MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Đói nghèo là một thực trạng của quá trình phát triển kinh tế và hiện hữu trong cuộc sống như một yếu tố lịch sử. Nó có thể sinh ra, tồn tại, phát triển và cũng có thể mất đi ở mỗi con người, mỗi quốc gia hay mỗi xã hội. Đói nghèo hiện vẫn đang tồn tại, bao vây cuộc sống của mỗi gia đình, đe dọa con đường phát triển của mỗi quốc gia, thách thức cả nhân loại. Có thể nói, đói nghèo đã và đang diễn ra trên khắp các châu lục với mức độ khác nhau, đặc biệt ở các nước lạc hậu, chậm phát triển. Với hơn 50% dân số thế giới hiện nay đang phải sống dưới mức 2 USD một ngày, việc xóa đói, giảm nghèo đã và đang trở thành vấn đề toàn cầu, là mục tiêu của thế kỷ XXI và thế giới đã lấy ngày 17 tháng 10 hằng năm là Ngày thế giới xóa đói, giảm nghèo. Hồ Chủ tịch là người đã tìm ra đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, chấm dứt sự khủng hoảng đường lối cứu nước, mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc thời đại Hồ Chí Minh. Chính Người đã khai phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở một nước nông nghiệp lạc hậu, chưa kinh qua chủ nghĩa tư bản, bị chiến tranh tàn phá, từng bước làm cho nghèo trở nên đủ, đủ trở nên giàu, giàu thì giàu thêm 33, tr. 62 để đi tới một xã hội dân giàu, nước mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người luôn luôn chăm lo đến đời sống nhân dân và đặc biệt chú ý đến vấn đề đói nghèo. Có thể khẳng định rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người kiến lập và đặt nền móng tư tưởng vĩ đại xóa đói, giảm nghèo. Xóa đói, giảm nghèo là mục đích, một nội dung, một phương hướng chiến lược lâu dài của chủ nghĩa xã hội, nó không phải là công việc cứu tế, là sự ban ơn, mà là một cuộc cách mạng vĩ đại, bền bỉ, tận tâm, tận trí, tận lực. Ngay từ những ngày đầu sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 vừa thành công, Chính phủ cách mạng lâm thời do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu vừa được thành lập, ngày đêm phải đối phó với thù trong, giặc ngoài, nhưng vẫn dành sự quan tâm sâu sắc đến việc chăm lo cuộc sống cho người lao động nghèo khổ, lực lượng cơ bản của cách mạng vừa thoát khỏi cảnh nô lệ, bị áp bức, bóc lột. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến vấn đề chống đói. Người kêu gọi toàn dân cùng Chính phủ tập trung lực lượng để chống ba thứ giặc: Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, trong đó giặc đói được Người đặt lên hàng đầu, vì vậy, diệt giặc đói là một trong 6 nhiệm vụ cấp bách cần phải giải quyết. Người nhấn mạnh: Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi 35, tr. 572 và dân đủ ăn đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay đến mấy thì cũng không thể thực hiện được 35, tr. 572. Tiếp tục lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn nửa thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa đói, giảm nghèo đã trở thành mục tiêu phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, một sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa cao cả mang tính nhân văn sâu sắc, một trọng điểm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều quyết sách để xóa đói, giảm nghèo như: Cải cách ruộng đất; miễn giảm thuế; xây dựng các công trình xã hội. Bước sang thời kỳ đổi mới, vấn đề xóa đói, giảm nghèo vẫn luôn được thực hiện. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng khẳng định: Hơn bốn năm qua, để đáp ứng các nhu cầu của đời sống nhân dân, chúng ta đã động viên và phát huy khả năng của toàn xã hội, khuyến khích người lao động tăng thu nhập và làm giàu chính đáng 16, tr. 31. Đại hội lần thứ X của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: Tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội và trợ cấp về điều kiện sản xuất, nâng cao kiến thức để người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo tự vươn lên thoát nghèo và cải thiện mức sống một cách bền vững; kết hợp chính sách nhà nước với sự giúp đỡ trực tiếp và có hiệu quả của toàn xã hội, của những người khá giả cho người nghèo, hộ nghèo nhất là đối với vùng đặc biệt khó khăn. Ngăn chặn tình trạng tái nghèo 19, tr. 217. Qua hơn hai mươi năm thực hiện công cuộc đổi mới, công tác xóa đói, giảm nghèo đã được xã hội hóa, thu hút được sự tham gia của mọi cấp, mọi ngành, của đông đảo mọi tầng lớp nhân dân. Thành tựu xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam đã được thế giới đánh giá cao. Tuy nhiên, công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở nước ta hiện đang phải đối mặt với những khó khăn và thử thách lớn. Thu nhập và mức chi dùng bình quân đầu người thấp; khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền có xu hướng tăng; tỷ lệ hộ dân tái nghèo còn lớn, xóa đói, giảm nghèo thiếu tính bền vững. Nghệ An là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, giáp tỉnh Thanh Hóa về phía Bắc, tỉnh Hà Tĩnh về phía Nam, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về phía Tây và phía Đông giáp biển Đông. Với diện tích 16.487 km2, Nghệ An chiếm 5,1% diện tích tự nhiên của cả nước. Về dân số, Nghệ An là địa phương đông dân thứ tư của Việt Nam với trên 3,1 triệu người. Mật độ dân số 184 ngườikm2. Với 1120 huyện, thị thuộc khu vực miền núi và núi cao, Nghệ An là một tỉnh nghèo, có tỷ lệ hộ nghèo cao so với bình quân chung cả nước. Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An rất quan tâm đến công tác xóa đói, giảm nghèo, thực hiện nhiều chính sách, dự án xóa đói, giảm nghèo và đã mang lại hiệu quả tích cực. Các chương trình, dự án phát triển kinh tế xã hội gắn với giảm nghèo trên địa bàn phát huy tốt, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, xã nghèo vươn lên. Rút kinh nghiệm thực hiện chương trình giảm nghèo thời kỳ 2001 2005; triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006 2010, từ năm 2006 đến nay, bình quân hàng năm giảm trên 3% tỷ lệ hộ nghèo, tương đương hơn 18.000 hộ nghèonăm, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 27,14% vào đầu năm 2006 xuống còn 17,31% vào cuối năm 2008. Số hộ thoát nghèo là 56.685, bằng 60% kế hoạch giai đoạn 2006 2010. Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác xóa đói, giảm nghèo ở Nghệ An vẫn còn những tồn tại. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn cao hơn so với bình quân của cả nước; một số huyện miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 40%, trong đó có 3 huyện nằm trong tổng số 61 huyện của cả nước có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% (Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong) 56. Do vậy, tỉnh Nghệ An cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo. Trước yêu cầu đó, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về xóa đói, giảm nghèo cũng như thực trạng đói nghèo, công tác xóa đói, giảm nghèo ở Nghệ An, lý giải một cách khoa học cơ sở lý luận và thực tiễn vấn đề xóa đói, giảm nghèo, vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về xóa đói, giảm nghèo để đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn địa phương Nghệ An là yêu cầu cấp thiết. Chính vì vậy, chúng tôi chọn Xóa đói, giảm nghèo ở tỉnh Nghệ An hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh làm đề tài luận văn thạc sĩ khoa học chính trị, chuyên ngành Hồ Chí Minh học.