LỜI MỞ ĐẦU Sau hơn hai mươi năm đổi mới, kể từ năm 1986, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ trong mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hoá, ngoại giao…đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Đến nay, Việt Nam đã ký kết gần 70 hiệp định thương mại song phương, kim ngạch thương mại tăng ở mức kỷ lục.Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá trong năm 2008 đạt 143,4 tỷ USD, tăng 28,9% so với năm 2007, trong đó xuất khẩu đạt 62,69 tỷ USD, tăng 29,1% so với năm trước, vượt 7% kế hoạch năm và nhập khẩu là 80,71 tỷ USD, tăng 28,8%, thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu.Như vậy, nền kinh tế Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế mở và hội nhập ở mức độ cao. Thành tựu này có được là do sự phối hợp, nỗ lực hết mình của toàn bộ nền kinh tế, và chính phủ trong việc phân bổ nguồn lực hợp lý, tập trung phát triển các ngành trọng điểm, mũi nhọn, dẫn dắt nền kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp. Trong giai đoạn 2001- 2005, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp liên tục được duy trì ở tốc độ cao( năm 2001- 14,6%, năm 2002- 14.8%, năm 2005- 17.1%), các năm 2006, 2007 đều đạt tốc độ 10%. Trong đó, Dệt May được coi là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, chiếm trên 10% giá trị sản phẩm công nghiệp, đóng góp 8% vào GDP, chiếm 16% tổng kim ngạch xuất trong cả nước. Phải nói rằng, ngành dệt may Việt Nam là ngành được Chính phủ rất quan tâm. Điều này không chỉ do tốc độ tăng trưởng cao, tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu mà quan trọng hơn cả là đã tạo ra trên 2 triệu chỗ làm với 6 triệu người ăn theo. Những đóng góp cho xã hội đó đã nâng cao vị thế của ngành dệt may trong nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới xảy ra đã làm kinh tế Việt Nam có những thay đổi đáng kể đặc biệt đối với cán cân xuất nhập khẩu.Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá năm 2009 đạt 56,6 tỷ USD, giảm 9,7% so với năm 2008.Kim ngạch nhập khẩu hàng hoá đạt 68,8 tỷ USD, giảm 14,7% so với năm 2008.Trước những bất lợi đó,Ngành Dệt may Việt Nam cũng chịu những ảnh hưởng không nhỏ. Hàng dệt may xuất khẩu sang thi trường chính là Mỹ đạt 4,9 tỷ USD, giảm 3% so với năm 2008; tiếp theo là EU đạt 1,7 tỷ USD, giảm 3,1%; Nhật Bản 930 triệu USD, tăng 12%.Sự giảm sút kim ngạch xuất khẩu đó là do ngành Dệt May hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, nguồn nhân lực thiếu trình độ,chưa am hiểu thị trường xuất khẩu và mới chỉ chủ yếu tham gia vào khâu gia công sản xuất sản phẩm cuối cùng, đây cũng là khâu có gíá trị gia tăng thấp nhất. Trong khi đó, mục tiêu phát triển của ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam đến năm 2020 là trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn về xuất khẩu, thoả mãn ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng trong nước, tạo nhiều việc làm cho xã hội, nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập vững chắc kinh tế khu vực và thế giới; từng bước đưa ngành Dệt May thoát khỏi tình trạng gia công sản xuất. Do đó, để đạt được mục tiêu đã định, việc nghiên cứu thực trạng của ngành Dệt may cũng như giải pháp thúc đẩy xuất khẩu Dệt may là việc làm cần thiết và mang tính thực tiễn cao. Xuất phát từ thực tế đó, tôi đã chọn đề tài “ Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu dệt may Việt Nam thời kỳ hậu khủng hoảng” Đề tài được thực hiện với mục đích nghiên cứu lý luận và ứng dụng vào thực tiễn ngành công nghiệp Dệt May Việt Nam qua đó xem xét thực trạng xuất khẩu của Dệt May Việt Nam thời kỳ hậu khủng hoảng, từ đó đề xuất các giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy xuất khẩu Dệt may Việt Nam trong thời gian tới. Trên cơ sở mục đích, phạm vi và phương pháp nghiên cứu, nội dung của đề tài nghiên cứu được chia là ba chương, cụ thể như sau: Chương 1: Sự cần thiết thúc đẩy dệt may thời kỳ hậu khủng hoảng. Chương 2. Thực trạng hoạt động xuất khẩu dệt may Việt Nam. Chương 3. Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam thời kỳ hậu khủng hoảng Qua đây, tôi xin chân thành cảm ơn sự hướng dẫn tận tình của thầy giáo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Sơn đã giúp tôi hoàn thành bài nghiên cứu này.