MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã sản sinh ra biết bao tên tuổi vĩ đại, vừa là anh hùng dân tộc, vừa là nhà tư tưởng lớn, nhưng có lẽ không ai có được tầm vóc thời đại được loài người tiến bộ, ca ngợi và thừa nhận như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức. Bản thân Người là một tấm gương sáng ngời về tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc, với nhân dân: Trung với nước, hiếu với dân; về đức tính giản dị, cần, kiêm, liêm, chính, chí công vô tư. Do đó, học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh càng không thể bỏ qua việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người về nâng cao ý thức trách nhiệm. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người mới xã hội chủ nghĩa. Muốn có con người mới xã hội chủ nghĩa thì công việc đầu tiên phải làm là quan tâm đến vấn đề giáo dục. Trên tinh thần đó, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) xác định: Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu…tập trung chỉ đạo quyết liệt việc nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực. Như vậy, về mặt nhận thức Đảng ta đã khẳng định giáo dục là quốc sách, là nền tảng để phát triển đất nước trong công cuộc đổi mới. Tuy nhiên, trong tiến trình hội nhập và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội hiện nay ở nước ta, bên cạnh những thành tựu đã đạt được trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, vẫn còn nảy sinh không ít tiêu cực và diễn biến theo chiều hướng ngày càng phức tạp với tính chất, mức độ và phạm vi khác nhau trong đó có ngành giáo dục. Căn nguyên sâu xa của những tiêu cực đó là do mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động vào tư tưởng của mỗi người, tạo điều kiện cho chủ nghĩa cá nhân phát triển. Lợi dụng điều này, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang ráo riết thực hiện âm mưu Diễn biến hòa bình nhằm khuyến khích lối sống thực dụng, hưởng lạc và làm băng hoại đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp. Thực tế cho thấy, ngành Giáo dục Đào tạo đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề liên quan đến những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống ở một bộ phận không nhỏ cán bộ của ngành, làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo, làm giảm lòng tin của nhân dân. Một trong những biểu hiện của sự suy thoái đạo đức là thiếu tinh thần trách nhiệm. Chính vì thế, làm rõ trách nhiệm của mỗi cá nhân, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, nâng cao ý thức trách nhiệm của cá nhân trước tập thể, cộng đồng, Tổ quốc và nhân dân, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ giáo dục hiện nay là rất cần thiết. Quảng Ninh là một tỉnh ven biển có vị trí địa chính trị, địa kinh tế thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Sự phát triển về mức sống, kéo theo những thay đổi về đời sống đạo đức của xã hội đã nẩy sinh rất nhiều vấn đề tiêu cực về mặt đạo đức mà ngành giáo dục cũng không phải là ngoại lệ, thể hiện ở việc thi cử, chạy bằng cấp, các vấn nạn học đường… Sẽ còn rất nhiều vấn đề về mặt xã hội có nguy cơ nảy sinh nếu các cán bộ làm công tác giáo dục của tỉnh Quảng Ninh không ý thức được trách nhiệm của mình trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Vì vậy, việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, không ngừng nâng cao ý thức trách nhiệm đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo trở thành nhiệm vụ cấp thiết của ngành giáo dục nói chung và giáo dục Quảng Ninh nói riêng. Với mục đích nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm của cán bộ ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh nhằm khắc phục những biểu hiện suy hóa về đạo đức góp phần đưa nền giáo dục Quảng Ninh phát triển hơn nữa, tôi chọn vấn đề: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào việc nâng cao ý thức trách nhiệm cho cán bộ ngành giáo dục tỉnh Quảng Ninh hiện nay làm đề tài luận văn của mình.