A.ĐẶT VẤN ĐỀ I. LỜI MỞ ĐẦU Tự sự là phương thức trình bày một chuỗi sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến một kết thúc thể hiện một ý nghĩa. Tự sự giúp người kể giải thích sự việc, tìm hiểu con người, nếu vấn đề và bày tỏ thái độ khen chê. Cách hiểu này cho thấy rõ vai trò của phương thức tự sự đối với học sinh trong việc học tập và trong cuộc sống thường ngày. Bởi trong học tập, sinh hoạt giao tiếp hàng ngày, con người luôn gặp những yêu cầu, như: kể lại một sự việc, một người, một tâm trạng đã gặp, đã trải qua trong quá khứ; kể lại ấn tượng,cảm nghĩ của mình sau khi xem một chương trình, đọc một tác phẩm cho người thân, bè bạn nghe, hay ghi lại những dòng nhật kí sự kiện…Trong sáng tạo nghệ thuật, hoạt động báo chí, hay chương trình học tập cũng vậy: một văn sĩ viết một thiên tiểu thuyết, một kí giả thực hiện một bài phóng sự, một cậu học trò thực hiện một kĩ năng làm văn…đều cần phải sử dụng phương thức tự sự và văn bản tự sự. Chính vì vậy, việc rèn luyện kĩ năng làm văn tự sự cho học sinh là rất cần thiết. Mục tiêu của sáng kiến này là nhằm giúp học sinh có những kỹ năng trong việc tạo lập văn bản tự sự nói chung và bài văn kể chuyện đời thường nói riêng. Để làm được điều đó, trước hết phải tìm ra đâu là nguyên nhân dẫn đến chất lượng làm bài văn tự sự của học sinh còn chưa cao. Từ việc tìm hiểu nguyên nhân để đưa ra những phương pháp giảng dạy phù hợp nhằm giúp học sinh có những kỹ năng cơ bản khi làm văn tự sự. II. THỰC TRẠNG CỦA VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU Đối với học sinh lớp 6, là đối tượng mới chuyển từ bậc học Tiểu học lên bậc học Trung học cơ sở nên các em còn nhiều bỡ ngỡ trong việc lĩnh hội tri thức. Chính vì vậy, trong bài làm của học sinh thường mắc nhiều lỗi về cả nội dung và hình thức, như: không xác định được mục đích, yêu cầu nên không xác lập được hướng triển khai ý chính, chủ đề của bài văn; cốt truyện thiếu chặt chẽ, tình huống chưa hấp dẫn và tự nhiên, chưa quan tâm đến các tình tiết mà chỉ quan tâm đến sự việc chính; cách xây dựng nhân nhiều khi còn có sự mô thuẫn nhiều mặt; chọn trình tự kể, ngôi kể chưa phù hợp; các chi tiết trong truyện chưa có sự lựa chọn; mở truyện, kết chuyện thiếu tự nhiên, thiếu sức lôi cuốn; chưa quan tâm đến giọng kể và lời kể; không thực hiện các khâu chuẩn bị trước khi làm bài; cách triển khai ý còn vụng về, chưa mạch lạc…. Từ những thực trạng trên, tôi nghĩ rằng việc việc tìm ra phương pháp để rèn luyện kỹ năng làm bài văn tự sự cho học sinh lớp 6 là rất cần thiết. Chính vì vậy, trong quá trình giảng dạy tôi đã luôn tìm tòi và rút ra những kinh nghiệm trong việc rèn luyện kỹ năng làm bài văn tự sự cho học sinh.