa

Bài viết “Giao tiếp liên văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa: Một số vấn

đề triết học” [36] của tác giả Nguyễn Vũ Hảo (2006) bàn đến những khía cạnh triết học của giao tiếp liên văn hóa thông qua việc nhìn nhận những đóng góp và hạn chế của L.Wittgenstein đối với sự ra đời của triết học liên văn hóa bao gồm các vấn đề: lý giải nguyên nhân của việc người ta thường rất khó khăn khi thấu hiểu một nền văn hóa “xa lạ” với mình”; bản chất của giao tiếp liên văn hóa, nguyên nhân và giải pháp của hiện tượng xung đột văn hóa

Tác giả Yao Jehou (2006) lại lý giải cho tính tất yếu của giao tiếp liên văn hóa do sự đa dạng là đặc trưng bản chất của các nền văn minh và “giao lưu liên văn hóa đã trở thành một động lực thúc đẩy sự tiến triển của các nền văn minh thế giới qua mọi thời đại” [146; 31] Từ đó, tác giả đề xuất những nguyên tắc đạo đức cơ bản của giao lưu liên văn hóa tích cực Các bài viết đã cung cấp những luận điểm quan trọng giúp luận án lý giải vai trò của văn hóa đối với tư duy sáng tạo

Về vai trò của dân chủ đối với sáng tạo, đổi mới, luận án tham khảo các bài

viết “Dân chủ hóa đời sống xã hội - động lực phát triển kinh tế” [126] của tác giả Vương Thị Bích Thủy (2004) ; “Xác lập cơ chế dân chủ trong công tác lý

luận” [116] của tác giả Trần Thâm (2007); “Phát huy dân chủ trong xây dựng đội ngũ trí thức ở Việt Nam” [75] của tác giả Nguyễn Thắng Lợi (2009); “Một

số bấn đề về dân chủ” [9] của tác giả Nguyễn Trọng Chuẩn (2014) Những bài

viết đã cung cấp những góc độ phân tích về bản chất của dân chủ, biểu hiện của dân chủ và vai trò của dân chủ đối với sự phát triển của xã hội Trong đó, mối

Trang 37

quan hệ giữa dân chủ với sáng tạo đã được đề cập đến: dân chủ “phải trở thành môi trường tốt nhất để cho mọi cá nhân có thể phát huy được hết khả năng sáng tạo vốn có của họ” [9; 11]; cần “thể chế hóa quyền tự do tư tưởng, tự do sáng tạo trong công tác lý luận”[116; 65]

1.4 Đánh giá tình hình nghiên cứu về tƣ duy sáng tạo và những vấn đề đặt

ra đối với luận án

Những vấn đề nghiên cứu về sáng tạo và tư duy sáng tạo chỉ thực sự bắt đầu vào khoảng nửa cuối thế kỉ XX trở lại đây, chủ yếu diễn ra trong tâm lý học

và thu hút một số chuyên gia nghiên cứu về tư duy Tuy nguồn tư liệu còn ít ỏi nhưng các nghiên cứu đã đạt được một số kết quả quan trọng:

Thứ nhất, thành quả quan trọng nhất của những nghiên cứu là làm thay đổi

quan niệm về sáng tạo và tư duy sáng tạo của con người Trước đó, sáng tạo được phủ lên những quan niệm huyền bí như: sáng tạo chỉ có ở thiên tài, chứa đựng những bí mật không thể hiểu được, hoặc tư duy sáng tạo chỉ cần thiết trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật Những nghiên cứu về sáng tạo và tư duy sáng tạo

đã vén lên bức màn bí ẩn bao quanh nó và đặt nó trở thành một vấn đề khoa học:

tư duy sáng tạo là có thể hiểu được, nó không phải là đặc tính bẩm sinh Mọi lĩnh vực trong cuộc sống đều cần đến sáng tạo từ khoa học đến nghệ thuật, từ kinh tế đến chính trị, giáo dục và cuộc sống đời thường

Thứ hai, nghiên cứu sáng tạo và tư duy sáng tạo được tiếp cận từ góc độ

của nhiều chuyên ngành khác nhau: tâm lý học sáng tạo, nghệ thuật học, triết học khoa học, phương pháp luận, xã hội học về tri thức Kết quả nghiên cứu về cách tiếp cận và phương pháp rất đa dạng, phong phú

