LỜI NÓI ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng việc làm không phải lúc nào cũng cùng chung một tốc độ, và quan trọng hơn, việc làm và thu nhập từ việc làm đó thường là mối quan tâm đầu tiên của người dân. Thúc đẩy việc làm do đó ngày càng trở thành một nhiệm vụ quan trọng của chính quyền các cấp và được coi là một biện pháp cơ bản để chống lại đói nghèo, thu hẹp khoảng cách về thu nhập trong xã hội. Trong bối cảnh tình trạng thất nghiệp ở khu vực thành thị và thiếu việc làm ở khu vực nông thôn vẫn còn tồn tại như hiện nay, việc phát triển các ngành kinh doanh và phi nông nghiệp là rất cấp thiết để thúc đẩy việc làm. Tuy nhiên, sự phát triển của những ngành này rất hạn chế luôn bị ảnh hưởng bởi thị trường. Số lượng các doanh nghiệp có thể đã tăng nhiều trong những năm gần đây, nhưng quy mô doanh nghiệp của họ thường nhỏ dẫn tới số lượng việc làm thấp. Dân số tăng nhanh cũng có thể được coi là một thách thức đối với việc thúc đẩy việc làm vì nhu cầu việc làm sẽ tăng lên. Nguồn cung lao động do đó sẽ dư thừa. Số lượng người tuyệt đối cao, số người gia nhập lực lượng lao động hàng năm cũng khá lớn, gây ra những áp lực lớn đối với việc tạo việc làm và định hướng nghề nghiệp. Tùy vào những đặc điểm riêng có của từng địa phương như về cơ sở hạ tầng, dân số… mà các địa phương có chính sách phát triển khác nhau đóng các vai trò khác nhau trong việc thúc đẩy sự phát triển việc làm và việc làm bền vững của địa phương. Sự hỗ trợ,quan tâm từ Trung ương tới các xã nông nghiệp nghèo vẫn là một nguồn thiết yếu như ở các khu vực miền núi, địa thế địa hình rất khó khăn chỉ có đầu tư từ Chính phủ thì việc phát triển cơ sở hạ tầng ở những khu vực này mới khả thi. Chương trình 135 là một ví dụ điển hình cho loại đầu tư này. Cùng với đó, trong quá trình thúc đẩy việc làm, Chính phủ, đại diện bởi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cũng đã đóng một vai trò rất lớn thông qua việc ban hành các chính sách khác nhau và áp dụng nhiều chương trình tạo việc làm, an sinh xã hội, an toàn lao động, v.v... Thị trường lao động tất nhiên không chỉ thu hẹp trong phạm vi địa giới hành chính của địa phương mà nó có liên quan chặt chẽ đến thị trường lao động trên cả nước. Theo Bộ luật Lao động, người lao động được quyền tự do làm việc cho bất kỳ ai và bất kỳ nơi nào không bị luật pháp cấm. Do đó, việc di cư lao động là rất tự nhiên và không thể tránh khỏi trong điều kiện có sự khác biệt về nhu cầu lao động từ các cộng đồng doanh nghiệp ở các địa phương khác nhau. Nguồn cung lao động ở mỗi địa phương thường không đáp ứng được nhu cầu lao động của nơi đó về cả số lượng và chất lượng, và thường nhỏ hơn nhu cầu về lao động ở các khu công nghiệp và thành phố lớn. Ngoài ra, sự thiếu việc làm ở các khu vực nông thôn là rất phổ biến và dân số nông thôn và nguồn lao động cũng rất lớn. Từ đó ta thấy hoạt động của thị trường lao động là rất phức tạp, việc dự báo nguồn cung lao động trên thị trường là rất quan trọng vì lý do đó em chọn đề tài : “Quá trình chuyển đổi nghề của lao động nông nghiệp Việt Nam trong thời kì 2004 - 2006 - một phân tích thống kê” 2. Mục đích nghiên cứu - Việc tiến hành nghiên cứu bộ số liệu này là nhằm phân tích tỉ lệ chuyển đổi nghề của lao động nông nghiệp qua các năm vừa qua. Từ đó, chúng ta có thể dự báo về cung lao động của các năm tiếp theo dựa vào tỉ lệ lao động chuyển đổi qua các năm mà ta có được, đồng thời tiến hành bố trí công việc phù hợp đối với khả năng của các lao động. - Bên cạnh đó, thông qua đây ta cũng có thể nhận ra được những yếu tố tác động như thế nào đến quyết định chuyển đổi của lao động nông nghiệp. Dựa vào đó, ta sẽ tác động vào những yếu tố khách quan để có thể phần nào điều chỉnh chất lượng lao động cũng như quy mô lao động qua các năm cho cân bằng. - Chúng ta cũng sẽ nhận ra được những điểm yếu cần khắc phục của lao động nông nghiệp và những mặt tích cực và hạn chế của quá trình chuyển đổi. 3. Số liệu và phương pháp nghiên cứu - Số liệu sử dụng: đề tài nghiên cứu được dựa trên bộ số liệu điều tra mức sống dân cư qua 2 năm là 2004 và 2006(VHLSS2004 và VHLSS2006). Sau khi tiến hành lọc tách số liệu, chúng tôi sẽ phân tích thông qua các dữ liệu mà hai bộ số liệu này chứa đựng để rút ra những vấn đề mà mình định nghiên cứu. - Phương pháp nghiên cứu: Để tiến hành phân tích số liệu, chúng tôi sử dụng phương pháp Logit vì sau quá trình nghiên cứu, ta thấy được đây là phương pháp phù hợp để tiến hành nghiên cứu. 4. Kết cấu của đề tài gồm 4 chương Chương 1: Một số khái niệm Chương 2: Thực trạng chuyển đổi nghề của lao động nông nghiệp Chương 3: Mô hình kinh tế lượng phân tích sự chuyển đổi nghề của lao động nông nghiệp Chương 4: Kết luận và một số khuyến nghị Do đặc điểm của bài viết là được viết giữa hai người là tôi và bạn Nguyễn Ngọc Bình nên với kết cấu bài viết như trên, chúng tôi đã phân công viết bài như sau: Chương 1: Một số khái niệm chung: người viết là Đặng Thanh Hà Chương 2: Thực trạng chuyển đổi nghề của lao động nông nghiệp: người viết là Đặng Thanh Hà Chương 3: Mô hình kinh tế lượng phân tích sự chuyển đổi nghề của lao động nông nghiệp: người viết là Nguyễn Ngọc Bình Chương 4: Kết luận và một số kiến nghị: người viết là Nguyễn Ngọc Bình