Triết học khoa học đã nghiên cứu những điều kiện diễn ra bên trong lòng của nền khoa học dẫn đến sự thay đổi thế giới quan, quan niệm, phương pháp nghiên cứu khoa học Sự phát triển của các lý thuyết khoa học do từ trong bản chất các lý thuyết khoa học luôn chứa tiềm năng tự phủ định, có thể bị bác bỏ,

và sự cạnh tranh giữa các lý thuyết dẫn đến sự thay thế nhau giữa chúng (Karl Popper) Hay sự phát triển của khoa học được hình dung thông qua các cuộc cách mạng thay đổi mẫu hình (Thomas Kuln)

Trang 38

Ngành xã hội học về tri thức cũng đưa ra quan điểm về những điều kiện sinh học - xã hội - văn hóa của sự hình thành tri thức Edgar Morin trong công trình nghiên cứu của mình đã khái quát quan điểm xã hội học về tri thức, đặc biệt chú trọng điều kiện văn hóa - xã hội vừa như tác nhân chi phối, kìm hãm tri thức, vừa đóng vai trò giải phóng tri thức

Lĩnh vực phương pháp luận sáng tạo cũng ghi nhận nhiều nghiên cứu phong phú về tư duy sáng tạo Với quan niệm đặc trưng về tư duy sáng tạo như một loại hoạt động hay kĩ năng “giải quyết vấn đề mới” khác với tư duy truyền thống, các nhà nghiên cứu khám phá và xây dựng nhiều phương pháp tư duy sáng tạo Nổi bật trong số đó là phương pháp tư duy chiều ngang (Edward de Bono), phương pháp bản đồ tư duy (Tony Buzan), các chiến lược tư duy (Michael Michako) và Lý thuyết giải các bài toán sáng chế (Alt Shuller) Tư duy sáng tạo biểu hiện là phương thức tư duy mềm dẻo, có sự dịch chuyển vấn đề và góc nhìn linh hoạt, mở ra nhiều hướng tiếp cận khác nhau đối với một vấn đề, kết hợp nhiều yếu tố như trực giác, tưởng tượng…Những phương pháp đó đã được dạy và vận dụng trong thực tiễn, có những kết quả tác động tích cực

Trong lĩnh vực nghệ thuật, các nhà nghiên cứu quan tâm đến quá trình sáng tạo nghệ thuật như quá trình tự hoàn thiện chính mình của con người; sáng tạo nghệ thuật có sự tham gia của tình cảm và lý trí, lôgic và tưởng tượng Nghệ thuật hướng đến xây dựng những hình tượng điển hình, thể hiện chân lý và giá trị Lĩnh vực có nhiều nghiên cứu và đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu sáng tạo nhất là tâm lý học với sự hình thành chuyên ngành riêng là tâm lý học sáng tạo Với nhiệm vụ trung tâm là nghiên cứu sáng tạo dưới cấp độ tâm lý, các nghiên cứu đã đặt ra và làm rõ nhiều khía cạnh của vấn đề như: khái niệm sáng tạo và tư duy sáng tạo; quá trình sáng tạo diễn ra trong đời sống tinh thần của chủ thể, cơ sở sinh học và xã hội của sáng tạo, những yếu tố xã hội văn hóa tác động đến quá trình sáng tạo của chủ thể; vai trò của cá nhân trong quá trình sáng tạo với những đặc điểm đặc trưng

Những nghiên cứu trên đã mở ra tiềm năng cho sự xuất hiện của một khoa học mới: khoa học sáng tạo, đặt bước khởi đầu cho sự nghiên cứu liên ngành về

Trang 39

sáng tạo và tư duy sáng tạo Giá trị của những nghiên cứu là làm thay đổi cách nhìn và đánh giá của con người đối với một lĩnh vực nghiên cứu mới, cần thiết

và nhiều tiềm năng trong thế kỉ XXI

Giá trị của những nghiên cứu cũng nằm ở chỗ đã đặt ra nhiều vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện và làm sáng tỏ Các nghiên cứu về sáng tạo trong các lĩnh vực khác nhau còn độc lập, tách rời chưa có sự so sánh, thống nhất về cách hiểu các khái niệm cơ bản; và thiếu các khái quát về mặt lý luận Nhiều vấn đề nghiên cứu về sáng tạo và tư duy sáng tạo chưa được hệ thống, làm sáng tỏ Khái niệm tư duy sáng tạo còn nhiều mâu thuẫn từ các cách tiếp cận khác nhau

và thường được đồng nhất với những trạng thái tâm lý chủ quan của cá nhân Do

đó, vấn đề vai trò của cá nhân trong quá trình tư duy sáng tạo chủ yếu được khai thác ở cấp độ tâm lý, ít các nghiên cứu về vai trò của văn hóa - xã hội Những vấn đề tư duy sáng tạo trong các lĩnh vực cụ thể chưa được khái quát và phân biệt về phương thức biểu hiện Có nhiều mâu thuẫn trong cách hiểu về các yếu

tố của quá trình sáng tạo như yếu tố lôgic, tưởng tượng, trực giác…

Một vấn đề đặc biệt được đặt ra là: các khoa học cụ thể, đặc biệt là tâm lý học đã có nhiều nghiên cứu về sáng tạo với nhiều trường phái và cách tiếp cận phong phú Nhưng những nghiên cứu về vấn đề này từ những năm 1950 - 2000 trong lĩnh vực triết học còn chưa nhiều Theo tác giả B Gaut (Triết học về sự sáng tạo) chỉ cho đến đầu thế kỉ XXI ở phương Tây, một số nhà triết học mới chú ý đến vấn đề này và số câu hỏi triết học về nó ngày càng tăng lên Ông cho rằng: vấn đề sáng tạo là một chủ đề quan trọng của triết học Thực tế những nghiên cứu về tâm lý học về chủ đề này đều bắt nguồn từ những câu hỏi triết học

và dựa vào luận cứ triết học về sáng tạo, mặc dù mối liên hệ này dường như đã

bị họ lãng quên Các nhà triết học cần dựa trên những tư liệu phong phú đã tích lũy được trong tâm lý học để giải quyết các vấn đề triết học về sáng tạo Mặt khác việc thảo luận những vấn đề triết học về sáng tạo không chỉ đòi hỏi những

tư liệu nghiên cứu đã có trong triết học nghệ thuật mà cần đến nhiều lĩnh vực khác như triết học về tư duy, khoa học và nhận thức luận

Trang 40

Nhiều vấn đề triết học về tư duy sáng tạo chưa được nghiên cứu và hệ thống: khái niệm tư duy sáng tạo và phân biệt nó với các loại hình tư duy khác như thế nào; tính hợp lý của tư duy sáng tạo, sự tác động của văn hóa xã hội và vai trò của chủ thể trong quá trình sáng tạo tri thức, những biểu hiện đặc trưng của tư duy sáng tạo trong các lĩnh vực cụ thể Như vậy, trên cơ sở khái quát những tư liệu trong các lĩnh vực về sáng tạo và tư duy sáng tạo, trước những đòi hỏi của nghiên cứu đặt ra luận án tiếp tục đi sâu phân tích, khái quát một số vấn

đề triết học về tư duy sáng tạo

Ngày đăng: 18/11/2019, 20:40

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
1. Thomas Armstrong (2008), 7 loại hình thông minh, Mạnh Hải, Thu Hiền dịch, NXB Lao động, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: 7 loại hình thông minh
Tác giả: Thomas Armstrong
Nhà XB: NXB Lao động
Năm: 2008
2. Michel Blay (2013), “Khoa học cổ điển trên đường xuất hiện”, Lịch sử triết học của các khoa học, Hà Dương Tường dịch.Nguồn: https://phantichkinhte123.wordpress.com Sách, tạp chí
Tiêu đề: Khoa học cổ điển trên đường xuất hiện”, "Lịch sử triết học của các khoa học", Hà Dương Tường dịch
Tác giả: Michel Blay
Năm: 2013
3. George Boulden (2006), Tư duy sáng tạo, NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tư duy sáng tạo
Tác giả: George Boulden
Nhà XB: NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh
Năm: 2006
4. G. Bogdanov (2004), Bên ngoài khoa học, NXB Khoa học và kĩ thuật, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Bên ngoài khoa học
Tác giả: G. Bogdanov
Nhà XB: NXB Khoa học và kĩ thuật
Năm: 2004
5. Edward de Bono (2008), Sáu chiếc nón tư duy, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Sáu chiếc nón tư duy
Tác giả: Edward de Bono
Nhà XB: NXB Trẻ
Năm: 2008
6. Tony Buzan, Barry Buzan (2008), Sơ đồ tư duy, NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Sơ đồ tư duy
Tác giả: Tony Buzan, Barry Buzan
Nhà XB: NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh
Năm: 2008
7. Tony Buzan (2010), Lập sơ đồ tư duy, NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Lập sơ đồ tư duy
Tác giả: Tony Buzan
Nhà XB: NXB Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh
Năm: 2010
8. Nguyễn Trọng Chuẩn (1999), Vấn đề tư duy trong triết học Hêghen, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Vấn đề tư duy trong triết học Hêghen
Tác giả: Nguyễn Trọng Chuẩn
Nhà XB: NXB Chính trị Quốc gia
Năm: 1999
9. Nguyễn Trọng Chuẩn (2014), “Một số vấn đề về dân chủ”, Tạp chíTriết học (1), tr. 9 - 21 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Một số vấn đề về dân chủ”, "Tạp chíTriết học
Tác giả: Nguyễn Trọng Chuẩn
Năm: 2014
10. Nguyễn Khắc Chương (2003), “Tiêu chuẩn lôgic trong nhận thức chân lý”, Tạp chíTriết học (145), tr. 36 - 42 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tiêu chuẩn lôgic trong nhận thức chân lý”, "Tạp chíTriết học
Tác giả: Nguyễn Khắc Chương
Năm: 2003
11. Nguyễn Đình Cống (2011), Phương pháp luận nghiên cứu khoa học và sáng tạo, NXB Khoa học kĩ thuật, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Phương pháp luận nghiên cứu khoa học và sáng tạ
Tác giả: Nguyễn Đình Cống
Nhà XB: NXB Khoa học kĩ thuật
Năm: 2011
12. Phan Đình Diệu (2009), “Tư duy sáng tạo”, Tạp chí tia sáng (2+30), tr. 13 - 14 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tư duy sáng tạo”, "Tạp chí tia sáng
Tác giả: Phan Đình Diệu
Năm: 2009
13. J.F. Dortier (2013), “Có một phép màu Hi Lạp không?”, Lịch sử triết học của các khoa học, Hà Dương Tường dịch.Nguồn: https://phantichkinhte123.wordpress.com Sách, tạp chí
Tiêu đề: Có một phép màu Hi Lạp không?”, "Lịch sử triết học của các khoa học", Hà Dương Tường dịch
Tác giả: J.F. Dortier
Năm: 2013
14. Trương Đăng Dung (2004), Tác phẩm văn học như là quá trình, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tác phẩm văn học như là quá trình
Tác giả: Trương Đăng Dung
Nhà XB: NXB Khoa học xã hội
Năm: 2004
15. Phan Dũng (2010), Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Phương pháp luận sáng tạo và đổi mới
Tác giả: Phan Dũng
Nhà XB: NXB Trẻ
Năm: 2010
16. Phan Dũng (2010), Thế giới bên trong con người sáng tạo, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Thế giới bên trong con người sáng tạo
Tác giả: Phan Dũng
Nhà XB: NXB Trẻ
Năm: 2010
17. Phan Dũng (2010), Tư duy lôgic, biện chứng và hệ thống, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tư duy lôgic, biện chứng và hệ thống
Tác giả: Phan Dũng
Nhà XB: NXB Trẻ
Năm: 2010
18. Phan Dũng (2010), Các thủ thuật (nguyên tắc) sáng tạo cơ bản, Phần I, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Các thủ thuật (nguyên tắc) sáng tạo cơ bản
Tác giả: Phan Dũng
Nhà XB: NXB Trẻ
Năm: 2010
19. Phan Dũng (2010), Các thủ thuật (nguyên tắc) sáng tạo cơ bản, Phần II, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Các thủ thuật (nguyên tắc) sáng tạo cơ bản
Tác giả: Phan Dũng
Nhà XB: NXB Trẻ
Năm: 2010
20. Phan Dũng (2010), Các phương pháp sáng tạo, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Các phương pháp sáng tạo
Tác giả: Phan Dũng
Nhà XB: NXB Trẻ
Năm: 2010

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w